Thế chẳng lẽ ‘dùng tiếng Việt’ cũng phải trả tiền tác quyền?
Tác giả : Trân Văn (Blog VOA) Nguồn: Báo Tiếng Dân Ngày đăng: 2023-11-17
Hình Minh Họa
Tuần này, công chúng có thêm một lần ngỡ ngàng và ngao ngán về nhận thức, năng lực trí tuệ của những cá nhân có học hàm, học vị cao đang góp phần vào việc định đoạt đủ thứ tại Việt Nam…
***
Tại hội nghị – hội thảo do Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch (VHTTDL) tổ chức để “xin ý kiến về việc sửa Luật Di sản văn hóa”, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Trần Văn Hải làm việc tại Đại học Khoa học xã hội nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, cần buộc người khai thác di sản văn hóa phải trả phí cho cộng đồng sở hữu di sản – điều mà theo ông Hải đã bị Luật Sở hữu trí tuệ bỏ sót. Để minh họa cho đề nghị này, ông Hải nêu ví dụ: Nơi làm phim Sơn Tinh – Thủy Tinh từ truyền thuyết phải có nghĩa vụ trả tiền tác quyền cho cơ quan đại diện chủ sở hữu là Cục Di sản văn hóa thuộc Bộ VHTTDL. Cũng theo ông Hải, các các đài truyền hình phát sóng những tiết mục trình diễn hát xoan – một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại – phải trả phí cho cộng đồng sở hữu di sản là người dân Phú Thọ.
Theo ông Hải, Luật Di sản văn hóa mới cần quy định cộng đồng nơi di sản văn hóa được sáng tạo, thực hành và lưu truyền là chủ sở hữu của di sản văn hóa đó và phải được hưởng quyền tài sản với di sản văn hóa bên cạnh quyền nhân thân. Trong các quyền tài sản đối với di sản văn hóa, phía sở hữu phải có quyền hưởng lợi nhuận qua việc cho phép làm tác phẩm phái sinh từ di sản văn hóa. Cho dù Công ước Berne và luật pháp Việt Nam chỉ bảo hộ quyền tác giả trong vài chục năm nhưng ông Hải cho rằng: Cộng đồng là tác giả của những di sản văn hóa phi vật thể mà cộng đồng thì tồn tại vĩnh viễn nên việc bảo hộ quyền công bố và quyền tài sản đối với di sản văn hóa phi vật thể không bị giới hạn về thời gian, thành ra khai thác truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy tinh, hát xoan phải trả phí cho nhà nước tổ chức đại diện cộng đồng (1)!
***
Từ ý tưởng của của ông Hải, nhiều người đã triển khai thêm khả năng… gia tăng nguồn thu cho ngân sách, chẳng hạn ông Phạm Hoài Nhân hiến kế: Tôi đề nghị buộc tất cả các bà, các mẹ, các dì, các chị nộp phí khi hát ru cháu, con, em vì đã sử dụng di sản văn hóa của dân tộc. Nộp cho ai và nộp bao nhiêu thì đề nghị… quốc hội xem xét. Quan Tang – một thân hữu của ông Nhân – bổ sung: Nên buộc cả những người có tên trùng với tên người, địa danh, vật dụng,… là di sản văn hóa nộp tiền… mãi danh luôn (2). Cũng có những người không đủ bình tĩnh để bỡn cợt như ông Nhân và bạn bè mà nhận định thẳng tưng, ví dụ Vỹ Đặng: Khùng hết rồi, ngáo đá hết rồi. Tất cả cũng do tiền mà băng hoại hết! song một số thân hữu của Vỹ Đặng như Nguyễn Thị Thanh Chung không đồng tình vì: Ý tưởng đó rất hay, người thường không nghĩ ra được (3)!..
Giống như rất nhiều người sử dụng mạng xã hội, Anh Son Tran Duc cho biết ông thấy… tức cười vì Sơn Tinh – Thủy Tinh là một truyền thuyết dân gian, thuộc loại hình “tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian” mà cả Công ước Berne (có hiệu lực tại Việt Nam từ 2004) lẫn Luật Sở hữu trí tuệ của Cộng hòa XHCN Việt Nam chừa ra bởi là sáng tạo tập thể dựa trên truyền thống, là tài sản chung của cộng đồng, không có thời hạn bảo hộ, người sử dụng không phải thông báo cho ai và không trả bản quyền khi sử dụng vì không biết trả cho ai. Ông Sơn thắc mắc: Ông Hải dựa vào đâu để đưa ra cái ý kiến “nhà làm phim Sơn Tinh – Thủy Tinh cần nộp phí tác quyền cho… Cục Di sản Văn hóa” và… ai ủy quyền cho Cục Di sản văn hóa đứng ra thu phí một tác phẩm văn hóa nghệ thuật dân gian thuộc sở hữu cộng đồng từ hàng ngàn năm qua? Trong số những thân hữu tham gia bình luận về vấn đề Anh Son Tran Duc nêu ra, có Hoa Báo Xuân than: Ăn không chừa cả cái nịt! Hậu Kc Nguyễn băn khoăn: Còn cái gì không bán nữa chăng? Vĩnh Khánh Nguyễn Phước dự đoán: Viết và nói về Cuội và Hằng Nga cũng phải nộp tác quyền nha. Muốn leo lên cầu vồng, cầu Ô Thước phải mua vé nha. Có người như Đặng Tiến còn cho rằng: Xài tiếng Việt sẽ phải trả phí tác quyền cho đại diện là Viện gì đó! Lê Triều Quang giải thích lý do là: Đang ở cao trào thu, phạt, đòi tiền (4)!
Huỳnh Duy Lộc cũng nhấn mạnh chuyện thiên hạ xem các sản phẩm văn hoá của cộng đồng hay tác phẩm của những tác giả đã quá thời hạn bảo vệ tác quyền thuộc quyền sở hữu của cộng đồng, không cần phải bảo vệ bằng luật bản quyền và không thể đòi tiền tác quyền qua việc giới thiệu “public domain”: “creative materials that are not protected by intellectual property laws such as copyright, trademark, or patent laws”, đồng thời bày tỏ băn khoăn về năng lực nhận thức của Phó Giáo sư – Tiến sĩ Trần Văn Hải. Theo Van Hung: Hầu hết các Phó Giáo sư – Tiến sĩ cũng như ông Hải chỉ có điều là các ông khôn hơn thì ít nói hoặc không nói gì, còn ai ” lỡ nói” đều không giấu được trình độ thật! Huu Hello thì mắng: Cục Di sản có phải con cháu của các cụ Sơn Tinh – Thủy tinh không mà vòi tiền, nhảm! Hoang Phan Van tin rằng: Đang thiếu tiền nên nhìn đâu cũng thấy phải thu. Văn Vũ tán thành: Tư duy bị tiền đóng đinh rồi! Pham Giao ngao ngán: Giờ, quan chức mở miệng ra là… tiền, nhét chưa đầy thì chưa hài lòng (5).
***
Chưa rõ Bộ VHTTDL có đồng cảm với … Phó Giáo sư – Tiến sĩ Trần Văn Hải và Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam có… luật hóa đề nghị của ông hay không nhưng tại sao chỉ những người như ông Hải mới được mời cho ý kiến về lập pháp, lập quy?
Chú thích
(5) https://www.facebook.com/loc.huynhduy/posts/pfbid021BX8q4f2U8o88VhmJZcMKQsNZnv78m4KNNJSDpX8EahzXWkXnDo6JyrGKzTBZ1s5l
----------