Kế hoạch nối vòng tay lớn của Bidenomics.
Tác giả : Nhung Lam | Nguồn: Diễn Đàn Trái Chiều | Ngày đăng: 2023-10-01 |
Ba năm trước, khi được được tin mình đắc cử tổng thống, ông Biden đã lên đài hứa hẹn: “Tôi cam kết trở thành một tổng thống không tìm cách chia rẽ mà tìm cách đoàn kết; không nhìn thấy những tiểu bang đỏ và xanh, mà chỉ nhìn thấy một Hoa Kỳ duy nhất”.
Ba năm sau, đáng lẽ ông Biden phải lên đài, tuyên bố là ông đã giữ lời hứa, rằng nhờ ông mà Hoa Kỳ không còn chia rẽ nữa. Sau đó, ông sẽ hiên ngang công bố, rằng đã hoàn thành sứ mạng, cho nên sẽ không tái tranh cử, nhường chỗ cho những người cùng đảng, trẻ hơn và “sáng suốt” hơn, để họ có cơ hội ra tranh cử và biết đâu sẽ … đắc cử. Nếu ông làm được như thế, thì toàn thể người Mỹ sẽ vinh danh ông, và tên ông sẽ đi vào lịch sử Hoa Kỳ như một vị anh hùng có công thống nhất đất nước.
Nhưng ông Biden đã không làm như thế, ông đã làm ngược lại lời mình hứa, để trở thành người gây chia rẽ nhất nước. Trong ba năm qua, ông Biden đã không bỏ lỡ cơ hội để lên đài kết án nhóm người theo MAGA, là da trắng thượng đẳng, là khủng bố, là mối nguy cho nền dân chủ và cần bị hủy diệt. Và những khi có cơ hội được mời đọc diễn văn trước khán giả người da đen, ông Biden luôn luôn gợi lại quá khứ thời cha ông của họ bị bắt làm nô lệ và bị đối xử tàn bạo bởi những người da trắng xấu xa; rồi xách động họ đừng quên hận thù mà phải đứng lên phản đối việc lịch sử của người da đen bị xóa bỏ. Đây là những gì ông nói trước các sinh viên da đen tốt nghiệp tại đại học Howard ngày 13 tháng 5 năm nay: “Đứng lên chống lại chất độc của chủ nghĩa da trắng thượng đẳng… coi nó là mối đe dọa khủng bố nguy hiểm nhất đối với quê hương của chúng ta.” … “Chúng ta có thể đánh bại sự hận thù, nhưng nó không bao giờ biến mất. Nó chỉ ẩn mình dưới những tảng đá”, và ông kêu gọi những sinh viên tốt nghiệp hiện diện hôm đó “hãy chuộc lại linh hồn của dân tộc này”.
Gần đây nhất, vào ngày 27 tháng 6, ông Biden trình làng một sáng chế mới mang tên ông để ca tụng chính sách kinh tế ông đang áp dụng cho nước Mỹ, đó là Bidenomics. Bidenomics chủ trương đánh thuế rất cao vào giới thượng lưu nhà giàu, để lấy tiền giúp giới trung lưu bung ra và giới nhà nghèo vương lên. Muốn chứng minh thành quả kinh tế do Bidenomics mang lại, ông Biden trình làng một sáng chế khác mang tên Maganomics để bêu xấu chính sách của đảng đối lập, là giảm thuế cho giới thượng lưu và nhà giàu để họ sinh lợi, và từ đó nhỏ giọt xuống giới trung lưu và nhà nghèo; rồi ông kết luận chủ trương của Maganomics đã làm hư hại nền kinh tế của nước Mỹ.
Một lần nữa, ông Biden quên mất lời hứa hẹn ngày nào. Ông đã không nhìn thấy một Hoa Kỳ, mà là hai Hoa Kỳ với hai màu xanh đỏ rất rõ ràng. Sự phân biệt và chia rẽ này đã khiến cục cưng Bidenomics của ông gặp trở ngại, vì đã không nhận được sự ủng hộ của 1/2 người Hoa Kỳ nằm trong nhóm bị ông gọi là nhóm đã làm hư hại nền kinh tế của nước Mỹ.
Nếu Bidenomics của ông Biden là lấy tiền của giới thượng lưu nhà giàu, trong đó có tiền của đám đại gia thượng đẳng da trắng màu đỏ xấu xa, thì có ông đại gia thượng đẳng da trắng nào ngồi yên đó, nộp tiền cho ông, để ông vừa xài vừa chửi họ? Còn giới đại gia thượng lưu màu xanh tốt lành thì đa số là ông chủ của các công ty công nghệ cao, giàu lên là nhờ lâu nay làm ăn buôn bán với Trung Quốc, mà chính sách trừng phạt Trung Quốc của ông Biden thì lại cấm không cho họ giao thương với một số công ty ở Trung Quốc, liên quan đến những sản phẩm đã giúp cho họ sinh lợi nhiều nhất, thì mấy ông đại gia thiên tả này lấy tiền tỷ đâu để nộp thuế cho ông xài thả cửa như vậy?
Từ ngày áp dụng chính sách hạn chế bán các sản phẩm công nghệ tiên tiến do Hoa Kỳ sản xuất cho Trung Quốc, nguồn thu nhập của các công ty Hoa Kỳ dính líu tới loại hàng này như Nvidia, Apple, Microsoft, đã giảm sút khiến cổ phiếu của họ cũng xuống dốc theo. Các đại gia làm áp lực lên ông Biden khiến chính quyền của ông phải đổi hướng. Sự đổi hướng này là kế hoạch nối vòng tay lớn cho Bidenomics, nối về Việt Nam, là nơi có cánh tay nối dài tới Trung Quốc, qua trung gian của các công ty mang tên Việt Nam được người Trung Quốc góp vốn. Vì vậy mới có chuyến công du đến Việt Nam của ông Biden, nâng cấp quan hệ của Hoa Kỳ và Việt Nam thành đối tác chiến lược toàn diện, để dễ dàng mở cánh cửa đưa các mối làm ăn bạc tỷ vào Việt Nam. Ở đó đã có một lô công ty mẹ và công ty con của Trung Quốc trá hình chờ sẵn để sản xuất và tiêu thụ dùm. Làm như thế thì ông Biden không vi phạm vào nhưng quy tắc cấm vận Trung Quốc do chính quyền của ông ban ra.
Dĩ nhiên là khi lên kế hoạch này, chính quyền của ông Biden cũng biết rằng Việt Nam và Trung Quốc đã ký thỏa thuận đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2008, và vào ngày 25 tháng 6 vừa qua, quan chức hai bên đã họp mặt để “làm sâu sắc” thêm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện mà họ đã ký với nhau 15 năm về trước.
Chính quyền của ông Biden chắc cũng biết thêm, là sau khi ký kết thỏa thuận đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ, thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã bay qua Trung Quốc ngày 16 tháng 9, để dự Hội chợ Trung Quốc và Hội nghị thượng đỉnh Thương Mại và Đầu Tư Trung Quốc. Ông ta đã gặp thủ tướng Trung Quốc Lý Cường để “khẳng định rằng phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị, ổn định, lành mạnh với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam”. Ngoài ra, ông Phạm Minh Chính cũng gặp Chủ tịch Khu vực Châu Á Thái Bình Dương của tập đoàn Công Nghệ Huawei, Chủ tịch tập đoàn Xây Dựng Giao Thông và Phó Tổng Giám Đốc tập đoàn Xây Dựng Năng Lượng. (Dĩ nhiên là để bàn chuyện làm ăn, trao đổi những cam kết vừa ký với Hoa Kỳ, chứ chẳng lẽ để nói chuyện thời tiết bên ni và bên nớ có gì khác lạ).
Huawei là tập đoàn có tên trong danh sách cấm vận của Hoa Kỳ. Năm ngoái, công ty thiết kế chất bán dẫn Synopsys của Mỹ đã bị Bộ Thương Mại Hoa Kỳ điều tra vì bị nghi ngờ đã cung cấp sản phẩm cho Huawei. Năm nay, trong thỏa thuận ông Biden mới ký với Việt Nam, công ty Synopsys lại được vào trong danh sách các công ty được chính quyền Hoa Kỳ chọn để thiết kế chất bán dẫn tại Việt Nam. Cộng thêm việc ông Phạm Minh Chính vừa gặp gỡ đại diện của Huawei để hứa hẹn các mối làm ăn sắp tới, đưa đến một thắc mắc, đó là: “đâu là lằn ranh của sự cấm vận Trung Quốc?”. Hay là: “What happens in Việt Nam stays in Việt Nam?”. Hèn chi Việt Nam được chọn làm kế hoạch nối vòng tay lớn cho Bidenomics.
Kế hoạch nối vòng tay lớn cho Bidenomics được chính quyền ông Biden thực hiện như thế nào?
Trước ngày ông Biden công du Việt Nam. Một số các quan chức cao cấp của chính quyền ông Biden thay phiên nhau công du Trung Quốc và Việt Nam. Bắt đầu bằng chuyến đi của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Blinken, đi Trung Quốc ngày 18 tháng 6. Kế tiếp là chuyến công du của Bộ Trưởng Tài Chính Yellen, đi Trung Quốc ngày 8 tháng 7, và đi Việt Nam ngày 20 tháng 7. Sau đó là chuyến công du của Bộ Trưởng Thương Mại Raimondo, đi Trung Quốc ngày 27 tháng 8.
Các chuyến công du đến Trung Quốc của các quan chức Hoa Kỳ đều được báo cáo là để hàn gắn mối quan hệ, bị rạn nứt sau vụ quân đội Hoa Kỳ bắn rơi chiếc balloon do thám của Trung Quốc (?); và để giảm nhiệt căng thẳng thương mại, vì lệnh cấm các công ty Hoa Kỳ bán những sản phẩm “nhạy cảm” cho Trung Quốc. Tuy nhiên, sau chuyến công du của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Blinken, các quan chức của chính quyền ông Biden minh định lại rất rõ ràng, rằng lý do cấm vận Trung Quốc là không muốn Trung Quốc sử dụng những sản phẩm này vào tham vọng quân sự vì sẽ ảnh hưởng đến nền an ninh của Hoa Kỳ, chứ không ngăn cản Trung Quốc phát triển về kinh tế của họ.
Minh định này được biểu lộ trong chuyến công du của Bộ Trưởng Tài Chính Yellen. Trước khi đi Trung Quốc, bà đã tuyên bố: “Tôi nghĩ Hoa Kỳ được lợi và Trung Quốc được lợi là do thương mại và đầu tư cởi mở; và sẽ là thảm họa nếu Hoa Kỳ cố gắng tách rời khỏi Trung Quốc”. Khi đến Trung Quốc, hình ảnh của bà lúc tiến tới bắt tay và cúi mình mấy lần trước ông Phó Thủ Tướng của Trung Quốc, đã thể hiện sự nịnh bợ của bà. Bà Yellen còn tuyên bố: “Hoa Kỳ muốn đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh để cả hai cùng có lợi và bảo vệ an ninh quốc gia, chứ không cố gắng kìm hãm Trung Quốc về kinh tế”. Đi Trung Quốc về, bà Yellen lại đi Việt Nam ngày 20 tháng 7 để nối vòng tay lớn cho Bidenomics với câu tuyên bố: “Hoa Kỳ coi việc xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ về kinh tế và an ninh với Việt Nam là một ưu tiên hàng đầu”.
Bộ Trưởng Thương Mại Hoa Kỳ bà Raimondo còn nịnh bợ Trung Quốc mạnh bạo hơn bà Yellen một cấp. Hai ngày sau khi đi Trung Quốc về, ngày đầu bà cho biết các công ty Mỹ phàn nàn rằng Trung Quốc là nơi không thể đầu tư, vì các khoản tiền phạt, đột kích khám xét và các hành động sách nhiễu của chính quyền bên đó khiến việc kinh doanh ở Trung Quốc trở nên quá rủi ro. Qua hôm sau bà lại đổi giọng, cho biết mong muốn của các công ty Mỹ là được làm ăn ở Trung Quốc và bà hy vọng sẽ tăng cường mối liên hệ với các quan chức Trung Quốc về việc tăng cường quan hệ thương mại giữa hai bên.
Hai bà bộ trưởng của một cường quốc như Hoa Kỳ mà phát ngôn mất sĩ diện như thế thì chỉ vì một lý do, đó là bị các đại gia Hoa Kỳ làm áp lực để được bình thường hóa kinh doanh của họ ở Trung Quốc. Cấm vận người ta cho đã rồi qua đến tận quốc gia của người ta để xin hòa giải, mà người Trung Quốc thì không phải là loại người rộng lượng và dễ tha thứ. Vậy thì trước khi dám vác xác qua Trung Quốc để vuốt giận các ngài bên đó, các quan chức của Hoa Kỳ đã mang quà gì để xin “tăng cường quan hệ thương mại giữa hai bên”. Món quà đó có phải là báo trước cho Trung Quốc biết, rằng mục đích của chuyến công du Việt Nam sắp tới của ông Biden, là để lót đường cho các đại gia Hoa Kỳ trở lại làm ăn với Trung Quốc, qua ngã Việt Nam không?
Kế hoạch nối vòng tay lớn cho Bidenomics đã cam kết những gì với Việt Nam và lấy tiền từ đâu để hỗ trợ những cam kết này.
Trước chuyến đi và sau chuyến đi Việt Nam của ông Biden, chính quyền của ông đã xì tin, rằng đây là chuyến đi để hợp tác với Việt Nam về những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia và hòa bình thế giới. Ông Biden cũng tuyên bố thêm là sẽ hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong việc sản xuất chất bán dẫn, con chip, và thông minh nhân tạo.
Tuy nhiên, trong bản tóm lượt của Nhà Trắng để báo cáo về cam kết của hai quốc gia sau khi ký thỏa thuận chiến lược toàn diện, thì sự hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam về tôn trọng nhân nhân quyền, về an ninh quốc gia và hòa bình thế giới, chỉ nói chung chung như mấy chục năm nay đã nói. Rằng hai quốc gia “nâng tầm quan hệ giữa hai nước lên đối tác chiến lược toàn diện vì mục đích hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Hoa Kỳ ủng hộ một nước Việt Nam mạnh mẽ, độc lập, thịnh vượng và kiên cường” ..v..v.
Hơn 1/2 của phần tóm lượt còn lại trong bản báo cáo là những cam kết liên quan đến hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư; / hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới kỹ thuật số; / hỗ trợ Việt Nam đào tạo lực lượng lao động chất lượng cao; / hỗ trợ cho Việt Nam về kỹ thuật và hiện đại hóa cho cơ sở hạ tầng, tích hợp năng lượng tái tạo..v..v.
Phần này còn dài lòng thòng. Bạn nào muốn đọc tiếp thì vào links sau đây:
Hoa Kỳ lấy tiền ở đâu để hỗ trợ những cam kết với Việt Nam?
- Từ hợp đồng mua 50 máy bay Boeing 737 Max của các công ty hàng không Việt Nam.
- Từ những hợp đồng ký kết đầu tư của các công ty đại cổ thụ Microsoft, Nvidia, Meta, và một lô các công ty khác.
- Từ đạo luật “Khoa Học và CHIPS” của Hoa Kỳ. Một số công ty đầu tư vào công nghệ cao ở Việt Nam được đưa vào danh sách hưởng những ưu đãi từ đạo luật này.
- Từ đạo luật “Giảm Lạm Phát” (trong đó bao gồm 369 tỷ đầu tư vào chống biến đổi khí hậu và năng lượng sạch) cho những công ty của Việt Nam nào qua Mỹ để xây hãng xưởng tạo công ăn việc làm cho người Mỹ. (Trong bài diễn văn của ông Biden đọc tại Hà Nội trong chuyến công du, ông đã ca ngợi hãng xe Vinfast đã tạo hơn 7000 việc làm đến cho người Hoa Kỳ, và khuyến khích các công ty ở Việt Nam cũng nên qua Mỹ để xây hãng xưởng tạo công ăn việc làm cho người Mỹ). Hiện nay có 2 công ty đã được Hoa Kỳ chấp nhận cho xây cơ xưởng tại Hoa Kỳ, và nhận được ưu đãi từ đạo luật “Giảm Lạm Phát”. Đó là công ty Gotion (một công ty bà con với Trung Quốc. Tại sao vậy ta?)- xây dựng nhà máy sản xuất pin tại Green Charter Township, tiểu bang Michigan; và công ty VinFast (một công ty của Việt Nam) - xây cơ xưởng sản xuất xe điện tại thành phố Chatham County, tiểu bang North Carolina.
- Từ hợp tác về năng lượng tái tạo: Trong chuyến công du Việt Nam, Bà Yellen cho biết Hoa Kỳ cam kết huy động 15 tỷ để hỗ trợ Việt Nam áp dụng năng lượng tái tạo như một phần của Just Energy Transition Partnership, (là hỗ trợ tài chính do G7 đưa ra nhằm giúp giảm dần sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch).
- Từ hợp tác về hiện đại hóa cho cơ sở hạ tầng: chưa nghe nói có tính lấy tiền từ đạo luật “Cơ Sở Hạ Tầng” của Hoa Kỳ hay không.
Kế hoạch nối vòng tay lớn của Bidenomics xem như đang lấy một phần không nhỏ tiền thuế do người Mỹ đóng để giao lại cho Việt Nam xử lý. Tiền giao cho Việt Nam biết có được kiểm chứng, hay lại giống như tiền giao cho Ukraine.
Kế hoạch nối vòng tay lớn cho Bidenomics đã đánh lạc hướng người Mỹ như thế nào?
Để khỏi bị mang tiếng là “sắp sửa” nối vòng tay lớn tới Trung Quốc, thì cứ mỗi lời tuyên bố của một quan chức Hoa Kỳ liên quan đến các công ty bên Mỹ “tha thiết muốn làm ăn” với Trung Quốc, thì chính quyền ông Biden cho đi theo một lời tuyên bố kết án ông Tập Cận Bình, hay một biện pháp mới để trừng phạt Trung Quốc. Chẳng hạn như:
- Ông Blinken đi Trung Quốc về và cho biết lý do là để hàn gắn mối quan hệ, thì ngày hôm sau ông Biden gọi ông Tập Cận Bình là nhà độc tài.
- Bà Yellen vừa tuyên bố “sẽ là thảm họa nếu Hoa Kỳ cố gắng tách rời khỏi Trung Quốc”, thì ngày 9 tháng 8, ông Biden ký ban hành sắc lệnh mới, mục tiêu nhắm vào những đầu tư cá nhân và đầu tư liên doanh của Mỹ tại Trung Quốc trong 3 lĩnh vực gồm sản xuất chất bán dẫn, điện toán lượng tử và trí tuệ nhân tạo.
- Sau ngày ký thỏa thuận quan hệ đối tác toàn diện, và chính phủ Hoa Kỳ tuyên bố đưa Việt Nam vào đạo luật “Science and CHIPS” cho các khoản đầu tư của công ty Synopsys, Marvell, và Amkor (cả 3 công ty này đều đang có trụ sở và cơ xưởng tại Trung Quốc); thì một tuần sau Bộ Thương Mại Hoa Kỳ loan báo Hoa Kỳ vừa hoàn tất những quy luật mới để ngăn không cho các công ty Trung Quốc hưởng những ưu đãi của đạo luật “Khoa Học and CHIPS”.
- Ngày 16 tháng 9, truyền thông đưa tin ông Cố Vấn An Ninh Jake Sullivan bí mật gặp ông Ngoại trưởng Trung Quốc tại Malta, thì vài ngày sau, Bộ Quốc Phòng tung tin là đang thương thảo với quan chức Việt Nam để bán chiến đấu cơ F16. (Ai muốn tin thì … nhào dzô).
Kết luận.
Bài viết này chỉ viết lại những diễn biến xảy ra chung quanh việc ký thỏa thuận quan hệ đối tác toàn diện gần đây giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, để chứng minh Bidenomics đã nối vòng tay lớn đến Việt Nam rồi từ Việt Nam sang tới Trung Quốc; chứ không đưa ra nhận xét, là quốc gia nào lợi dụng quốc gia nào, và quốc gia nào có lợi hơn quốc gia nào, trong thỏa thuận vừa được ký kết này. Lãnh đạo của ba quốc gia Hoa Kỳ, Việt Nam, và Trung Quốc, đều siêu đẳng với những chiêu luồng lách lướt và tung hỏa mù, cho nên không cần phải bàn những chuyện đó ở đây.
Nhung Lam
27/9/2023
27/9/2023
----------