Triển vọng đen tối của Gaza sau chiến tranh
Tác giả : Phạm Vũ Thiều Quang | Nguồn: Nghiên Cứu Quốc Tế | Ngày đăng: 2023-11-15 |
Khi tiếng súng im bặt, tên lửa không còn rơi xuống nhà của thường dân, và cuộc chiến kết thúc, bước tiếp theo sẽ là gì? Ai sẽ tiếp quản Gaza, chịu trách nhiệm khôi phục những tàn tích, và giúp hơn 2 triệu dân tại đây vượt qua những đau thương của chiến tranh? Nghĩ về “ngày sau” trong thời chiến là một hành động vô ích khi các bên phải đối mặt với các thử thách ngay trước mắt và mức độ tàn phá vẫn chưa rõ ràng. Nhưng điều này lại cần thiết để các bên tham chiến có thể xác định chiến lược lâu dài của mình và kết cục tốt nhất sẽ là gì – đối với dân thường Gaza, Israel, Mỹ, các quốc gia Ả Rập láng giềng. Chỉ khi đó, họ mới có thể vẽ ra con đường khả thi hướng tới một tương lai dựa trên tầm nhìn này.
Khó ai có thể nói về cách quản lý Gaza trong một thời kỳ hậu-Hamas khi biết rằng việc tiêu diệt phong trào Hồi giáo này – mục tiêu chính của Israel – sẽ rất phức tạp do khả năng thay đổi, tính chất nhiều mặt, và có lẽ quan trọng nhất là sức mạnh của tư tưởng Hamas đối với người Palestine như tổ chức duy nhất có khả năng chống lại Israel. Tuy nhiên, cuộc tranh luận này vẫn đang diễn ra, chủ yếu có sự tham gia của Mỹ và các nước Ả Rập qua chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đi khắp Trung Đông.
Nhưng vẫn chưa có dấu hiệu nào của sự đồng thuận giữa các bên về một cách tiếp cận chung, và ngay cả những tuyên bố chi tiết nhất cũng không rõ ràng. Bình luận ngày 31/10 của Blinken có thể được coi là tuyên bố cụ thể nhất được đưa ra cho đến nay, nhưng chúng cũng chỉ gợi ý rằng Mỹ và các quốc gia khác đang xem xét “một loạt các tình huống có thể xảy ra”. Ông nói rằng “một Chính quyền Palestine (PA) hiệu quả và được hồi sinh” sẽ tiếp quản Gaza, nhưng không đưa ra manh mối nào về cách PA có thể quản trị hiệu quả hay vượt qua sự phản đối của Israel. Blinken chỉ gợi ý mơ hồ, nói rằng trong thời gian chờ đợi thì có thể thiết lập “các thoả thuận tạm thời khác có thể liên quan đến một số quốc gia trong khu vực, và có sự tham gia của các cơ quan quốc tế giúp cung cấp an ninh và khả năng quản trị”. Những ứng cử viên được đề cập cho vai trò tạm thời này bao gồm các quốc gia Ả Rập và Liên Hợp Quốc, được hỗ trợ bởi các tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ khác.
Quan điểm của Israel
Chiến dịch quân sự của Israel đã giết chết hơn 10,000 thường dân và phá huỷ một phần lớn dải Gaza, bao gồm nhà ở, các cơ sở hạ tầng thiết yếu như bệnh viện, và các cửa hàng, văn phòng, và trang trại vốn là nguồn kiếm sống của dân thường Gaza. Bất chấp sự tàn phá này, Israel vẫn chưa có chiến lược rõ ràng nào để bước vào “ngày sau” của cuộc chiến, ngoài việc tuyên bố rằng sẽ áp đặt các vùng đệm quân sự tại dải Gaza mà người Palestine sẽ không thể tiếp cận trong một thời gian dài. Khi giao tranh lắng xuống, quân đội Israel ở Gaza sẽ thắt chặt biên giới và tăng cường năng lực để tiến hành xâm nhập vào các khu vực đông dân cư khi nhận thấy có mối đe doạ an ninh nổi lên.
Có thể Israel sẽ không đưa người định cư trở lại Gaza sau khi rút đi, nhưng các động thái quân sự trong tương lai có thể bao gồm việc thiết lập các cơ sở quân sự trên khắp dải Gaza. Israel sẽ không thể thống trị Gaza ở mức độ tương tự như Bờ Tây, nhưng dù sao thì mức độ kiểm soát đó cũng không cần thiết, vì mục tiêu chính của Israel ở Gaza sẽ là để ngăn chặn khả năng tấn công Israel, thay vì bảo vệ người định cư của họ.
Trong bối cảnh hiện nay, Israel đang đối xử với Chính quyền Palestine như một người bạn cũ mà họ đã phớt lờ trong nhiều năm và bất ngờ yêu cầu giúp đỡ khi không còn lựa chọn nào khác. Quan điểm của chính quyền Netanyahu rằng “người Do Thái có độc quyền không thể nghi ngờ” đối với cả Israel và Palestine đã gây ra sự chia rẽ giữa Gaza và Bờ Tây trong nhiều năm qua, nhằm ngăn chặn việc thành lập một nhà nước Palestine thống nhất dưới giải pháp hai nhà nước. Nhưng chính Israel cũng đã làm suy yếu Chính quyền Palestine bằng cách từ chối đề nghị đối thoại, và điều này giúp củng cố tính chính danh của Hamas. Đối với phe cực hữu đang nắm quyền tại Israel, PA đã trở thành một kẻ thù lớn hơn nhiều so với Hamas trong những năm trước ngày 7/10.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2015, Bộ trưởng Tài chính Israel Bezalel Smotrich nói, “Chính quyền Palestine là một gánh nặng và Hamas là một nguồn tài nguyên có ích. Nó là một tổ chức khủng bố, không ai sẽ công nhận nó, không ai sẽ trao cho nó quyền khởi tố tại Toà án Hình sự Quốc tế, và không ai sẽ cho phép nó đưa ra nghị quyết tại Hội đông Bảo an Liên Hợp Quốc”. Mặc dù chưa có bằng chứng nào cho việc chính quyền Netanyahu ủng hộ trực tiếp Hamas, rõ ràng là sự tồn tại của tổ chức này đã giúp ông huỷ diệt tính khả thi của giải pháp hai nhà nước. Chính điều khoản đầu tiên trong Hiến pháp Hamas nói là phải tiêu diệt Israel, trong khi PA vẫn kêu gọi một giải pháp hai nhà nước với Israel và Palestine tồn tại song song với nhau. Đối với chính quyền Netanyahu, quan điểm của Hamas cho phép ông biện minh các hành động nhằm tiêu diệt Palestine một cách dễ dàng hơn. Netanyahu có thể nói là ông đang loại bỏ mối đe doạ hiện hữu lớn nhất đối với Israel.
Liệu Israel có thể tiêu diệt Hamas không?
Sau ngày 7/10, các quan chức Israel đã đặt mục tiêu để loại bỏ mọi dấu vết của Hamas. Theo lời của một nhà ngoại giao cấp cao Israel chia sẻ với tạp chí Foreign Policy, Israel sẽ “không chỉ chặt đầu Hamas về mặt chiến thuật, mà còn phá huỷ bất kỳ quyền cai trị và tài phán nào của nhóm này tại dải Gaza”. Điều này đồng nghĩa với việc Israel muốn xoá sổ cả cánh quân sự và chính trị của Hamas. Quan chức này nói rằng “không có sự khác biệt nào hết. Nếu họ có liên quan gì tới Hamas, thì họ là Hamas.”
Ngoài địa hình quân sự đầy thách thức đối với quân đội Israel, các chuyên gia đã đặt ra câu hỏi: Liệu Israel có thể tiêu diệt toàn bộ Hamas không? Sau 16 năm nắm quyền, Hamas đã cố thủ hoàn toàn ở dải Gaza. Ngay cả khi Israel thành công trong việc lật đổ Hamas, nhóm này sẽ để lại một khoảng trống chính trị lớn. Điều này đòi hỏi các nhu cầu quản trị cần phải được tiếp quản ngay lập tức để ngăn chặn khả năng bùng phát của một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn hơn nữa. Ngoài cánh quân sự của Hamas, hơn 60.000 người tại Palestine cũng làm việc trong bộ máy hành chính của nhóm này để quản trị Gaza, điều hành các trường học, bệnh viện, và một hệ thống tư pháp riêng. Khalil Shikaki, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khảo sát và Chính sách Palestine nói rằng, “họ là bác sĩ, y tá, và những người làm việc trong các dịch vụ xã hội, những người cung cấp nước và điện. Tại sao Israel lại truy đuổi những người này?”
Israel có một lựa chọn sau đây: cam kết ban đầu của họ về việc tiêu diệt mọi thành viên Hamas đang dần biến mất, nhưng vẫn chưa rõ là lực lượng Israel sẽ đối xử với các quan chức, giáo viên, thẩm phán, thanh tra, và cảnh sát của Hamas như thế nào. Liệu Israel sẽ chỉ tấn công và tập trung vào tiêu diệt cánh quân sự của Hamas không? Liệu Israel sẽ cố gắng bát giữ, ám sát, hay sẽ khoan dung hơn đối với các quan chức chính phủ? Các cơ cấu quản trị ở Gaza sẽ bị phá bỏ hoàn toàn hay chỉ mất năng lực một phần, và ai sẽ tiếp quản Hamas?
Sự tan rã của chính quyền trung ương ở dải Gaza không phải là không có tiền lệ. Sau chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2006 và sự chia rẽ giữa Hamas và Chính quyền Palestine, Hamas đã thắt chặt kiểm soát khuôn khổ an ninh và chính trị tại đây. Nhưng trong thời kỳ này, Hamas đã không có toàn quyền kiểm soát việc quản trị, và một vài khía cạnh của bộ máy hành chính vẫn nằm ngoài tầm giám sát của nhóm này. Lúc đó, phần lớn các dịch vụ dân sự của Gaza vẫn thuộc biên chế của PA, nhưng khi Bờ Tây ra lệnh cho các nhân viên của họ tại Gaza phải ở nhà, chính phủ Hamas phải bắt đầu thuê nhân viên của mình. Thời gian trôi qua, phần lớn bộ máy quản trị bắt đầu hoạt động trở lại, cho phép một vài bộ phận như giáo dục phối hợp với PA, nhưng Hamas đã tái cơ cấu toàn bộ hệ thống chính trị để đảm bảo những người nắm quyền hoàn toàn trung thành với nhóm này. Điều này cho thấy rằng việc tiếp quản là có thể, nhưng sẽ đòi hỏi nỗ lực lớn từ PA để thuyết phục người Gaza rằng họ là một lựa chọn thay thế khả thi, thay vì là một con tốt của Israel và Mỹ.
Ngoài ra còn có thách thức từ tư tưởng của Hamas. Được thành lập vào cuối những năm 1980 với cam kết kháng chiến và tiêu diệt Israel, Hamas là tổ chức lớn thứ hai trong chính trường Palestine, và có được sự ủng hộ từ người Palestine do các thất bại của PA. Đại đa số người Palestine coi PA là một tổ chức tham nhũng và kém hiệu quả, và chương trình hợp tác an ninh của PA đối với Israel ở Bờ Tây được coi là hành động làm xói mòn lòng tin của người Gaza đối với khả năng quản trị của tổ chức này. Khó có khả năng để PA chấp nhận việc quay trở lại Gaza ngay sau khi Israel đã loại bỏ đối thủ chính của họ bằng cách giết chết hàng chục nghìn thường dân tại đây.
PA đã bày tỏ sự rõ ràng của họ về quan điểm này: Thủ tướng Mohammad Shtayyeh nói rằng, “để Chính quyền Palestine đến Gaza và điều hành công việc tại đây mà vẫn chưa có giải pháp chính trị cho Bờ Tây, như thế PA đang đi trên một chiếc F-16 hoặc xe tăng của Israel vào Gaza? Tôi không thể chấp nhận giải pháp này. Tổng thống của chúng tôi (Mahmoud Abbas) không chấp nhận điều đó, và không ai trong chúng tôi sẽ chấp nhận điều đó.”
Vai trò hoà giải
Sau đó là câu hỏi: ai sẽ đóng vai trò hoà giải? Mặc dù Nga và Trung Quốc đều mong muốn đóng vai trò trong việc kiến tạo hoà bình ở Trung Đông, nhưng cả hai đều không có nhiều đòn bẩy hoặc uy tín trong khu vực để đảm nhận vai trò đó. Liên minh Châu Âu có thể tự coi mình là một nhà hoà giải trung thực và hợp lý, nhưng không được coi trọng bởi cả Israel lẫn Palestine. Các quốc gia Trung Đông có được sự coi trọng của Palestine, đặc biệt là Qatar đối với Hamas, nhưng Israel sẽ không tin tưởng khả năng của bất kỳ quốc gia Ả Rập nào để đưa ra một thoả hiệp công bằng đối với họ.
Một trong những vấn đề lớn nhất sẽ là ý chí chính trị của các bên liên quan để đàm phán và thực hiện bất kỳ giải pháp nào được đưa ra. Có một thứ chắc chắn, là sẽ không có khả năng tiến trình hòa bình nghiêm túc nào với liên minh cực hữu của Binyamin Netanyahu. Liên minh này khó có thể tồn tại lâu sau cuộc chiến ở Gaza, và những người phản đối ông Netanyahu hy vọng rằng chính phủ tiếp theo có thể đàm phán dễ dàng hơn với người Palestine. Về phía Palestine, Hamas đã chứng tỏ là một nhân tố sẵn sàng phá hoại các nỗ lực hoà bình. Các vụ đánh bom liều chết đầu tiên của nhóm này vào những năm 1990 đã góp phần phá vỡ Hiệp ước hoà bình Oslo, và những diễn biến của ngày 7/10 và sự tàn phá Hamas gây ra trong Cuộc nổi dậy thứ hai (Second Intifada) đã khiến một thế hệ người Israel phản đối các nỗ lực thoả hiệp. Có lẽ Hamas sẽ biến mất sau cuộc chiến ở Gaza, nhưng các nhóm khác gần như chắc chắn sẽ thay thế nó, giữ vững tư tưởng chống Israel này.
Mỹ đã đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, gắn kết chặt chẽ quá trình ra quyết định của Mỹ và Israel ở một mức độ chưa từng có. Hầu hết các quyết định được đưa ra bởi Israel có sự tham vấn với Mỹ và ngược lại, cho thấy sức mạnh vận động hành lang của Israel tại Washington. Các quốc gia Châu Âu đã tiếp cận dựa trên một mô hình chung, bám theo quan điểm của Mỹ trong khi ủng hộ công khai hơn về sự lo ngại của họ đối với tình hình nhân đạo tại Gaza và ủng hộ các giải pháp ngoại giao lâu dài. Kết quả là Mỹ sẽ có được sự ủng hộ lớn hơn nữa từ Israel – trong khi nhiều người trong khu vực ngày càng mất lòng tin vào Mỹ, và gây áp lực mạnh lên chính phủ của họ để không hợp tác với Mỹ.
Các quốc gia Ả Rập, mặc dù đã lên án những hành động của Israel và ủng hộ người Palestine, không muốn chịu trách nhiệm hoàn toàn cho tương lai của Gaza. Họ sẽ không sẵn sàng hợp tác với nhau để giải quyết một vấn đề họ cảm thấy mình đã không góp phần tạo nên. Các quan chức ở Jordan, Ai Cập, và Ả Rập Saudi đều coi rằng sự thất bại của chính sách Mỹ tại Trung Đông đã góp phần tạo nên cuộc chiến này, và vì vậy, Washington sẽ phải dọn dẹp mớ hỗn độn mà họ đã tạo nên trong khu vực. Các quốc gia Ả Rập cũng có ít kinh nghiệm hợp tác đa phương để đưa ra các thoả thuận gìn giữ hoà bình hay an ninh, khiến cho bất kỳ nỗ lực riêng nào từ các quốc gia này sẽ không khả thi và kém hiệu quả.
Triển vọng của các tổ chức quốc tế trong việc quản trị một Gaza sau Hamas cũng không khả quan. Các tổ chức này thành thạo hơn nhiều trong việc cung cấp các dịch vụ thiết yếu và viện trợ nhân đạo, hơn là quản trị. Một số tổ chức, ví dụ như Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên Hiệp Quốc dành cho Người tị nạn Palestine ở Cận Đông (UNRWA), đã có các hoạt động sâu rộng trong một số lĩnh vực – đặc biệt là giáo dục – nhưng họ sẽ không muốn mở rộng các chương trình này, nhất là nếu có sự phản đối từ các bên. Những thương vong mà các cơ quan này đã phải gánh chịu trong một năm qua, và sự chỉ trích gay gắt của các quan chức Israel đối với Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cho thấy sự khó khăn trong việc đạt được thoả thuận hợp tác mang tính xây dựng với Israel nếu cuộc chiến dịu đi.
Điều này có nghĩa rằng Mỹ sẽ là lựa chọn còn lại duy nhất. Chính quyền Biden đã dành ba năm đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình cố gắng phớt lờ cuộc xung đột, nhằm tập trung chính sách đối ngoại vào việc chống lại Nga. Chắc chắn Biden sẽ có những mối quan tâm nội địa lớn hơn khi phải tái tranh cử vào năm 2024, và cả Israel lẫn Palestine sẽ không sẵn sàng bắt tay vào quá trình kiến tạo hoà bình của một tổng thống có thể sớm bị loại bỏ. Nếu ông Biden thắng vào năm 2024, ông có thể cố gắng dẫn đầu các nỗ lực, nhưng với ngày bầu cử tại Mỹ còn gần một năm nữa, điều này tạo ra một tình trạng lấp lửng không thể chấp nhận được cho cả hai bên. Và Donald Trump, với kế hoạch hoà bình của ông vào tháng 1/2020 thiên vị Israel đến mức khiến Palestine hoàn toàn từ chối thảo luận, chưa nói đến chấp nhận điều khoản nào được Trump đặt ra, sẽ khó có thể đưa ra một giải pháp tốt để kết thúc xung đột.
Tương lai của dải Gaza
Hầu hết các ý tưởng về “ngày sau” cho rằng Hamas sẽ sớm biến mất dường như dựa trên kịch bản các hệ thống quản trị khác nhau được phát triển để cung cấp dịch vụ xã hội cho người dân tại gây, trong khi Israel phong toả Gaza và hầu hết cộng đồng quốc tế – kể cả các quốc gia Ả Rập láng giềng – tẩy chay chính phủ Hamas. Các đề xuất này dựa vào việc mở rộng các thoả thuận được thiết lập tại Gaza trong 17 năm qua, nhưng hoàn toàn loại bỏ sự tham gia của Hamas vào các nỗ lực khôi phục tình hình an ninh và nhân đạo tại đây.
Vì vậy, các kế hoạch “ngày sau” đang tập trung vào việc giám sát và tiếp quản bộ máy chính phủ ở Gaza sau khi Hamas đã bị xoá sổ, kêu gọi sự tham gia lớn hơn của các cơ quan Liên Hiệp Quốc, sự quay trở lại của một Gaza được quản trị bởi PA, và sự tài trợ của các quốc gia trong khu vực để xây dựng lại các cơ sở hạ tầng thiết yếu tại đây. Chưa có tiền lệ nào về một hệ thống hợp tác toàn diện như đang được đề xuất trong suốt lịch sử của dải Gaza từ năm 1948, với việc quản trị Gaza kể từ đó được thay phiên giữa Ai Cập, Israel, PA, và hiện nay là Hamas. Các kế hoạch được đặt ra, trong đó có Blinken nói rằng Israel không thể tái chiếm Gaza khi xung đột kết thúc, quên mất một thực tế quan trọng, là việc Israel chiếm đóng Gaza chưa bao giờ kết thúc. Điều duy nhất đã thay đổi vào năm 2005 là việc Israel rút khỏi các khu định cư và kéo quân ra khỏi lãnh thổ Gaza, nhưng lệnh phong toả, các giới hạn quyền tự do đi lại của người dân, và việc kiểm soát không phận, vùng biển, và biên giới của Gaza vẫn còn nguyên vẹn.
Do vậy, nếu các kế hoạch được đề xuất muốn đạt được an ninh và ổn định lâu dài cho người dân Gaza, trước tiên chúng sẽ phải giải quyết sự chiếm đóng bất hợp pháp của Israel vốn đã hạn chế chủ quyền của Gaza và ngăn chặn sự phát triển của mảnh đất này trong 17 năm qua. Mỹ và cộng đồng quốc tế phải tập trung tìm cách bảo vệ nhân quyền ở Gaza, bắt đầu bằng việc chấm dứt sự phong toả của Israel và thiết lập một chính phủ lâm thời, tạo điều kiện cho các cuộc bầu cử diễn ra sau đó để xây dựng nên một chính phủ bền vững.
Đồng thời, một liên minh các quốc gia, không chỉ bao gồm những nước có quan hệ chính thức với Israel – tức Ai Cập, Jordan, và các quốc gia thuộc Hiệp ước Washington – mà cả những quốc gia đã ủng hộ Palestine trong quá khứ như Qatar và Ả Rập Saudi, sẽ phải tiến hành quá trình tái thiết Gaza cùng với Israel. Điều này sẽ đòi hỏi phải huấn luyện và tuyển dụng các nhà kỹ trị Palestine từ cả Gaza và Bờ Tây để phát triển một thể chế dân sự và chính phủ hiệu quả. Các chính phủ trong khu vực cũng sẽ phải thuyết phục người dân họ là việc hợp tác với Israel, đối thủ truyền kiếp của nhiều quốc gia Ả Rập, là bước đi hợp lý nhất trong quá trình này. Và các thành viên giàu có hơn của liên minh này – Ả Rập Saudi, Qatar, và UAE – sẽ phải phối hợp với Mỹ và Israel để cung cấp viện trợ tài chính lên tới hàng tỷ USD cho việc tái thiết Gaza.
Nhưng ngay cả trong trường hợp tốt nhất này, cũng có lý do để hoài nghi khả năng của các bên được đề cập tới để quản trị dải Gaza, cùng với các cơ quan viện trợ làm việc tại đây, các thành phần của Chính quyền Palestine, và những gì còn lại của bộ máy quan liêu Hamas. Trở ngại lớn nhất chính là sự kiên quyết của Israel rằng bất kỳ chính phủ lâm thời nào sẽ nằm dưới quyền kiểm soát quân sự của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF). Một chính quyền PA sẽ nằm dưới sự kiểm soát an ninh hoàn toàn của Israel, tương tự như Khu C của Bờ Tây, làm xói mòn hình ảnh của PA như một “nhà thầu” của Israel. Liên Hợp Quốc hoặc bất kỳ liên minh quốc tế nào sẽ không có khả năng quản lý bất cứ điều gì ngoài việc cung cấp một vài dịch vụ thiết yếu, và bất kỳ nỗ lực gìn giữ hoà bình nào đòi hỏi sự đồng thuận trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, vốn đã bị chia rẽ sâu sắc về nhiều vấn đề toàn cầu. Và không có lý do gì để các quốc gia trong khu vực muốn chịu trách nhiệm quản trị Gaza dưới sự kiểm soát quân sự của Israel, chưa nói đến việc Israel sẽ không chấp nhận các quốc gia khác nắm quyền kiểm soát quân sự ở Gaza.
Do vậy, các quốc gia và tổ chức này có thể tham gia vào một số lĩnh vực quản trị tại dải Gaza sau chiến tranh, tập trung vào cung cấp các dịch vụ thiết yếu. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, không ai có lợi ích và khả năng để quản trị Gaza theo các kế hoạch được đề xuất, cho dù là hành động riêng hay phối hợp với các quốc gia khác. Họ có thể sẵn sàng cung cấp nước, nhân viên cứu trợ, thực phẩm, hay đồ dùng học tập, Mỹ có thể gây áp lực đối với Israel để tái cung cấp điện và nhiên liệu, và khả năng của người Gaza để tiếp cận các hệ thống tài chính quốc tế có thể được khôi phục. Điều này có nghĩa là trong ngắn hạn, Gaza sẽ không có chính quyền trung ương nào. Các cuộc tấn công của Israel sẽ còn tiếp tục bất kỳ lúc nào IDF nhận thấy có mối đe doạ an ninh, khiến cho không tổ chức, quốc gia, hay liên minh nào có khả năng đảm bảo an ninh công cộng, luật pháp, và trật tự xã hội đối với người Gaza.
Thực tế này cho thấy một triển vọng đen tối đối với tương lai của dải Gaza, và hơn 2 triệu người sinh sống tại đây. Luật pháp và trật tự xã hội sẽ được thi hành bởi những gì còn lại của bộ máy quản trị ở các địa phương khác nhau, dẫn đầu bởi các băng nhóm không phải chịu trách nhiệm với ai. Và sự suy thoái trong bối cảnh quản trị này sẽ trở nên sâu sắc hơn nữa tại một Gaza thiếu định hướng chính trị, tiến triển ngoại giao, hoặc triển vọng phát triển trong tương lai. Chúng ta không nên mong đợi giải pháp lâu dài nào cho một vấn đề đã kéo dài 75 năm qua từ chính những người góp phần tạo nên vấn đề đó. Người dân Gaza sẽ phải tiếp tục sống với một tương lai thiếu hy vọng, không quốc tịch, bị phủ nhận phẩm giá con người và quyền tồn tại như một dân tộc.
----------