Mừng vua mới, nhắc lại ba Nữ hoàng và ba kỷ nguyên đặc biệt của nước Anh
Tác giả : Nguyễn Giang Nguồn: BBC Tiếng Việt Ngày đăng: 2023-05-05


Vua Charles sẽ đeo huy hiệu của ông nội, vua George VI để lại trong ngày lễ Đăng quang 07/05/2023
Cuối tuần này, cả nước Anh có dịp Đại lễ Đăng quang tân vương Charles II.
Đây là dịp nhắc lại thời trị vị của Nữ hoàng Elizabeth II, tạ thế tháng 9 năm ngoái.
Người viết bài này hóa ra cũng sống ở Anh hơn 20 năm của cả thẩy 70 năm bà giữ ngôi vua (1952-2022). Nhớ hồi nhập tịch Anh mình tuyên thệ trung thành với bà, chứ không phải với một nước Anh chung chung nào cả. Làm công dân, thần dân có điều hay của nó, nhờ giá trị lịch sử.
Và tôi sẽ nhắc lại về hai vị nữ vương tiền nhiệm: Nữ hoàng Victoria (1837-1901), và Nữ hoàng Elizabeth đệ nhất (1558-1603) để thấy thời kỳ của họ làm thay đổi lịch sử Anh và thế giới ra sao.
Elizabeth I: Nữ hoàng trinh tiết nhìn ra biển lớn
Hồi bọn trẻ trong nhà lên cấp II, tôi chú ý các con học sử thế giới và sử Anh. Hóa ra khác với cách học "sử biên niên" ở Anh, trường dạy các cháu óc tổng hợp về các thời kỳ, các nhân vật.
Để không phải đi vào "lý luận nhiều", tôi lược ra phần dạy cho học sinh ở Anh tuổi 11-14 (Key Stafe 3) và 14-16 (GCSE) về Elizabeth I, người mà thời gian trị vì chưa đầy 50 năm, chiếm trọn nửa sau thế kỷ 16, tương đương giai đoạn vua Lê, chúa Trịnh Tùng và nhà Mạc ở Việt Nam, nhưng đã tạo ra một nước Anh mới.


Chân dung Nữ hoàng Elizabeth I, tại Bảo tàng Royal Museums Greenwich
Các nét chính về Nữ hoàng Elizabeth I là bà sống độc thân, trái với thông lệ thời đó rằng nữ vương cũng phải có chồng. Bà nói, "Nước Anh là chồng tôi" (I am married to my country), và chọn ra hai chính sách lớn:
1-Hoà hoãn giữa đạo Tin Lành do cha bà, Henry VIII để lại với "phe đối lập" Công giáo. Trước đó, phe Tin Lành cuồng tín truy sát Công giáo như cơm bữa và Công giáo kêu gọi láng giềng đồng đạo Pháp xâm lăng Anh (bất thành), gây khủng hoảng quân sự lớn.
2-Rút khỏi các cuộc chinh chiến, thôi không "ăn thua" với các đối thủ Pháp, Tây Ban Nha và dòng họ Habsburg ở Hà Lan vì mấy miếng đất còm cha ông để lại bên châu Âu. Anh vươn ra Đại Tây Dương, sang Tân Thế giới chiếm các vùng rộng hơn.
Elizabeth I đã chọn thương mại và chinh phục miền đất xa, xây dựng kinh tế Anh, vương quốc nghèo và nhỏ trên hòn đảo bên rìa Tây Âu.
Nhưng muốn ra biển lớn, Anh phải "xử lý" ông kẹ đã tung hoành ở Đại Tây Dương cả thế kỷ là Tây Ban Nha.
Nhờ thủy quân mạnh và "cơn gió Tin Lành" (Protestant Wind), Anh bắn nát Hạm đội Tây Ban Nha (Spanish Armada) năm 1588, mở đường giành các đảo Caribbean và đặt chân lên đất liền Bắc Mỹ.
Thuộc địa Virginia ra đời, nay là bang Virginia của Mỹ, lấy tên từ danh hiệu The Virgin Queen - Nữ hoàng trinh tiết.
Về văn hóa, đây là Kỷ nguyên Vàng (Golden Age) của tiếng Anh khi một thổ ngữ của người Anglo-Saxon tích hợp với tiếng Pháp ở triều đình thành ngôn ngữ chính thức cho Giáo hội Anh và bộ máy hành chính. Cùng thứ tiếng Anh mới là sự lên ngôi của ca kịch, đưa văn hóa lan ra toàn dân.
Nhà hát đầu tiên của kịch tác gia William Shakespeare khai trương tại London, và dòng thơ Anh có các tên tuổi Christopher Marlowe, Ben Jonson, Edmund Spenser, Sir Philip Sidney. Bản thân Nữ hoàng Elizabeth I cũng yêu thơ, làm thơ.
Các bạn để ý thấy tuy tách ra khỏi châu Âu lục địa, truyền thống Anh trong các sự tích vẫn rất ít nên thơ, kịch của Shakespeare còn dùng điển tích châu Âu: vở Hamlet (Đan Mạch), Romeo và Juliete (Ý), Giấc mộng đêm hè (Hy Lạp), cùng huyền thoại Anh: kịch vua Lear.


Hình vẽ lại cảnh tàu La Trinidad Valencera của Hạm đội Tây Ban Nha (Spanish Armada) bị đánh đắm trong trận Anh phục kích tháng 9/1588. Trận đánh chấm dứt vị thế số 1 của Tây Ban Nha ở Đại Tây Dương, mở đầu cho kỷ nguyên Anh chinh phục biển lớn
Giai đoạn Elizabeth I khởi xướng kéo dài về sau, được gọi là English Renaissance - Thời kỳ Phục hưng Anh. Vài chục năm sau khi Nữ hoàng qua đời, Anh có tờ báo đầu tiên, tờ Oxford Gazette (1665).
Các triết gia Francis Bacon, John Locke, John Stuart Mill (thế kỷ 18)…đề cao tư duy khoa học, tinh thần tự do, tính liêm chính. Mill quan niệm rằng hành vi đúng đắn phải dẫn tới hạnh phúc.
Thế nhưng, mặt trái của thời kỳ chinh phục là chế độ nô lệ mà ít nhiều gắn với tư duy tôn giáo.
Anh giáo do vua Henry VIII lập ra để tách khỏi Vatican, là quốc đạo, tuân phục triều đình. Đạo này là một nhánh của Tin Lành vốn khắc kỷ, nhưng lại đề cao sự giàu có, kể cả bằng chiếm đoạt.
Sir Francis Drake có 'công lao' phục kích tàu Tây Ban Nhà chở vàng cướp được từ các nền văn minh châu Mỹ, để cướp lại, đem về cho Nữ hoàng. Sir Walter Raleigh lập thuộc địa Anh đầu tiên ở Bắc Mỹ (nay là bang Bắc Carolina), đem thuốc lá, khoai Tây về Anh.
Nhưng phải kể ra là nô lệ ở đồn điền trồng mía thuộc Công tước xứ York chẳng hạn bị coi như tài sản, đóng dấu bằng sắt nung đỏ trên vai hai chữ D.Y. - Duke of York.
Anh cũng sớm xóa nạn buôn bán nô lệ siêu lợi nhuận vì chính các phong trào từ thiện, cũng mang màu sắc tôn giáo phản đối. Nhưng hôm nay, các nhà quý tộc, ngân hàng Anh đang phải trả lời các câu hỏi về tài sản tích lũy được qua thời kỳ đó.
2-Nữ hoàng của Đế quốc 'Mặt trời không bao giờ lặn'
Lên ngôi báu năm 1837, chỉ sau ngày sinh nhật 18 tuổi được một tháng, Nữ hoàng Victoria trị vì hơn 63 năm, và chứng kiến Anh Quốc đạt đỉnh cao chói lọi về quyền lực (zenith of power), trên địa cầu.
Đã có vô số sách, phim và luận án lịch sử về Kỷ nguyên Victoria. Với tôi, nhìn từ châu Á, đương nhiên thời Victoria đã có tác động gián tiếp tới lịch sử Việt Nam thông qua cuộc cạnh tranh Anh-Pháp giành thuộc địa.


Nữ hoàng Victoria lấy chồng người Đức, và có chín con
Năm 1857, Hoàng đế Đại Pháp, Napoleon III cần thị trường cho nền kinh tế tư bản và lo ngại sự bành trướng của Anh ra bên ngoài Ấn Độ và Nam Phi, nên quyết định dùng lá bài Thiên Chúa giáo để xâm lăng Đông Dương và Tây Phi, các phần chưa thuộc về Anh.
Trong các trận đầu tiên đánh vào Đà Nẵng, Pháp tất nhiên đã liên minh với Tây Ban Nha, kẻ thù cũ của Anh. Năm 1860, Pháp và Anh ký hiệp định thương mại để phân định các thị trường thuộc địa.
Tuy thế trong cả thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20, Anh vẫn giàu mạnh hơn Pháp sau thời kỷ giải thực dân, các cựu thuộc địa Anh được thừa hưởng nền tảng kinh tế, văn hóa, giáo dục tốt hơn, cởi mở hơn thuộc địa cũ của Pháp. Đây một phần nhờ tinh thần tự do, khai phá, cộng máu phiêu lưu và tài tổ chức xã hội.
Nước Anh thời Victoria đã tạo ra nhiều chuẩn mực cho nhân loại và phổ biến chúng ra thế giới, trong hàng hải, thiên văn, thể thao, trong cả cách làm vườn, uống trà.
Hồi sang làm việc ở Indonesia, tôi cứ ngỡ chỉ có Hà Lan khai thác, khai phá đảo Java. Nhưng đi mới thấy, vườn thực vật Bogor, phía Nam Jakarta hóa ra cũng do người Anh lập.
Cả đảo Singapore thành thương cảng giàu có và vườn hoa nhiệt đới cũng nhờ Anh. Phong cách xây nhà, làm hoa viên kiểu Anh (xa xưa học từ Ý) lan tỏa mọi nơi. Các môn thể thao trên cỏ: rugby, cricket, tennis, polo, bóng đá...cũng do người Anh chuẩn hóa rồi đem biếu thế giới.
Về công chính, giáo dục xã hội, hệ giá trị thời Victoria vẫn còn ở châu Á. Singapore bảo tồn di sản này và Nhật Bản trân trọng các di sản Anh trong văn học, giáo dục, hàng hải.
'Victorian values' là hệ thống luân lý hiện đại, phù hợp với kinh tế thị trường và sự bành trướng toàn cầu nhưng vẫn giữ phong thái hiệp sĩ. Nó đặt trọng tâm hoạt động của cá nhân vào nỗ lực tự hoàn thiện, vì công việc, ca ngợi nhờ tinh thần phụng sự, nghiêm túc, khiêm tốn, vì tự do nhưng có chút tự trào phúng. Các giá trị này rất khác tính lãng mạn, bay bổng và "yêu hết mình" cho người tình, cho lý tưởng cánh tả, cộng sản một thời ở Pháp mà phần nào lan sang Việt Nam.
Khác với Elizabeth I độc thân, Nữ hoàng Victoria lấy chồng người Đức (Hoàng thân Albert nhà Saxe-Coburg và Gotha), trở thành 'Bà của quý tộc châu Âu' (The Grandmother of Europe).
Hàng chục vua chúa, hoàng thân công chúa châu Âu trong thế kỷ 20 là cháu chắt của bà, gồm Sa hoàng Nicholas II, anh họ vua anh George VI.
3-Kỷ nguyên Elizabeth II thời hậu đế quốc, Chiến tranh Lạnh và toàn cầu hóa
Còn quá sớm để đánh giá về 70 năm qua của Anh dưới thời Nữ hoàng vừa tạ thế, nhưng đài báo bên này có nhắc ra đôi điều, xin chia sẻ.
Đó là thời kỳ Anh phải giải quyết "di sản của Đế chế" và Thế Chiến II, vượt qua khó khăn của khủng hoảng mô hình kinh tế cũ, tập trung vào khoa học, dịch vụ, tài chính và công nghệ quân sự trong Chiến tranh Lạnh và tìm chỗ đứng trong Toàn cầu hóa.
Về đối ngoại, các sự kiện chính xảy ra thời bà trị vì gồm có:
Khủng hoảng Kênh đào Suez(1956); Anh và Pháp "tự ý hành động" và bị Hoa Kỳ ngăn chặn.
Anh gia nhập Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC - tiền thân của Liên hiệp châu Âu EU) năm 1973.
Margaret Thatcher tiến hành cuộc chiến Falklands (1982), cuộc 'viễn chinh' duy nhất của Anh từ sau Thế Chiến II.
Anh trả Hong Kong cho Trung Quốc (1997), nhận cam kết đặc khu này hưởng Nhất quốc lưỡng chế 50 năm.
Trưng cầu dân ý Brexit(2016), Anh chia tay EU, với hậu quả sâu rộng, kéo dài.
Chiến tranh của Nga ở Ukraine(2022), Anh chọn cách ủng hộ Đông Âu, hỗ trợ mạnh cho Kyiv.
Trong cuộc đối đầu Đông -Tây chủ yếu giữa Liên Xô và Hoa Kỳ, Anh đóng vai trò mà Winston Churchill đã chọn - làm ông anh già hơn nhưng nhẹ cân hơn cậu em bự, nước Mỹ.
Bị Hoa Kỳ cướp công rồi đuổi khỏi Dự án Manhattan, Anh đã tự thử thành công bom nguyên tử rồi thành cường quốc hạt nhân thứ nhì của Nato ở châu Âu.
Anh từ chối không gửi quân sang Nam Việt Nam giúp Mỹ nhưng sau 1975 lại đón nguyên Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu trú ngụ.
Sang thế kỷ 21, các nghi thức kỵ binh, thuyền buồm được giữ nhưng sức mạnh đại cường thể hiện qua cặp hàng không mẫu hạm, đội tàu ngầm có hỏa tiễn chở đầu đạn hạt nhân Anh đều có.
Theo sử gia Max Hastings, công nghệ vũ khí của Anh hiện vẫn đầu bảng thế giới, thể hiện qua việc hỗ trợ mạnh cho Ukraine, còn các ngành khác thì ông cho là "chẳng ra gì", xin trích để tham khảo.


Huân huy chương của Đế quốc Anh
Trong nửa sau thế kỷ 20, nước Anh nhỏ đi, thế giới thì to ra. Khi Công chúa Elizabeth lên ngôi vua thay vua cha từ trần đột ngột năm 1952 thì trên toàn cầu mới có 2,6 tỷ dân. Ngày hôm nay con số "đếm vội" đã là 8 tỷ. Các nước châu Âu đi đầu trong mảng tăng dân: Ấn Độ và Trung Quốc đều đã 1,4 tỷ, mà cả Liên hiệp Vương quốc Anh chỉ có 66 triệu người. Điều này cho thấy 70 năm qua, khoa học, y tế đã phát triển vượt bậc, tăng tuổi thọ cho hàng tỷ người. Anh Quốc có đóng góp lớn vào nỗ lực đó, gồm cả công lao chế tạo vaccine chống Covid gần đây.
Quan hệ với châu Âu đã trở thành điểm nóng của giai đoạn cuối thời Elizabeth II, dấu hiệu của các trào lưu cũ và mới trỗi dậy, gây xung đột qua Brexit.
Những con sóng địa chính trị xét cho cùng đều do các dòng chảy di cư gây ra.
Thời của vị Nữ hoàng nhân từ cũng là thời Anh đón người Việt Nam sang rất nhiều. Năm tôi đến Anh cuối 1999, người Việt ở London rất vắng, Nay thì người Việt gốc thuyền nhân Hong Kong và Việt gốc Hoa tại Anh đã có tới thế hệ hai, ba. Các bạn trẻ ra đi từ giai đoạn 2000 cũng tăng. Các tiệm nail shop, phở, bánh mì nay mọc lên như nấm và 'banh-mi' đã thành từ tiếng Anh, trong từ điển Oxford.
Vụ 39 tử thi Việt trong xe thùng vào Essex cuối 2019 là điểm tối trong quan hệ hai bên. Điểm sáng là sinh viên Việt Nam tiếp tục chọn Anh Quốc để tiếp cận nền giáo dục thuộc loại hàng đầu thế giới. Các em sẽ dần dần đem về quê hương ít nhiều hình ảnh đẹp về Anh và kỹ năng, tư duy hiện đại.
Thế nhưng điều tôi băn khoăn là làm sao các em chuyển tải được giá trị tinh túy nhất của người Anh tới xã hội Việt Nam: phong thái ông chủ.
Hòn đảo này từ thế kỷ 11 chưa bị ai xâm lăng, chà đạp nên họ không bao giờ biết mặc cảm cung phụng. Họ quý trọng sự tự tin mà không hùng nổ, nhẹ nhàng mà thâm thuý, hưởng thụ mà như trò chơi. Các môn thể thao quý tộc (cricket, polo…) vẫn cần lấm bùn đất, phân ngựa. Họ là thần dân của vua nhưng không còn đầu óc phong kiến, không cầu cạnh, nịnh bợ, họ kiêu ngầm mà không tự phụ. Đài báo ở đây vẫn trào lộng, hài hước về Hoàng gia và được đùa lại. Trong học thuật họ tìm tòi, khai phá nhiều nhưng tranh luận điềm đạm, không áp đặt ý kiến. Công dân Anh, gồm cả người gốc nhập cư như chúng tôi khi ra thế giới đều được tôn trọng.
Cùng lúc, ta thấy các giá trị Anh vẫn tiếp tục xung khắc với mô hình toàn trị kiểu Đại Hán. Sau Đại loạn Hong Kong 2019-20, dân Hong Kong chạy sang Anh khá nhiều.
Việc đầu tiên là giá bất động sản quanh London tăng cao. Việc thứ nhì là các trường tiểu học vùng Kent chỗ tôi ở bỗng thấy các cháu mang tên họ như Jessica Chan, Andy Wong, Nathan Lau bé xíu nhập học. Dạy ở một trường tiểu học Công giáo, vợ tôi kể điều hay là chương trình học của trẻ Hong Kong giống hệt Anh nên không cần hỗ trợ "chuyển đổi". Thế mới biết di sản Anh ở một khu vực văn hóa Hoa mạnh thật. Chỉ có điều về tính cách thì các cháu Hong Kong "im lặng ghi chép, ngoan ngoãn, ít phát biểu" - nghe quen quen phải không?


Nữ hoàng chính thức khai trương trụ sở New Broadcasting House của BBC vào tháng 7/2013, bên cạnh bà là Chủ tịch BBC khi đó, Lord Patten, cựu Thống đốc Hong Kong
Cuối cùng, xin kể ra câu chuyện của BBC. Kỷ nguyên Elizabeth II là lúc mô hình truyền thông đại chúng (public broadcasting) mất khách, mạng xã hội (toàn Made in USA) và Big Tech, AI lên ngôi.
Nữ hoàng là vị vua đầu tiên ở Anh đọc diễn văn trước toàn dân trên truyền hinh năm 1957, tất nhiên là trên kênh TV của BBC, đài do cha bà lập ra bằng hiến chương hoàng gia BBC Royal Chartter.
Những năm Chiến tranh Lạnh, làn sóng radio của BBC bằng nhiều ngôn ngữ, gồm cả tiếng Việt đã bay qua Bức màn Thép ở châu Âu và Hàng rào Tre ở châu Á, đem lại hy vọng cho con người.
Nhưng từ chừng 10 năm trở lại đây, người ta không còn thiếu thông tin mà bị bội thực tin, thói quen dùng tin pha trộn với giải trí (infortainmen) buộc khối phát thanh, truyền hình phải đổi mới.
Khi gõ những dòng này trên máy tính, tôi chợt nghĩ có một con AI Giang viết bài biết đâu hay hơn mình? Có chăng mình hơn 'trí khôn nhân tạo' là còn trái tim và cảm xúc?
Nơi tôi đã gắn bó nhiều năm qua có điều trùng hợp kỳ lạ: BBC Tiếng Việt ở Anh có lịch sử 70 năm, đúng bằng Kỷ nguyên Elizabeth thứ nhì. Một thời đầy ắp tự hào, nỗi niềm nhung nhớ của hai miền Nam-Bắc Việt Nam, bao kỷ niệm buồn vui mà tôi có vinh dự được tham gia ở giai đoạn về sau, khi thế giới bước sang thế kỷ 21.
Ban tiếng Việt lên sóng lần đầu tháng 2/1952 khi cục diện Chiến tranh Lạnh trên bán đảo Đông Dương bắt đầu hình thành, và sẽ chấm dứt hẳn hoạt động tại London, tại tòa nhà đồ sộ New Broadcasting House mà Nữ hoàng chính thức khai trương vào tháng 7/2013. BBC Tiếng Việt từ sau hè này sẽ chỉ còn ở Bangkok theo một quyết định của BBC cuối 2022, đưa ra một tuần sau khi lễ tang Nữ hoàng.
Trang sử huyền thoại 'Đây là đài BBC Luân Đôn' sắp đóng lại, cùng kỷ nguyên vừa qua đi của vị Nữ hoàng mà phải một thế kỷ mới có một người.


Cỗ xe Diamond Jubilee State Coach chở Nữ hoàng Elizabeth II lúc sinh thời trong một lần khai mạc phiên họp Nghị viện
----------