CÂU CHUYỆN 9/11
Tác giả : Vũ Linh | Nguồn: Diễn Đàn Trái Chiều | Ngày đăng: 2023-09-17 |
Lời mở đầu: Nhân dịp kỷ niệm 22 năm vụ khủng bố Hồi Giáo quá khích tấn công Mỹ được gọi là vụ tấn công 9/11, kẻ này xin kể lại câu chuyện thật 100% về trải nghiệm của chính mình về ngày đó. Bài này đã được đăng trên DĐTC năm 2019, bây giờ xin đăng lại sau khi một độc giả nhắc lại bài cũ và nhiều độc giả khác muốn đọc lại (có thêm bản đồ Newfoundland với căn cứ Gander).
-----------------
Tối thứ sáu 5 tháng Chín, 2001, tôi đang làm việc tại thủ đô Ai Cập, Cairo thì có điện thoại từ bên Mỹ gọi qua. Bên Mỹ mới là buổi trưa. Hợp đồng tư vấn với Ngân Hàng Thế Giới –World Bank- của tôi đang làm tại một ngân hàng Ai Cập bị kết thúc sớm hai tuần vì lý do kỹ thuật gì đó. Tôi được chỉ thị thứ hai, 8 tháng Chín, về Washington DC để làm báo cáo với World Bank trước khi về lại nhà ở Miami.
Thứ hai đó, tôi lấy máy bay Đức Lufthansa từ Cairo đi Frankfurt bên Đức, ngưng 2 tiếng rồi đổi máy bay về Washington. Ngồi máy bay cả chục tiếng, khoảng 9 giờ sáng thứ ba 9/11, coi bản đồ lộ trình máy bay trên cái TV nhỏ ngay tại ghế, thấy mình đang ở trên không phận đảo Greenland, còn độ hai tiếng nữa sẽ bay qua New York, ba tiếng nữa sẽ đáp xuống Washington. Rồi không hiểu tại sao, cứ thấy cái hình máy bay bay vòng vòng cả 15 phút. Rồi bất ngờ nghe tiếng ông pilot trưởng lái máy bay nói “Chúng tôi đang gặp vấn đề kỹ thuật, đang chờ chỉ thị dưới đất”.
Chẳng ai hiểu chuyện gì. Thiên hạ nhốn nháo hỏi nhau. Một vài hành khách biết là sẽ tới nơi trễ, nên ra gọi điện thoại cho người nhà. Hồi đó, điện thoại cầm tay vẫn chưa có nhiều. Cả máy bay cũng chỉ có chừng bốn năm cái điện thoại công cộng ở gần mấy phòng vệ sinh, tất cả mọi người xài chung.
Thiên hạ xếp hàng để chờ đến phiên mình gọi, và khám phá ra không ai gọi được gì hết. Tất cả các đường giây đều bận. Vài người có điện thoại di động cá nhân, lấy ra gọi cũng bị bận. Thiên hạ bắt đầu thắc mắc bàn tán xôn xao: chuyện gì đang xẩy ra?
Tôi cũng vậy, thấy thiên hạ bàn tán ào ào, cũng vội lấy điện thoại di động ra gọi cho bà xã. Rồi cũng bị bận luôn. Sao lạ vậy?
Mấy cô chiêu đãi viên hàng không mặt ngơ ngác chạy tới chạy lui, bị túm lại hỏi nhưng đều lắc đầu nói không biết gì hết. Vài hành khách yếu bóng viá bắt đầu la hét có phải tàu bay bị trục trặc máy móc không, có đáp xuống được không, ...
Chừng một chục phút sau, nghe tiếng ông xếp lái máy bay: “Không phận Mỹ đã bị đóng cửa hoàn toàn và tất cả máy bay đang bay đều bị bắt phải đáp xuống phi trường gần nhất. Trong trường hợp chúng ta, tôi sẽ phải đáp xuống phi trường Gander của Newfoundland. Chúng tôi sẽ cung cấp thêm tin tức sau. Xin quý vị an tâm và bình tĩnh, mọi sự đều yên ổn”.
Thiên hạ nhốn nháo, càng thêm cuống. Gander là đâu? Newfoundland là đâu? Chuyện gì mà tới hết cả không phận của cả nước Mỹ phải đóng? Đại chiến Thứ Ba sao? Nga tấn công? Castro nổi điên? Cả tàu bay rối loạn, ai có điện thoại di động cũng lôi ra gọi, không có thì chạy ra xếp hàng trước điện thoại của máy bay. Nhưng chẳng ai gọi được. Vẫn bận hết.
Tôi cũng đâm ra cuống, ôm di động gọi liên tục không ngừng. Đâu mấy chục phút sau, bất ngờ kết nối được bà xã. Bà ấy la hoảng “Hai tòa nhà chọc trời World Trade bị thả bom xập rồi, New York loạn, cả Ngũ Giác Đài Pentagon ở Washington cũng bị thả bom luôn”. Trong giây phút rối loạn đầu, chẳng ai biết thực sự chuyện gì đã xẩy ra. Ngay cả các đài TV cũng loan đủ thứ tin trái ngược nhau.
Dù vậy, cũng khiến tôi bật ngửa! Hả, cái gì mà thả bom tới xập hai cái tòa tháp khổng lồ đó? Thả bom luôn cả Ngũ Giác Đài là bộ tư lệnh tối cao của quân lực Mỹ nữa? Ai thả bom? Bom gì mà ghê gớm vậy? Đúng là đại chiến thế giới rồi còn gì nữa?
Trên máy bay, một vài người cũng đã nói chuyện được với người thân và đã biết lờ mờ chuyện ‘có đánh bom tại New York và Pentagon’. Thiên hạ bàn tán mệt nghỉ, chẳng thua gì những tin đồn loạn xà ngầu tại Sàigòn những ngày cuối tháng 4/75. Rồi khi đó mới nghe tiếng của phi thuyền trưởng: New York bị “khủng bố tấn công và máy bay phải đáp để chờ chỉ thị”.
Tôi không biết phải nghĩ gì nữa: ông bà cụ thân sinh tôi đang ở Nhà Người Già tại Pentagon City sát cạnh Pentagon, con gái thì đang đi họp công ty tại Manhattan, con trai thì ở North Carolina, bà vợ ở Miami điện thoại không gọi được ai hết. Anh bạn đồng nghiệp người Mỹ đi cùng chuyến bay, ngồi cạnh tôi thì mặt tái mét: nhà anh ở ngay khu Manhattan, đầy đủ cả vợ con, mà anh không có cách nào điện thoại được. Sau này được biết cả nhà anh an toàn.
Máy bay chuẩn bị đáp thì ông captain lại lên tiếng: quý vị sẽ được xe buýt chở vào một trường học tạm chờ. Khoảng ít phút sau, máy bay đáp xuống phi trường Gander, một căn cứ quân sự của không quân Canada trên đảo Newfoundland.
Máy bay đáp xuống phi đạo, tôi nhìn qua khung cửa sổ. Lạ lùng thay, thấy cả mấy chục máy bay đủ hãng lớn như Air France, United, British Airways, Alitalia, ... xếp hàng dài dài dọc hai bên phi đạo. Về sau, được biết có tổng cộng 38 máy bay hành khách quốc tế chở hơn 7.000 người phải đáp xuống.
Máy bay đáp xuống phi đạo, tôi nhìn qua khung cửa sổ. Lạ lùng thay, thấy cả mấy chục máy bay đủ hãng lớn như Air France, United, British Airways, Alitalia, ... xếp hàng dài dài dọc hai bên phi đạo. Về sau, được biết có tổng cộng 38 máy bay hành khách quốc tế chở hơn 7.000 người phải đáp xuống.
Năm bẩy cái xe buýt vàng chở học trò đã chở tất cả hành khách vào một trường học trong thành phố. Hai bên cầu thang là cả chục lính Canada võ trang súng ống ngắn dài đủ loại, mặt hầm hầm đầy sát khí, như thể ai nhúc nhích là bị bắn bỏ ngay. Vừa đi thì tài xế thông báo trường học có sân bóng rổ, trong đó có một TV, màn hình lớn, mọi người sẽ thấy khủng bố tấn công New York như thế nào. Dĩ nhiên xe buýt vừa đậu là thiên hạ ào ào tranh nhau xuống rồi chạy vào coi TV. Ở đó, đã có cả ngàn người lúc nhúc đứng ngồi coi TV khổng lồ bề ngang tới hơn ba thước treo gần nóc nhà rồi.
Đúng lúc tôi chạy vào coi thì CNN chiếu lại cảnh cái tòa tháp đầu tiên đang bị xụp trong khi cái kia đang cháy. Thiên hạ la hét om sòm. Mấy ông thì “f...k it” lia chia, mấy bà thì la hét thảm thiết, trong khi đám trẻ con khóc ầm ĩ.
Một lát sau, có cảnh sát Canada, võ trang súng ngắn súng dài đủ loại, tới cùng với phi hành đoàn các phi cơ, mọi người được xếp lại từng nhóm tùy theo máy bay, rồi được đưa vào các lớp học. Bàn ghế đã dẹp hết, trống trơn. Mỗi người được phát một tấm nệm nhỏ, “Giường tạm của quý ví, xin nghỉ ngơi đi!” Mọi người ôm tấm nệm mỏng, kiếm chỗ trải ra, ngồi bàn tán ồn ào tiếp. Mấy cái nệm chắc lấy trong kho nào đó, hôi rình mùi ẩm mốc. Vẫn còn hơn nằm sàn đá lớp học. Một lát sau, một anh cảnh sát vô phòng kêu mọi người ra lãnh quần áo. Hả, cái gì mà lãnh quần áo? Thì ra tất cả hành lý không lấy ra khỏi máy bay được, không ai có quần áo gì hết và có thể sẽ phải ở đây vài ngày. Dân địa phương quyên góp quần áo cũ, nhất là quần áo lạnh vì Gander là thành phố cực bắc của Newfoundland là đảo ở mõm cực đông bắc của Canada, sát nách đảo băng đá Greenland (mà TT Trump muốn mua?) đến tháng Chín là lạnh rồi.
Tôi nản chí quá. Lại di tản nữa? Năm 75, đã ngủ đất, lãnh quần áo thí, xếp hàng ăn “cháo heo”, bây giờ lại nữa sao? Tìm cách gọi điện thoại cho bà vợ nữa thì khám phá ra hết pin, mà không có giây cắm điện vì để trong vali trên máy bay. Bèn hỏi thăm và được cho biết đi ra khỏi trường, đi bộ chừng nửa dặm có trung tâm thương mại, vô đó kiếm. Tôi đi kiếm, đến ngay cửa shopping center thấy thiên hạ nối đuôi, xếp hàng dài cả trăm thước. Chuyện gì? Cả ngàn hành khách xếp hàng vô mua đủ thứ, quần áo, bàn chải đánh răng, dép nhật, chăn mền, sách báo, đồ ăn, nước uống, ... Đợi cả nửa giờ đến phiên tôi vào, đến tiệm bán điện thoại để hỏi mua dây sạc điện. “Vâng, chúng tôi có giây cho đủ loại điện thoại hết”. Giá bán? 100 đô, trong khi bình thường chỉ có... vài đô. Ai nói dân Canada không có máu doanh thương giống mấy chú Ba? Về lại trường học, lại ôm điện thoại gọi về nhà. Gọi mười lần thì được một lần. Vẫn không có tin gì về ông bà cụ và hai đứa con.
Cả ngày hôm đó chỉ biết ngồi coi TV và tán gẫu cùng các hành khách khác. Trường này là trường trung học nhỏ, chỉ có khuôn viên nhỏ ở giữa, không có vườn đi dạo gì hết. Buổi tối, được gọi ra phòng ăn, tự chọn. Cả chục bà, đều là các bà nội trợ tự nguyện đến giúp, tươi cười vồn vã múc cho từng người thức ăn trên dĩa giấy. Toàn là những món Mỹ tạp nhạp, rẻ tiền và... dở ẹc, nuốt muốn mắc nghẹn. Trứng chiên, hot dog, súp cà rốt gì đó. Ít ra thì cũng ... miễn phí. Đêm đến, chẳng cách nào ngủ được, phần vì trật múi giờ, phần vì lo sợ, phần vì lạnh quá, cái nệm và mền họ phát mỏng dính chẳng đủ ấm gì hết.
Sáng hôm sau, giật mình dậy thấy tất cả mọi người gần như đã dậy và đi đâu hết rồi, chỉ còn vài người đang ngủ. Thiên hạ đã dậy sớm ra coi TV hay đi xếp hàng lấy đồ ăn sáng rồi. Tôi cũng đành đi ra kiếm ăn sáng: chỉ toàn là ... donut, thứ mà tôi ghét nhất, và sữa tươi, thứ mà tôi kiêng vì chất béo. Thôi thì đành ăn đỡ.
Đang ăn thì nghe xôn xao ở trong sân bóng rổ, đã trở thành trung tâm hội họp để coi TV, bàn tán và nghe tin về chuyến bay của mình. Chạy qua coi. Cả ngàn người đang xúm lại nghe hai ông pilots và cảnh sát đứng trên một cái bục cao, giải thích. Thiên hạ xúm lại hỏi: bây giờ làm gì? Chừng nào được về nhà? Không có câu trả lời.
Mấy ông bà ‘đế quốc, thực dân, thượng lưu’ Âu Mỹ không quen ngủ đất, ăn xin, nên chửi bới om xòm, đòi được đưa vào khách sạn, có người hỏi Hilton ở đâu? Được trả lời, tất cả hotel trong cả thành phố chỉ có hơn một trăm phòng mà bây giờ có cả ngàn dân “tỵ nạn”. Thành phố này có chưa tới 10.000 dân, mỗi năm chắc có 30 khách du lịch tới thăm bà con, mà bây giờ đã có tới gần 10.000 người đổ bộ xuống, lấy đâu ra khách sạn?
Thế là nhao nhao lên chửi! Bush đâu rồi? Where’s that f…king Bush?
Mấy ông pilots thông báo họ đang thảo luận với chính phủ Mỹ, và các xếp hãng máy bay xem có giải pháp nào, và sẽ có quyết định sớm. Lại nhao nhao chửi, và cãi lộn tứ tung.
Tôi tiếp tục gọi điện thoại cho vợ, con, ông bà cụ. Cuối cùng gặp được thằng con đang ở North Carolina. Nó nhất định nói sẽ lái xe lên Gander đón bố về, chứ không phận đóng cửa biết chừng nào mới mở lại. Tôi phải nói mãi là Gander cách North Carolina mấy ngàn dặm, nó lái xe non-stop cũng phải mất hai ba ngày là ít, chưa kể Newfoundland là hòn đảo, phải lấy tầu thủy cả nửa ngày nữa. Không chừng khi nó tới nơi, người ta đã được về hết rồi.
Đến chiều, mọi người được gọi họp: được thông báo tất cả các máy bay không phải máy bay Mỹ sẽ phải chở hành khách trở về điểm khởi hành, máy bay Mỹ thì ở lại vì có thể được cho phép vào Mỹ lại. Tôi đi máy bay Đức, sẽ được chở về Frankfurt.
Tôi nhìn đám hành khách và chợt thấy tất cả mấy ông bà hành khách Hồi giáo rất dễ nhận, nhất là mấy bà đội khăn che hết tóc, đi cùng chuyến bay với tôi từ Cairo, sao không thấy ai hết, đi đâu hết rồi? Về sau mới biết họ đã được tuyển lọc và kín đáo đưa đi nơi khác hết rồi. Hiển nhiên, ngay từ đầu, các chính quyền Mỹ và Canada đã nghi ngờ khối Hồi giáo nên đã cách ly tất cả hành khách Hồi ngay. Dĩ nhiên, chẳng ai biết họ được mang đi đâu, làm gì.
Gần tối, tôi được bay về Frankfurt lại. Sáng sớm hôm sau tới Frankfurt được xe buýt đón từ phi đạo, ngay cầu thang máy bay, đưa thẳng về khách sạn khá tốt ở trung tâm thành phố, với lệnh không được đi ra khỏi khách sạn để chờ chỉ thị có thể tới bất cứ lúc nào. Ngồi cả ngày trong phòng coi TV, thỉnh thoảng xuống bar uống bia, coi TV và bàn tán với mấy khách hotel. Đến tối, bất ngờ được thông báo sáng mai sớm có máy bay chở dân có quốc tịch Mỹ về Mỹ, trong khi các dân xứ khác vẫn phải ở lại khách sạn chờ quyết định sau.
Sáng hôm sau, ra phi trường ghi danh, được hỏi đi đâu, tôi trả lời đi Miami, về nhà, không có lý do gì đi Washington hết, kệ báo cáo cho World Bank, tính sau. Thế là được OK, và có máy bay quân sự đặc biệt của Mỹ được đi vào vài thành phố Mỹ, ngoại trừ New York và Washington chưa đi được.
Phi trường Frankfurt trông khác hẳn bình thường. Hàng chục lính Đức, mặc quần áo xanh lá cây đậm, mũ sắt, súng tự động, lựu đạn, còng sắt, dắt chó berger to tướng, đi khắp phi trường. Tưởng như quân Hitler tái chiếm Đức!
Sau một chuyến bay thật dài, về tới nhà ở Miami. Lúc đó mới hoàn hồn. Ông bà cụ nhà ở gần Pentagon nên nghe tiếng nổ kinh hoàng, phòng bị rung chuyển như động đất, nhưng không sao. Con gái thì chưa đi họp, còn ở khách sạn gần Manhattan khi khủng bố tấn công, cuống cuồng nhẩy lên xe lửa, đi hơn 20 tiếng mới về tới Miami.
Hợp đồng của tôi bị hủy vì bội chi quá ngân sách và không có thỏa thuận tăng. Nếu gia hạn, tôi đã kẹt lại Cairo. Nghe kể lại, những đồng nghiệp Mỹ bị kẹt lại, đã bị nhốt trong khách sạn mấy tuần vì lý do an ninh, cấm không được ra phố, đến cả tháng sau mới về Mỹ được. Không biết tại sao tôi may mắn, bất ngờ được về sớm, thoát cái nạn đó.
Mới đây mà đã 18 năm, cứ tưởng như hôm qua.
Vũ Linh
----------