Joe Biden: 82,000 trang thư điện tử giả mạo trên ba trương mục
Tác giả : Stephen Katte
Biên dịch : Tịnh Nhi
Nguồn: Báo Mai Ngày đăng: 2023-10-31
Cơ quan Quản lý Hồ sơ và Lưu trữ Quốc gia báo cáo đã tìm thấy hàng ngàn thư điện tử từ ba trương mục giả mạo được tổng thống Joe Biden sử dụng trong thời gian làm phó tổng thống.
Tổng thống Joe Biden đã gửi và nhận hàng ngàn thư điện tử thông qua các trương mục giả mạo trong suốt tám năm giữ chức phó tổng thống dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.
Theo hồ sơ liên bang hôm 30/10 tại Tòa án Atlanta, Cơ quan Quản lý Hồ sơ và Lưu trữ Quốc gia (NARA) đã xác định được 82,000 trang trao đổi thư điện tử riêng tư trên ba trương mục giả mạo của Tổng thống Biden là Robin Ware, Robert L. Peters, và JRB Ware.
Hồ sơ cho biết, “NARA đã hoàn thành một cuộc tìm kiếm dành cho các tài liệu có khả năng đáp ứng yêu cầu và hiện đang giải quyết các tài liệu đó nhằm mục đích tạo ra các phần không được miễn trừ của bất kỳ hồ sơ phản hồi nào trên cơ sở luân phiên hàng tháng.
Tổ chức bất vụ lợi ủng hộ tự do Tổ chức Pháp lý Đông Nam đã thúc ép NARA cung cấp thông tin về các thư điện tử của Tổng thống Biden kể từ năm 2021, là thời điểm mà tổ chức này lần đầu đệ trình một yêu cầu theo Đạo luật Tự do Thông tin (FOIA). Yêu cầu thứ hai được gửi đi hồi tháng 06/2022.
Theo nhóm vận động pháp lý này, ba trương mục thư điện tử kể trên đã được Tổng thống Biden sử dụng để “chuyển tiếp thông tin của chính phủ và thảo luận công việc chính phủ với con trai của ông là ông Hunter Biden, cùng những người khác.
Hiện tại, chưa có bất kỳ dấu hiệu nào từ NARA cho thấy trong số hàng ngàn thư điện tử của Tổng thống Biden có bất kỳ lá thư nào chứa thông tin mật hoặc bí mật chính phủ khác có thể mang tính nhạy cảm.
Trong khi đó, các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Quốc hội đang điều tra các cáo buộc rằng Tổng thống Biden có liên quan đến các giao dịch kinh doanh của con trai ông, trong bối cảnh có cáo buộc rằng gia đình ông Biden đã nhận hối lộ từ Burisma Holdings, một công ty năng lượng của Ukraine.
Tổng thống Biden tuyên bố rằng ông chưa bao giờ thảo luận về công việc kinh doanh với con trai mình, là người đã thực hiện một số thương vụ kinh doanh ở ngoại quốc từ năm 2009 đến năm 2017, thời điểm cha ông còn là phó tổng thống. Hồ sơ tòa án đã tiết lộ một vài trong số những giao dịch đó là với công dân Trung cộng và Ukraine.
Quy trình công bố thư điện tử
Theo hồ sơ tòa án, Tổ chức Pháp lý Đông Nam và NARA đang thảo luận các cách để thu hẹp yêu cầu đẩy nhanh việc công bố những trang thư điện tử này. Dự kiến sẽ có một báo cáo tình trạng chung từ NARA và Tổ chức Pháp lý Đông Nam trước ngày 08/12.
Sau khi phạm vi yêu cầu được làm rõ qua nhiều cuộc thảo luận hơn giữa các bên, và NARA đã tiến hành tìm kiếm tất cả các tài liệu có khả năng đáp ứng một yêu cầu eo hẹp, các bên sẽ thảo luận và cố gắng đạt được thỏa thuận về tốc độ giải quyết toàn bộ tài liệu có khả năng đáp ứng yêu cầu và sau đó cung cấp các phần không được miễn trừ của bất kỳ tài liệu phản hồi nào cho Nguyên đơn,” hồ sơ tòa án cho biết.
Trước đó, để phúc đáp yêu cầu FOIA của Tổ chức Pháp lý Đông Nam, NARA tiết lộ họ đã tìm thấy khoảng 5,400 tin nhắn qua thư điện tử, 25 hồ sơ điện tử và 200 trang hồ sơ liên quan đến Tổng thống Biden.
Luật pháp không khuyến khích các quan chức chính phủ sử dụng thư điện tử riêng cho công việc chính thức. Dù vậy, các quan chức vẫn phải lưu giữ toàn bộ thư điện tử liên quan đến chính phủ được thực hiện trên tài khoản cá nhân của họ theo Đạo luật Hồ sơ Liên bang.
Vụ bê bối thư điện tử của ông Biden có thể nhấn chìm vụ của bà Clinton
NARA tiết lộ họ đã tìm thấy 82,000 trang thư điện tử nhưng vẫn chưa giải thích có bao nhiêu thư điện tử riêng lẻ được chứa trong các trang đó. Cựu ngoại trưởng Hillary Clinton từng vướng vào một vụ bê bối tương tự liên quan đến thư điện tử riêng tư năm 2015 khi đang vận động tranh cử tổng thống năm 2016.
Bắt đầu từ năm 2014, Bộ Ngoại giao đã yêu cầu bà Clinton và các cựu ngoại trưởng khác giao nộp toàn bộ thư điện tử liên quan đến công việc mà họ nắm giữ. Khi các sự việc bại lộ, bà Clinton tiết lộ rằng bà đã sử dụng một trương mục luôn hoạt động trên một máy chủ riêng đặt tại dinh thự của bà ở New York, làm dấy lên lo ngại về an ninh.
Cuối cùng, bà Clinton đã đưa ra 55,000 trang bản cứng về các cuộc trao đổi của mình, tương đương với 30,000 thư điện tử. Các cuộc điều tra sau đó đã tiết lộ khoảng 100 thư điện tử chứa thông tin mật. 65 thư điện tử khác có thông tin được xem là “Bí mật,” trong khi 22 thư điện tử có thông tin được xem là “Tối Mật.
Stephen Katte _ Tịnh Nhi
----------