FBI lạm dụng quy định giám sát để theo dõi người Mỹ
Tác giả : Samantha Flom
Biên dịch : Khánh Ngọc
Nguồn: Báo Mai Ngày đăng: 2023-05-25


Hôm 19/05, các nhà lập pháp đến từ cả hai đảng đã bày tỏ lo ngại sau khi một lệnh của tòa án được mở niêm phong tiết lộ FBI đã lạm dụng một quy định giám sát gây tranh cãi để thu thập thông tin tình báo về công dân Hoa Kỳ, trong đó có thông tin về những người bị tình nghi là có liên quan đến vụ xâm nhập Điện Capitol vào ngày 06/01/2021 và các cuộc biểu tình ủng hộ ông George Floyd.
Trong một bản ý kiến của tòa án được biên tập lại hoàn toàn do Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia công bố hôm thứ Sáu (19/05), Thẩm phán Rudolph Contreras thuộc Tòa án Giám sát Tình báo Ngoại quốc đã nêu ra các chi tiết của thông tin được thu thập không đúng quy định này.



Trong bản ý kiến ngày 21/04/2022 của mình, ông Contreras lưu ý rằng FBI đã thường xuyên vi phạm các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của chính họ về việc sử dụng cơ sở dữ liệu theo Đạo luật Giám sát Tình báo Ngoại quốc (FISA). Cơ sở dữ liệu này chứa một kho các cuộc trao đổi bằng điện tử và thông tin tình báo ngoại quốc khác.
“Một nhà phân tích danh tính đã được biên tập lại vì lý do nhạy cảm đã thực hiện 13 truy vấn về những người bị tình nghi là có liên quan đến vụ xâm nhập Điện Capitol vào ngày 06/01/2021,” vị thẩm phán này đã viện dẫn các trường hợp này như một ví dụ.



“Nhà phân tích này cho biết rằng cô đã thực hiện các truy vấn này để xác định xem những cá nhân đó có những mối quan hệ ngoại quốc nào hay không, và cũng trình bày rằng cô đã điều tra ‘hàng ngàn danh tính trong các hệ thống của FBI có liên quan đến cuộc điều tra vụ xâm nhập Điện Capitol’ và không nhớ tại sao cô lại thực hiện 13 truy vấn này dựa trên thông tin thô theo đạo luật FISA.”
Trong vụ việc đó, Cơ quan An ninh Quốc gia (NSD) của Bộ Tư pháp đã kết luận rằng những truy vấn này được thực hiện mà không có niềm tin hợp lý rằng việc truy vấn sẽ mang lại thông tin tình báo ngoại quốc hoặc bằng chứng về một hành vi phạm tội một yếu tố quan trọng cần thiết để sử dụng cơ sở dữ liệu theo FISA một cách hợp pháp.
Tổng cộng hơn 270,000 lượt tìm kiếm bất hợp pháp đã được xác định và bao gồm các cá nhân có liên quan đến các cuộc biểu tình ủng hộ ông George Floyd, những nạn nhân trong các vụ sát nhân và các thân nhân của họ, cũng như hơn 19,000 nhà tài trợ cho một chiến dịch tranh cử của Quốc hội, trong số những người khác.
Phản ứng của Quốc hội



Theo ông Contreras, FBI đã hành động để khắc phục vấn đề này, cho rằng việc lạm dụng hết sức rõ ràng cơ sở dữ liệu này là do một “sự thiếu hiểu biết thông thường” trong nội bộ FBI và Cơ quan An ninh Quốc gia về “ý nghĩa của một truy vấn hợp lý có khả năng mang lại thông tin tình báo ngoại quốc hoặc bằng chứng về một hành vi phạm tội.”
Tuy nhiên, việc tiết lộ rằng quy định này đã chống lại công dân Hoa Kỳ một cách vô căn cứ sẽ khiến cơ quan này không có khả năng nhận được sự tái cấp phép Mục 702 của đạo luật FISA từ Quốc hội, vốn cho phép sự giám sát không cần trát lệnh đối với những người không phải là công dân Hoa Kỳ ở hải ngoại để thu thập thông tin tình báo về các mối đe dọa an ninh quốc gia.
Nếu không được gia hạn, mục này sẽ hết hạn vào cuối năm nay.
Đáp lại tin tức về sự lạm dụng của mục này trong một tuyên bố, thành viên Đảng Dân Chủ hàng đầu trong Ủy ban Tư pháp Hạ viện đã bày tỏ lo ngại về thực tế là các công dân Hoa Kỳ đã bị giám sát một cách bất công.



“Mục 702 hiện hữu chỉ để bảo vệ đất nước khỏi các mối đe dọa từ ngoại bang đối với an ninh quốc gia của chúng ta,” Dân biểu Jerrold Nadler (Dân Chủ-New York) cho biết. “Chính phủ chỉ có thể sử dụng mục này để nhắm đến những người không phải là công dân Hoa Kỳ ở bên ngoài Hoa Kỳ. Nếu FBI vẫn cố sử dụng chương trình này cho các cuộc điều tra tội phạm trong nước thông thường, mà không có một trát lệnh hoặc lý do khả dĩ, thì có lẽ họ hoàn toàn không nên được có quyền tiếp cận thông tin này ngay từ đầu.”
Trong khi lên án những hành động của FBI, ông Nadler nhấn mạnh rằng bản ý kiến của tòa án đã được biên tập lại không tiết lộ bằng chứng về việc FBI nhắm mục tiêu chính trị, vốn là điều mà các đồng sự Đảng Cộng Hòa của ông cho là rất phổ biến.



“Vấn đề không phải là việc FBI đã nhắm mục tiêu một cách bất hợp pháp vào hàng ngàn người Mỹ thuộc bất kỳ quan điểm chính trị cụ thể nào,” thành viên Đảng Dân Chủ này nói. “Có vẻ như họ đã thực hiện các lượt tìm kiếm một cách bất minh những người biểu tình Black Lives Matter, những người bạo loạn ngày 06/01, và vô vàn những người khác. Vấn đề là họ đã nhắm mục tiêu một cách bất hợp pháp vào hàng ngàn người Mỹ. Chỉ thế thôi.”
“FBI nói rằng họ đã từng thiết lập các thủ tục mới để ngăn chặn kiểu lạm dụng này,” ông nói thêm. “Trước đây họ từng hứa như vậy. Nếu không có những thay đổi luật đáng kể để ngăn chặn sự lạm dụng này, thì tôi sẽ phản đối việc tái cấp phép quyền hạn đó cho cơ quan này.”



Trong khi đó, Dân biểu Jim Jordan (Cộng Hòa-Ohio), chủ tịch của cả Ủy ban Tư pháp Hạ viện và Ủy ban về Vũ khí hóa Chính phủ Liên bang, lại không mấy ngạc nhiên trước tin tức về các vi phạm này của FBI.



“Giám đốc FBI Chris Wray nói với chúng ta rằng chúng ta có thể ngủ ngon vào ban đêm vì những gì được gọi là những cải tổ theo đạo luật FISA của FBI. Nhưng mọi chuyện cứ trở nên xấu tệ hơn,” ông Jordan viết trong một tweet.
Việc ông Jordan không lấy làm ngạc nhiên có thể là bởi vì, chỉ mới năm ngoái, có thông tin tiết lộ rằng FBI đã theo dõi hơn 3 triệu người Mỹ mà không có một trát lệnh nào.
Tuy nhiên, cả lưỡng đảng tại Capitol Hill đều phẫn nộ khi tin tức này được lan truyền.



“Đây là một sự lạm quyền thái quá và không thể chấp nhận được,” Dân biểu Pramila Jayapal (Dân Chủ-Washington) viết trong một tweet. “Chúng tôi không thể tái cấp phép chương trình FISA này mà không có một cuộc đại tu hoàn chỉnh về quyền riêng tư để ngăn chính phủ theo dõi người Mỹ mà không cần trát lệnh.”
Cải tổ
Hồi tháng Ba, Ủy ban Tình báo Hạ viện đã công bố một nhóm làm việc lưỡng đảng mới để dẫn đầu các nỗ lực của Quốc hội nhằm tái cấp phép Mục 702 “trong khi xem xét những cải tổ có ý nghĩa.”
“Việc tái cấp phép Đạo luật Giám sát Tình báo Ngoại quốc là một ưu tiên lập pháp hàng đầu của Ủy ban Tình báo Hạ viện,” Chủ tịch Ủy ban Tình báo Mike Turner (Cộng Hòa-Ohio) cho biết trong một tuyên bố. “Thật không may, đã có những hành vi lạm dụng Mục 702 một cách đáng kể và nghiêm trọng, làm xói mòn lòng tin của người dân Mỹ, khiến cho việc tái cấp phép FISA gặp rủi ro.”



“Tôi tin rằng việc tái cấp phép Mục 702 là cần thiết để bảo đảm cho Cộng đồng Tình báo duy trì khả năng thu thập thông tin tình báo ngoại quốc vô giá để luôn đi trước các đối thủ của chúng ta một bước, nhưng cần nhiều sửa đổi để bảo vệ các quyền hiến định của công dân Mỹ.”
Dân biểu Darin LaHood (Cộng Hòa-Illinois) đã được chọn để lãnh đạo nhóm này sau khi gợi ý rằng ông từng là mục tiêu của một truy vấn FISA bất hợp pháp đã được đề cập trong một báo cáo hồi năm 2021.
Phản ứng trước những diễn biến mới nhất này qua Twitter, ông LaHood cho biết sự việc này chỉ chứng minh thêm sự cần thiết của việc cải tổ mà thôi.
“Những lạm dụng FISA nghiêm trọng của FBI nhấn mạnh sự cần thiết của việc Quốc hội cải tổ Mục 702 để bảo vệ tốt hơn các quyền tự do dân sự của người Mỹ. Nhóm làm việc Tình báo Hạ viện 702 của chúng tôi sẽ tiếp tục hướng tới cải tổ để bảo đảm những kiểu lạm dụng này sẽ không bao giờ xảy ra nữa.”
Samantha Flom _ Khánh Ngọc
----------