146 đồng bào tị nạn ở Thái Lan chuẩn bị tái định cư
Nguồn: Mạch Sống | Ngày đăng: 2023-08-31 |
Theo danh sách của BPSOS, 146 đồng bào tị nạn đang trong tiến trình được cứu xét tái định cư, bao gồm những người đã qua phỏng vấn với Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, đã được giới thiệu với phái đoàn quốc gia nhận định cư, đã hoàn tất khám sức khoẻ và chích ngừa, hoặc đã có lịch bay. Trong số này, khoảng 80% là những người đã được giúp đỡ trong tiến trình xin quy chế tị nạn bởi các luật sư do BPSOS tài trợ.
“Ước chừng khoảng 100 người trong số này sẽ lên đường định cư trước cuối năm nay,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, cho biết. “Ở mức độ này, có lẽ năm 2024 sẽ có khoảng 400 đồng bào lên đường định cư.”
Phần lớn sẽ đến Hoa Kỳ nhưng cũng sẽ có những người đi Canada, Úc và Tân Tây Lan.
Theo Ts. Thắng, đây là những thành quả thấy được sau 2 năm vận động của BPSOS. Cánh cửa tái định cư đã mở ra khi cuối năm ngoái Hoa Kỳ đồng ý tăng số người tị nạn được nhận định cư từ Thái Lan và đồng thời CUTN/LHQ liệt kê người tị nạn Việt Nam trong thành phần được ưu tiên giới thiệu tái định cư. Ngoài ra, Hoa Kỳ còn vận động sự hợp tác của Úc, Canada và Tân Tây Lan.
“Vụ bắt cóc Ông Đường Văn Thái hồi tháng 4 và việc nhà nước Việt Nam leo thang theo dõi và đe doạ nhiều người Việt tị nạn ở Thái Lan sau các vụ nổ súng ngày 11 tháng 6 vừa qua ở Đắk Lắk đã cung cấp cho chúng tôi thêm căn cứ để vận động tái định cư đồng bào tị nạn,” Ts. Thắng giải thích.
Hình 1 - Ts. Nguyễn Đình Thắng tại buổi họp với Trợ Lý Ngoại Trưởng Julieta Valls Noyes, Bộ Ngoại Giao ngày 17/05/2022
Nhu cầu của những đồng bào sắp định cư
Đối với phần lớn các đồng bào chuẩn bị tái định cư, nhu cầu của họ là đóng tiền phạt để không phải ngồi tù vì tội cư trú bất hợp pháp ở Thái Lan. Số tiền phạt có thể lên đến 20,000 Baht mỗi người, nếu không có đủ thì phải ngồi tù thế -- mỗi ngày tù tương đương 500 Baht, tối đa 40 ngày. Trẻ em 14 tuổi trở xuống được miễn. Nếu muốn, quan toà có thẩm quyền giảm mức phạt, nhưng không quá 50%.
Để giúp đồng bào thoát cảnh tù tội trước khi đến tự do, BPSOS giới thiệu các gia đình chuẩn bị tái định cư với những nhà hảo tâm. Chính các nhà hảo tâm sẽ chọn giúp gia đình nào và ở mức nào. BPSOS kết nối để 2 bên liên lạc với nhau và, nếu cần, sẽ giúp chuyển tiền đến tận tay gia đình tị nạn được giúp đỡ.
Qua công thức này, Hội Ái Hữu Gia Long Sydney và thân hữu ở Úc, Thuỵ Sĩ và Hoa Kỳ đã giúp gia đình chị G.T.S. 4 người số tiền 52,492 Baht. Gia đình này chỉ cần 42,600 Baht –2 người lớn phải đóng 40,000 Baht cộng thêm phí chuyên chở ra phi trường là 2,600 Baht.
“Nhóm ân nhân muốn chị giữ phần dôi ra để chi tiêu trong những ngày đầu đặt chân đến Melbourne, Úc,” Ts. Thắng nói.
Cách yêu cầu hỗ trợ
Những gia đình tị nạn muốn được hỗ trợ tiền phạt cần liên lạc với Mục Sư Jordan Smith, thuộc toán nhân sự của BPSOS ở Thái Lan và đặc trách hỗ trợ tái định cư cho đồng bào tị nạn. Điện thoại: +66-(0)2 116 0405; email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
BPSOS sẽ cần những thông tin căn bản như số người trong gia đình, giai đoạn nào trong tiến trình tái định cư, số tiền phạt ước lượng, và tóm tắt cảnh ngộ tị nạn. Ưu tiên sẽ dành cho những người đã hoàn tất phần khám sức khoẻ và chờ lịch bay.
“Chúng tôi không lập quỹ và không gây quỹ cho việc hỗ trợ này mà chỉ đi tìm các nhà hảo tâm sẵn sàng giúp đỡ; do đó không bảo đảm rằng hễ yêu cầu là sẽ nhận được sự hỗ trợ và nếu được hỗ trợ thì mức hỗ trợ sẽ là bao nhiêu,” Ts. Thắng giải thích.
Ông cho biết hiện nay BPSOS đang kêu gọi các nhóm 5 người đã ghi tên và đang chờ đợi Chương Trình Welcome Corps cho phép bảo trợ người tị nạn hãy giúp ngay các đồng bào sắp định cư kể trên.
Hình 2 -- Ts. Thắng gặp gỡ đại diện của một số “nhóm 5 người” tại Dallas-Fort Worth tại bữa cơm chiều do Thánh Thất Cao Đài Mountain View thết đãi, ngày 10/08/2023
Chương Trình Welcome Corps đang ở đâu?
Hiện nay chương trình này chưa áp dụng cho người Việt tị nạn ở Thái Lan. Chỉ trong giai đoạn 2 của chương trình các “nhóm 5 người” mới được chọn người tị nạn để bảo lãnh định cư. Trong giai đoạn 1, chính phủ Hoa Kỳ chỉ định người tị nạn và chương trình chỉ áp dụng cho khu vực Đông Phi Châu. Mốc điểm triên khai giai đoạn 2 đã bị dời lại đến cuối năm hoặc đầu năm sau. Nghĩa là người Việt tị nạn ở Thái Lan không được hưởng gì trong số 5,000 chỗ dành cho chương trình Welcome Corps năm nay.
Để bù lại cho sự thiệt thòi này, BPSOS cùng với một số tổ chức hoạt động trong lĩnh vự bảo vệ hoặc định cư người tị nạn đang vận động Bộ Ngoại Giao tăng số chỗ cho năm 2024. Có dấu hiệu Bộ Ngoại Giao sẵn sàng đáp ứng nhưng muốn ưu tiên cho khu vực Trung Mỹ nhằm giải quyết tình trạng người tị nạn tràn qua biên giới miền Nam Hoa Kỳ.
“Tại buổi họp ngày 6 tháng 9 tới đây với Trợ Lý Ngoại Trưởng Hoa Kỳ về chương trình tị nạn, Bà Julieta Valls Noyes, tôi sẽ vận động cho một tỉ lệ thoả đáng cho người tị nạn ở Thái Lan,” Ts. Thắng nói. “BPSOS cũng đang vận động Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tư Do Tôn Giáo Quốc Tế cùng lên tiếng vì tuyệt đại đa số người Việt tị nạn ở Thái Lan là nạn nhân của sự đàn áp tôn giáo.”
Ngày 7 tháng 9, Ts. Thắng sẽ phát biểu tại cuộc điều trần của Uỷ Hội này về Việt Nam. Theo dõi buổi điều trần: https://www.uscirf.gov/events/vietnam-challenges-and-opportunities-religious-freedom
Chương trình bảo lãnh tư nhân Canada
Vận động CUTN/LHQ và các chính quyền tái định cư đồng bào tị nạn là trọng tâm hàng đầu của BPSOS trong 2 năm qua và nay bắt đầu có kết quả. BPSOS chọn trọng tâm vì chỉ cách đó mới giải quyết tái định cư nhanh và với số lượng lớn, lại không đòi hỏi cộng đồng người Việt hải ngoại đóng góp tài chánh.
BPSOS cũng khai thác các giải pháp phụ thêm như phối hợp với một số tổ chức ở Canada để lập hồ sơ bảo lãnh tư nhân. Các tổ chức này tự lo tài chánh còn BPSOS giúp điền đơn cho các người tị nạn mà họ bảo lãnh. Đến nay, gần 80 người tị nạn đã được lập hồ sơ và một số sắp sửa được phỏng vấn và có thể sẽ lên đường tái định cư vào đầu năm tới. Xem video phỏng vấn cô Becky, nhân viên của BPSOS ở Thái Lan, về thủ tục lập hồ sơ:
“Với cách làm này chúng tôi dành các khoản đóng góp của đồng hương ở hải ngoại cho những nhu cầu vô cùng cấp thiết của người tị nạn mà không tổ chức khác nào đáp ứng,” Ts. Thắng giải thích.
Các nhu cầu này bao gồm can thiệp pháp lý trong tiến trình xin quy chế tị nạn, tháo gỡ cho người vừa bị cảnh sát Thái Lan bắt hoặc đã bị đưa vào trại giam của sở di trú, can thiệp cho những đồng bào đi làm chui không được trả lương, tiếp cận dịch vụ y tế hoặc sức khoẻ tâm thần, xin trợ cấp khẩn cấp cho một số trường hợp đặc biệt, v.v.
Theo Ts. Thắng, ngân sách dành cho các hoạt động bảo vệ và phục vụ người tị nạn ở Thái Lan hoàn toàn đến từ các đóng góp của các nhà hảo tâm và từ chính thành viên của BPSOS.
“Chúng tôi chưa bao giờ nhận cấp khoản nào từ bất kỳ chính quyền hoặc tổ chức tư nhân nào cho các công tác bảo vệ và hỗ trợ đồng bào tị nạn,” Ts. Thắng nói.
Cách giúp đồng bào tị nạn không phải ngồi tù
BPSOS kêu gọi các nhóm 5 người đã ghi danh với BPSOS để bảo lãnh người tị nạn theo Chương Trình Welcome Corps, nhưng chưa làm được gì vì sự chậm trễ của chương trình này thì hãy giúp các đồng bào sắp lên đường định cư không phải ngồi tù. Ts. Phan Quang Trọng, người tình nguyện phối hợp các nhóm 5 người, sẽ cung cấp thông tin của các gia đình cần được giúp đỡ. Nếu cần thông tin, xin liên lạc: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it..
Đồng thời Mục Sư Jordan Smith đang vận động các hội thánh Tin Lành ở Hoa Kỳ, Canada, Úc và Tân Tây Lan giúp đỡ tài chánh cho những gia đình sắp đến định cư ở các quốc gia này để đóng tiền phạt.
Và bất kỳ đồng hương nào hoặc nhóm người nào sẵn quen biết người tị nạn sắp tái định cư đều có thể giúp họ trực tiếp.
----------