Trung Quốc: Tập Cận Bình thâu tóm quyền lực, không một ai có thể thách thức?
Tác giả : Stephen McDonell Nguồn: BBC Ngày đăng: 2023-03-05


Ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường (trái) và ông Lý Cường (phải)
Kỳ họp Quốc hội Trung Quốc bắt đầu từ cuối tuần này là một nấc thang mang tính biểu tượng về quá trình thâu tóm quyền lực của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Nhà lãnh đạo này đã thay đổi hoàn toàn Đảng Cộng sản Trung Quốc, tự đặt mình vào vị trí hạt nhân và không ai thậm chí có một cơ hội xa vời nào, có thể thách thức ông ta.
Sự thể hiện rõ ràng nhất sẽ là chuyển biến nhân sự được công bố trong phiên họp chính trị thường niên này, sẽ được 3.000 đại biểu quốc hội thông qua.
Người sẽ trở thành thủ tướng, quản lý nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, và về mặt lý thuyết, nắm giữ vị trí quyền lực thứ hai chỉ sau ông Tập.
Thủ tướng sắp mãn nhiệm, Lý Khắc Cường đứng ở vị trí trung tâm trong ngày đầu tiên. Và cuối cùng, tân Thủ tướng Trung Quốc, gần như chắc chắn là Lý Cường, sẽ đứng vào vị trí quyền lực.
Họ là hai con người rất khác biệt, đặc biệt xét về sự trung thành đối với Tập Cận Bình, người bắt đầu chiến dịch chống tham nhũng cách đây một thập kỷ, càn quét một loạt các thành phần đối lập trong đảng thuộc nhiều cấp bậc khác nhau.
Trong Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 10/2022 với việc ra mắt Ban Thường vụ Bộ Chính trị mới gồm bảy thành viên đồng nghĩa nhóm quyền lực mạnh nhất ở quốc gia này hiện đều là những người trung thành với ông Tập.
Tại kỳ họp lần này, những người đứng đầu các sở ngành và vị trí bộ trưởng sẽ được thay thế. Tất cả họ đều được cho sẽ cùng một nhóm chính trị chung.
Điều này không đồng nghĩa là họ không đủ năng lực nhưng liệu họ sẽ sẵn sàng đến mức độ nào để đưa ra lời cố vấn chân thành và không khoan nhượng cho người đàn ông đã đặt họ vào vị trí đó?
"Một mặt, điều này có thể mang ý nghĩa Tập có thể giải quyết công việc với vai trò lãnh đạo mới của mình, nhưng mặt khác, cũng có rủi ro là ông ta sẽ bị kẹt cứng trong một căn phòng tiếng vọng (echo chamber)," một người có thâm niên trong lĩnh vực kinh doanh nói với BBC.
Vì thế, những bổ nhiệm này có ý nghĩa gì trong hướng đi sắp tới của Trung Quốc?
Nếu Lý Cường thật sự trở thành thủ tướng, ngồi ở đó vào ngày cuối của kỳ họp quốc hội, nhận những câu hỏi đã được sàng lọc trong sự kiện báo chí thường niên, điều này sẽ là bước 'đại nhảy vọt' dành cho ông ta.
Với vai trò là Bí thư thành phố Thượng Hải, ông Lý Cường chịu trách nhiệm trong thời gian thủ phủ tài chính của Trung Quốc trải qua hai tháng phong tỏa vì Covid thật thảm họa hồi năm ngoái.
Vì lý do này, nhiều người ngỡ ngàng khi ông ấy được thăng tiến trở thành nhân vật quyền lực thứ hai của Đảng Cộng sản Trung Quốc.


Thượng Hải đã trải qua một trong những đợt phong tỏa nghiêm ngặt và lâu nhất thế giới vào năm ngoái
Không chỉ về phong tỏa, mà còn về chuyện điều hành đã diễn ra một cách yếu kém. Việc bắt những tài xế giao hàng ở nhà đồng nghĩa thực phẩm và thuốc men không thể được vận chuyển hiệu quả đến nhiều triệu người dân không được phép ra ngoài.
Đã xảy ra vấn đề thiếu thực phẩm nghiêm trọng, và khi việc giao hàng được vận hành trở lại thì các cư dân đã đăng hình những loại rau héo úa mà họ được cho ăn để sống.
Khi đến hồi kết của quá trình phong tỏa toàn thành phố, người dân đã thấy quá đủ. Họ đạp đổ hàng rào dựng lên để hạn chế mình, chống trả với lực lượng canh gác tại chỗ về cách tiếp cận zero-Covid, vốn càng thêm bị căm phẫn sau đó.
Giới quan sát đã đặt câu hỏi là tại sao một người chịu trách nhiệm cho thất bại hậu cần quy mô vô cùng lớn như thế lại có thể được giao trọng trách điều hành toàn bộ đất nước.
Rồi thì quá khứ của ông ta đã cho thấy một bức tranh khác. Năm tháng trôi qua, giới doanh nghiệp nhận thấy ông ta là một nhà cải cách, có thể luồn lách qua những sự hà khắc trong giới đảng.
"Ông ta thông minh và là người vận hành tốt nhưng rõ ràng ông ta được vị trí đó là nhờ lòng trung thành với Tập Cận Bình. Khi ông chủ tịch nước kêu ông ta nhảy, ông ta trả lời, 'nhảy cao bao nhiêu?' Joerg Wuttke, Chủ tịch Văn phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc nói. Ông Wuttke đã thực hiện công việc kinh doanh của mình tại Trung Quốc từ những năm 1990 và đã có nhiều hoạt động liên quan đến giới chính trị cấp cao trong Đảng Cộng sản nước này trong nhiều năm.
Ông Wuttke nói thêm là những người tiêu dùng bình thường và các công ty vẫn còn cảm nhận được tác động tiêu cực từ chiến lược zero-Covid.
"Có sự cẩn trọng liên quan đến quan ngại trong vấn đề chi tiêu, từ sự tổn thương liên quan đến chính sách zero-Covid," ông nói, "Có người đã mắc phải vấn đề tâm lý trong những năm qua tại Trung Quốc. họ lo lắng về chuyện gặp rủi ro và rất cẩn trọng khi đưa ra quyết định." Sự tổn thương này đặc biệt hiện diện tại Thượng Hải và sức hấp dẫn của thành phố này đã bị phai mờ đáng kể khi xét về vấn đề đầu tư nước ngoài."
Tuy nhiên, ông Wuttke không nghĩ đây chỉ là lỗi của Lý Cường - và những doanh nhân khác cũng hưởng ứng điều này.
Ông Lý Cường được ghi nhận trong việc đưa Tesla về Thượng Hải. Đây là nhà máy sản xuất đầu tiên của công ty này bên ngoài lãnh thổ Mỹ, và được phép thành lập liên doanh riêng, không cần yêu cầu liên doanh với một đối tác Trung Quốc như cách mà các công ty sản xuất xe ô tô khác từ nước ngoài phải thực hiện.
Khi tán dương chương trình thử nghiệm Khu Thương mại Tự do Thượng Hải vào năm 2019, ông Lý Cường nói nơi này sẽ rộng mở đối với sự cạnh tranh quốc tế, và sẽ "đóng vai trò đơn vị vận chuyển quan trọng cho Trung Quốc để hội nhập sâu hơn vào tiến trình toàn cầu hóa kinh tế".
Trong một số nhóm nhất định, ông ấy được xem là một nhân vật tự do hơn, người sẵn sàng cúi đầu tuân theo luật lệ.
Nhưng chưa rõ liệu ông Lý sẽ là một người cúi đầu trước luật lệ được trao quyền lực, không sợ làm những gì cần phải làm bởi vì có sự hậu thuẫn của ông Tập hay không, hay sẽ là một người theo chủ nghĩa thực dụng trước đây, rơi vào một sân khấu lớn và đứng dưới cái bóng của ông Tập.
Hồi năm 2016, ông ta đã trở thành bí thư của một tỉnh giàu có miền đông Trung Quốc là Giang Tô, nổi tiếng với các công ty công nghệ. Ông ấy đã tìm cách gặp gỡ người sáng lập Alibaba là Jack Ma và các nhà lãnh đạo khác để tìm kiếm lời khuyên về môi trường kinh doanh tại tỉnh này.
Thế nhưng đó là quãng thời gian khác. Trong những năm gần đây, ông Tập đã lệnh những công ty công nghệ phải bị kiểm soát, cho rằng họ đã quá quyền lực vì lợi ích của mình. Chuyện những lãnh đạo của những công ty này "biến mất" để bị các cảnh sát theo dõi trong đảng thẩm vấn - vụ mới nhất là của tỷ phú Bao Fan, người sáng lập công ty môi giới giao dịch công nghệ hàng đầu tại Trung Quốc.
Đây dường như không phải là điều mà Lý Cường đã khuyến khích trong quá khứ, nhưng ông ta và Tập đã biết nhau lâu trước đó.
Trước khi đến Giang Tô, ông Lý đã ở phía nam Thượng Hải tại một tỉnh giàu có khác ở miền đông Trung Quốc là Chiết Giang. Vào thời điểm đó, bí thư tỉnh này là Tập Cận Bình, và sau khi Lý trở thành chánh văn phòng, hai người đã làm việc ngày đêm, gây ấn tượng với người lãnh đạo.
Ông Tập lại không bao giờ có cùng một quá khứ như vậy với thủ tướng sắp mãn nhiệm, Lý Khắc Cường.
Họ cũng lớn lên trong thời kỳ lãnh đạo mang tính thập thể hơn, và Lý Khắc Cường khi đó, theo một cách nào đó, là một đối thủ. Ông ta đã được cân nhắc cho vị trí hàng đầu này, Không thể nào không nghĩ đến Trung Quốc sẽ ra sao lúc này nếu ông Lý Khắc Cường là người kế nhiệm, thay vì ông Tập Cận Bình.
Là một nhà kinh tế học giỏi, tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh sau cuộc Cách mạng Văn hóa, Lý Khắc Cường đã thăng tiến qua các cấp bậc trong Đảng Cộng sản Trung Quốc từ con đường Đoàn Thanh niên, một nhóm quyền lực đối thủ.
Sau khi không thể vươn lên vị trí hàng đầu, ông Lý Khắc Cường nhanh chóng bị kiểm soát với vai trò là thủ tướng dưới quyền của Tập, người thâu tóm quyền lực chưa từng có kể từ thời của Mao Trạch Đông, người sáng lập nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Với vai trò thủ tướng, ông Lý Khắc Cường tuyên bố việc giới thiệu trở lại buôn bán đường phố ở các thành phố trên khắp Trung Quốc, giúp chấn hưng nền kinh tế và tạo một bầu không khí sôi động hơn. Nhưng những người hưởng ứng lời kêu gọi này của Bắc Kinh lại bị cảnh sát yêu cầu rời đi.
Dưới thời Tập, vấn đề khiến Bắc Kinh trông như "đi ngược" hoặc "cũ kỹ" đáng phải suy ngẫm. Một vị thủ tướng nêu vấn đề đó cũng không quan trọng. Ở Bắc Kinh, điều này sẽ không thể đi đến đâu.
Lý Khắc Cường, được xem là người theo cựu lãnh đạo Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, người bị đưa ra khỏi phiên bế mạc Đại hội Đảng Cộng sản hồi năm ngoái theo lệnh của Tập.
Có phải ông Hồ không khỏe hoặc ông ta đã gây rắc rối hay không sau khi người của ông ta đã không được cân nhắc, vẫn chưa giải thích được cho một sự kiện khi một kỷ nguyên trước đó bị hạ màn ngay trước truyền thông quốc tế.
Khi được dẫn đi, ông Hồ đã vỗ vai ông Lý Khắc Cường và ông Lý đã gật đầu lại.


Ông Hồ Cẩm Đào vỗ vai ông Lý Khắc Cường khi được đưa ra khỏi phiên bế mạc Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 10/2022
Ông Lý Khắc Cường sẽ còn được nhớ đến với thành tích kinh tế mạnh mẽ, nhưng đến khi cuối nhiệm kỳ thì lại bị cuộc khủng hoảng zero-Covid làm xấu đi.
Trong suốt quãng thời gian tồi tệ nhất, ông nói nền kinh tế Trung Quốc đang chịu áp lực vô cùng lớn và kêu gọi giới chức cẩn trọng không để các lệnh hạn chế gây ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng.
Nhưng giữa yêu cầu bảo vệ nền kinh tế của ông Lý và chính sách duy trì zero-Covid của ông Tập, thì rõ ràng giới chức không có sự lựa chọn nào khác.
Không gì có thể đánh bại Tập Cận Bình, người đang có một đảng làm theo điều mà ông ta muốn.
Mối hiểm nguy duy nhất ông ta dường như đối mặt là danh tiếng của mình có thể bị ảnh hưởng trong một số thành phần dân chúng.
Zero-Covid; việc bãi bỏ đột ngột chính sách zero-Covid sau các cuộc biểu tình rộng khắp, khủng hoảng bất động sản, tỷ lệ thất nghiệp cao ở người trẻ; trấn áp công ty công nghệ và những tổn hại vô cùng lớn trong ngành công nghiệp dịch vụ đã ảnh hưởng đến vị thế của ông ta.
"Mao đã tồn tại trong suốt thời kỳ nền kinh tế bị sụp đổ hoàn toàn bởi vì người dân không còn gì để mất," ông Wuttke nói. "Hiện người dân đã có cuộc sống được cải thiện hơn nhiều, nhưng những người cha mẹ thuộc giới trung lưu đang bắt đầu lo lắng là con của mình sẽ không có cuộc sống tốt hơn họ."
Năm nay, tại phiên họp Quốc hội Trung Quốc, đặc biệt những nhân vật được bổ nhiệm mới, sẽ được quan sát chặt chẽ, về khả năng nền kinh tế hàng đầu thế giới này đang hướng đến đâu.
Nếu tất cả theo cách của Tập Cận Bình, thì Trung Quốc sẽ huy động tổng lực để loại trừ mọi chướng ngại đối với nhà lãnh đạo này.
Nếu quốc gia này không vận hành êm đẹp trên tất cả mặt trận, thì những câu hỏi khó hơn sẽ dần xuất hiện.

"Video giải mã bí ẩn ông Hồ Cẩm Đào bị đưa ra khỏi phiên bế mạc Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc"
----------