Lại chuyện thầy trò...
Tác giả : Kim Loan Nguồn: Việt Báo Ngày đăng: 2023-09-25


Hồi ở trại tỵ nạn Thailand, tôi có lúc đã quay cuồng “chạy sô” đi học 4 thứ tiếng.
Thứ nhất, là tiếng Thailand. Vì nghe bà con rỉ tai bảo nhau, nếu chẳng may bị rớt thanh lọc không được đi định cư nước thứ ba, thì dứt khoát không quay về Việt Nam mà trốn ra ngoài Thái sinh sống, làm ăn rồi lấy chồng Thái để... trả thù dân tộc và để…gỡ lại vốn 3 cây vàng tiền vượt biên. Và trước mắt là phải biết mấy câu tiếng Thái để khi đi phỏng vấn thanh lọc mà chào hỏi mấy anh chị luật sư người Thái.
Thầy dạy tiếng Thái là người Việt tỵ nạn, nhưng có thời gian dài sinh sống ở vùng biên giới Cambodia-Thailand nên rành luôn hai tiếng đó. Lớp học hơn chục người, vui như Tết, vì có gì thắc mắc cứ hỏi bằng tiếng Việt, thầy tận tình chỉ dẫn. Mỗi buổi học xong, tôi và nhỏ bạn hớn hở đi thẳng ra khu chợ trong trại để thực tập tiếng Thái với mấy chế bán hàng, dễ nhất là “Sawa đi kha” (Chào anh/ chị) và “khap khun” (cám ơn) rồi cười đau cả bụng khi nói sai nói lộn các câu khác, hiểu ra ý tùm lum tà la.
Thứ hai, là tiếng Tàu. Dĩ nhiên, chúng tôi chẳng muốn qua China định cư, nhưng dân Tàu “đông hơn quân Nguyên”, có mặt khắp các ngõ ngách trên trái đất này, nên cứ học chút tiếng Tàu để đấy, phòng xa, thừa còn hơn thiếu. Ông Thầy này là người Việt gốc Tàu Chợ Lớn nhưng chả hiểu sao không nói rành tiếng Việt, báo hại chúng tôi phải nói chuyện với Thầy bằng tiếng Anh hoặc Tiếng Tàu mới lõm bõm cấp “abc”, mỏi cả miệng. Phải nói không ngoa rằng tiếng Tàu là tiếng khó học và phức tạp nhất hành tinh này, nội bảng chữ với các hình phải nhớ là nhức cả đầu nên chỉ mới hơn hai tuần, chúng tôi đành bỏ cuộc.
Thứ ba, là tiếng Pháp. Nước Pháp thì có liên quan gì đâu nà!? Có lẽ do ảnh hưởng một thời nghe ca sỹ Thanh Lan và Elvis Phương hát các bài nhạc Pháp lời Việt mà mê mẩn, và đọc sách báo mơ mộng về kinh đô ánh sáng, có tháp Eiffel, có dòng sông Seine, có vườn Luxembourg lãng mạn trữ tình. Nhưng lý do quan trọng nhứt, là… thầy giáo dạy tiếng Pháp là chàng người Cambodia lai Tàu, cao to, trắng trẻo, đeo cặp kiếng trắng thư sinh, đẹp trai như tài tử Hàn Quốc Hyun Bin.
Thầy này, nói đúng hơn, là đồng nghiệp nhân viên Cao Ủy giống như tôi, nhưng tôi làm ở Văn Phòng dành cho người tỵ nạn Việt Nam, còn hắn thì ở văn phòng cho người Lào Hmong và Cambodia. Những buổi trưa im vắng rảnh rỗi, ít dân tỵ nạn lên hỏi han chuyện giấy tờ, tôi ngồi từ văn phòng của mình nhìn qua cửa sổ về phía bên kia, hắn cũng tươi cười vui vẻ, rồi ra hiệu cho tôi, đại khái là hắn đi qua ngồi nói chuyện cho vui, nhé?! Tôi gật đầu, và hai đứa chúng tôi ríu rít chuyện trò, với mục đích ban đầu và duy nhất là “practice English” lẫn nhau, riết rồi ngày nào cũng “tám”, lôi cả chuyện gia đình, chuyện quá khứ ra kể lể vì hắn và tôi cùng tuổi.
Hắn bảo hắn đang học trong trường huấn luyện pilot dân sự với ước mộng đưa khách du lịch bay lượn trên bầu trời, nhưng rồi ba má hắn ra lệnh cả gia đình phải vượt biên qua biên giới Thailand vào trại tỵ nạn, hy vọng sẽ được định cư bên Mỹ, đổi đời. Khi ở Cambodia hắn được học trong trường nói tiếng Pháp nên hắn khá sành sõi và dụ dỗ tôi học thêm ngôn ngữ này, hắn tình nguyện mời tôi vào lớp học miễn phí, khỏi phải đóng tiền như các học viên khác. Thế là từ đó, các buổi nói chuyện của chúng tôi tại văn phòng Cao ủy thêm rộn ràng vì có phần “practice French” mà chủ yếu là “thầy” khảo bài tôi, và tôi thì luôn luôn “hổng thuộc bài” để hắn lại phải kiên nhẫn giảng giải thêm. Bà boss văn phòng Cao Ủy vui tính hiểu chuyện, thỉnh thoảng mang bịch bánh qua bàn cho tôi bồi dưỡng vì “học hành căng thẳng”, nhưng khi còn lại một mình tôi, bà nháy mắt hỏi:
– Hai đứa bay có... yêu nhau không vậy? Xứng đôi vừa lứa lắm đó.
Tôi cũng nháy mắt, đáp lời bà:
– Tôi hổng có cảm giác đó, còn hắn thì... ai biết đâu nà!
Tuy vậy, lớp học tiếng Pháp cũng chỉ được vài tháng vì trại có biến cố biểu tình, toàn bộ dân Việt tỵ nạn bị chuyển qua trại Sikiew, còn dân Cambodia và Hmong vẫn ở lại trại cũ, chúng tôi “thầy đi đường thầy, tôi đi đường tôi”, chẳng còn dịp nào gặp lại nhau.
Thứ tư, là như mọi người khác trong trại, tôi phải học tiếng Anh.
Nghe thiên hạ đồn có “bác” nào đó ra đi tìm đường cứu nước, rồi phiêu bạt sang trời Tây làm phụ bếp trên tàu, nói được 29 thứ tiếng, tôi bán tín bán nghi, vì lúc tôi học cùng một lúc 4 thứ tiếng đã mệt bở hơi tai, tẩu hoả nhập ma, đêm ngủ nói nhảm liên hồi, mệt mỏi bơ phờ may mà chưa… phát điên.
Dù sao thì sau khi rơi rớt ở các lớp học tiếng Thái, tiếng Tàu, tiếng Pháp, thì tôi vẫn miệt mài ở các lớp tiếng Anh. Suốt bốn năm ở trại, tôi học với vài Thầy khác nhau theo từng trình độ, để rồi năm cuối cùng tôi đủ mạnh dạn vào trường ESL làm cô giáo dạy lớp tiếng Anh vỡ lòng cho đồng bào tỵ nạn. Kỷ niệm với các Thầy thì nhiều lắm, nhưng có một kỷ niệm tôi nhớ hoài.
Hôm ấy đang đi lang thang trong trại tỵ nạn Panatnikhom, tôi gặp lại người bạn đồng hương Gò Vấp. Hắn hỏi tôi có đi học Anh Văn ở đâu chưa, tôi trả lời, thì cũng có, nhưng trình độ lớp hơi thấp, tôi muốn học lớp cao hơn chút. Nghe vậy, hắn giới thiệu tôi vào một lớp Anh Văn ngay khu nhà hắn. Tôi hỏi giá cả, hắn bảo, tỵ nạn mà, có nhiêu trả nhiêu, Thầy giáo rất linh động vì Thầy cũng là thân phận tỵ nạn.
Rồi tôi theo lời chỉ dẫn của hắn đến lớp học, chào Thầy, rồi hỏi han mấy người chung lớp, họ cũng nói giống bạn tôi, rằng giá chung chung là như thế, nhưng có tiền thì đóng, không có thì tháng sau, có lúc nào trả lúc đó, hoặc trả theo khả năng, tỵ nạn mà. (Nghe thấy thương làm sao ba chữ “tỵ nạn mà!”) Vì thế tôi an tâm đến lớp mỗi ngày, chờ đến đầu tháng có thư có tiền bên Mỹ gửi qua, tôi sẽ thanh toán cho Thầy.
Đến ngày có tiền, tôi nhớ mấy lần thấy mấy chị trong lớp cứ xòe mấy tờ tiền đưa thẳng cho Thầy, đôi khi làm Thầy hơi mắc cỡ khi nhận tiền. Vốn bản tính lâu lâu thích làm chuyện “khác người”, nghĩ ra “fancy things” cho đời tỵ nạn bớt nhàm chán, tôi chạy qua nhà kế bên xin cái phong bì vì tôi hết phong bì chưa kịp mua. Nhưng chị hàng xóm không có phong bì trắng, chị lục lọi một hồi chỉ còn loại màu hồng, có hoa lá cành viền xung quanh, nhìn cũng đẹp. Thôi thì có còn hơn không, vả lại cũng tới giờ đến lớp, không còn thời giờ chạy ra chợ mua phong bì khác như ý muốn.
Tôi bỏ tiền vào chiếc phong bì màu hồng sạch sẽ, lịch sự, thơm tho rồi đến lớp. Tan học, chờ mọi người về hết, tôi nán lại, trao cho Thầy phong bì. Lúc ấy tôi chợt thấy màu hồng cũng hơi... sến súa (sến nhứt là chùm hoa lá cành in bên ngoài nữa chớ), nhưng đã lỡ rồi, nên tôi bỗng dưng bẽn lẽn, nói lí nhí:
– Em gửi Thầy cái này!
Thầy hơi bất ngờ, nhìn tôi ngại ngùng, mặt đỏ bừng, không nói nên lời, tay run run đón lấy chiếc phong bì. Tôi cũng không nghĩ tình huống lại như thế, chẳng biết phải giải thích tại sao dùng phong bì, và chẳng biết nói sao về cái phong bì màu hồng rất ư là... cải lương, tôi bèn quay đi, thì Thầy vội vàng giữ tôi lại, nhìn tôi, đôi mắt thiết tha, rồi ấp úng:
– Em viết gì trong đó cho tôi vậy, thơ hả? Nghe nói em biết làm thơ, và tôi cũng rất thích Thơ.
Giờ thì đến lượt tôi bất ngờ, mới thấy cái bản tính “fancy” của tôi không phải lúc nào cũng hay ho. Biết thế cứ đưa tiền ra như mọi người khác cho xong, khỏi bày vẽ “phong” với chả “”. Nhìn vẻ mặt bối rối, lúng túng của Thầy, tôi thấy có lỗi, dở khóc dở cười, đành lấy hết can đảm trước khi bước đi, nói rất nhanh, một sự thật phũ phàng trần trụi:
– Dạ không, là tiền học phí tháng này đó Thầy!
Kim Loan
(Edmonton, 8/2023)
----------