Mặt thật sau tấm khiên Ngày Thương Binh Liệt Sĩ
Tác giả : Gió Bấc | Nguồn: rfavietnam | Ngày đăng: 2023-07-26 |
Việt Nam trải qua quá nhiều cuộc chiến tranh, quá nhiều người Việt đã hy sinh vì đất nước. Đất nước có ngày tưởng niệm liệt sĩ trận vong, ghi ơn tấm gương anh hùng vì nước quên thân là cần thiết. Nhưng đó là ngày nào? Thiết lập trên cơ sở nào? Tất cả phải chính danh, phải phù hợp lịch sử và lợi ích quốc gia. Việc đảng nhà nước cộng sản áp đặt ngày 27-7 làm ngày thương binh liệt sĩ là đánh tráo lịch sử, cưỡng ép, đánh tráo ngôn từ và khoét sâu hơn vết thương nồi da xáo thịt mà chính họ đã gây ra.
Đến lệ lại lên, hàng năm cứ đến tháng 7 thì hệ thống chính trị của đảng lại ầm ỉ khua chiêng múa trống hoạt động kỷ niệm Ngày Thương Binh Liệt Sĩ. Ngân sách nhà nước lấy tiền thuế của dân tặng quà cho các gia đình chính sách hàng tỉ đồng (1)
Các tổ chức ngoại vi của đảng từ các hiệp hội doanh nghiệp đến các thầy chùa phật giáo quốc doanh cũng được huy động vơ vét tiền của các thành viên, phật tử để “cúng dường” cho hoạt động chính trị này. (2)
Không chỉ quyền lợi vật chất, tinh thần, nhà nước còn chia sẽ, mua chuộc các đối tương gọi là “chính sách” bằng đủ loại ưu quyền khi tuyển sinh, khám chữa bệnh, tuyển dụng…. Buồn cười nhất là đến năm 2013, Bộ Giáo Dục Đào Tạo còn duy trì quy chế cộng điểm tuyển sinh đại học cho Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng (3)
Ngày 27-7 là ngày gì vì sao được chọn? Ai đã chọn nó làm ngày Thương Binh Liệt Sĩ? Theo tài liệu nhà nước cộng sản Việt Nam thì ngày 27-7 được lựa chọn hết sức vô duyên và thiếu chính danh như sau;
“Ngày 27-7-1947, tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã diễn ra cuộc họp để bàn về công tác thương binh, liệt sĩ và thực hiện chỉ thị của Hồ Chủ tịch chọn một ngày trong năm làm ngày "Thương binh”. Sau khi xem xét, hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27-7-1947 làm Ngày Thương binh toàn quốc. Tại đây, ban tổ chức đã trịnh trọng đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi anh em thương binh toàn quốc. Người đã gửi tặng một chiếc áo lụa, một tháng lương và một bữa ăn của nhân viên trong Phủ Chủ tịch. Hằng năm vào dịp này, Người cũng đều có thư và quà để gửi đến các anh em thương binh và gia đình liệt sĩ.
Từ tháng 7-1955, Ngày Thương binh được đổi thành Ngày Thương binh-Liệt sĩ để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, theo Chỉ thị số 223/CT-TW ngày 8-7-1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1975, ngày 27-7 hằng năm chính thức trở thành Ngày Thương binh-Liệt sĩ của cả nước”.
Hóa ra ngày 27-7 không có điểm tựa lịch sử nào cả mà chỉ từ sự gợi ý của ông Hồ Chí Minh và là sự lựa chọn ngẫu nhiên của một nhóm người của đảng cộng sản, không thể nhân danh, không thể tiêu biểu cho cộng đồng dân tộc. Người cộng sản vốn mang đặc trưng là tranh giành quyền lực, quyền lợi cho phe nhóm, không hề có tinh thần dân tộc nên việc chọn ngày 27-7 làm ngày thương binh liệt sĩ và cách tổ chức thực hiện ngày lễ này hơn 70 năm qua đã góp phần làm biến dạng lịch sử,
Ngay khái niệm liệt sĩ hiểu theo nghĩa phổ quát là những người hy sinh thân mình cho đất nước, bất kể thành phần xuất thân, chính kiến chính trị nhưng với đảng, nhà nước Việt Nam, liệt sĩ được định chuẩn méo mó như sau: Liệt sĩ là người đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế hoặc vì lợi ích của Nhà nước, của nhân dân được Nhà nước truy tặng Bằng "Tổ quốc ghi công". (4)
Chính với định nghĩa này ba công an tham gia trấn áp dân bị chết vì lọt giếng ở Đồng Tâm đã được phong liệt sĩ.
Để áp đặt nhồi sọ người dân triệt để hơn, tuyên giáo trung ương đảng còn đưa ra đề cương tuyên truyền Đề cương tuyên truyền kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ hướng dẫn cho guồng máy tuyên truyền từ trung ương đến địa phương, từ hệ thống báo chí truyền hình, truyền thông đến hệ thống loa phường. (6)
Thực tế những đối tượng thương binh, liệt sĩ được vinh danh, khen thưởng tặng quà chủ yếu đều là, chỉ là những người theo công sản, thuộc “phe thắng cuộc” trước và trong cuộc chiến 1945-1954, 1954-1975.
Giới trẻ giới sinh viên học sinh cũng được nhào nặn “Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 là ngày Lễ kỷ niệm được tổ chức hàng năm nhằm tưởng niệm những người thương binh liệt sĩ đã hy sinh, mất mát qua những cuộc chiến. Qua đó tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về lòng biết ơn đối với những người có công với Cách mạng từ trước đến nay”. (5)
Những thế hệ cách mạng tiền bối theo các xu thế chính trị khác như phong trào Cần Vương, Văn Thân; các thành viên đảng phái chính trị quốc gia khởi nghĩa, kháng chiến chống Pháp hy sinh không được tôn vinh là liệt sĩ! Hơn 70 chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa hy sinh trong hải chiến Hoàng Sa năm 1974 chống Trung Quốc xâm lược không được vinh danh và gia đình họ không được đãi ngộ như gia đình liệt sĩ!
Ở góc nhìn khác, có thể gây tranh cãi về chính trị nhưng lại rất chính danh, những người lính VNCH đã nằm xuống trong cuộc chiến bảo vệ Miền Nam cũng xứng đáng trân trọng tôn vinh là liệt sĩ vì thực sự họ đã chiến đấu hy sinh vì đất nước nhưng họ bị xem là ngụy.
Nửa thế kỷ sau chiến tranh đã đủ thông tin, sự kiện để nhìn lại, sai lầm, tội ác chiến tranh 1954-1975 là do những kẻ tạo ra cuộc nồi da xáo thịt mang tên “giải phóng Miền Nam”. Lê Duẩn đã thừa nhận “chúng ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, cho Trung Quốc”. Trong những cuộc bỏ phiếu bằng chân vô cùng chân thật. Hơn 2 triệu đồng bào Miền Bắc năm 1954 di cư vào Nam, hàng triệu người dân Miền Nam di tản, vượt biên bằng đủ mọi phương tiện hiểm nghèo trong và sau 1975 cho thấy nhân dân đã kinh hải, gớm ghiếc những người “giải phóng quân” đến mức nào.
Sản sinh ra ngày 27-7 vô nghĩa đó, nhà cầm quyền cố tình bóp méo lịch sử, phủ nhận mọi phong trào cách mạng khác, phủ nhận công lao kháng chiến chống Pháp của các đảng phái, tổ chức phi cộng sản và gia cố cho tấm bình phong đẩm máu đồng bào “giải phóng Miền Nam”
Ngay trong hàng ngũ của họ, thái độ đối xử với các thế hệ gọi là liệt sĩ cũng bị lệ thuộc vào lợi ích chính trị của đảng. Những anh hùng chống Trung Quốc một thời được tôn vinh, được sáng tác thành ca khúc như Lê Đình Chinh, Nguyễn Thị Hồng Chiêm hiện giờ biến mất trong sử sách.
Hàng vạn chiến binh đã hy sinh trong cuộc chiến chống Pol Pot và Trung Quốc bị phớt lờ đi trong sách giáo khoa chỉ còn lại vài trang. Thậm chí một số nơi bia ghi chiến công chống Trung Quốc bị đục bỏ chữ Trung Quốc. (7)
66 hài cốt quân nhân bị thảm sát ở Gạc Ma năm 1988 vẫn còn vất vơ dưới đáy biển và lễ kỷ niệm vinh danh các liệt sĩ này có lúc thành điều cấm kỵ.
Luôn hô hào kêu gọi đoàn kết dân tộc nhưng với cách chính trị hóa ngày Thương Binh Liệt Sĩ, chính sách phân biệt đối xử hẹp hòi, thiên lệch giữa các đối tượng gọi là có công, hàng ngày nhà nước cộng sản càng khoét sâu hơn vết thương, khoảng cách đối kháng giữa chính quyền và dân, giữa các thành phần dân “cách mạng” và dân “không cách mạng”.
Trong cùng đường lối tuyên truyền mị dân, đánh tráo sự thật, giành độc quyền chân lý, độc quyền yêu nước để duy trì độc quyền cai trị, không chỉ ngày Thương Binh Liệt Sĩ, họ còn áp đặt đủ thứ ngày dối trá như Báo Chí Cách Mạng Việt Nam, Hiến Chương Các Nhà Giáo mà chúng tôi sẽ phân tích sâu hơn trong những bài viết khác.
Tri ơn, đền ơn liệt sĩ, thương binh, có ngày để tôn vinh kỷ niệm liệt sĩ là cần thiết nhưng với đất nước Việt Nam đã trải qua hàng trăm cuộc chiến vệ quốc chống ngoại xâm, có những cuộc nội chiến hàng trăm năm, hàng chục năm, hàng triệu triệu liệt sĩ đã hy sinh qua nhiều thế hệ nối tiếp nhau thì ngày nào thật sự xứng đáng, phù hợp để gọi là ngày kỷ niệm thương binh liệt sĩ?
Lịch sử cân và hiện đại, có thời điểm xảy ra cuộc hy sinh đẫm máu mang dấu ấn chuyển biến quan trọng cho một giai đoạn. Nếu chọn một trong những ngày này làm ngày tưởng niệm liệt sĩ thì vừa mang ý nghĩa tri ân vừa tôn vinh lịch sử và kết nối tình đồng bào, dân tộc xuyên suốt nhiều thế hệ.
Có thể dẫn ra đây một số cột mốc như:
Ngày kinh thành thất thủ 5-7-1885. Cuộc chiến quyết tử chiếm tòa Khâm và đồn Mang Cá ở Huế bất thành, 1500 binh lính và dân chúng hy sinh. Vua Hàm Nghi xuất bôn, ra chiếu Cần Vương phát động sĩ phu cả nước đứng lên kháng chiến. Từ đó đến nay người dân Huế lập miếu và hàng năm đều giỗ Âm Hồn từ 23-5 al. Một sự kiện, một truyền thống bi hùng xứng đáng để cả nước tri ân tưởng niệm.(8)
Ngày 16/6/1930, Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí lên đoạn đầu đài sau khởi nghĩa Yên Bái thất bại. Sư hy sinh này khơi dậy ngọn lửa cho giai đoạn cách mạng mới của tầng lớp thanh niên tân học đấu tranh giành độc lập. (9)
Trong cuộc nội chiến 1954-1975, có những cột mốc lịch sử xứng đáng để lấy làm ngày thương binh liệt sỹ như ngày khởi đầu chiến dịch Mậu Thân 30-1-1968. Ngày 30- 3-1972, mở màn chiến dịch Mùa Hè Đỏ Lửa hàng vạn binh sĩ của 2 bên đã nằm xuống ở đại lộ kinh hoàng, Thạch Hãn, cổ thành Quảng Trị, An Lộc, Kon Tum. Những chàng trai sinh bắc tử nam, hay những người trai miền nam chết trên quê hương mình đều là con mẹ Việt Nam.
Ngày 19-1-1974, Hải Chiến Hoàng Sa hơn 70 sĩ quan, binh sĩ VNCH hy sinh.
Thảm sát Gạc Ma 14-03-1988, hơn 60 cán bộ, chiến sĩ Hải quân QĐND bị giết. Một phần biển đảo rơi vào tay Trung Quốc
Ngày 12/7/1984, trận chiến khốc liệt nhất tại Vị Xuyên mặt trận biên giới Hà Giang với bí danh MB84. Chỉ trong 1 ngày, 600 chiến sĩ của Sư đoàn 356 hy sinh tử trận khi tấn công chiếm lại điểm cao 1059
Rất nhiều ngày mang ý nghĩa trong đại, không cần phải tuyên truyền chỉ cần tổ chức vinh danh đủ cho anh linh liệt sĩ các thế hệ của dân tộc ấm áp thỏa lòng. Chỉ nêu lên sự kiện chân thực đủ để thế hệ đương đại thấu hiểu một cách thực tiễn bài học lịch sử và tấm gương, tinh thần yêu nước.
Chọn ngày lễ cúng Âm Hồn, người ta nhận ra một dân tộc, một triều đại yếu mà không hèn. Vua quan triều đình vứt bỏ cung vàng điện ngọc cùng nhân dân khởi binh kháng chiến.
Chọn ngày Nguyễn Thái học và đồng chí hy sinh là tôn vinh những người tiếp thu tân học nuôi khát vọng độc lập, tự do, dân quyền dân chủ đem mạng sống khơi ngọn đuốc đấu tranh.
Chọn tết Mậu Thân hoặc Mùa Hè đỏ lửa là nhắc nhở nhau máu xương dân tộc là cao quý, duy nhất. Không thể vì lợi ích của phe nhóm mà ôm gót ngoại bang, gây cảnh nồi da xáo thịt. Di hại nội chiến còn gây vết thương đau đớn kéo dài nhiều thế kỷ.
Chọn ngày giỗ trận Vị Xuyên hay hải chiến Hoàng Sa, thảm sát Gạc Ma là bài học truyền đời về giá trị máu xương bảo vệ độc lập chủ quyền, cương thổ.
Chọn một trong những ngày lịch sử ấy là ngày tôn vinh liệt sĩ không chỉ là thành tâm tri ân liệt sĩ mà còn thật sự đoàn kết cộng đồng dân tộc, nuôi dưỡng hùng khí cho thế hệ tương lai.
Nhà nước cộng sản Việt Nam không dám và không thể chọn những ngày lịch sử ấy vì thực tâm họ không cần và không muốn dân tộc thống nhất, phồn vinh, tự do.
Họ ẩn nấp sau thây ma Hồ Chí Minh, Lăng Ba Đình, những ngày lễ lạc giả trá, nuôi dưỡng guồng máy tuyên truyền và bộ máy đàn áp quân đội, công an để giả danh chính nghĩa, duy trì đặc quyền cai trị. Đánh rơi tấm khiên ấy, bộ mặt thật họ lộ ra!
----------