BÀI 297: HẠ TRUMP KHÔNG DỄ CHÚT NÀO
Tác giả : Vũ Linh Nguồn: Diễn ĐànTrái Chiều Ngày đăng: 2023-09-03
Nếu ta đọc các bài bình luận của truyền thông loa phường chuyên môn loan tin và bình luận về hùa theo phe DC như CNN, Washington Post, New York Times,... thì hiển nhiên, ông Trump có lẽ là tổng thống tệ hại nhất lịch sử Mỹ, là người mà chỉ nghe tên không cũng đủ rợn tóc gáy vì đó chính là hiện thân của ... 'ông Thần Ác' !!! Một người như vậy thì tất nhiên dân Mỹ, là dân có trình độ dân trí có thể nói cao nhất thế giới, chắc chắn sẽ lo tránh cho xa, sợ hơn sợ COVID.
Và tất nhiên, ông này lấy quyết định ra tranh cử tổng thống nữa thì chỉ là hành động của một tên điên, cuồng vì cái tôi quá vĩ đại, mà không mở mắt ra để nhìn thẳng vào thực tế, để thấy dân Mỹ kinh sợ ông ta như thế nào.
Có thật vậy không?
Xin các cụ vẹt lay tỉnh, thực tế không hẳn màu đen thui như truyền thông loa phường tô vẽ về Trump mà các cụ thích chí, hy vọng, rồi nhai đi nhai lại không chán, như nhai bã trầu.
Thực tế, ông Trump ra lại và tất cả các thăm dò cho thấy ông ngang ngửa với đương kim tông tông Biden, và ông thành công hay thất bại là chuyện cho đến bây giờ, chẳng ai biết và dĩ nhiên phải đợi tới cuối năm 2024, sau bầu cử, mới biết chắc được. Thực tế không phải truyền thông loa phường 'muốn là được', muốn Trump ngủm là Trump ngủm.
Dĩ nhiên, ông Trump đã thất bại rồi, đúng như ông DeSantis đã nói. Ông đã thua năm 2020 để phải dọn nhà đầu năm 2021 rồi đấy, làm sao có thể thắng năm 2024 được? Không sai, nhưng cái thua của ông Trump năm 2020 là cái thua chìm đắm trong nghi vấn, trong sương mù gian trá dầy đặc, biết đâu ông Trump và các đồng minh đã học được bài học và đã có những biện pháp cần thiết để thổi bay màn sương mù gian trá này và thật sự mang lại chiến thắng cho 'ý dân' ? Ít ra thì đã có tới cả tá tiểu bang đã sửa luật bầu cử, hy vọng những mánh gian lận bầu cử khó áp dụng hơn.
Ta thử cân nhắc lại vấn đề một cách bình tĩnh, tỉnh táo xem sao. Tất nhiên là xem lại cho kỹ những yếu tố có lợi và bất lợi cho ông Trump.
Trên căn bản, ta đã có dịp bàn qua về lợi thế cùng với những điểm bất lợi cho ông Trump qua một bài nhận định mới đây (BÀI 260: TRUMP RA TRANH CỬ LẠI). Do đó, ta không có nhu cầu lập lại những điểm căn bản đã bàn. Ở đây, kẻ này chỉ muốn đào sâu thêm khiá cạnh quan trọng nhất, đó chính là hậu thuẫn của cá nhân ông Trump, cùng với thực lực của khối CH muốn cạnh tranh với ông.
HẬU THUẪN CỦA CÁ NHÂN ÔNG TRUMP
Không khác bất cứ vấn đề nào khác, việc ông Trump ra tranh cử lại tất nhiên có hai mặt, lợi và bất lợi, ủng hộ hay chống dựa trên những yếu tố đó.
Lợi thế lớn nhất của ông Trump chính là hậu thuẫn mà một khối cử tri gọi là MAGA dành cho ông vì những thành quả thực tế của các chinh sách của TT Trump trước đây. Tuy nhiên, cũng phải nói ông Trump có được nhiều lợi thế khác, quan trọng không kém, khiến không ai có thể coi thường ông được.
a. Thảnh quả cụ thể
Nếu có thể tóm gọn một cách cụ thể nhất thành quả của TT Trump trong mắt của cử tri Mỹ, thì phải dùng lại câu nói của thượng nghị sĩ Tim Scott của South Carolina: "TT Trump có chính sách kinh tế thân thiện với dân lao động và thân thiện với gia đình nhất trong thế hệ của ông" (nguyên văn "The Trump administration produced “the most pro-worker, pro-family economy” of his lifetime").
Cho dù cuồng chống Trump mù quáng đến đâu, cũng không ai có thể một cách nghiêm chỉnh, tố cáo chính sách kinh tế của TT Trump đã không mang lợi ích lại cho giới lao động cũng như cho các gia đình Mỹ nói chung, đúng như TNS Scott nói. Tất cả những thống kê chính thức của chính phủ Mỹ vẫn còn là bằng chứng.
Quyết định kinh tế quan trọng nhất của TT Trump tất nhiên là việc giảm thuế toàn bộ cho cả nước. Dĩ nhiên trong nỗ lực bới rác tìm sâu, nhiều tay cấp tiến đã cố bóp méo, biến biện pháp này thành một thứ sách lược tặng tiền cho nhà giàu và giết dân trung lưu. Tặng tiền cho nhà giàu hay không thì tôi không biết vì không phải là nhà giàu, chưa bao giờ được TT nào tặng tiền, nhưng giết trung lưu thì không có, bằng chứng tôi là trung lưu, vẫn sống nhe răng, mà cũng chưa thấy một anh trung lưu nào lăn ra chết hết. Đám dân sống bằng trợ cấp vẫn còn trợ cấp, chẳng ai mất một xu nào. Trên thực tế, cả triệu triệu dân trung lưu, là đám dân trong cảnh trên đe dưới búa, không đủ nghèo để được miễn thuế, càng chẳng đủ giàu để thừa tiến đóng thuế, cái đám nửa chừng xuân đó luôn luôn lãnh đủ, đóng thuế muốn bá thở trong khi chẳng hưởng bao nhiêu lợi lộc dưới hình thức trợ cấp nào. Cả trăm triệu người đó chẳng những chẳng ai chết, mà lại được giảm bớt thuế phải đóng để các quan chức ngồi trong phòng lạnh vung tiền ra cửa sổ với chủ đích mua phiếu của cử tri mê trợ cấp.
Chẳng những giúp đám dân trung lưu dưới hình thức bớt sưu cao thuế nặng, mà còn có hậu quả vĩ đại và lâu dài hơn: đó là giảm thuế cho các đại công ty, để khuyến khích họ bớt cất tiền ở ngoài nước mà mang tiền đó về đầu tư vào kinh tế Mỹ, mở hãng xưởng, tạo công ăn việc làm ở Mỹ cho cả chục triệu người dân Mỹ, từ lao động tới trung lưu, từ da trắng tới da đen, da nâu tới da vàng, kể cả đám Mít tị nạn.
Nếu đó không phải là chính sách kinh tế thân thiện cho các gia đình Mỹ, cho lao động Mỹ như ông nghị sĩ Scott nói, thì cái gì mới là thân thiện cho các gia đình và lao động? Cái thân thiện cửa miệng của phe DC và Biden chỉ lừa được những người thiếu hiểu biết hay mù quáng vì phe phái, hay vẫn còn sống trong huyền thoại 'đảng DC là đảng của trợ cấp cho dân nghèo'.
b. Hậu thuẫn sắt đá vì giúp dân
Chính sách kinh tế của TT Trump giúp đỡ cụ thể khối dân trung lưu và lao động trong khi trước đó, thời Obama, đảng DC lơ là, không thèm dòm ngó vì đảng DC này cho rằng đây là khối người đang 'bỏ đảng', nên đảng DC chú tâm kiếm phiếu trong một khối dân khác, đó là dân da màu (màu đen, màu nâu, màu vàng nhưng không có dân Mít tị nạn vì khối dân Mít là khối da vàng duy nhất mà đa số hậu thuẫn đảng CH và ông Trump), và quái lạ thay, khối dân đồng tính, chuyển giới.
Nhiều cơ quan ngôn luận đã gọi khối lao động và trung lưu mà đảng DC lơ là 'khối người bị quên lãng' -the forgotten ones- mà lại là khối mà ông Trump đặt trọng tâm lớn nhất. Kết quả tất nhiên là khối bị lãng quên khám phá ra chỉ có ông Trump là không quên lãng họ, và họ đã nhìn nhận công lao này. Đưa ông Trump vào Tòa Bạch Ốc. Khối cử tri sắt đá nhất của Trump chính là những dân lao động bình thường là khối cử tri của đảng DC, dân trung lưu thấp.
Điểm nhiều quan sát viên nhìn kỹ nhất chính là cái hậu thuẫn này của ông Trump đã là một thứ hậu thuẫn trung kiên, sắt đá nhất chưa từng thấy trong lịch sử chính trị Mỹ. Bất kể sóng to gió lớn, bất kể đảng nắm quyền DC và cả khối truyền thông loa phường tấn công, bôi bác cách nào, bất kể mọi tấn công qua các vụ đàn hặc và truy tố cuội, bất kể ngay cả trong nội bộ đảng CH có ai chống đối, thì ông Trump vẫn nắm vững một khối cử tri tuyệt đối trung thành với ông, sống chết với ông.
Theo những nghiên cữu kỹ lưỡng nhất, có thể nói khối MAGA sống chết với ông Trump lên tới hơn 1/3 (37%) khối cử tri CH, thậm chí, có thể leo lên tới 50%-60%, như nhiều thăm dò mới (sau những truy tố) cho thấy.


Nguồn: New York Times
Nhưng đó chỉ mới là một khiá cạnh của hậu thuẫn. Khía cạnh thứ hai đưa đến một hậu thuẫn gần như cuồng tín chính là họ đã coi ông Trump như một người họ tin được, 'có sao nói dzậy, hổng bằng lòng ráng chịu', không phải là loại chính khách chuyên nói láo, hứa cuội.
Phe đối lập hùng hục tố cáo ông Trump rất nhiều thói hư tật xấu, nhưng quên mất những thói hư tật xấu họ chụp lên đầu ông Trump, nhiều người tất nhiên không tin, nhưng nhiều người tin, mà lại cảm thấy thích thú vì nhìn vào đó, họ thấy ông Trump rất gần với họ, những người dân bình thường đầy thói hư tật xấu. Đạo Thiên Chúa có câu "trước khi ném đá người khác, hãy tự soi gương nhìn vào chính mình trước". Các con vẹt suốt ngày nói chuyên đức tính này, đức tính nọ, để công kích ông Trump vô đạo đức, vô tư cách,... cái đám vẹt đó, có tên nào dám ra đứng trước gương tự nhìn vào chính mình không? Người dân bình thường Mỹ có đầu óc rất thực tiễn, họ hiểu rõ chính họ và tất cả mọi người khác, kể cả những chính trị gia, chẳng ai hoàn hảo, chẳng ai thánh thiện tuyệt đối hết.
Trong chính trị Mỹ, không có những chuyện ngớ ngẩn như 'Thần Ác, Thần Thiện' gì ráo, tất cả chỉ là những người bình thường như anh và tôi, làm TT chỉ là làm công chức được trả lương để làm một việc, thế thôi. Ông Trump cũng không khác các TT khác. Có khác là khác ở điểm ông chẳng giả dối đóng tuồng gì hết, mọi người cứ nhìn, cứ nghe, thích thì ủng hộ, ghét thì đừng, có vậy thôi. Chửi ông Trump 'ăn bánh trả tiền với gái gọi' ư? Hãy tự soi gương xem sao. Cả triệu triệu đàn ông Mỹ và cả Việt đã 'ăn bánh trả tiền' với gái gọi, sao lại là tội hình sự? Thường gây gỗ, chửi bới người khác ư? Như vậy có hơn là cười cười trước mặt để đâm sau lưng không?
Cái trực tính đó đã mang lại một luồng gió mới vào chính trường Mỹ mà dân Mỹ thấy thật mát mẻ, sảng khoái. Và hậu quả tất nhiên là cái hậu thuẫn vô song của khối cử tri bảo thủ, hãnh diện vì một nước Mỹ vĩ đại, vì một lãnh tụ vĩ đại.
c. Những 'tội' mới của Trump
Đảng DC đã nhìn vào thành quả các chính sách của Trump và thấy khó tấn công một cách hữu hiệu được. Bèn quay qua chiêu võ mới. Xoay qua chiêu dùng tư pháp, FBI, công tố thân thiện, quan tòa phe ta để đánh thẳng vào Trump. Cho đến nay, chính quyền Biden, qua hệ thống 'công an Nhà Nước' với bộ Tư Pháp, FBI, các công tố đủ cấp từ liên bang tới tiểu bang tới quận, làng, xã, huyện, phường,..., các quan tòa 'thân hữu', đã tố ông Trump tổng cộng trên dưới hơn 100 đại tội, có thể khiến ông đi bóc lịch tới 700 năm.
Bỏ qua những tội linh tinh râu ria ngoài lề, ta thử nhìn vào cái 'tội' lớn nhất: nói láo, thông đồng, xúi đốc dân nổi loạn, vứt bỏ kết quả bầu cử hợp pháp. Ở đây, có vài chuyện nên chú ý kỹ:
- Truyền thông loa phường luôn luôn bi thảm hoá, cụ thể là luôn luôn dùng danh từ 'biểu tình bạo động đẫm máu' -violent bloody demonstration- để mô tả cuộc biểu tình ủng hộ ông Trump ngày 6/1/2021. Cũng chỉ là chuyện xuyên tạc thô bạo nhất. Trong khi một cảnh sát da đen bắn chết một phụ nữ da trắng cựu chiến binh, biểu tình tay không ngay tại hiện trường thì trái lại, không có một người nào bị dân biểu tình bắn chết hay đánh chết hết, KHÔNG CÓ TỚI MỘT NGƯỜI! Có một cảnh sát bị chết nhưng chính sở cảnh sát xác nhận anh ta bị chết vì trụy tim khi đó, chẳng phải bị dân biểu tình giết chết. Trong thời gian mấy tháng sau biểu tình, đã có bốn cảnh sát tự tử chết vì nhiều lý do cá nhân, nhưng tất cả đều là chết sau biểu tình. Ngoại trừ một cửa số kính bị đập phá, không có bất cứ ngôi nhà, xe hơi, vật dụng nào bị đập phá hay đốt như trong các biểu tình của dân da đen mà truyền thông gọi là 'hầu hết trong ôn hòa' -"mostly peaceful". Không có bất cứ đồ đạc đắt tiền hay rẻ tiền nào bị khiêng về nhà kiểu như mấy anh da đen nổi loạn. Cái phe đảng bỉ ổi nhất là viên cảnh sát da đen bắn chết bà biểu tình da trắng được hoàn toàn bình yên, không bị truy tố gì ráo, trong khi cả trăm người biểu tình chẳng giết ai thì lãnh những bản án nghe như các bản án của VC, đi tù mút chỉ có khi tới mười mấy hai chục năm.
- Trong khi phe DC và truyền thông loa phường hô hoán ầm ĩ việc mà họ gọi là 'nổi loạn mưu toan lật đổ chính quyền', đã không có bất cứ một lời hô hoán 'lật đổ chính quyền' nào hết. Trong báo cáo của Ủy Ban J-6 của phe DC trong hạ viện, ông Trump bị tố cáo 'nổi loạn' và danh từ 'insurrection' được sử dụng tới gần 80 lần. Thế nhưng trong cáo trạng của công tố Jack Smith cũng về vụ biểu tình 6/1/2021, danh từ 'insurrection' đã KHÔNG được dùng tới một lần, vì ông Smith là luật gia, hiểu quá rõ chẳng có gì có thể gọi là 'insurrection' được trong các hoạt động hay lời tuyên bố của ông Trump liên quan đến vụ biểu tình. Dân biểu tình chỉ muốn biểu dương lực lượng, nói lên tiếng nói phản đối kết quả một cuộc bỏ phiếu chìm đắm trong khói mù gian lận. Quyền biểu tình trong ôn hòa, không bạo động là quyền được Hiến Pháp ghi rõ và bảo đảm.
- Bà quan tòa Tanya Chutkan là bà quan tòa đã được công tố Smith chọn để thụ lý vụ án chống Trump. Bà là quan tòa mà tạp chí TIME mô tả là 'đầy thù hận' ("steeped in hate"), là con gái của một cựu lãnh tụ của tổ chức khủng bố da đen Black Panthers, ông ngoại bà Chutkan là một phiến quân cộng sản Jamaica, bị quan tòa Anh nhốt tù. Bà cũng là người đã ra những bản án nặng chưa từng thấy chống những người biểu tình. Bà Chutkan cũng là người đã ra nhiều phán quyết, tất cả đều bất lợi cho Trump, vì theo bà, "TT không phải là vua, mà Trump cũng không còn là TT". Với cái 'cảm tình' kiểu này dành cho Trump, bà sẽ phán quyết ra sao, hầu như ai cũng biết trước.


Bà quan tòa Tanya Chutkan
Tại sao đảng DC cố tình xé câu chuyện ra cho thật to, nhất quyết khai thác tối đa để dùng biến cố này để tận diệt ông Trump? Chỉ vì đảng DC và cả truyền thông loa phường nhìn thấy rõ cái hậu thuẫn vô cùng lớn lao, lớn khủng khiếp mà một khối dân Mỹ đã và đang hăng say dành cho ông Trump. Chưa khi nào trong lịch sử Mỹ, kể từ ngày dân Mỹ nổi loạn bạo động chống nhà cầm quyền thuộc địa Anh, nước Mỹ lại thấy cảnh cả trăm ngàn người tự động xuống đường để nói lên hậu thuẫn của họ đối với một cá nhân như trường hợp diễn biến 6/1/2021.
Đó là những lý do căn bản mà phe DC đang nắm quyền nhất quyết phải thẳng tay 'nhổ cỏ tận gốc khi ngọn cỏ mới nhú lên', ra tay một cách tàn bạo nhất chống lại những người mà họ cho là thủ phạm của vụ biểu tình, kể cả TT Trump.
Một yếu tố đặc biệt có một không hai nữa là hiện tượng khá lạ lùng: hậu thuẫn của ông Trump trong vài ba tháng qua đã tăng mạnh. Tại sao vậy? Có vài việc lớn đã xẩy ra liên quan đến ông Trump trong thời gian qua:
• Trump bị công tố quận Manhattan Alvin Bragg truy tố.
• Trump bị công tố liên bang đặc biệt Jack Smith truy tố hai lần;
• Trump bị công tố quận Fulton Fani Willis truy tố.
• Tổng cộng truy tố 4 lần qua 119 tội (có tin nói là 91 tội)
Điều ít ai ngờ được là chính quyền Biden càng dùng tư pháp như vũ khí chính trị đánh Trump và càng truy tố nhiều tội thì lại càng nhiều người bực mình, bất mãn với chính quyền và quay qua ủng hộ ông Trump. Nhắc lại chuyện bà Aung San Suu Kyi của Myanmar. Bà Suu Kyi bị các ông tướng bắt tù hai lần, lần đầu 20 năm, vừa được thả là bà đắc cử TT ngay, bây giờ lại đang bị mấy ông tướng bắt tù đâu mấy chục năm nữa, vẫn được dân Myanmar coi như Phật sống. Ông Trump cũng tương tự, tuy không ai coi ông là Thánh sống, nhưng càng bị truy tố nhiều tội, càng thấy hậu thuẫn gia tăng. Nếu ông có bị tù, dân Mỹ sẽ nghĩ sao? Có thể xẩy ra nội loạn, nội chiến không? Ai dám trả lời câu hỏi này?
Năm xưa, TT Abraham Lincoln đã từng nói "Khi một người bị bôi bác, người đó sẽ bị khích động, bực tức; nhưng khi những bôi bác đó trở thành thô bạo và hiển hiện, thì những bôi bác đó lại chỉ khiến cho nạn nhân mắc cười thôi". Khi Trump bị tố tới trên dưới 100 tội thì chẳng những ông Trump ngồi rung đùi cười, mà cả nước cũng phải cười theo.
Điểm quan trọng nhất mà ít người để ý: ông Trump đã có một sách lược tuyệt hảo để tự bảo vệ mình: ông đã thành công biến những tấn công cá nhân ông của đảng DC thành những tấn công toàn thể khối cử tri 'bị quên lãng', dựa trên lý luận "nếu bọn DC có thể tấn công tôi như vậy thì họ cũng có thể tấn công các bạn như vậy", và ông kết luận "tôi là cái mộc đỡ đòn cuối cùng cho các bạn". Và khối cử tri của ông đã chấp nhận lý luận đó, quay qua bảo vệ và hỗ trợ ông tối đa, như việc đầu tiên cần làm để bảo vệ chính mình. Nhiều chuyên gia nhìn vào toàn bộ câu chuyện, đã phải nhận định "ông Trump là một siêu chính trị gia, đừng nên coi thường những bổ báng có vẻ vớ vẩn của ông".


Trích trang mạng Tipp Insights
Thật ra, nói cho cùng, những truy tố chống ông Trump đã không đạt được mục đích triệt hạ uy tín ông Trump. Trái lại, có quá nhiều dấu hiệu cho thấy những truy tố đó lại có phản ứng ngược, đánh lên uy tín của cụ Biden nhiều hơn và mạnh hơn. Tại sao lại có hiện tượng quái dị vậy? Chỉ vì dân Mỹ KHÔNG N-G-U. Họ đã nhìn thấu, xuyên suốt qua tất cả các vụ truy tố và nhìn thấy rõ hơn ban ngày hệ thống tư pháp Mỹ hiện nay đã được vũ khí hóa thành một guồng máy công an đàn áp đối lập chính trị như thế nào. Cái hệ thống tư pháp đó đã hiển hiện quá rõ như một hệ thống công lý với hai thước đo.
Tuy là hai thước đo, nhưng phải hiểu là mục tiêu tối hậu KHÔNG phải là để bắt nhốt tù Trump đâu. Những truy tố đều bị các chuyên gia chất vấn vì cái nền tảng pháp lý rất lỏng lẻo, kiểu như những tội Trump bị tố là những chuyện thông thường tất cả các chính trị gia đều làm, hay kiểu như công tố vượt quá xa thẩm quyền của mình,... Mục tiêu tối hậu khi truy tố và bắt ông Trump ra hầu tòa liên tục ngay trong mùa vận động tranh cử hiển nhiên, rõ hơn ban ngày, chỉ là bắt buộc Trump phải bỏ thời giờ ra tòa, chuẩn bị lập luận biện hộ, truy tìm tài liệu giúp bác bỏ các tố giác,... Bận đến độ không còn thời giờ và sức lực đi vận động tranh cử gì nữa, trong khi dân Mỹ thấy Trump hết bị tội này tới tội khác. Cái độc đáo của ông Trump là điểm ông thấy rõ âm mưu này và đã dùng 'gậy ông đập lưng ông', khai thác ngược những truy tố này, biến chúng thành những chủ đề tranh cử, tự hóa thân thành nạn nhân của các mánh mung nhơ nhớp của Biden. Điển hình là ông đã khai thác, biến bức hình 'mug shot' chụp trong tù Fulton thành vũ khí tranh cử, thu ngay hơn 7 triệu đô tiền bán áo thun, ly, kỷ niệm,... với tấm hình đó.
d. Cạnh tranh nội bộ
Ta nhìn thử vào chuyện nội bộ trong đảng CH. Ở đây, ta tạm bỏ qua không bàn đến thành phần đồng chí CH nhưng căm thù và quyết tâm triệt hạ Trump, không thua gì phe DC, là cánh CH gọi là #NeverTrump, là một thứ liên minh chính trị giữa khối CH gọi là RINO -Republican in Name Only- với khối Nhà Nước Ngầm -Deep State-, chống Trump tuyệt đối và tận cùng.
Ta tạm giới hạn, chỉ bàn đến những thành phần trong chính đảng CH, không phải là kẻ thù không đội trời chung của Trump, nhưng cũng không hoàn toàn ngồi cùng thuyền với ông Trump, mà muốn cạnh tranh, dành cái ghế trong Tòa Bạch Ốc cùng với ông, trong đó có không ít những người đã từng là đồng chí, là bạn thâm giao, là phụ tá, hay đồng nghiệp làm việc chung hay dưới quyền ông Trump. Bây giờ có thể vì lý do khác biệt quan điểm, cũng như vì tham vọng cá nhân, muốn chạy đua hay cạnh tranh cùng ông Trump. Nhiều người có thành kiến, ác cảm với Trump coi những việc chống đối này như những dấu hiệu 'tỉnh ngộ' của những cựu phụ tá hay cố vấn cho Trump, bây giờ nhìn thấy tội lỗi của Trump nên quay qua chống Trump.
Thật ra, ta phải hiểu đây chính là một điểm căn bản, nền tảng của thể chế dân chủ của Mỹ: sẵn sàng cạnh tranh nhau chết bỏ cho dù là đồng chí cùng đảng để dành cho được chiến thắng. Dân tị nạn ta chưa quen biết với thể chế dân chủ kiểu Mỹ này, nên cứ đinh ninh trong đầu họ chống nhau là đương nhiên trở thành kẻ thù không đội trời chung, giết nhau tới cùng, mà không hiểu được họ chống báng nhau trên căn bản là chống báng về quan điểm, trong khi trên phương diện cá nhân, vẫn 'đội trời chung' được. Thậm chí, nhiều khi vì nhu cầu và quyền lợi chung, sau khi đấm đá nhau kịch liệt, thẳng cánh, lại vẫn ngồi lại với nhau, làm việc chung với nhau được. Điển hình là hai ông Kennedy và Johnson, đánh nhau xả láng để rồi cuối cùng ngồi lại với nhau, ông chánh ông phó. Hay gần đây hơn, bà Kamala với ông Biden đá nhau tàn bạo, để rồi cuối cùng lại ngồi cùng nhau làm việc.
Dân Mỹ coi những đấu đá nội bộ này chẳng những chính đáng, chẳng có gì tệ hại, mà còn cần thiết. Cần thiết để người dân thấy rõ sự khác biệt, thấy rõ những khuyết điểm của mỗi người, để giúp họ có sự lựa chọn đúng nhất, cũng như những tranh cãi nội bộ là thực tập cần thiết để chuẩn bị các ứng cử viên ra đấu võ cùng đảng đối lập.
Cuộc tranh luận trên tivi mới đây giữa tám ứng cử viên CH cho ta thấy một bức tranh hết sức... 'bình thường', cổ điển của sinh hoạt chính trị Mỹ. Trên tivi, cả tám vị đều có vẻ rất hăng hái, rất tự tin, đấm ngực ầm ầm, khoe thành tích lung tung, bất kể có thật hay tưởng tượng, hứa hẹn còn lung tung hơn nữa, bất kể có thực sự giữ được lời hứa hay không, rồi tấn công tới tấp các đồng chí cùng đảng. Nhưng cuối cùng thì người coi và nghe cũng chẳng thấy có cái gì đặc biệt hơn người hay khác người của những vị này. Toàn là những chính trị gia theo mô thức cổ điển, ... Vũ Như Cẩn. Phải nói, tất cả khán giả theo dõi cuộc tranh luận đều cảm thấy như thiếu thiếu một cái gì đó. Kiểu như họp chợ chiều trong khi món hàng tươi đã bán hết từ phiên chợ buổi sáng rồi.
Ông Trump hiện nay hầu như đã hoàn toàn thống trị đảng CH. Tới mức... độc cô cầu bại luôn. Tất cả các thăm dò đều cho thấy một mình ông Trump đã chiếm hậu thuẫn của hơn một nửa số cử tri CH, còn lại chưa tới một nửa, một tá ông bà khác chia nhau. Ông DeSantis, người về hạng nhì, đang thua ông Trump đâu 30-40 điểm. Nếu ông Trump không bị đi tù, hay tứ ý rút lui, thì coi như ông sẽ là đối thủ của cụ Biden năm 2024, không ai khác. Các ngôi sao trẻ đang lên của CH như DeSantis, Ramaswamy, Haley,... nên chuẩn bị cho năm 2028.
Bất kể thích hay ghét ông Trump, ai cũng phải công nhận ông Trump đã và vẫn còn đóng một vai trò cực kỳ lớn và mạnh trong đảng CH, mà cho tới nay, chưa thấy ai có triển vọng hạ được ông trong nội bộ đảng CH. Ra đấu với đại diện của đảng DC là chuyện khác, thắng thua chưa ai biết được và không phải là đề tài của bài này. Chỉ biết không ai có thể coi thường ông Trump.
Ở đây, xin trích lại nhận định của Kissinger về ông Trump: "Thiên hạ sẽ không bao giờ thừa nhận rằng ông ta là một nhà lãnh đạo thực sự. Người đàn ông này tạo được những thay đổi mà trước đây chưa từng có, và làm tất cả vì lợi ích của người dân của đất nước này. Sau tám năm chuyên chế [DĐTC ghi chú: dưới thời Obama], cuối cùng chúng ta thấy được một sự khác biệt“. Vì vai trò của Kissinger trong việc chúng ta mất nước, nhiều người Việt thâm thù Kissinger. Nhưng không phải vì vậy mà không dám nhìn nhận Kissinger là một siêu chiến lược gia chính trị hiếm thấy. Nhận định của ông không thể coi thường hay nhìn hời hợt.
Mới đây, thủ tướng Hung Gia Lợi tuyên bố công khai "Chỉ có ông Trump mới cứu được Tây Phương". Có ai nghe quốc trưởng hay thủ tướng nào nói "Chỉ có ông Biden mới cứu được Tây Phương" không?
Thực tế trong tình trạng hiện tại: ông Trump sẽ là ứng cử viên TT của đảng CH, ngoại trừ trường hợp bất ngờ quái lạ không ai có thể đoán trước được. Tất cả các ứng cử viên CH khác đều không có cách nào hạ ông Trump được. Chống ông Trump thật là khó!
ĐỌC THÊM:
----------