Lá thư Canada
ÔI HẠNH PHÚC
ÔI HẠNH PHÚC
Tác giả : Trà Lũ | Nguồn: VietCatholic News | Ngày đăng: 2023-11-17 |
Canada đã vào cuối thu. Lá vàng đã bay đầy đường. Tủ áo ấm đang được mở ra. Ngoài đường không còn thấy ai mặc phong phanh nữa. Chúng tôi vẫn họp làng như thường lệ và vẫn nói các chuyện thời sự nhưng không còn sốt sắng bao nhiêu, vẫn còn chuyện ông Nga Putin đánh Ukraine, vẫn còn chuyện Do Thái và Hamas đánh nhau. Vẫn còn tin các trận động đất, sóng thần. Năm xưa khi có cuộc chiến nào mà tổn thất tới 100 người chết thì cả thế giới đã rùng mình, bây giờ con số tử vong lên tới hàng ngàn hàng vạn mà chả thấy ai kêu thất thanh gì cả, đúng là quen sự dữ mất rồi. Đúng vậy. Làng tôi bây giờ còn có ai nói tới dịch Cô Vít từ Tàu Cộng nữa đâu.Tôi thấy có đài bảo rằng tận thế đang tới. Ông Từ Hòe nghe tôi bảo thế thì cười hà hà rồi nói: ngoài các tin trên, tôi còn chú ý tới 2 cái tin này:
Tin thế giới đang có chiều hướng muốn cải tiến ngày đi làm, xưa nay ta vẫn đi làm 5 ngày một tuần, từ thứ Hai đến thứ Sáu, bây giờ nhiều nơi đang bàn tới chuyện đi làm 4 ngày, sẽ nghỉ thêm ngày thứ Năm. Chuyện đi làm 4 ngày sẽ thay đởi bộ mặt thế giới, các cụ thấy sao cơ?
Tin thứ hai tôi cũng đang chú ý, đó là tang lễ của ông Cha Nguyễn Văn Tường ở Vĩnh Long. Ngài là một linh mục bị vạ tuyệt thông vì giảng đạo và hành đạo mà Tòa giám mục cho là lung tung. Rồi được giải vạ, rồi bị đột tử, qua đời đầu tháng 11 này. Lễ tang thật là lớn và trọng thể, bao nhiêu người thương tiếc. Ngài đã được chôn cất theo luật. Tin cha Tường ở VN thì ai cũng biết, phải không cơ. Nói rồi ông nhìn mọi người và mỉm cười. Không biết ngài có viết chúc thư về việc chôn cất hay không.
Nghe đến đây thì cụ Chánh tiên chỉ nhìn ông Từ Hòe rồi hỏi: Nếu Bác là Cha Tường thì bác sẽ xin an táng ra sao? Ông Từ Hòe trả lời ngay: xưa nay an táng có 3 cách: địa táng tức là chôn cất theo lối thông thường, chôn xác xuống đất, hai là hỏa táng tức là hỏa thiêu, ba là thủy táng tức là bỏ xác xuống biển. Còn tôi thì tôi xin thiên táng, nghĩa là tôi xin thân nhân hỏa thiêu xác tôi xong thì tìm hãng chuyên về làm pháo bông thăng thiên, xin họ bỏ nắm tro thán cốt của tôi vào pháo, mang pháo này tới thác Niagara, Thác Niagara phía Canada có thói quen đốt pháo bông thăng thiên vào các dịp lễ, xin họ đốt pháo có thán cốt tôi, để xác tôi được bắn tung lên trời, tức là được bay về trời…
Cả làng nghe xong ai nấy đều vỗ tay về cái ý rất hay này, Không biết Giáo Hội CG có cho phép việc thiên táng này không.
Nghe tới đây thì cụ Chánh tiên chỉ xin trở về ý chính của tháng 11 này là nhớ tới các người thân yêu đã mất, tháng các linh hồn. và cụ đã nhắc tới Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Tổng Thống John F. Kennedy, hai vị chết cách nhau có 3 tuần. Không biết 2 vị này, một VN một Mỹ, gặp nhau ở thiên giới có nói chuyện gì với nhau không.
Rồi nhân nói tới TT Diệm cụ bàn sang chuyện Vua Duy Tân. À, chuyện này dài nha. Theo sử thì vua cha là Thành Thái và vua con là Duy Tân, cả hai cha con đều bị Pháp lưu đầy ở Réunion bên Phi Châu,. Vua Duy Tân năm 1916. Vua Duy Tân cam chịu và trưởng thành ở đây. Và đã đầu quân cho Pháp, năm 1945 đã lên tới chức thiếu tá. Năm 1945 Hồ Chí Minh tuyên bố độc lập và Vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị. Người Pháp thất vọng về Bảo Đại, họ liền nghĩ tới giải pháp Duy Tân. Vì Duy Tân chưa hề tuyên bố thoái vị, chỉ bị truất phế, nay Pháp nghĩ tới giải pháp Duy Tân, sẽ đem Duy Tân trở về VN thay Bảo Đại. Tướng De Gaulle đã gặp Duy Tân bàn việc này. Duy Tân đồng ý và đã chuẩn bị về VN làm vua.
Ông được đưa từ Réunion sang Paris cốt để từ Paris ông sẽ vinh quang hồi hương. Nhưng chuyến bay này gặp nạn. Duy Tân mất ngày 26-12-1945. Lý do được đưa ra là vì máy bay bị trục trặc máy và hết xăng. Nhiều người đã nghi nghờ và không ai tin vào lý do này. Nhiều sử gia đã cho việc này là do nước Anh chủ mưu. Lý do: nước Anh thời đó đang cai trị rất nhiều thuộc địa ở Á Châu, nếu VN được nới lỏng quy chế thuộc địa vì có vua Duy Tân thì các nước thuộc địa của Anh sẽ nổi lên, nước Anh sẽ gặp rắc rối to, cho nên cách tốt nhất là không để Duy Tân về nước. Sau này người bạn thân của Duy Tân là E.P.Thébault tiết lộ sự thực vì chính Duy Tân đã cho biết khi còn sống: nước ANH đã cho người đến gặp và hứa sẽ tặng 30 triệu đồng nếu ông bỏ ý định về VN. Tin quan trọng lịch sử này được đăng trong bài trường thiên của Tác giả Thébault nhan đề ‘Destin tragique d’un Empereur d’Annam Vinh San Duy Tân’ trên tờ Revue France-Asie số 1, 1970.
Hóa ra nước Anh đã dính vào lịch sử nước VN nha, các cụ thấy chưa.
Nghe đến đây thì Cụ già B.95 lên tiếng xin thôi các chuyện chính trị. Cụ nhìn anh John cầu cứu. Anh John liền chỉ anh H.O, ngồi bên cạnh, và nói rằng bạn H.O. vừa kể cho cháu một chuyện hay lắm. chuyện ‘Hơi Vợ’. Phe các bà nghe tới hai tiếng hơi vợ thì tỏ ra thích lắm. Anh H.O. bèn kể: Đây là chuyện của một đồng chí người Thượng thời kháng chiến đánh Tây. Đồng chí này ở mặt trận nhớ vợ quá nên đã làm đơn xin về thăm vợ hai ngày, qua bài thơ như sau:
Tôi nhớ vợ tôi lắm
Cho tôi về hai ngày
Nhà tôi ở Mường Lay
Bên con sống Nậm Rơm
…
Ngày kia tôi sẽ trở lại
Lại cầm súng được ngay
Tôi càng bắn trúng Tây
Vì tay có hơi vợ…
Cho tôi về hai ngày
Nhà tôi ở Mường Lay
Bên con sống Nậm Rơm
…
Ngày kia tôi sẽ trở lại
Lại cầm súng được ngay
Tôi càng bắn trúng Tây
Vì tay có hơi vợ…
Cả làng vỗ tay cười ầm và khen hay, nhất là phe các bà.
Anh John bèn lên tiếng: bên VN tay có hơi vợ thì tốt lắm, nhưng ở Canada thì tay có hơi vợ không tốt cho nên mới có câu ‘Monday Car’ để chỉ những xe hơi được làm vào ngày thứ Hai đầu tuần thì đều xấu vì anh thợ nào nghỉ cuối tuần cũng đều nộp thuế hết cho vợ nên kiệt sức, thứ Hai đi làm thì tay yếu xìu…
Chị Ba Biên Hòa thấy làng đang chuyển sang chuyện tục bèn chuyển đề, chị lên tiếng: nhân nói tới kiệt sức, dân làng rồi sẽ kiệt sức trong cuối tuần này, vậy hôm nay ai muốn ăn món gì xin cho biết ngay để nhà bếp kịp đi chợ. Làng góp ý ngay. Cụ Chánh tiên chỉ xin món Nộm rau muống kiểu Bắc Kỳ. Ông Từ Hòe bảo đây là món khá cầu kỳ nha: Rau muống phải non, luộc ối ái, trộn với nước mắm tôm chanh, thêm khế chua, vừng rang, rồi bì heo, rồi rau kinh giới. Các thứ này quyện vào nhau, ngon quên chết. Tôi nhớ ngày trước nhà văn Văn Quang bảo món này cuốn vào nhau như thể vợ chồng mới cưới đang tuần trăng mật…
Nghe tới rau muống thì Chị Ba Biên Hòa hỏi: Rau muống có gốc Bắc kỳ, Năm 1954 các ngài Bắc Kỳ di cư mới mang nó vào miền Nam, xin hỏi bác Từ Hòe người Tây người Tàu có ăn rau muống không? Ông Từ Hòe trả lời ngay: Tiếng Hán Việt gọi rau muống là ung-thái, người Quảng Đông đọc là ‘ông xôi’, buồn cười quá. Ông Pháp gọi rau muống là Liseron d’eau, tức là rau bìm bịp dưới nước, Tiếng tây này nghe lạnh lùng không hay như tiếng Anh. Dân Canada gọi rau muống của dân Bắc Kỳ di cư là ‘Water Morning Glory’. Đọc danh xưng này lên thấy thơ mộng quá và màu sắc quá. Anh John gật gù: tên đẹp thiệt, rau là sự vinh quang ban mai, lại nổi trên sông nước bồng bềnh, thơ quá.
Và bữa ăn có món Bắc Kỳ ngon tuyệt vời này đã được thực hiện, các nhà quân tử đòi uống bia, Ông Từ Hòe gạt đi. Ông bảo món ngon này phải đi với rượu mạnh, món rau muống gốc bên Đông phải nhậu với rượu mạnh Cognac gốc bên Tây thì mới cân xứng. Cognac có gốc từ rươu vang. Chuyện gốc gác về tên gọi này dài, bao giờ làng ta ăn món bí tết, uống cognac rồi tôi sẽ trình thêm cái gốc cao quý của nó. Các cụ đã thấy sự thông thái của bồ chữ này chưa?
Nghe đến đây thì ông ODP bồ chữ thứ hai trong làng lên tiếng. bác Từ Hòe vừa mới nói tới gốc cái tên, việc này làm tôi nhớ tới cách viết tên VN ở Bắc Mỹ này. Ông bỏ chủ đề rượu mà chuyển sang đề tài viết tên. Ở đây tên gọi thì đi đầu, rồi tên họ gia tộc thì đi sau như John Kennedy. John Biden, Donald Trump… Sang Bắc Mỹ này chúng ta phải viết tên theo lối Bắc Mỹ, như tên Cô Tô Mộng Lan thì hóa ra Cô Lan Mong To có kẻ máu xấu đọc là Cô Lan Mông To, Bà Vũ Bá hóa ra bà Ba Vu, rồi hóa ra bà Ba Vú, ông Lâm Tô Cự hóa ra ông Cu To Lam rồi biến ra ông Cu To Lắm…Thật là vô phép quá sức !
Chị Ba Biên Hòa để làng cười cho thỏa rồi chị nghiêm trang xin được nói trở lại về tháng 11, tháng nhớ tới các người chết. Chị bảo tự nhiên chị nhớ tới các người đẹp hoàn vũ mà vắn số, chị thương họ quá. Rồi chị kể ra một danh sách dài, toàn các mỹ nhân tài tử vì không tìm được tình yêu hạnh phúc đích thực như Ca sĩ Dalida, Marilyn Monroe, như Ava Gardner, Dolly Porton …
Rồi chị cảm động, chị không nói tiếp được nữa..
Bồ chữ Từ Hòe nhảy vào liền. Ông nói ngay: Sống ở đời ai cũng đi tìm hạnh phúc, mấy mỹ nhân chị Ba vừa kể đã không tìm được hạnh phúc đích thực, nó không ở tiền tài, danh vọng. Viêc này làm tôi nhớ ngay tới chuyện Ông Baddhiya trong thiền viện ngày xưa. Sách chép rằng một đêm kia ông này đang ngồi thiền dưới gốc cây bỗng tự nhiên ông thốt lên ‘ Ôi hạnh phúc !’ Sáng hôm sau một tu sinh trình Đức Phật việc này. Chiều hôm đó sau giờ pháp thoại, Bụt gọi thày Baddhiya và hỏi: Có phải tối qua trong giờ thiền thày đã thốt lên 3 tiếng ‘Ôi hạnh phúc’ không? Thày thưa ngay: Dạ đúng, con đã thốt lên như vậy. Phật hỏi tại sao, xin nói cho đại chúng nghe. Thiền sinh Baddhiya liền kể:
Bạch Thế Tôn, hồi trước con làm tổng trấn, con sống trong quyền thế và giàu sang. Đi đâu con cũng có 1 đoàn quân hộ tống và một đoàn tùy viên hầu cận. Dinh con ở to lớn luôn có quân lính canh gác rất nghiêm ngặt, Dù nghiêm ngặt như vậy mà con vẫn ngày đêm lo sợ thiếu an ninh, sợ chết. Bây giờ con là khất sĩ một mình trong rừng, ngồi một mình dưới cội cây trong đêm vắng, ngủ một mình bên gốc tùng, không chăn không gối, không người hầu hạ, vậy mà con không hề lo ngại sợ hãi, con cảm thấy thảnh thơi an lạc mà chưa hề bao giờ con có được thời làm tổng trấn. Chiều qua, thấy rõ mình hạnh phúc quá nên con đã không kiềm chế được lòng mình nên đã thốt lên hai lần câu ‘Ôi hạnh phúc ! Con đã làm kinh động các đồng tu, con xin thành tâm xám hối !
Rồi ông Từ Hòe kết truyện: các bạn thấy nha, thường thường chúng ta không ý thức được những hạnh phúc đương có mà thường chạy đi tìm hạnh phúc ở chỗ khác hoặc trong tương lai. Được thở là một hạnh phúc mà chỉ khi nào ta nghẹt mũi thì ta mới thấy được thở là một hạnh phúc. Được nhìn thấy hình dáng muôn màu xinh đẹp của vạn vật là một hạnh phúc, chỉ khi nào ta mất thị giác thì ta mới rõ việc này… Do đó, ta hãy tập quán niệm hơi thở để biết mình hạnh phúc, hạnh phúc thật, ngay bây giờ, như thiền sinh Baddhyla trên đây. Tôi vẫn hay tự nói với mình:
- Thở vào, tôi biết tôi có 2 mắt sáng,
- Thở ra, tôi biết tôi có 2 bàn tay nguyên vẹn mạnh khỏe
- Thở vào tôi biết mình đang có nhiều người thân yêu bên cạnh
- Thở ra tôi biết tôi đang sống bằng an…
Có bằng an thì mới có hạnh phúc, lời tu sinh Baddhyla trên đây là một bằng chứng hùng hồn. Trong các thánh lễ ở nhà thờ Công Giáo, giáo dân luôn được chúc phúc: Bình an của Chúa luôn ở cùng Anh chị em. Pax vobiscum. Peace be with you.
Kính chúc các cụ luôn tràn đầy hạnh phúc và biết mình hạnh phúc.
Trà Lũ
----------