Suy tư về thuyết Vô Ngã của Phật Giáo
Tác giả : JB Trường Sơn Ngày đăng: 2023-09-30
N hay Bản Ngã là CÁI TÔI, "the SELF" hay "le MOI", và VÔ THƯỜNG là sự bất định của mọi sự vật suy theo sự thay đổi không ngùng trong cấu tạo căn bản và nhỏ nhất của mọi sự vật, căn bản đó là "Lượng Tử" hay QUANTUM, là thành phần nhỏ nhất của mọi vật chất. Lượng tử này biến dạng không ngừng nghỉ và có thể nói nó là "vô thường".
Nhân xem video về Vô Ngã của Phật Giáo (đính kèm dưới bài), tôi mạn phép nghĩ rằng Thuyết Vô Ngã của Phật Giáo đã bị thuyết Vô Thường chi phối cho nên tạo ra sự bối rối khi biện minh. Trong khi Vô Thường là bất định thì cái Ngã được cho là ổn định trong một khoản thời gian nào đó. Bởi cái Ngã luôn có thật, nó hiện diện khắp nơi không thể chối cải cho nên việc biện minh cho "ước muốn" Vô Ngã (không được có Cái Tôi) quả gặp nhiều khó khăn.
Dù "ước muốn" xem cái Ngã của mình không tồn tại nhưng chính Đức Phật Thích Ca cũng phải chấp nhận rằng con người là một Tiểu Ngã, tách rời từ một chủ thể là Đại Ngã mênh mông, có thể xem giống như một giọt sương bốc lên từ Đại Dương, và sớm muộn gì nó cũng sẽ trở về nhập vào với Đại Dương đó.
Chỉ vì muốn giúp chúng sanh Diệt Khổ cho nên Đức Phật dạy cho con người phương pháp quên đi cái Bản Ngã của mình để không còn cảm thấy những cái khổ đang bám vào nó, giống như để diệt cơn đau của cơ thể thì phải dùng thuốc tê, thậm chí cả thuốc mê làm tê liệt thần kinh để mất đi cảm giác và không còn thấy khổ thấy đau, nhưng thật tình cái đau khổ đó vẫn tồn tại.
Cái Ngã là một THỰC THỂ khó gạt bỏ vì nó gắn liền với mỗi con người, mỗi sinh vật. và mỗi cái Ngã khi sống chung với đồng loại đều có những tương giao và cọng sinh để thi hành một nhiệm vụ là duy trì và bảo tồn nhân loại trên trái đất này.
Thuyết Vô Ngã chỉ là "ước muốn" để tránh khổ hoặc diệt khổ thôi. Vô Ngã trên thực tế khá tai hại vì đó là ước muốn trốn tránh những cảm xúc và nhiệm vụ mà Trời đã giao phó cho mỗi con ngưòi hay sinh vật. Cứ hình dung cái Ngã của mỗi người như là một viên gạch trong một ngôi nhà vững chắc, nếu cái ngã từ chối chịu sức nặng đè lên mình và tự mình rút ra khỏi bức tường thì nó được xem như là "đào ngũ", tạo nên một lổ hổng, và nếu cái ước muốn vô ngã đó lây lan ra mọi viên gạch khác thì bức tường sụp đổ và căn nhà bị hủy hoại. Nếu loài người gồm toàn những kẻ mơ ước Vô Ngã và sợ khổ thì suốt ngày họ sẽ nhắm mắt vô vi và vô động, không làm lụng kiếm ăn, thích đi khất thực, không dám yêu thương ai, chỉ thích sống độc thân thì chắc chắn xã hội đó sẽ tan biến.
Luật của Phật Giáo ở nhiều nơi cấm không cho nam tu sĩ được ôm mẹ hay chị em gái của mình vì sợ lòng dục bị khuấy động. Không lẽ họ sợ đến nỗi từ chối luôn những tình cảm căn bản thanh khiết nhất của con người ? Phương pháp diệt dục này không thiết thực vì mỗi con người cần phải gần gủi nhau để học hỏi để tự tạo sức đề kháng với mọi cám dổ và bệnh tật.
Theo thiền sư lừng danh thế giới Paramahansa Yogananda thì mọi cảm xúc của con người đều dễ dàng được chế ngự và điều khiển bằng thiền định, ở đó mọi tư tưỏng của não bộ đều được ý chí con người kiểm soát khiến ngoại cảnh không thể chi phối được. Ngài Yoganada cho biết : Không cần phải tìm thức ăn ngon mới cảm thấy ngon vì khi ta điều khiển được các neurone trong hệ thần kinh của ta thì dù thức ăn dở cũng sẽ cảm thấy ngon, mọi khoái lạc thể xác cũng có thể tự tạo cũng như triệt tiêu dễ dàng bằng ý chí của thiền định.
Thiết nghĩ, chỉ những ai quá sợ hãi vì chưa đạt được khả năng thiền định mới mơ ưóc cái Vô Ngã đó thôi, vì khi đã thiền định được và làm chủ được mọi cảm xúc bằng ý chí thì dù cái Ngã sờ sờ chường mặt và đòi hỏi gì đi nữa thì những đòi hỏi này cũng sẽ bị VÔ HIỆU HÓA hoặc tách ra khỏi hệ thần kinh thôi !! Thiết nghĩ thiền sư không cần học thuyết Vô Ngã cũng dễ dàng Diệt dục và Diệt Khổ !
Điều mà thực tế đã chứng minh cho thấy là trong mỗi con người thường có sẵn khả năng diệt dục diệt khổ, khả năng đó là niềm đam mê với những điều cao thượng hơn. Nhiều nghệ sĩ vì đam mê với nghệ thuật mà không chú ý đến đòi hỏi của thể xác, nhiều đàn ông vì yêu thương vợ mình mà không cảm thấy hứng thú với những đàn bà khác, nhiều nhà bác học khi đang suy nghĩ về một khám phá mới thì lại quên ăn quên ngủ, quên cả vợ con; và cũng có những đam mê phi lý khác đã qua mặt được cái Ngã, chẳng hạn thằng mê cờ bạc khi lên cơn ghiền thì nó không còn là nó nữa mà như bị ma ám, quên chính cái Ngã của nó và luôn cả sự an nguy của gia đình nó, có thể phung phí cả một gia tài vv..
Thiển nghĩ, sở dĩ Đức Phật Thích Ca dạy về Vô Ngã là để giúp cho các môn đồ NON NỚT của Ngài "diệt khổ" mà thôi, vì những người hèn mọn sức yếu thì cần phải tự ru ngủ để quên đi những đòi hỏi của cái Ngã, chẳng hạn phương pháp tụng kinh ê a hàng giờ chỉ có mục đích làm xao lãng tâm hồn của mình để nó quên đi những lo âu phiền muộn đang ám ảnh mình, một phương pháp đưa tâm hồn mình đi sang một nẻo khác để tránh cái nẻo phiền muộn đang chắn ngang trước mặt, cũng giống như rượu mạnh có thể khiến cho người uống quên đi khổ đau đang dày vò mình.
Hồi nhỏ, mỗi lần thấy ai "nấc cụt" dai dẳng thì tôi đã làm gì để giúp họ ? Đó là chờ khi ngưòi ta không chú ý thì tôi lẽn ra sau lưng rồi hét lớn lên khiến cho người đó "thất kinh" sửng sốt… và lập tức hết nấc cụt.
Đừng cố gắng tìm hiểu về học thuyết Vô Ngã vì cho rằng nó cao siêu, thật ra đó chỉ là ƯỚC MƠ muốn diệt khổ bằng phương pháp không mấy thực dụng và khó thành công vì nó vốn là những lý luận phi thực tế, ngoài khả năng của con người. Tốt hơn là nên tìm học về thiền đạo.
Có một dạo tôi đi dự đám tang của một người bạn Phật Giáo, tang gia mời hai nhà sư Tây Tạng đang du học tại Châu Mỹ đến hành lễ. Khi xong lễ thì hai nhà sư này ngồi vào một cái bàn để phát ảnh tượng Phật Tây Tạng cho mọi người dự đám tang, đó chỉ là hình vẽ sơ sài kiểu xưa của Phật thôi (chẳng biết là vị Phật nào) nhỏ bằng thẻ căn cước được bọc nhựa để bỏ vào trong ví làm "bùa hộ mạng", và mỗi người nhận ảnh đều chìa cho hai thầy một số tiền "công quả". Khi bắt đầu ra về thì tang gia đến nhờ tôi đưa 2 vị sư này về nhà vì người đưa đón bận việc đã ra về trước. Trên đường về tôi hỏi 2 nhà sư : "Các thầy đã đạt được thiền định chưa ?" Các ông cũng thật tình trả lời : "Chưa, còn lâu lắm mới thiền được, khó lắm". Và sau đó hai ông im lặng. Tôi nhìn vào kính chiếu hậu thì thấy hai ông đang lúi húi đếm tiền. Tôi mĩm cười và tự nói : Đúng là còn lâu mới thiền được ! KKK





VÔ NGÃ - Khái Niệm Đỉnh Nhất Của Phật Giáo Sẽ Làm Bạn Nghi Ngờ Về Sự Tồn Tại Của Chính Mình
JB Trường Sơn
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
 
----------