Phương Tây hoài nghi đề xuất ngừng bắn của Trung Quốc cho Ukraine
Tác giả : Reuters | Nguồn: VOA | Ngày đăng: 2023-02-24 |

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc ngày 24/2/2023, nhân kỷ niệm một năm ngày Nga xâm lược Ukraine.
Phương Tây phản ứng với thái độ hoài nghi đối với đề nghị của Trung Quốc hôm 24/2 – kỷ niệm một năm ngày Nga xâm lược Ukraine – về một lệnh ngừng bắn. NATO cho rằng Bắc Kinh không mấy khả tín với vai trò trung gian hòa giải.
“Bất kỳ đề xuất nào có thể thúc đẩy hòa bình đều đáng được xem xét. Chúng tôi đang xem xét nó”, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken phát biểu trên đài ABC.
“Nhưng bạn biết đấy, có 12 điểm trong kế hoạch của Trung Quốc. Nếu họ nghiêm túc với điều đầu tiên, chủ quyền, thì cuộc chiến này có thể kết thúc vào ngày mai”, ông nói.
“Trung Quốc đã và đang cố gắng đạt được cả hai cách: Một mặt, họ cố gắng thể hiện công khai là trung lập và tìm kiếm hòa bình, đồng thời, họ đang nói lên câu chuyện sai sự thật của Nga về cuộc chiến.”
Ông Blinken nói thêm rằng Trung Quốc đã cung cấp hỗ trợ phi sát thương cho Nga thông qua các công ty của họ và nhắc lại cáo buộc rằng Bắc Kinh “hiện đang cân nhắc hỗ trợ sát thương.”
Phát biểu với các phóng viên ở Estonia, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg lưu ý rằng Bắc Kinh đã ký một thỏa thuận với Nga chỉ vài ngày trước khi nước này xâm lược Ukraine một năm trước.
Ông nói: “Trung Quốc không có nhiều uy tín vì họ đã không thể lên án cuộc xâm lược bất hợp pháp vào Ukraine.”
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết Trung Quốc không chia sẻ kế hoạch hòa bình mà chỉ chia sẻ một số nguyên tắc.
“Tất nhiên, chúng tôi sẽ xem xét các nguyên tắc, nhưng chúng tôi sẽ xem xét chúng trong bối cảnh Trung Quốc đứng về phía nào đó,” bà nói.
Một năm trước, vào ngày 24/2/2022, Nga xâm lược Ukraine, Trung Quốc kêu gọi ngừng bắn toàn diện, một đề xuất mà Kyiv bác bỏ trừ khi nó liên quan đến việc Nga rút quân.
Bắc Kinh kêu gọi giảm leo thang dần dần, cảnh báo chống lại việc sử dụng vũ khí hạt nhân và nói rằng xung đột không mang lại lợi ích cho ai cả.
Kế hoạch này chủ yếu là sự nhắc lại đường lối của Bắc Kinh trong suốt cuộc chiến, trong đó Bắc Kinh đã kiềm chế không lên án Nga hoặc coi sự can thiệp của Moscow là một “cuộc xâm lược” trong khi chỉ trích các chế tài của phương Tây. Nga mô tả cuộc chiến ở Ukraine là một “chiến dịch quân sự đặc biệt”.
Các nước phương Tây đã cảnh báo rằng bất kỳ động thái nào của Trung Quốc bán vũ khí cho Nga sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Cố vấn an ninh quốc gia của Toà Bạch Ốc Jake Sullivan nói với NBC rằng ông không xác nhận tường thuật trên tờ Der Spiegel của Đức nói rằng Nga đang đàm phán với một nhà sản xuất Trung Quốc về việc mua 100 máy bay không người lái.
“Cho đến nay, chúng tôi chưa thấy Trung Quốc cung cấp vũ khí sát thương cho Nga và chúng tôi đang tiếp tục giải thích lý do tại sao đó sẽ là một sai lầm khủng khiếp đối với họ”, ông nói.
------------
Ukraine nhìn thấy một số giá trị trong kế hoạch hòa bình của Trung Quốc

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trung Quốc ngày 24/2 kêu gọi ngừng bắn toàn diện ở Ukraine và Tổng thống Volodymyr Zelenskyy cho biết ông sẵn sàng xem xét các phần trong kế hoạch hòa bình 12 điểm do Bắc Kinh đưa ra.
Nhân dịp kỷ niệm một năm ngày Nga xâm lược Ukraine, đồng minh của Moscow là Trung Quốc kêu gọi cả hai bên nhất trí giảm leo thang dần dần, cảnh báo chống lại việc sử dụng vũ khí hạt nhân và nói rằng xung đột không mang lại lợi ích cho ai.
Kế hoạch, được nêu trong một tài liệu của Bộ Ngoại giao, phần lớn là sự nhắc lại đường lối của Trung Quốc kể từ khi Nga tiến hành cái mà họ gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào ngày 24/2 năm ngoái.
Trung Quốc đã kiềm chế không lên án đồng minh Nga hoặc coi sự can thiệp của Moscow vào nước láng giềng là một “cuộc xâm lược”. Trung Quốc cũng đã chỉ trích các chế tài của phương Tây đối với Nga.
“Tất cả các bên phải giữ lý trí và kiềm chế, tránh thổi bùng ngọn lửa và làm trầm trọng thêm căng thẳng, đồng thời ngăn cuộc khủng hoảng trở nên xấu đi hơn nữa hoặc thậm chí vượt khỏi tầm kiểm soát”, Bộ nói.
Phản ứng ban đầu từ Kyiv là bác bỏ, một cố vấn cấp cao của Tổng thống Zelenskyy nói rằng bất kỳ kế hoạch nào để chấm dứt chiến tranh đều phải liên quan đến việc rút quân đội Nga về các biên giới có từ khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991.
Tuy nhiên, bản thân ông Zelenskyy thể hiện một thái độ có vẻ tiếp nhận hơn trong một cuộc họp báo kỷ niệm một năm cuộc xung đột.
Nga cho biết họ đánh giá cao kế hoạch của Trung Quốc và nước này sẵn sàng đạt được các mục tiêu của mình thông qua các biện pháp chính trị và ngoại giao.
Tuy nhiên, các đề xuất này không mấy ảnh hưởng với NATO.
“Trung Quốc không đáng tin lắm vì họ không thể lên án cuộc xâm lược bất hợp pháp vào Ukraine,” Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với các phóng viên ở Tallinn.
‘Không chiến tranh hạt nhân’
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã báo hiệu rằng ông sẽ gia tăng cuộc xung đột, bất chấp những thất bại lớn trên chiến trường trong năm qua, đồng thời làm dấy lên nỗi ám ảnh về vũ khí hạt nhân.
Trung Quốc nói phải tránh vũ khí hạt nhân.
“Vũ khí hạt nhân không được sử dụng và không được tiến hành chiến tranh hạt nhân", Bộ Ngoại giao nói. “Chúng tôi phản đối việc phát triển, sử dụng vũ khí sinh học và hóa học của bất kỳ quốc gia nào trong bất kỳ hoàn cảnh nào.”
Kể từ khi chiến tranh bắt đầu vài tuần sau khi Bắc Kinh và Moscow công bố quan hệ đối tác “không giới hạn”, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói chuyện thường xuyên với ông Putin nhưng chưa một lần nào với người đồng cấp Ukraine Zelenskyy. Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị đã đến thăm Moscow để hội đàm trong tuần này.
Tân Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva nhấn mạnh sự cần thiết của một thỏa thuận hòa bình do bên ngoài làm trung gian.
“Điều cấp bách là một nhóm các quốc gia không tham gia vào cuộc xung đột phải nhận trách nhiệm dẫn đầu các cuộc đàm phán để thiết lập lại hòa bình,” ông Lula viết trên Twitter.
Đã có suy đoán rằng Chủ tịch Tập sẽ có “bài phát biểu hòa bình” vào ngày 24/2 nhưng điều đó đã không xảy ra.
----------