Iran: Sức nóng Hỏa giáo từ Ba Tư cổ đại thổi sang Phương Tây
Tác giả : Joobin Bekhrad Nguồn: BBC Ngày đăng: 2023-10-20
phương Tây, việc nói về 'chúng ta' và 'họ' từ lâu nay đã là chủ đề chính trị quan trọng liên quan đến Iran. Bên cạnh đó, Cơ Đốc giáo thường được dùng để định danh các giá trị của Hoa Kỳ và châu Âu, và để làm rõ sự tương phản trong các giá trị đó với sự định danh các giá trị của một Trung Đông 'khác'.
Thế nhưng có một tôn giáo cổ - mà hiện vẫn đang được thực hành - đã cho thấy điều mà nhiều người đương nhiên coi là hoàn toàn thuộc lý tưởng, niềm tin tôn giáo, văn hóa phương Tây thực ra lại bắt nguồn từ Iran.
Các học giả cho rằng nhà tiên tri Iran cổ đại Zarathustra (trong tiếng Ba-tư gọi là Zartosht, còn trong tiếng Hy Lạp là Zoroaster) sống trong khoảng thời gian nào đó từ 1500 đến 1000 trước Công nguyên.
Trước thời Zarathustra, người Ba-tư cổ đại thờ phụng các vị thần trong tôn giáo Irano-Aryan cổ, tương đương với tôn giáo Indo-Aryan mà về sau được biết đến với tên gọi Ấn giáo (Hinduism).
Tuy nhiên, Zarathustra lên án tôn giáo này, và rao giảng rằng con người cần phải thờ phụng duy nhất chỉ Thượng Đế toàn năng, tức Ahura Mazda, vị Chúa tể của trí tuệ mà thôi.
Hỏa giáo - độc thần giáo đầu tiên
Khi làm vậy, nhà tiên tri Iran cổ không chỉ gây phân rẽ ghê gớm giữa người Iran và người Aryan Ấn Độ, mà còn đặt nền móng để nhân loại lần đầu tiên có một đức tin độc thần giáo, theo đó chỉ tôn thờ duy nhất một vị thần.
Nhà tiên tri Zoroaster được cho là sống trong khoảng thời gian từ 1500 đến 1000 trước Công nguyên
Giáo lý nền tảng của Hỏa giáo - đạo thờ thần lửa - do Zarathustra sáng lập nên với ý tưởng chỉ có một thượng đế duy nhất đã đi vào các tôn giáo lớn khác, mà đáng kể nhất là 'ba đại tôn giáo': Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo và đạo Hồi.
Những thuyết về Thiên đường và Địa ngục, Ngày phán xét, Khải huyền, thiên thần và ác quỷ, toàn bộ đều được khởi nguồn từ những bài giảng của Zarathustra, và sau đó là từ những quy tắc, giáo lý Hỏa giáo.
Ngay cả khái niệm quỷ Satan cũng là một khái niệm căn bản trong Hỏa giáo; trên thực tế, toàn bộ niềm tin Hỏa giáo được miêu tả trên cơ sở cuộc đấu tranh giữa Thượng Đế và các lực lượng thiện, hiền hòa, mà đại diện là Chúa Thánh Thần (Holy Spirit) và Thánh linh (Spenta Manyu), với phe do một Thiên sứ (Ahriman) đứng đầu các lực lượng hắc ám, ma quỷ.
Trong lúc con người cần phải lựa chọn xem nên đi theo bên nào, thì tôn giáo này dạy rằng rốt cuộc, Thượng Đế sẽ thắng, và cả những kẻ bị đày đọa trong lửa ngục rồi cũng sẽ được ban phước lành trên Thiên Đường.
Từ 'thiên đường' - Paradise là một từ Ba-tư cổ.
Làm thế nào mà các ý niệm trong Hỏa giáo lại đi được vào các tôn giáo độc thần (Abrahamic) ở Tây Á cổ, và ở cả những nơi khác nữa?
Theo các nhà học giả, thì có nhiều trong số những tư tưởng này đến với người Do Thái vùng Babylon sau khi họ được giải phóng bởi Hoàng đế Ba-tư Cyrus Đại đế.
Tuy nhiên, những tư tưởng này dần trở thành chính thống trong cộng đồng Do Thái, và các nhân vật có tên tuổi như Beelzebub (tổng tư lệnh quân đội trong cuộc chiến giữa Địa ngục và Thiên đường) xuất hiện.
Sau khi người Ba-tư chinh phục được các đảo của Hy Lạp trong thời hoàng kim của Đế chế Achaemenid, triết học Hy Lạp đã đi theo một hướng khác.
Người Hy Lạp trước đó tin rằng số phận con người phụ thuộc vào các vị thần, mà những đấng quyền năng luôn hành động theo những vui buồn ngẫu hứng.
Nhưng sau khi làm quen với tôn giáo và triết học Iran, người Hy Lạp bắt đầu cảm thấy tin tưởng hơn vào việc con người có thể làm chủ số phận mình, và rằng các quyết định của con người là do chính con người đưa ra.
Từng là quốc giáo của Iran và có tín đồ ở các vùng người nói tiếng Ba-tư sinh sống (như Afghanistan, Tajikistan và đa số các xứ thuộc Trung Á), Hỏa giáo ngày nay chỉ là một đạo nhỏ tại Iran - vì đa số đã theo Hồi giáo - và có một ít môn đồ ở các nơi khác trên thế giới.
Thế nhưng di sản văn hóa của tôn giáo này thì khác.
Nhiều truyền thống của Hỏa giáo tiếp tục là trụ cột và tạo sự độc đáo trong văn hóa Iran; ở bên ngoài nước này nó cũng có ảnh hưởng mạnh mẽ, nhất là ở Tây Âu.
Trường ca Hỏa giáo
Từ hàng thế kỷ trước khi tác phẩm Thần khúc (Divine Comedy) của Dante ra đời, cuốn Sách của Arda Viraf đã mô tả đầy màu sắc, chi tiết về hành trình tới Thiên đường và Địa ngục.
Có thể nào là Dante đã nghe được câu chuyện kể trong Hỏa giáo về một kẻ lãng du, lang thang trong vũ trụ? Câu chuyện kẻ lãng du đó được cho là đã trở thành hoàn thiện như hiện nay vào khoảng thời gian Thế kỷ 10 sau Công nguyên, và hai tác phẩm có những nét tương đồng tới mức kỳ lạ, nhưng đó chỉ là những giả thuyết được nêu ra mà thôi.
Tuy nhiên, ở những nơi khác thì 'mối liên hệ' với Hỏa giáo ít mập mờ hơn.
Nhà tiên tri người Iran có vẻ như đã tỏa sáng khắp toàn cầu trong bức bích họa Trường Athens hồi Thế kỷ 16 của Raphael.
Tương tự, Clavis Artis, bộ bản thảo tác phẩm mô tả thuật giả kim của Đức hồi cuối Thế kỷ 17, đầu Thế kỷ 18 dành để nói về Zarathustra, với những cảnh miêu tả ông trong các chủ đề Cơ Đốc giáo.
Zoroaster "[tại Châu Âu theo Cơ Đốc giáo] được coi như bậc thầy về pháp thuật, một nhà triết học và nhà chiêm tinh học, đặc biệt là sau thời Phục Hưng," Ursula Sims-Williams từ Trường Nghiên cứu Đông phương và Phi châu (SOAS) thuộc Đại học London, nói.
Dấu ấn trong văn học nghệ thuật
Ngày nay, việc nhắc đến tên Zadig ngay lập tức khiến người ta nghĩ tới nhãn hiệu thời trang Pháp Zadig & Voltaire.
Tuy đồ quần áo của hãng này không phải là mang đặc tính của Hỏa giáo, nhưng câu chuyện đằng sau cái tên thì chắc chắn là có.
Được viết hồi giữa Thế kỷ 18 bởi chính Voltaire, Zadig kể câu chuyện huyền thoại về người anh hùng Ba-tư trong Hỏa giáo, người sau rất nhiều những gian truân và khổ não cuối cùng đã cưới được nàng công chúa Babylon.
Dẫu có vẻ thông tục và không phải là bắt nguồn từ thực tế lịch sử, câu chuyện triết lý của Voltaire vốn nảy nở từ mối quan tâm thực sự của ông đối với Iran cũng đã được các tên tuổi khác trong thời Khai phóng chia sẻ.
Voltaire say mê văn hóa Iran tới mức ông được biết đến trong nhóm bạn bè thân hữu với cái tên "Sa'di".
Cũng mang tinh thần tương tự, tuyển tập thơ Đông-Tây (West-East Divan) của Goethe, lấy cảm hứng từ thi sĩ người Ba-tư Hafez, đã có một chương mang chủ đề Hỏa giáo, trong lúc Thomas Moore thì khóc than cho số phận của Hỏa giáo trong thiên sử thi Lalla Rookh.
Không phải chỉ trong văn học hay nghệ thuật phương Tây mới có dấu ấn Hỏa giáo; thực sự, thứ tôn giáo cổ này cũng xuất hiện cả trên sân khấu nhạc kịch châu Âu.
Bên cạnh việc khắc họa nhân vật Sarastro, phần ca từ trong tác phẩm âm nhạc Cây sáo thần của Mozart chứa đầy các chủ đề mang nội dung Hỏa giáo, chẳng hạn như ánh sáng đối chọi với bóng tối, những phiên phán xử bằng lửa và nước, và trên hết, là việc đi tìm trí khôn và điều tốt lành.
Freddi Mercury rất tự hào về di sản Hỏa giáo Ba-tư của mình
Farrokh Bulsara - tức ca sỹ Freddi Mercury, nay đã qua đời, của ban nhạc The Queen - đã vô cùng tự hào với di sản Hỏa giáo Ba-tư của mình.
"Tôi sẽ luôn bước đi như một người Ba-tư đầy hãnh diện," ông từng nói trong một cuộc phỏng vấn, "và không ai có thể chặn bước tôi."
Tương tự, em gái của ông là Kashmira Cooke trong một cuộc phỏng vấn hồi 2014 đã nói về vai trò của Hỏa giáo trong gia đình mình.
"Cả gia đình chúng tôi tự hào là tín đồ Hỏa giáo," bà nói.
"Tôi nghĩ rằng đức tin Hỏa giáo [trong Freddie] đã khiến anh ấy làm việc miệt mài, bền bỉ và theo đuổi những giấc mơ."
Đá và lửa
Tuy nhiên, khi nói tới âm nhạc, có lẽ không có một ví dụ đơn lẻ nào có thể thể hiện rõ nét hơn tác phẩm 'Zarathustra đã nói như thế' (Thus Spoke Zarathustra) của Richard Strauss.
Tác phẩm nói về ảnh hưởng của di sản Zoroaster, là tác phẩm đã tạo phần cơ bản cho bộ phim khoa học viễn tưởng 2001: A Space Pdyssey, ra mắt hồi 1968 của đạo diễn Stanley Kubrick.
Bản nhạc dàn bè này chịu ảnh hưởng từ các tác phẩm chính có cùng tên của Nietzsche, được đặt tên theo nhà tiên tri Zarathustra, dẫu cho trên thực tế thì nhiều quan niệm mà Nietzsche đưa ra là bài xích Hỏa giáo.
Nhà triết học người Đức bác bỏ sự phân chia giữa cái tốt và cái xấu vốn là nét đặc trưng của Hỏa giáo, và, như ông tự thừa nhận mình là người vô thần, ông không hề tin vào độc thần giáo.
Bên cạnh Freddie Mercury và Zadig & Voltaire, có những ví dụ hiển nhiên khác về ảnh hưởng của Hỏa giáo đối với văn hóa đại chúng đương đại ở phương Tây.
Ahura Mazda được chọn làm tên cho hãng sản xuất xe hơi Mazda, cũng như tạo cảm hứng cho huyền thoại Azor Ahai - vị á thánh đã chiến thắng bóng đêm - trong phime Trò chơi Vương quyền (Game of Thrones) của George PP Martin, như nhiều fan của phim này đã phát hiện ra hồi năm ngoái.
Ta cũng có thể nói rằng cuộc chiến ngoài vũ trụ giữa Ánh sáng và Bóng tối của Thần Lực trong phim Star War đã chịu ảnh hưởng khá rõ của Hỏa giáo.
Tuy nhiên, người sáng lập ra nó lại không được biết đến rộng rãi.
Trong suy nghĩ chính thống và trong cách nhìn của nhiều chính trị gia Hoa Kỳ và châu Âu, Iran bị coi là ở cực đối lập về mọi mặt với những gì mà thế giới tự do đấu tranh để giành lấy.
Bên cạnh nhiều di sản và ảnh hưởng khác mà Iran ghi dấu ấn, Hỏa giáo - thứ tôn giáo bị lãng quên của nước này - giúp ta hiểu được là 'chúng ta' giống 'họ' - người Iran - tới mức nào.
----------