Các đồng minh Mỹ tìm cách đối phó một Trung Quốc đang lên và một nước Nga khó lường
Tác giả : Reuters Nguồn: VOA Tiếng Việt Ngày đăng: 2023-05-18


Tổng thống Joe Biden (giữa) cùng với Ngoại trưởng Antony Blinken (thứ 2, bên trái) trong cuộc gặp song phương với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (ngồi đối diện) tại Hiroshima, Nhật Bản, vào ngày 18/5/2023, trước khi bắt đầu Hội nghị thượng đỉnh G7
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida vừa họp với nhau tại thành phố mang tính biểu tượng sâu sắc, Hiroshima, hôm thứ Năm (18/5), nhằm mục đích hợp tác chặt chẽ hơn khi đối mặt với một Trung Quốc đang lên và một nước Nga khó lường mà họ xem là mối đe dọa trật tự hậu chiến.
Hai bên đã gặp nhau trước hội nghị thượng đỉnh Nhóm Bảy quốc gia (G7) kéo dài ba ngày bắt đầu vào thứ Sáu tại Hiroshima, thành phố đầu tiên bị bom nguyên tử san bằng.
Các thành viên của G7, bao gồm Đức, Vương quốc Anh, Pháp, Ý và Canada, ngày càng lo ngại về điều mà họ coi là chính sách cưỡng chế kinh tế của Trung Quốc và sự tích lũy nhanh chóng những công nghệ nhạy cảm của nước này, cũng như các mối đe dọa lặp đi lặp lại của Nga về việc sử dụng vũ khí hạt nhân.
Nhưng chuyện giải quyết trực tiếp những vấn đề trên không hề dễ dàng. Các quan chức từ các nước thành viên G7 từng nói riêng với nhau, đặc biệt là do sự phụ thuộc quá lớn của phương Tây vào Trung Quốc, rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vừa là đối tác thương mại vừa là cơ sở sản xuất trong một số trường hợp.
“Cộng đồng quốc tế đang đứng trước một ngã ba đường trong lịch sử”, Thủ tướng Kishida nói trong một cuộc họp báo sau cuộc gặp kéo dài hơn một giờ với ông Biden.
Ông Kishida cho rằng hội nghị thượng đỉnh sẽ là cơ hội để các thành viên G7 cho thế giới thấy cam kết của họ đối với “một trật tự quốc tế tự do và cởi mở dựa trên luật pháp”.
Nhật Bản, mặc dù là khách hàng mua dầu lâu năm của Nga, đã có động thái song song với các biện pháp trừng phạt của G7 đối với Moscow sau cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022 của Nga. Hành động quân sự của Nga cũng khiến người Nhật lo ngại rằng Trung Quốc có thể được khuyến khích hành động chống lại láng giềng Đài Loan tự trị, trừ khi Nga bị ngăn chặn.
Siết chặt trừng phạt
Nhà lãnh đạo Đức, Olaf Scholz, hôm thứ Năm nói rằng G7 sẽ nhắm đến thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga để ngăn nước này lách các biện pháp đã được áp dụng.
Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan nói với các phóng viên trên máy bay Air Force One rằng Hoa Kỳ sẽ có một gói các biện pháp trừng phạt liên quan đến tuyên bố của G7, vốn sẽ tập trung vào vấn đề thực thi các biện pháp trừng phạt Nga.
Ông Kishida sau đó cho biết ông và ông Biden đã đồng ý tiếp tục “các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt đối với Nga cũng như hỗ trợ mạnh mẽ cho Ukraine”.
Người phát ngôn của chính phủ Nhật Bản cho biết ông Kishida và ông Biden cũng chia sẻ hiểu biết về tầm quan trọng của việc bảo vệ các công nghệ chiến lược.
Trước đó trong ngày thứ Năm, ông Kishida đã gặp gỡ những người đứng đầu của một số công ty chip hàng đầu thế giới, yêu cầu họ đầu tư nhiều hơn vào Nhật Bản và đưa ra một dấu hiệu rõ ràng về tầm quan trọng an ninh sâu sắc của công nghệ tiên tiến và chuỗi cung ứng tại G7.
Ông Kishida nói với các giám đốc điều hành, bao gồm cả những người của Micron Technology, tập đoàn Intel và Taiwan Semiconductor Manufacturing (Công ty sản xuất Bán dẫn Đài Loan), rằng việc ổn định chuỗi cung ứng sẽ là một chủ đề thảo luận.
Một quan chức của bộ công nghiệp sau đó cho biết ông Kishida muốn thúc đẩy hợp tác để tăng cường chuỗi cung ứng bán dẫn, trong khi Bộ trưởng Công nghiệp Yasutoshi Nishimura cho biết Nhật Bản sẽ sử dụng 1,3 nghìn tỷ yên (9,63 tỷ USD) ngân sách bổ sung từ năm tài chính vừa qua để hỗ trợ hoạt động kinh doanh chip của mình.
----------