Lần đầu tiên chủ tịch Trung Quốc điện đàm với tổng thống Ukraina
Tác giả : Thanh Phương Nguồn: RFI Ngày đăng: 2023-04-26


Ảnh ghép : Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (T) và tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky. AP
Theo tin từ đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV, hôm nay, chủ tịch Tập Cận Bình đã nói chuyện qua điện thoại với tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky. Đây là cuộc trao đổi đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi bùng nổ chiến tranh Ukraina hồi tháng 02/2022. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cùng lúc đó thông báo sẽ gởi một phái đoàn đến Ukraina và đến các nước khác để tìm một « giải pháp chính trị » cho cuộc xung đột.
Đài CCTV cho biết, trong cuộc điện đàm, ông Tập Cận Bình đã khẳng định: “ Trung Quốc đã luôn đứng về phía hòa bình”. Chủ tịch Trung Quốc nói với tổng thống Zelensky rằng “thảo luận và đàm phán” là con đường duy nhất để ra khỏi chiến tranh.
Trên mạng Twitter, tổng thống Zelensky cũng cho biết ông vừa có một cuộc trao đổi “dài và có ý nghĩa” với chủ tịch Trung Quốc. Ông cũng tỏ ý hy vọng quan hệ song phương Ukraina - Trung Quốc được phát triển mạnh mẽ. Phát ngôn viên phủ tổng thống Ukraina thì cho biết cuộc điện đàm giữa lãnh đạo hai nước diễn ra gần 1 tiếng đồng hồ.
Mặc dù về mặt chính thức vẫn giữ lập trường trung lập đối với xung đột giữa Nga với Ukraina, Bắc Kinh cho tới nay chưa hề lên án cuộc chiến tranh xâm lược do tổng thống Putin phát động. Thậm chí gần đây ông Tập Cận Bình đã đến Matxcơva để tái khẳng định quan hệ đối tác chặt chẽ giữa Trung Quốc với Nga. Tuy vậy, tổng thống Zelensky từ nhiều tháng qua vẫn nói ông sẵn sàng thảo luận với chủ tịch Tập Cận Bình.
Vào tháng 2 vừa qua, Trung Quốc đã công bố một kế hoạch 12 điểm, kêu gọi một “giải pháp chính trị” cho cuộc chiến ở Ukraina.
-----------
Hàn Quốc có nên trang bị bom nguyên tử hay không ?
Tác giả : Minh Anh Nguồn: RFI Ngày đăng: 2023-04-26


Ảnh minh họa: Oanh tạc cơ B-52, c-17 và chiến đấu cơ F-22 của không quân Mỹ trong cuộc tập trận với không quân Hàn Quốc ngày 20/12/2022. AP
Trước mối đe dọa hạt nhân, tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên hay Trung Quốc và nỗi lo lắng về sự bền chắc quan hệ đồng minh với Mỹ, đại đa số người dân Hàn Quốc muốn đất nước của mình tự phát triển vũ khí hạt nhân. Nhưng bước ngoặt chiến lược này có nguy cơ gây ra nhiều hệ quả sâu rộng cho nền kinh tế và an ninh Hàn Quốc.
« Giả như Hàn Quốc trang bị bom nguyên tử ? » đây là câu hỏi của nhật báo kinh tế Pháp Les Echos ngày 24/04/2023. Bởi vì, theo kết quả cuộc khảo sát do tờ Hankook Ilbo tại Hàn Quốc thực hiện, thì có đến hai phần ba người dân nước này « ủng hộ phát triển chương trình hạt nhân quân sự quốc gia » giống như Bắc Triều Tiên hay Trung Quốc « hơn là tái triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ trên đất Hàn Quốc ».
Mối nguy Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và độ tin cậy của Mỹ
Những người tham gia cuộc thăm dò đưa ra hai lý do để giải thích. Thứ nhất là do tình hình căng thẳng trong khu vực hay quốc tế gia tăng như đà hiện đại hóa tăng vọt của kho vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên, bùng phát cơn phẫn nộ của Trung Quốc xung quanh vấn đề Đài Loan hay như cuộc chiến xâm lược Ukraina của Nga.
Lý do thứ hai là sự hoài nghi về mức độ đáng tin cậy đồng minh Mỹ. Về mặt chính thức, Seoul vẫn luôn nằm trong ô bảo vệ hạt nhân Washington, dù rằng một phần lớn số vũ khí hạt nhân của Mỹ vốn được cất trữ tại Hàn Quốc đã được rút bớt sau khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc.
Nhưng các tuyên bố của tổng thống Donald Trump đe dọa triệt thoái quân Mỹ ra khỏi Hàn Quốc đã làm xói mòn niềm tin của công luận nước này. Mối lo càng gia tăng « trước tình trạng bế tắc hiện nay trong chính sách đối với Bắc Triều Tiên của chính quyền Biden », theo như nhận định của bà Jamie Kwong, nhà phân tích thuộc Carnegie Endowment for International Peace, trong một cuộc hội thảo do Stimson Center tổ chức.
Trong bối cảnh này, nhiều dân biểu Hàn Quốc công khai đề nghị thực hiện một chương trình hạt nhân quân sự. Ý tưởng này cũng đã được tổng thống Yoon Suk Yeol đề cập ngắn gọn khi ông tin rằng Hàn Quốc có đủ khả năng « khoa học và công nghệ » để phát triển một chương trình hạt nhân như thế.
Những rủi ro kinh tế, tài chính và địa chính trị
Tuy nhiên, theo cảnh báo Siegfried Hecker, thuộc James Martin Center For Non-Proliferation Studies được Les Echos trích dẫn, phát triển chương trình vũ khí hạt nhân rất có thể sẽ khiến Hàn Quốc trả giá đắt trên bình diện tài chính và kinh tế.
Một mặt, đây là một chương trình phát triển và duy tu rất tốn kém, do quy trình kỹ thuật phức tạp, nguy hiểm mà hiệu quả sử dụng không cao như những nước đã sở hữu vũ khí hạt nhân. Khó khăn kế tiếp là tìm bãi thử, và nhất là quân đội Hàn Quốc phải trang bị những loại tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Mặt khác, Les Echos lưu ý, khi phát triển vũ khí hạt nhân, Hàn Quốc sẽ đi ngược lại với cam kết của mình trong khuôn khổ Hiệp ước Không Phổ biến Hạt nhân (TNP), gây bất hòa cho các nước đối tác, và có thể gây thù hận cho Bắc Kinh, Bình Nhưỡng và Matxcơva. Quyết định này cũng có rủi ro làm thất vọng những khách hàng tiềm tàng, mua các lò phản ứng hạt nhân dân sự và gây khó khăn cho Hàn Quốc trong việc tìm kiếm nguồn cung ứng thanh nhiên liệu cho các lò phản ứng của mình.
Luật gia Nathan Park, cộng tác viên cho Viện Quincy, một viện nghiên cứu địa chính trị của Mỹ, trên trang mạng Responsible Statecraft nhận định thêm, việc Hàn Quốc trang bị vũ khí hạt nhân cũng có nguy cơ dẫn đến một cuộc chạy đua hạt nhân trong khu vực Đông Á. Chẳng hạn Nhật Bản có tình trạng tương tự như Hàn Quốc – nghĩa là về mặt công nghệ có khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân, nhưng cho đến giờ không thực hiện bất chấp mối nguy địa chính trị - cũng có thể quyết định theo đuổi chính sách trang bị vũ khí hạt nhân.
Dù vậy, nhà báo Connor Echols của trang mạng Responsible Statecraft ghi nhận, lập trường của dư luận Hàn Quốc về vũ khí hạt nhân phần lớn thay đổi theo chính sách của Mỹ trong khu vực. Năm 2018, khi Donald Trump cố gắng mở rộng ngoại giao với Bình Nhưỡng, kết quả thăm dò cho thấy chỉ có 55% số người được hỏi là muốn Seoul theo đuổi chương trình phát triển hạt nhân của riêng mình – đây cũng là mức thấp nhất kể từ năm 2010.
----------