Việt Nam nếu có nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ cũng không để 'thoát Trung'?
Nguồn: BBC Ngày đăng: 2023-09-08


Trước việc Mỹ và Việt Nam có khả năng nâng cấp quan hệ ngoại giao khi Tổng thống Joe Biden thăm Hà Nội, Trung Quốc lại tiếp tục kêu gọi Việt Nam "củng cố niềm tin chính trị".
Hãng tin Tân Hoa Xã của Trung Quốc đưa tin, Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Kiến Siêu đã gặp TBT Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, ngay trước chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Hà Nội.
Hai quốc gia cộng sản cho biết đã nhất trí củng cố niềm tin chính trị lẫn nhau và tăng cường hợp tác nhằm giải quyết các thách thức. Theo Reuters, ông Biden sẽ đến Việt Nam vào Chủ nhật 10/9 để nâng cấp quan hệ song phương, động tác được một số nhà bình luận coi là đưa Việt Nam thoát khỏi quỹ đạo của nước láng giềng châu Á hùng mạnh, Trung Quốc.
Tuy thế, nhận xét với BBC ngày 6/9, ông Vũ Xuân Khang, Nghiên cứu sinh Tiến sĩ ngành An ninh quốc tế tại Đại học Boston (Boston College) cho rằng Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ không phải là một nỗ lực thoát Trung vì Việt Nam vẫn cố gắng giữ quan hệ hòa hảo với Trung Quốc.
Ông Khang nói Việt Nam vẫn ưu tiên các cuộc gặp cấp cao với Trung Quốc trước khi có các cuộc gặp tương tự với Mỹ, ví như chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi tháng 11/2022, hay chuyến công du của Thủ Tướng Phạm Minh Chính đến Bắc Kinh vào tháng 6 khi tàu sân bay Ronald Reagan đang ghé Đà Nẵng.
"Thoát Trung chỉ đúng khi Việt Nam không còn giữ thế trung lập và ngả về một phe chống Trung Quốc như Hà Nội đã làm vào năm 1978 khi Việt Nam chính thức liên minh với Liên Xô," ông Khang nói.
Sự dịch chuyển đường lối ngoại giao của Hà Nội
Trong bài phân tích về Việt Nam trong quan hệ Trung-Mỹ, tiến sĩ Bích Trần của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) viết rằng, sau sự sụp đổ của Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, Trung Quốc và Việt Nam nằm trong số năm quốc gia vẫn duy trì chế độ cộng sản còn lại trên thế giới. Đối với Việt Nam hay Trung Quốc, sự tồn vong của chế độ đi liền với lợi ích an ninh quốc gia và thời điểm này, Hà Nội coi Bắc Kinh là đồng minh, cùng bảo vệ "chủ nghĩa xã hội".
Ngược lại, Việt Nam từng coi Mỹ là kẻ thù không đội trời chung, dẫn đầu các lực lượng đế quốc nhằm lật đổ các chế độ cộng sản trên toàn thế giới. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Việt Nam ngày càng gặp khó khăn trong việc dung hòa quan điểm này với môi trường chiến lược đang thay đổi vào cuối những năm 1990, theo TS Bích.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 8 của Đảng và năm 1996, Việt Nam lần đầu tiên tuyên bố "đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa" để phá thế bị bao vây cấm vận, tham gia vào đời sống cộng đồng quốc tế.
Đến năm 2003, ĐCSVN đã đề ra "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong hình hình mới", áp dụng một khái niệm mới được gọi là "vừa hợp tác, vừa đấu tranh" và chiến lược này đã được quán triệt trong mười năm kế tiếp. Các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ phải xác định rõ "đối tượng""đối tác" để đưa ra hành động tối ưu hơn đối với từng quốc gia, trong đó có Trung Quốc và Mỹ.
Theo Giáo sư Carl Thayer, các cuộc tranh luận nội bộ của Việt Nam hiện chủ yếu tập trung vào cách duy trì quyền tự do hành động của mình trong quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ, thông qua những điều chỉnh chiến thuật trong chính sách một cách tài tình, thay vì liên kết với một bên chống lại bên kia.
Giáo sư người Úc này nhấn mạnh, điều đang thay đổi trong tư duy chiến lược của Việt Nam là làm thế nào để điều chỉnh chính sách đối ngoại của mình trước sự phân cực ngày càng gay gắt của hệ thống quốc tế và tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại.
Nga hiện đang suy yếu, bị cô lập và phụ thuộc vào Trung Quốc vì xâm lược Ukraine. Ấn Độ chuyển hướng siết chặt quan hệ quốc phòng với Mỹ để đối phó Trung Quốc. Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản cùng tập trận phòng thủ tên lửa chung ở vùng biển quốc tế phía Đông bán đảo Triều Tiên.
Giống như các quốc gia Đông Nam Á khác, Hà Nội không muốn chọn bên mà là tiếp tục duy trì quan hệ tốt đẹp với cả Trung Quốc và Mỹ để hưởng lợi từ cả hai. Việt Nam đã đứng trên nhiều 'chân kiềng' quan hệ khác, không chỉ với Mỹ, Trung Quốc, Nga mà còn với Liên minh Châu Âu (EU). Việt Nam đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU vào tháng 6 năm 2019.



Sách Trắng Quốc phòng Việt nam 2019 tuyên bố nước này theo đuổi chính sách Bốn Không: không tham gia liên minh quân sự; không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam; không dựa vào nước này để chống nước kia. không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh "Bốn Không" nêu trên, Việt Nam còn có chính sách "Một tùy": tức tùy thuộc tình hình, Việt Nam có thể xem đẩy mạnh hợp tác mạnh mẽ hơn.
Nếu trước đây, Việt Nam được coi là cẩn trọng trong việc nâng cấp quan hệ với Mỹ thì cuộc điện đàm của Tổng thống Joe Biden với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát đi tín hiệu tích cực song phương "thúc đẩy, phát triển, làm sâu sắc hơn quan hệ".
Chuyến thăm vào Chủ nhật 10/9 này của người đứng đầu Nhà Trắng đến Hà Nội cho thấy hai nước cựu thù sẽ nâng cấp quan hệ, thậm chí có khả năng từ mức đối tác toàn diện hiện có lên mức cao nhất, ngang hàng Trung Quốc - là đối tác chiến lược toàn diện.
Tuy nhiên, việc Hà Nội "nhảy cóc" quan hệ với Mỹ, nếu xảy ra, được đánh giá là bước đi khá bất ngờ về mặt ngoại giao của Việt Nam kể từ sau Đổi Mới 1986. Theo tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, Việt Nam vốn thận trọng và hạn chế những chuyển biến quá đột ngột có khả năng gây ảnh hưởng đến mối quan hệ của Việt Nam với các nước xung quanh, đặc biệt là Trung Quốc.
Ông Vũ Xuân Khang nói với BBC rằng, nếu Việt Nam có thể thuyết phục lãnh đạo Bắc Kinh rằng họ không có ý định chống Trung Quốc bằng cách nâng cấp quan hệ với Mỹ, Trung Quốc sẽ không trừng phạt Việt Nam.
"Ngược lại, nếu Việt Nam thất bại trong việc duy trì quan hệ hữu hảo với Trung Quốc, Trung Quốc sẽ không ngần ngại có các đòn trả đũa. Vào tháng 4 2022, Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Vương Nghị đã nói thẳng với Việt Nam rằng, nên tránh một thảm kịch Ukraine lại xảy ra. Sức mạnh quân sự của Trung Quốc là vũ khí răn đe Việt Nam hiệu quả nhất," ông Khang nhận định.
Trung Quốc muốn Việt Nam ở trong quỹ đạo của mình
Hồi tháng 8, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc, ông Vương Nghị, đã trực tiếp kêu gọi Việt Nam chia sẻ hệ tư tưởng với Bắc Kinh khi ông thúc giục Hà Nội chuẩn bị cho một hội nghị thượng đỉnh và chống lại 'sự can thiệp' của các thế lực bên ngoài, theo SCMP.
Là láng giềng với cùng hệ tư tưởng, ông Vương Nghị nói với Phó Thủ tướng Việt Nam Trần Lưu Quang rằng "hai bên nên chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của mối quan hệ ở tầm cao mới".
Trung Quốc đưa tin rằng ông Quang tái khẳng định 'tầm quan trọng không thể so sánh được và tính chất đặc biệt' của Trung Quốc với Việt Nam, và mối quan hệ giữa hai bên 'luôn luôn là ưu tiên hàng đầu' của Hà Nội.
Việt Nam nâng cấp quan hệ với Trung Quốc lên đối tác chiến lược toàn diện từ năm 2008. Tới năm 2013, Mỹ mới thành đối tác toàn diện (mức thấp nhất) với Hà Nội.
Một số nguồn tin dự đoán rằng, Việt Nam sẽ đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng vào tháng 9 này, sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Điều này cho thấy Việt Nam vẫn luôn coi trọng và duy trì mối quan hệ cân bằng với Trung Quốc và Mỹ, khéo léo vận dụng "Dĩ bất biến, ứng vạn biến".
Theo nghiên cứu sinh tiến sĩ Vũ Xuân Khang, Việt Nam là nước nối giữa Trung Quốc và Đông Nam Á ở cả trên bộ lẫn trên biển, do đó Trung Quốc mong muốn Việt Nam nằm trong quỹ đạo của Trung Quốc hoặc ít nhất là Việt Nam giữ thái độ trung lập để bảo đảm giao thương với phía Nam.
"Quan trọng hơn, một Việt Nam trung lập sẽ tránh cho Trung Quốc bị bao vây bởi một cường quốc khác như trong giai đoạn 1970 hay 1980 bởi Liên Xô. Trung Quốc càng không muốn chiến tranh xảy ra trên lãnh thổ của họ, nên việc phòng thủ từ xa thông qua việc giữ các nước lân cận trung lập là điều kiện tiên quyết," ông Khang đúc kết.


Một biện pháp để Trung Quốc giữ Việt Nam nằm trong quỹ đạo của mình, theo ông Khang, là sử dụng vũ lực về mặt chính trị để ép Việt Nam không được tiến quá gần với Mỹ nếu không Trung Quốc sẽ có các biện pháp trừng phạt.
Cách tiếp cận này được gọi là "bất chiến tự nhiên thành", giúp Trung Quốc vừa đạt được mục tiêu là Việt Nam tiếp tục giữ vị thế trung lập nhưng Trung Quốc không phải sử dụng quân đội. Bởi lẽ, Việt Nam hiểu rõ hậu quả của các đòn trừng phạt của Trung Quốc trong giai đoạn 1980 để không chọc giận Bắc Kinh.
Trong giai đoạn sau chiến tranh Việt Nam cho đến hết Chiến tranh Lạnh, Việt Nam được cho là ngả hẳn về Liên Xô trong tranh chấp Xô - Trung, để đổi lấy sự bảo trợ cả về kinh tế và quân sự của Liên Xô, chống lại sự thù địch của Trung Quốc.
Theo nghiên cứu sinh Vũ Xuân Khang, đây là nỗ lực "thoát Trung" của ĐCSVN và sau đó, Việt Nam bị Trung Quốc trả đũa vào năm 1979 cùng một thập kỷ chịu sự trừng phạt kinh tế, chính trị, quân sự của Trung Quốc trong giai đoạn 1980.
Ông Khang nói thêm, Việt Nam thoát Trung thất bại không phải là vì Việt Nam không cố gắng thoát Trung mà bởi vì đơn giản là Trung Quốc quá mạnh so với Việt Nam. Theo ông, không có một cường quốc nào khác có thể giúp Việt Nam thoát Trung trong lâu dài, khi Trung Quốc với tiềm lực quân sự và kinh tế của một đại cường có đủ khả năng đánh bật cường quốc đó khỏi Việt Nam.
"Hội nghị Thành Đô là một cơ hội mà Trung Quốc cho Việt Nam sửa sai sau khi Hà Nội đã ngả về phe Liên Xô chống Trung Quốc. Kể từ sau hội nghị Thành Đô năm 1990, Việt Nam đã chính thức lựa chọn đường lối đối ngoại trung lập để tránh làm Bắc Kinh phật ý."
Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ vào năm 1991. Đến năm 2000, hai nước đã giải quyết những tranh chấp về biên giới trên đất liền và trên biển ở vùng Vịnh Bắc Bộ.
Kể từ năm 2004, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Hiện Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN và đối tác lớn thứ sáu của Trung Quốc trên thế giới.
Vì thế, theo ông Vũ Xuân Khang, Trung Quốc mong muốn Việt Nam có thể duy trì ổn định chính trị nhằm bảo đảm an ninh biên giới phía Nam của họ, trong khi Việt Nam ưu tiên quan hệ hữu hảo với Trung Quốc, miễn là Bắc Kinh không có các hành động thái quá làm tổn hại an ninh quốc gia và đẩy Việt Nam vào thế phải chống trả.
Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc
3/2023
Tàu Việt Nam đã bám sát tàu Cảnh sát biển Trung Quốc khi tàu này tiến tới gần một mỏ khí đốt do Nga khai thác trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
30 tháng 10 - 2 tháng 11 năm 2022
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt nam, Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc và gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
6/2020
Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết hai tàu Trung Quốc đã tấn công một tàu đánh cá Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa. Trước đó vào tháng 4, vụ việc tương tự cũng đã xảy ra.


Một hình ảnh vệ tinh của Đảo Bắc với một số đảo nhỏ hơn. Một phần của quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông
2019
Trung Quốc điều tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8, với sự hộ tống của các tàu hải cảnh, vào khu vực Bãi Tư Chính, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
2017-2018
Bắc Kinh đe dọa sẽ tấn công các căn cứ của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa nếu Hà Nội không cho dừng dự án thăm dò khí đốt của Repsol ở Bãi Tư Chính. Việt Nam ngừng khoan dầu.
2015
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam gặp Trương Tấn Sang. Cả hai cam kết là "láng giềng tốt" và nhất trí duy trì hòa bình ở Biển Đông.



06/2014
Trung Quốc cáo buộc bị tàu Việt Nam đâm hơn 1.400 lần, gần giàn khoan 981 ở Biển Đông. Trung Quốc tuyên bố các hành động này là bất hợp pháp và kêu gọi Hà Nội ngừng "các hành động khiêu khích".
5/2014
Bắc Kinh cử tàu khoan thăm dò dầu. Việt Nam điều các tàu đến khu vực ngoài khơi bờ biển miền Trung sau khi Trung Quốc huy động tới 80 chiếc các loại, trong đó có tàu quân sự cho hoạt động khai thác dầu.


Chú thích hình ảnhTàu cảnh sát biển Trung Quốc (trái) bị ba tàu cảnh sát biển Việt Nam chặn gần giàn khoan dầu của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông
2007
Tháng 7: các tàu tuần tra của hải quân Trung Quốc đã bắn vào một tàu đánh cá của Việt Nam, khiến một thủy thủ thiệt mạng; Tháng 11: Việt Nam nổ ra biểu tình phản đối các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc ở Hoàng Sa.
18/7/2005
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào hội đàm với Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đức Lương và nhất trí "tăng cường hơn nữa hợp tác toàn diện và thúc đẩy quan hệ hợp tác láng giềng Trung Quốc-Việt Nam phát triển nhanh hơn và tốt hơn.



1/2005
Tàu Trung Quốc nổ súng vào hai tàu đánh cá ở Thanh Hóa của Việt Nam, giết hại 9 ngư dân và bắt giữ 8 người.
2004
Thương mại hàng năm tăng từ 32 triệu USD lên gần 7,2 tỷ USD trong 13 năm.
2002
Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân thăm chính thức Việt Nam ký hiệp định thương mại và giải quyết các tranh chấp.
2000
Việt Nam và Trung Quốc đã ký Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác Nghề cá.



12/1999
Việt Nam và Trung Quốc đã ký Hiệp ước biên giới trên đất liền.
2/1999
Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm Bắc Kinh và hai nước nhất trí ra Tuyên bố chung về Hợp tác Toàn diện theo phương châm "16 chữ" và tinh thần "4 tốt.
1991
Bình thường hóa quan hệ song phương.
1988
Trung Quốc chiếm đá Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa và sát hại khoảng 64 chiến sỹ Việt Nam.



1980
Hiến pháp Việt Nam gọi Trung Quốc là "kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm của Việt Nam.
1979
Chiến tranh biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc.



1978
Chiến tranh Campuchia–Việt Nam: Việt Nam lật đổ Khmer Đỏ được Trung Quốc hậu thuẫn.


1/1950
Trung Quốc công nhận Việt Nam là quốc gia có "quan hệ hữu nghị Trung-Việt vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng.


Hồ Chí Minh ngồi với Chủ tịch Mao Trạch Đông tại tiệc chiêu đãi dành cho Hồ ở Bắc Kinh.
----------