“Kính trọng, lễ phép” – Cuội gọi bằng cụ
Tác giả : J.B Nguyễn Hữu Vinh | Nguồn: rfavietnam | Ngày đăng: 2023-08-23 |
Thời gian gần đây, nhiều tin tức, hình ảnh đẹp về lực lượng công an Việt Nam được đưa lên mặt báo mà khi đọc nó, người ta cảm thấy thật ái ngại.
Chẳng hạn:
Ngày 22/06/2023, trang tin của Tổng Cục cảnh sát đưa tin: “Ngày 14/6, tổ công tác của Trạm Cảnh sát giao thông cửa ô Ba Láng thuộc Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an thành phố Cần Thơ đã phát hiện 01 chiếc ví rơi trên Quốc lộ 1A, có nhiều giấy tờ rất quan trọng, gồm 01 giấy phép lái xe, 01 giấy chứng nhận đăng ký xe, 02 thẻ ngân hàng, cùng một số giấy tờ cá nhân quan trọng khác.
Tổ công tác đã nhanh chóng liên hệ Công an địa phương thông báo, xác minh địa chỉ và đã tìm được chủ nhân của chiếc ví là anh Phan Văn Chương, trao trả chiếc ví và các loại giấy tờ cho anh Chương.
Ngày 03/08/2023, trang báo Công Lý của Tòa án Tối cao đưa tin: Chiều 2/8, Tổ công tác đội CSGT Công an huyện Nghĩa Đàn đã phát hiện 1 chiếc ví bị rơi, bên trong có nhiều giấy tờ quan trọng và tài sản có giá trị. Sau đó, thông qua các giấy tờ trong ví, tổ công tác đã xác định được người đánh rơi, đồng thời liên lạc và trao trả lại chiếc ví cho chị Nguyễn Thị Lương.
Tờ Công an Nhân Dân của Bộ Công an ngày 04/07/2023 đăng tin: “Sáng 3/7, Thượng úy Huỳnh Yến Linh, cán bộ Đội CSGT - TT Công an huyện Thới Bình báo cáo lãnh đạo đơn vị về việc nhặt được 1 điện thoại Iphone 13 Pro Max của ai đó bỏ quên trên ghế đá trong Công an huyện. Trưa cùng ngày, trước sự chứng kiến của đại diện Công an huyện Thới Bình, Thượng úy Huỳnh Yến Linh trao lại tài sản cho ông Nguyễn Thanh Ca...”
Người ta ái ngại bởi những tin tức chẳng có gì đáng để chú ý thì cũng đã trở thành sự kiện trọng đại, lớn lao đối với lực lượng công an. Trong khi đó, đây là lực lượng có nhiệm vụ “Thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi, lấy hạnh phúc của dân làm lẽ sống của mình” như những lời tuyên truyền xưa nay về lực lượng này.
Vậy mà ba cái chuyện cỏn con như nhặt được mấy đồng bạc, cái điện thoại, cái túi xách rồi đem trả lại… là chuyện mà đứa trẻ con lên năm nó cũng làm thường xuyên và thậm chí chúng còn coi đó là chuyện bình thường, chuyện đương nhiên thì nay trở thành những sự kiện được báo chí làm to lớn như chuyện động trời.
Điều đó, cũng có nghĩa là với lực lượng công an, chuyện tử tế là chuyện rất hiếm hoi.
Thế nên, thỉnh thoảng người ta thấy lực lượng này bày ra những trò khá cải lương như phát nước cho người đi đường, nhặt rác dọc vệ đường… được quảng cáo và tổ chức rầm rộ hay những việc lặt vặt như dắt cụ già, em nhỏ qua đường. Thậm chí, hầu như năm nào cứ đến kỳ thi đại học, thì y như rằng có câu chuyện thí sinh ngủ quên, thí sinh bị bệnh, lạc đường… được CSGT đưa đến trường kịp giờ thi.
Tuy nhiên, oái oăm là ngay cả những việc lặt vặt ấy thì nhiều khi vẫn bị cộng đồng mạng vạch rõ là những vở diễn mà là diễn vụng. Chẳng hạn người ta chụp được hình ảnh một đoàn phóng viên được chuẩn bị sẵn để chụp ảnh, quay phim cô cảnh sát dắt cháu bé, cụ già qua đường, hoặc cảnh đoàn máy quay chuẩn bị vở diễn học sinh muộn giờ để rồi cộng đồng mạng vạch rõ rằng nhân vật được coi là thí sinh kia, chắc phải là bà nội thí sinh mới có lý…
Thế nên, những câu chuyện “người tốt, việc tốt” của ngành công an, chừng như không thể xua đi được những ác cảm, những ấn tượng xấu của người dân với lực lượng này qua những việc làm của họ.
Những cái gọi là người tốt, việc tốt ấy sẽ nhanh chóng trở thành hài hước, trở thành chuyện nhố nhăng trước hàng loạt các hành động, hàng loạt các nhân vật chẳng cần nêu cũng thành gương cho người dân soi vào lực lượng này.
Đó là hàng loạt tướng tá ngành công an hoặc từ công an đã đua nhau vào tù vì ăn cắp, vì tham nhũng, hối lộ, trấn lột, lừa đảo và đủ trò khác nhau hơn hẳn đám xã hội đen và tệ nạn xã hội.
Mấy chục tướng Công an đang ngồi tù hiện nay và mới đây còn bổ sung thêm như thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, nguyên Giám đốc Công an Hải Phòng nhận một lúc 35 tỷ đồng để lừa đảo “Chạy án” hay thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Công an Hà Nội nhận 61 tỷ đồng để chạy án trong vụ “Chuyến bay Giải Cứu” v.v…
Và rồi “thượng bất chính, hạ tắc loạn”, các tướng tá, thủ trưởng, lãnh đạo đã vậy, thì đám quan chức và lính tráng phía dưới sẽ là hiện tượng:
“Chọc trời, khuấy nước mặc dầu. Dọc ngang nào biết trên đầu có ai” (Kiều – Nguyễn Du) chỉ bởi đó là công an.
Đó là vụ án gần đây nhất là ba sĩ quan công an đi “bắn nhầm” mấy con dê của dân như điển hình của một sự ô nhục mà ngành công an không bao che nổi.
Chuyện lạ: Tước quân tịch kẻ thất nghiệp
Chiều 15/08/2023, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, PGĐCAHN tổ chức họp báo. Theo ông Tùng, thì thủ phạm vụ án đã bị bắt và ông ta là người trực tiếp gặp hắn ngay sau khi chỉ huy theo đuổi và bắt hắn.
Theo Nguyễn Thanh Tùng, thì tên này là Nguyễn Đức Trung, hắn trú quán tại Vĩnh Phúc, hết sức manh động, táo bạo, tinh vi, trắng trợn, hắn đã chuẩn bị cả súng, cả xe và biển số xe giả trước khi có hành động bắt cóc.
Trước đó, một số tờ báo đã đăng tin rằng thủ phạm là cán bộ của Cảnh sát Giao thông Tỉnh Vĩnh Phúc và thông tin này ngay lập tức đã bị rút xuống. Tại cuộc họp báo, thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng khi được hỏi đã trả lời: “Những thông tin trên mạng thì nhiều nhưng là tin không chính thống”, chỉ có ông mới đưa tin “Chính thống” và phải tin ông ta. Theo Thiếu tướng, PGĐCAHN, thì Nguyễn Đức Trung là một tên thất nghiệp, không công ăn việc làm và chưa có tiền án, tiền sự.
Hẳn nhiên đây được coi là nguồn tin “Chính thống” bởi công an chính quy nói ra, người nói ra lại là Thiếu tướng, PGĐCAHN, Thủ đô của cả nước… Vậy thì ai dám nghi ngờ hoặc đặt câu hỏi ngược lại nếu không muốn vào thử xà lim nhà tù.
Tuy nhiên, dư luận vẫn băn khoăn vì ông thiếu tướng đã không nói là làm sao mà thằng thất nghiệp lại có cả ô tô và súng? Vậy hóa ra là ở Việt Nam ngày nay ô tô dễ dàng mua đến vậy sao? Hay anh ta đi mượn hoặc thuê, hay cướp của ai thì ông không nói, ông ta chỉ nói là súng thì anh ta mua trên mạng.
Thế rồi, ngày 16/8, cũng chính Nguyễn Thanh Tùng - Thiếu tướng PGĐCAHN nói rằng: Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội đã có văn bản gửi Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Phúc và văn bản này gửi trong ngày 15/8, đề nghị Công an Vĩnh Phúc tước quân tịch Nguyễn Đức Trung, cấp hàm thượng úy, là cán bộ đang công tác tại Đội Tham mưu phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh Vĩnh Phúc.
Và ngay trong ngày 15/8/2023, Công an Vĩnh Phúc đã tước quân tịch của Thượng úy Nguyễn Đức Trung, CSGT, công tác tại Phòng tham mưu CSGT Công an Vĩnh Phúc. Ngày 16/8, Công an Hà Nội đã khởi tố vụ án, quyết định tạm giam đối tượng để điều tra.
Và người ta chưng hửng: Sao lại tước quân tich cái thằng thất nghiệp?
Bởi người ta hiểu rất rõ rằng ông ta đã nói dối.
Và sự dối trá này trước toàn thể quốc dân, đồng bào với cả trăm triệu người dân Việt trong và ngoài nước.
Và hành vi nói dối của ông ta được thực hiện một cách trơn tru, không hề ngượng mồm, không hề vấp váp.
Và người ta buộc phải nghi ngờ mọi thứ từ không chỉ ông ta, mà bởi mọi nguồn tin, mọi nhân vật “Chính thống” như ông ta đã nói.
Dư luận lại được dịp sôi nổi bàn tán, chì chiết, mai mỉa và kinh tởm với sự dối trá này với những cơ sở vững chắc, rõ ràng. Người ta nói rằng:
Rõ ràng, Nguyễn Thanh Tùng là PGĐCAHN không thể đến 1 ngày sau vẫn không biết tên này là Cảnh sát ở Vĩnh Phúc khi mà báo chí đã biết rõ nhưng vẫn nói rằng hắn là một kẻ thất nghiệp, không công ăn việc làm.
Nếu thật sự ông ta không biết điều mà cả xã hội đã biết, thì trình độ nghiệp vụ của Công an Hà Nội hiện nay thê thảm đến mức nào? Và hàng ngàn, hàng chục ngàn tỷ đồng tiền dân được công an đưa vào ba cái vụ căn cước gắn chíp, rồi ID điện tử, rồi số định danh xe ô tô… liên quan đến hàng loạt dữ liệu về nhân thân mà cả ngày sau công an Thủ đô vẫn không thể biết được nó là ai, thì hàng đống tiên kia lại đổ sông đổ biển?
Trường hợp ông ta nhầm thật, thì hành động không hề xin lỗi người dân trước sự nhầm lẫn và đưa thông tin giả này của một PGĐCAHN, là hành động lỗ mãng và thiếu văn hóa.
Bởi người dân Thủ đô xưa nay vẫn tự hào rằng sự thanh lịch, sự tử tế và kín kẽ vốn là đặc trưng của họ. Chẳng thế mà đã có câu ca dao:
Không thơm, cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch, cũng người Tràng An.
Dẫu không thanh lịch, cũng người Tràng An.
Vậy lẽ nào một PGĐCA Thủ đô lại trắng trợn dối trá trước công chúng cả nước mà cái mặt cứ nhơn nhơn trơ tráo như gáo múc dầu vậy sao?
Phải xin lỗi người dân
Sau khi sự việc xảy ra, sự dối trá của Nguyễn Thanh Tùng thì đã rõ. Ở đó không thể nhầm, không thể không biết, không thể chưa biết khi ông ta phát biểu trước người dân.
Anh ta đã dối trá trước cả trăm triệu người Việt Nam trong nước và không chỉ trong nước.
Thế nhưng, hôm sau ông ta đa liếm lại rất trơn tru, sạch sẽ những điều ông ta đã nhổ ra ngay trước đó mà không hề có một lời nói lại.
Và đến đây, thì người ta biết rằng Cuội cũng phải gọi ông ta bằng cụ.
Bởi lẽ ra, ít nhất thì ông ta cũng phải có một lời nói lại trước thiên hạ.
Ngẫm rằng, tên quan Tổng đốc Hồ Tôn Hiến ngày xưa còn biết giữ thể diện:
Nghĩ mình phương diện quốc gia,
Quan trên nhắm xuống người ta trông vào. (Kiều)
Quan trên nhắm xuống người ta trông vào. (Kiều)
Huống hồ, ở đây là đầy tớ nhân dân, ngày ngày tụng niệm rằng: “Đối với nhân dân, phải kính trọng lễ phép”.
Nhưng không, ở đây thì không. Ông ta đã ngậm tăm và coi việc lừa đảo, dối trá trước nhân dân là chuyện bình thường.
Đó là sự coi thường, sự khinh bỉ đối với người dân cả nước.
Điều đó thì không lạ trong chế độ công an trị.
Mà điều lạ nhất, điều khó hiểu nhất, là họ đã bằng cách nào để sau những vụ việc bị vạch mặt như vậy, họ lại vẫn cứ trơ trơ trước thiên hạ mà không hề xấu hổ.
21.08.2023
J.B Nguyễn Hữu Vinh
J.B Nguyễn Hữu Vinh
----------