Bài học từ Ukraine (P4):
Công nghệ thúc đẩy dân thường tham gia vào chiến tranh
Tác giả : Shashank Joshi
Biên dịch : Nguyễn Thế Phương
Nguồn: Nghiên Cứu Quốc Tế Ngày đăng: 2023-08-09
Tiếp theo: Phần 1; Phần 2; Phần 3


Bài tiếp theo trong chuỗi bài phân tích về tương lai chiến tranh đặt ra những câu hỏi mang tính pháp lý liên quan tới các hoạt động quân-dân sự kết hợp
Vào đầu cuộc chiến, 20 chiếc xe bồn chở nhiên liệu của Nga tiến vào Sedniv, một thị trấn nhỏ thuộc tỉnh Chernihiv, phía bắc Kyiv. Theo thiếu tướng Viktor Nikolyuk, chỉ huy các lực lượng Ukraine ở phía bắc, “người dân địa phương báo cho chúng tôi và hỏi rằng họ nên làm gì”. Câu trả lời của ông rất đơn giản: “Hút cạn”. Người dân địa phương cưỡi ngựa và lái máy cày mang theo chai lọ, thùng phuy hay ấm trà vừa trút cạn các xe bồn nhiên liệu vừa la lớn “vinh quang cho Ukraine” (Slava Ukraini). Vị thiếu tướng dường như không thể tin được rằng Nga lại triển khai một đợt xe bồn mới ngay sau đó. Và cũng giống như đợt trước, chúng lại bị rút sạch nhiên liệu.
Các cuộc chiến quy mô nhỏ được tiến hành bởi lực lượng vũ trang của các quốc gia. Chiến tranh tổng lực huy động sự tham gia của toàn bộ đất nước. Dân thường đã đóng vai trò lớn trong việc phòng thủ Ukraine. Khi Ukrposhta, cơ quan bưu chính quốc gia Ukraine, tổ chức một cuộc thi thiết kế tem thư, thiết kế thắng giải miêu tả một chiếc máy cày đang kéo theo đằng sau nó một chiếc xe tăng Nga vừa bị bắt giữ – một trong những hình ảnh biểu tượng nhất của cuộc chiến. Khi Kyiv rơi vào vòng nguy hiểm, người dân đã chế tạo bom xăng và sử dụng chúng chống lại thiết giáp của quân xâm lược. Các tình nguyện viên đã và đang quyên góp tài chính để mua sắm thêm phương tiện cơ giới cũng như drone. Quỹ Serhiy Prytula, một tổ chức từ thiện dân sự, thậm chí đã mua hẳn một vệ tinh cho quân đội. Hana Shelest từ Ukrainian Prism, một think-tank, đã viết rằng “Kyiv đã biến phản kháng toàn xã hội trở thành trọng tâm của chính sách phòng thủ quốc gia”.
Không phải là điều gì quá bất thường trong chiến tranh tổng lực, sự phân định giữa dân sự và quân sự đã bị phá vỡ. Tướng Nikolyuk nói rằng người dân địa phương “đóng một vai trò rất to lớn”. Họ che dấu điện thoại di động khỏi tầm mắt của binh lính Nga, và sau đó tiết lộ địa điểm triển khai vũ khí khí tài của Nga bằng cách chấm các điểm định vị ảo trên Google Maps (một ứng dụng của chính phủ, eVorog, hiện tại cho phép dân thường chia sẻ thông tin tình báo). Đại tá Oleh Shevchuk, chỉ huy lữ đoàn pháo binh số 43 của Ukraine, và Serhiy Ogerenko, vị sĩ quan tham mưu của ông, khi trao đổi với tờ Ukrainska Pravda đã khẳng định rằng người dân đã giúp lực lượng pháo binh tinh chỉnh các phát bắn, thậm chí sử dụng các loại drone thương mại của chính họ.
Đại tá Shevchuk nói rằng, nếu binh sĩ của ông xác định được sự có mặt của lính Nga ở gần một ngôi làng cụ thể nào đó, nhưng không biết rõ vị trí chính xác, họ có thể mở Google Maps, tìm kiếm một tiệm tạp hóa địa phương rồi gọi điện cho tiệm tạp hóa đó. “Xin chào, chúng tôi tới từ Ukraine! Không biết có lính Nga xuất hiện ở đó không? Có à. Ở đâu thế? Sao cơ? Đằng sau nhà của bà Hanna. Đó là nhà nào nhỉ? Mọi người đều biết bà ấy! Và thế là chúng tôi nói chuyện tiếp với họ và xác định xem mọi thứ sẽ được tiến hành ra sao”. Trong một trường hợp cụ thể, theo Shevchuk, một chủ trạm xăng đã chia sẻ mật khẩu máy quay an ninh, từ đó giúp quân đội có thể theo dõi được quá trình di chuyển của một đơn vị lính Chechnya đang di chuyển về phía Kyiv.
Kháng chiến toàn dân với yếu tố kỹ thuật số ở mức độ như đã đề cập ở trên là điều khó có thể xảy ra vào 15 năm trước. Jack McDonald từ King’s College London chỉ ra rằng, khi Mỹ xâm lược Afghanistan vào năm 2001, chưa tới 1% dân số địa phương là có thể kết nối internet. Ở Syria vào năm 2011, khi nội chiến đã lan rộng và các thước phim quay bằng điện thoại di động trở nên phổ biến, tỷ lệ dân địa phương kết nối internet cũng chỉ vào khoảng 22%. Khi Nga xâm lược Ukraine năm 2014, tỷ lệ này đạt 46%. Khi Moscow một lần nữa đưa quân vào Ukraine năm ngoái, con số tăng vọt lên gần 80%. Theo McDonald, “những gì chúng ta thấy ở Ukraine sẽ trở thành tiêu chuẩn”.
Tính kết nối cũng như sự phổ biến của điện thoại thông minh đã thúc đẩy và biến đổi mô thức tương tác quân-dân sự kiểu cũ, vốn xuất hiện lần đầu dưới dạng các mạng lưới kháng chiến ở nước Pháp tạm chiếm thời Thế chiến thứ hai. Theo tướng Jim Hockenbull, người đứng đầu bộ phận tình báo quân sự của quân đội Anh vào thời gian đầu của cuộc xâm lược, trong một khoảng thời gian các đội quân cố gắng biến mọi người lính cũng như trang bị vũ khí trở thành một dạng cảm biến. “Thứ đã xảy ra chính là việc rất nhiều người đã trở thành các cảm biến”. Kết quả là sự hình thành của một “mạng lưới cảm biến dân sự” mang tính chất cộng đồng, vốn đã được chứng minh là “rất, rất quan trọng”.
Mạng lưới dân sự không chỉ được sử dụng với tính chất cảm biến. Vào ngày 26 tháng 2, hai ngày sau khi cuộc chiến bắt đầu, Mykhailo Fedorov, một thứ trưởng Ukraine, đã công khai yêu cầu tình nguyện viên tiến hành tấn công mạng nhắm vào các cơ sở kinh doanh cũng như cơ quan chính phủ Nga. Kết quả là sự hình thành của đội quân IT Ukraine, một nhóm gần 200.000 tình nguyện viên gồm toàn các tin tặc. Ông Fedorov yêu cầu nhóm này nhắm vào các cơ quan và công ty nhà nước, cũng như các ngân hàng ở Nga.
Sự tham dự của yếu tố dân sự cũng vượt ra khỏi bên ngoài biên giới Ukraine. Bằng cách cung cấp kết nối thông qua các vệ tinh Starlink, SpaceX đã trở thành một phần trong chuỗi tiêu diệt (kill chain) của quân đội Ukraine. Các vệ tinh được vận hành bởi ICEYE, một công ty Phần Lan, cung cấp những bức ảnh ra-đa chi tiết về các vị trí quân sự của Nga. Ứng dụng Delta của Ukraine, về bản chất là một bản đồ theo thời gian thực tích hợp thông tin tình báo quân sự từ nhiều nguồn khác nhau, đã được lưu trữ đám mây trên các máy chủ đặt ở nước ngoài, theo thông tin của Keir Giles thuộc Chatham House, một think-tank.
Ai đang chiến đấu với ai?
Sự phát triển của cái gọi là “dân sự hóa chiến trường kỹ thuật số”, như Kubo Macak, một nhà tư vấn luật trực thuộc Hội Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) đã định nghĩa, kéo theo nhiều hệ quả pháp lý. Các vệ tinh của ICEYE có thể trở thành mục tiêu quân sự hợp pháp, theo các chuyên gia pháp lý. Vì Delta đang hỗ trợ cho các hoạt động tác chiến, Nga có thể coi các máy chủ đám mây ở nước ngoài của ứng dụng này là “những mục tiêu có giá trị”, theo ông Giles. Hoạt động của đội quân IT đã khiến các học giả luật quốc tế và an ninh mạng hết sức lo ngại.
Một nguyên tắc cốt lõi của luật nhân đạo quốc tế là các lực lượng vũ trang phải phân biệt rạch ròi giữa các bên tham chiến và không tham chiến. Thế nhưng nếu dân thường cũng chế tạo drone, chuyên chở thiết bị quân sự xuyên biên giới từ Ba Lan, báo cáo về hoạt động của binh lính thông qua ứng dụng và dẫn bắn cho pháo binh thông qua các công cụ chat video, liệu họ có trở thành mục tiêu quân sự hợp pháp không? Công ước Geneva khẳng định rằng dân thường sẽ mất đi quyền được bảo vệ “vào khoảng thời gian họ tham gia vào các hoạt động mang tính chất thù địch”. Nhưng điều đó có ý nghĩa gì thì vẫn là chủ đề gây tranh cãi.
ICRC cho rằng tham gia trực tiếp bao gồm những hành vi có tác động chủ đích tới hoạt động quân sự, và sẽ mang lại lợi thế cho một bên trong chiến tranh. Đây là một định nghĩa có tiêu chuẩn cao. Các chuyên gia đều đồng tình rằng nếu những người dân bình thường chỉ trả lời các câu hỏi được hỏi thì không đáp ứng tiêu chí đã nêu. Các cuộc điện thoại của đại tá Shevchuk sẽ không tự động biến những ai trả lời trở thành mục tiêu quân sự khả dĩ. Thêm vào đó, hầu hết thông tin tình báo được chuyển tới các ứng dụng “đều quá chung chung và không quan trọng để có thể trở thành những thông tin ở mức độ gây hại”, theo ông Macak. Một dân thường sẽ phải thu thập và chuyển thông tin “như là một phần của một chiến dịch đồng bộ, có mục đích tấn công cụ thể”. Tuy nhiên hành vi điều khiển drone dẫn bắn cho pháo binh chắc chắn có khả năng bị liệt vào dạng hành vi quân sự khả dĩ.
Bài học rút ra ở đây là tính kết nối đang ngày càng trở thành một nguồn lực quân sự quan trọng. Lực lượng Taliban từ lâu đã kéo sập các tháp viễn thông di động để ngăn chặn người dân Afghanistan gửi thông tin tình báo cho các lực lượng an ninh. Các tổ chức tội phạm ở Mexico hiện nay sử dụng nhiều loại thiết bị gây nhiễu tín hiệu. Tướng Nikolyuk nói rằng hỗ trợ của người dân tại Kharkiv hay Donetsk ở phía đông là không mạnh mẽ bởi Nga đã làm gián đoạn mạng lưới viễn thông di động ở khu vực.
Tất cả những gì được thảo luận đặt trên giả định rằng lực lượng quân sự đã nỗ lực hết sức để phân biệt giữa dân thường và binh sĩ – rằng họ thực sự để ý tới luật lệ trong chiến tranh. Nếu như dân chúng Ukraine thường xuyên sẵn sàng vi phạm quy chế phi chiến đấu của họ, thì có thể lý do là quân đội Nga đã không để ý nhiều tới những vi phạm như thế. Tướng Nikolyuk nhớ lại việc quân đội Nga đã thiết lập một sở chỉ huy tại một ngôi trường ở Yahidne, một ngôi làng phía nam Chernihiv. Hằng trăm dân thường đã bị giam giữ ở tầng hầm. Trong một trường hợp khác gần Lukashivka, khi phát hiện một drone của Ukraine, binh lính Nga sau đó đã buộc trẻ em và phụ nữ phải đi bộ trên đường và đóng vai trò như những lá chắn sống. “Bạn sẽ làm gì trong những trường hợp như vậy? Bạn sẽ chỉ biết cắn răng chịu đựng trong bất lực”.
Nguồn: , Technology is deepening civilian involvement in war, The Economist, 03/7/2023
Biên dịch: Nguyễn Thế Phương
----------