Những bí ẩn xoay quanh cái chết của Lý Khắc Cường
Tác giả : Katsuji Nakazawa Biên dịch : Nguyễn thị Kim Phụng |
Nguồn: Nghiên Cứu Quốc Tế | Ngày đăng: 2023-11-06 |
‘Đối thủ truyền kiếp’ của Tập Cận Bình là người đứng sau những sóng gió ở Bắc Đới Hà mùa hè vừa qua.
Cái chết của cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ở tuổi 68 vào tuần trước đã vén bức màn mở ra một hồi mới trong vở kịch chính trị phức tạp tại Trung Quốc.
Theo lời một nguồn tin, Lý thường được coi là “đối thủ truyền kiếp” của Chủ tịch Tập Cận Bình. Cả hai từng là ứng viên kế nhiệm cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Nhưng Lý không thuộc phe của Tập. Sự ganh đua giữa hai người, cộng với hàng loạt bí ẩn khác, đã dẫn đến việc lan truyền các thuyết âm mưu liên quan đến cái chết của Lý.
Một nguồn thạo tin về Trung Nam Hải ở Bắc Kinh, nơi đặt văn phòng của các quan chức Trung Quốc, đã gọi cái chết của Lý là “màn thứ ba” trong một câu chuyện “kỳ lạ”: được mở đầu tại đại hội toàn quốc lần thứ 20 của đảng vào mùa thu năm 2022, sau đó lên cao trào trong mật nghị mùa hè năm nay tại khu nghỉ mát ven biển Bắc Đới Hà, tỉnh Hà Bắc.
Nguồn tin cho rằng Lý chính là người đứng sau những lời khuyên khắc nghiệt mà các đảng viên lão thành đưa ra cho các nhà lãnh đạo đương nhiệm ở Bắc Đới Hà. Như đã đưa tin trong các bài viết gần đây trong chuyên mục này, cựu Phó Chủ tịch Trung Quốc Tăng Khánh Hồng, 84 tuổi, đã khuyên Tập Cận Bình, Tổng Bí thư 70 tuổi, cũng như những người dưới quyền Tập, phải tránh để xảy ra thêm hỗn loạn. Trong khi Tăng nói, Trì Hạo Điền, 94 tuổi, cựu Bộ trưởng Quốc phòng, người luôn theo dõi sát sao quân đội Trung Quốc, ngồi im lặng bên cạnh.
Đáp lại lời khuyên này, Tập sau đó đã có một “cuộc nói chuyện động viên” với các lãnh đạo đảng đương nhiệm khác, gồm cả Thủ tướng Lý Cường, 64 tuổi. Trong buổi gặp đó, Tập đã nổi cơn thịnh nộ.
Bộ ba Bắc Đới Hà: Trương Đức Giang (trái), Tăng Khánh Hồng, và Trì Hạo Điền
Nguồn tin Trung Nam Hải tiết lộ “Lý Khắc Cường đã tham gia, dù là gián tiếp, vào cao trào căng thẳng của mật nghị mùa hè, được tổ chức khoảng hai tháng trước khi ông qua đời.”
Năm nay, Lý Khắc Cường không đến Bắc Đới Hà, nhưng nhiều khả năng quan điểm của ông đã được phản ánh trong “lời khuyên” của Tăng.
Trong bối cảnh đảng đối mặt với một cuộc khủng hoảng chưa từng có, các đảng viên lão thành đã phải trưng cầu ý kiến từ nhiều nhân vật nặng ký. Quyết định đồng thuận của họ sau đó được trình bày bởi ba đại diện – Trì, Tăng, và Trương Đức Giang, 76 tuổi, cựu Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Giờ đây, Lý Khắc Cường đã qua đời, chúng ta chẳng thể nào biết được ông đã thực sự truyền đạt điều gì cho ba vị đại diện.
Nhưng bằng cách xem lại những gì ông nói ngay sau mật nghị Bắc Đới Hà năm 2022, có thể đưa ra một số suy luận. Lý, người vẫn còn là thủ tướng cách đây hai mùa hè, đã nhận xét rằng “sông Hoàng Hà và sông Dương Tử sẽ không chảy ngược dòng.” Ngụ ý rằng chính sách “cải cách và mở cửa” do cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình khởi xướng sẽ không biến mất.
Lý tự hào là người kế thừa hợp pháp của chính sách cải cách và mở cửa, được duy trì vững chắc qua nhiệm kỳ chủ tịch nước của Hồ Cẩm Đào, người mà Lý coi như anh trai.
Vì vậy, Lý có thể đã được tham vấn về cách thức Trung Quốc nên tiến lên phía trước và quan điểm của ông đã được chuyển tải tới các nhà lãnh đạo đảng đương nhiệm tại Bắc Đới Hà năm nay.
Một chuyên gia quan sát chính trị Trung Quốc lâu năm, ở cả trong và ngoài nước, đã bình luận về cái chết đột ngột của Lý vào tuần trước. Người này nhận định “Điều quan trọng mỗi khi lịch sử Trung Quốc có biến động không phải là những sự thật sẽ không bao giờ được tiết lộ, mà là điều mà những người dân bình thường tin là sự thật.”
“Tôi lo rằng có khá nhiều người đang tin vào cái gọi là thuyết âm mưu.”
Ở Trung Quốc ngày nay, sự bất thường đã trở thành bình thường.
Hãy xem xét “vở kịch” diễn ra tại lễ bế mạc đại hội toàn quốc năm 2022 của đảng. Hồ Cẩm Đào, vị cựu chủ tịch nước 80 tuổi, đang ngồi cạnh Tập thì bất ngờ bị ép rời khỏi địa điểm họp. Gần đây hơn, Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương và Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc đều đã bị cách chức theo những cách khiến người dân Trung Quốc bình thường cũng phải thắc mắc lý do tại sao.
Cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào được hộ tống đi ngang qua Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường trong lễ bế mạc Đại hội Đảng toàn quốc tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 22/10/2022. (Ảnh của Yusuke Hinata)
Trong lúc bí ẩn vẫn chưa được giải đáp, Lý Khắc Cường lại đột ngột qua đời, một lần nữa khiến người dân Trung Quốc bối rối. Sau khi nghỉ hưu, chẳng phải các cựu ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định hàng đầu của đảng, sẽ luôn được chăm sóc y tế chu đáo suốt quãng đời còn lại hay sao?
Dù họ có đi đâu, chẳng phải những nhà lãnh đạo đã nghỉ hưu này sẽ luôn có các bác sĩ, y tá, vệ sĩ, và thư ký tháp tùng suốt ngày đêm hay sao?
Quả thật, sức khỏe của họ đôi khi còn được kiểm tra vài lần mỗi ngày.
Chính nhờ hệ thống quản lý y tế 24/24 đó mà các đảng viên lão thành hiếm khi qua đời ở độ tuổi 60, 70. Hầu hết đều sống đến độ tuổi 90.
Lý Khắc Cường là lãnh đạo về hưu trẻ nhất. Cuối tháng 8, ông còn trông rất khỏe mạnh khi đến thăm Hang Mạc Cao, Di sản Thế giới ở Đôn Hoàng, tây bắc Trung Quốc.
Thế nhưng, “vào ngày 26/10, Lý đã lên cơn đau tim đột ngột và qua đời lúc 00:10 ngày 27/10, sau khi mọi biện pháp cứu chữa đều thất bại,” Tân Hoa Xã đưa tin.
Vấn đề là không có dấu hiệu nào cho thấy ông đã được đưa đến bệnh viện ở Thượng Hải, vốn là nơi có công nghệ tiên tiến nhất và đội ngũ bác sĩ tim mạch giỏi nhất Trung Quốc.
Tại sao?
Bí ẩn cứ thế chất chồng.
Một nguồn chính trị đáng tin cậy khác của Trung Quốc đã chỉ ra bối cảnh giúp hiểu được tình hình chính trị và xã hội nước này sau cái chết của Lý. Nguồn tin cho biết, trong cơ cấu chính trị của Trung Quốc, điều quan trọng nhất là vị cựu thủ tướng là “đối thủ truyền kiếp” của Tập.
Trong khi chính quyền Tập đang cố gắng vượt qua những khó khăn chưa từng có về kinh tế, đối ngoại và an ninh, công chúng Trung Quốc dường như đã chuyển sự chú ý sang “đối thủ truyền kiếp” đã nghỉ hưu hồi đầu năm nay.
Nguồn tin cho biết “Nếu Tập không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải bất ngờ nghỉ hưu sớm, vì một lý do nào đó, thì Lý sẽ là người thay thế Tập, vì Lý vẫn còn trẻ.”
Cuộc cạnh tranh giữa Tập và Lý bắt nguồn từ trước đại hội toàn quốc năm 2007 của đảng, khi người ta phải xác định ai sẽ là người kế nhiệm Hồ Cẩm Đào. Ban đầu, Lý được coi là người có cơ hội được thăng chức. Ông là trợ lý thân cận của Hồ và là thành viên thế hệ tiếp theo đầy triển vọng của Đoàn Thanh niên Cộng sản, một tổ chức thanh niên của đảng.
Tập khi đó chỉ là ứng viên số hai. Ông đại diện cho lợi ích của các “thái tử đảng” – con cái của các quan chức cấp cao của đảng – và của “thế hệ đỏ thứ hai” – một nhóm nhỏ hơn, gồm con cái của các lãnh đạo đảng thời kỳ cách mạng.
Nhưng sau đó, Tập đã lập được một kỳ tích đáng ngạc nhiên: Trong kỳ đại hội, cả Tập và Lý đều được bổ nhiệm vào Thường vụ Bộ Chính trị, nhưng cấp bậc của Tập cao hơn Lý một bậc. Vị thế này giúp Tập có cơ hội kế nhiệm Hồ. Đột nhiên, vị trí của Tập và Lý bị đảo ngược, nhưng Tập chưa bao giờ lơ là cảnh giác với Lý.
Cùng ngày Lý qua đời, thi thể của ông được chuyển từ Thượng Hải đến Bắc Kinh trên một chuyến bay đặc biệt mà không có phương tiện truyền thông nào đưa tin.
Mãi đến sáng thứ Ba (31/10/2023), truyền thông nhà nước Trung Quốc mới đưa tin ngắn gọn rằng thi hài của Lý sẽ được hỏa táng vào thứ Năm. Ngày diễn ra các sự kiện khác, chẳng hạn như lễ tang và lễ tưởng niệm, vẫn chưa rõ ràng.
Trong lúc chính quyền Tập chật vật đối phó với cái chết bất ngờ của vị cựu thủ tướng nổi tiếng, một thông báo chính thức đã được gửi tới các nhà chức trách ở các trường đại học trên cả nước, yêu cầu hạn chế các sự kiện tưởng niệm Lý Khắc Cường trái phép.
Người dân bày tỏ lòng thành kính đối với Lý Khắc Cường bên ngoài ngôi nhà nơi ông lớn lên ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, vào ngày 28/10, sau cái chết đột ngột của ông một ngày trước đó. © Kyodo
Tuy nhiên, hàng ngàn người vẫn bày tỏ lòng thương tiếc đối với Lý trên khắp đất nước, bao gồm cả ở Hợp Phì, thủ phủ tỉnh An Huy, nơi thủ tướng đã trải qua thời thơ ấu.
Những người đến viếng tang hôm thứ Bảy, một ngày sau cái chết của Lý, đã tạo nên một núi vòng hoa nhỏ trước nơi ở thời thơ ấu của ông. Và để bày tỏ lòng kính trọng, họ đã đứng thành một hàng dài đến nỗi cần phải triển khai rất nhiều nhân viên an ninh.
Hợp Phì là nơi một cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ nổ ra vào cuối năm 1986, tại Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, một phong trào sau đó đã lan rộng khắp đất nước, cuối cùng đến Quảng trường Thiên An Môn, nơi diễn ra cuộc đàn áp khét tiếng vào năm 1989.
Vào thời điểm đó, Hồ Diệu Bang đang giữ chức Tổng Bí thư. Giống như Lý Khắc Cường, Hồ là cựu thành viên của Đoàn Thanh niên Cộng sản. Là một nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa cải cách, Hồ cũng được công chúng yêu mến.
Tuy nhiên, ông đã bị phe bảo thủ chỉ trích vì phản ứng nhẹ tay trước làn sóng biểu tình của sinh viên. Ông bị thanh trừng vào tháng 01/1987 sau một cuộc tranh giành quyền lực khốc liệt. Hai năm sau, ông qua đời khi ngã gục trong một cuộc họp. Cái chết của ông vào ngày 15/04/1989 đã dẫn đến cuộc đàn áp Thiên An Môn vào ngày 04/06 cùng năm.
Hồ Diệu Bang vẫn được nhiều người Trung Quốc tôn kính vì lập trường tự do của ông.
Ông dường như cũng được ngưỡng mộ bởi cha của Tập Cận Bình, Tập Trọng Huân, người vào năm 1987 đã xung đột với lãnh tụ tối cao Đặng Tiểu Bình về việc Hồ bị sa thải.
Ngày 15/03/2019, Thủ tướng Lý Khắc Cường vẫy tay chào các nhà báo sau phiên họp bế mạc Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh. © AP
Tập Trọng Huân, một thành viên Bộ Chính trị vào thời điểm đó, đã cố gắng bảo vệ Hồ, chấp nhận nguy hiểm đến tính mạng mình. Sự phản đối kịch liệt của ông đã làm trì hoãn đáng kể cuộc họp mở rộng của Bộ Chính trị nhằm bãi nhiệm Hồ.
Một cán bộ đảng đã nghỉ hưu tiết lộ: “Đồng chí Tập Trọng Huân đã thách thức Đặng Tiểu Bình bằng cách ở lì bên trong Đại lễ đường Nhân dân. Đó là một cuộc đình công một mình. Cuộc họp [Bộ Chính trị mở rộng] đã bị trì hoãn hơn 10 ngày. Nhưng một phần do sự căng thẳng mà ông phải chịu đựng, sức khỏe của Tập Trọng Huân đã bị tổn hại.”
Làn sóng người thương tiếc Lý Khắc Cường cũng xuất hiện ở Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam, nơi Lý từng giữ chức Bí thư Tỉnh uỷ. Có người đã để lại lời nhắn “Trời xanh nhìn thấu chuyện trần gian. Ông trời có mắt.”
Lý đã nói những lời này vào mùa xuân vừa qua, ngay trước khi nghỉ hưu với tư cách thủ tướng, trong lúc chia tay các quan chức cấp cao của chính phủ. Nhận xét này có thể được hiểu là lời chỉ trích ngầm đối với Tập và đã không được đưa tin chính thức vào thời điểm đó.
Tình hình Trung Quốc sau cái chết của Lý đang nhạy cảm đến mức chính quyền Tập cần phải suy nghĩ kỹ càng về thời điểm tổ chức lễ tưởng niệm Lý và những biện pháp an ninh sẽ được triển khai.
Cái chết của Lý đến ngay trước tháng 11, đánh dấu một năm kể từ khi bắt đầu phong trào “giấy trắng” của giới trẻ, nhằm phản đối chính sách zero-Covid hà khắc của chính quyền Tập. Nó cũng là một phong trào nhanh chóng lan rộng khắp Trung Quốc.
Ngày 27/11/2022, người dân ở Bắc Kinh cầm những tờ giấy trắng để phản đối các lệnh hạn chế zero-COVID của Trung Quốc, sau buổi cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ hỏa hoạn ở Ô Lỗ Mộc Tề. (Ảnh đã được chỉnh sửa vì lý do an toàn) © Reuters
Một năm trôi qua, nhiều thanh niên Trung Quốc vẫn thất vọng, không tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp đại học. Những thanh niên này sẽ diễn giải lời chia tay của Lý Khắc Cường với các quan chức chính phủ cấp cao, những lời đang ngày càng vang vọng sau khi ông qua đời, như thế nào? Câu trả lời chính là chìa khóa cho tương lai chính trị và xã hội Trung Quốc.
Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.
Nguồn: Katsuji Nakazawa, “The mysteries and dangers that trail Li Keqiang’s death,” Nikkei Asia, 2/11/2023
----------