Nhà Trắng chỉ trích Elon Musk vì ủng hộ nội dung bài Do Thái
Tác giả : Mike Wendling | Nguồn: BBC | Ngày đăng: 2023-11-19 |
Nhà Trắng đã chỉ trích tỷ phú Elon Musk vì đăng lại một "lời nói dối xấu xa" về người Do Thái, sau khi ông chủ mạng xã hội X tỏ ra ủng hộ một bài đăng chống Do Thái trên nền tảng này.
Hôm 15/11, ông Musk đã phản hồi một bài đăng nói về thuyết âm mưu chống Do Thái, cho rằng nội dung trong đó là "sự thật có thật".
Ông Musk đã phủ nhận rằng bài đăng này có tính chất bài Do Thái.
Tuy nhiên, một phát ngôn viên của Nhà Trắng cho biết sự tán thành của ông đối với bài đăng khiến cộng đồng mạng phẫn nộ cho rằng "không thể chấp nhận được".
“Chúng tôi bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất lên án hành động cổ suý đáng ghê tởm cho lòng căm thù bài Do Thái và phân biệt chủng tộc ”, phát ngôn viên Nhà Trắng Andrew Bates cho biết.
Ông lưu ý rằng bài đăng mà ông Musk đã trả lời đề cập đến một thuyết âm mưu khiến một người đàn ông giết 11 người tại giáo đường Do Thái ở Pittsburgh vào năm 2018.
“Không thể chấp nhận được việc đăng lại lời nói dối ghê tởm đằng sau hành động bài Do Thái chết chóc nhất trong lịch sử Mỹ vào bất kỳ lúc nào, chứ đừng nói đến rằng diễn ra một tháng sau ngày chết chóc nhất với người Do Thái kể từ thảm kịch Holocaust”, ông Bates nhắc đến cuộc tấn công ngày 7/10 của Hamas vào Israel.
Giám đốc điều hành X Linda Yaccarino đã viết trong một bài đăng trước đó rằng công ty đã "cực kỳ rõ ràng về những nỗ lực của chúng tôi trong việc chống lại chủ nghĩa bài Do Thái và phân biệt đối xử. Không có chỗ cho chuyện đó ở bất kỳ đâu trên thế giới - đó là chuyện xấu xa và sai trái".
Hôm 15/11, ông Musk đã chia sẻ một bài đăng cáo buộc cộng đồng Do Thái, khơi dậy "sự căm thù đối với người da trắng", cũng như có ý chống người nhập cư, cho rằng tác giả bài viết đang "nói lên sự thật".
Bài đăng dường như là sự chứng thực cho một thuyết âm mưu phân biệt chủng tộc và chống Do Thái được gọi là "diệt chủng người da trắng", lập luận rằng người Do Thái âm mưu một cách có hệ thống nhằm khuyến khích những người "không phải da trắng" nhập cư sang các nước phương Tây nhằm "loại bỏ" chủng tộc da trắng.
Zahed Amanullah, thành viên cấp cao tại Viện Đối thoại Chiến lược có trụ sở tại London, nói với BBC rằng bài đăng ban đầu mà ông Musk phản hồi đã "sử dụng ngôn ngữ cụ thể đã được sử dụng trong quá khứ để biện minh cho các cuộc tấn công bạo lực nhằm vào giáo đường Do Thái".
Thuyết âm mưu đã thúc đẩy một kẻ sát nhân hàng loạt bước vào giáo đường Tree of Life ở Pittsburgh vào năm 2018 và bắn chết 11 tín đồ.
Vụ xả súng vào Tree of Life là vụ tấn công bài Do Thái nguy hiểm nhất trong lịch sử Mỹ
Ông Musk phủ nhận mình bài Do Thái và sau đó cho biết những bình luận của ông không đề cập đến toàn bộ người Do Thái mà đề cập đến các nhóm như Liên đoàn Chống phỉ báng (ADL) và các "cộng đồng Do Thái" không xác định khác.
"Vào thời điểm chủ nghĩa bài Do Thái đang bùng nổ ở Mỹ và lan rộng khắp thế giới, việc sử dụng ảnh hưởng của mình để xác nhận và thúc đẩy các lý thuyết bài Do Thái là điều nguy hiểm không thể chối cãi", giám đốc điều hành ADL Jonathan Greenblatt đăng.
Tranh cãi về chủ nghĩa bài Do Thái xảy ra khi một số công ty lớn đã ngừng chạy quảng cáo trên X, trước đây gọi là Twitter, trích dẫn nội dung cực đoan trên mạng xã hội.
Hãng IBM đã ngừng chi tiền cho quảng cáo sau khi có báo cáo từ cơ quan giám sát truyền thông cánh tả cho biết nội dung của họ được đặt bên cạnh các bài đăng ca ngợi Adolf Hitler và Chủ nghĩa Quốc xã. Apple sau đó cho biết họ cũng sẽ dừng việc chạy quảng cáo trên nền tảng này, Axios đưa tin.
X nói với BBC hôm 16/11 rằng quảng cáo không được cố tình đặt bên cạnh các nội dung cực đoan, rằng các tài khoản quảng bá cho Đức Quốc xã sẽ không kiếm được tiền từ quảng cáo và các bài đăng cụ thể sẽ bị gắn nhãn "nội dung nhạy cảm".
Ngoài ra, Ủy ban Châu Âu đã yêu cầu các bộ phận của mình ngừng chạy quảng cáo trên X vì lo ngại về thông tin sai lệch liên quan đến cuộc chiến Israel-Hamas, theo báo cáo của Politico.
Trên nền tảng hôm 17/11, ông Musk không trực tiếp đưa ra các tuyên bố của mình mà chỉ trích Media Matters và bấm phản hồi ủng hộ các bài đăng khác chỉ trích IBM và "truyền thông".
Tỷ phú này đã nhiều lần đăng lại các thuyết âm mưu và cũng chỉ trích các cơ quan giám sát truyền thông xã hội - bao gồm ADL và các nhóm khác - vì chỉ trích những thay đổi kiểm duyệt nội dung của ông tại X.
X tuyên bố rằng họ có các biện pháp kiểm soát an toàn thương hiệu mạnh mẽ hơn các mạng xã hội khác và những phát ngôn thù hận cũng như chủ nghĩa cực đoan đã giảm trên nền tảng này bất chấp sự cắt giảm lớn đối với đội ngũ kiểm duyệt của công ty. Một số nhóm bên ngoài không đồng ý với đánh giá của X và nói rằng chủ nghĩa cực đoan cũng như phát ngôn thù hận đã gia tăng dưới sự lãnh đạo của ông Musk.
Đầu năm nay, ông Musk đã đe dọa kiện ADL, cho rằng họ đang "cố gắng bóp chết nền tảng này bằng cách cáo buộc sai trái rằng tôi và mạng xã hội này bài Do Thái". Ông đổ lỗi cho các nhóm gây áp lực, chứ không phải thông tin sai lệch và các bài đăng cực đoan, đã khiến doanh thu quảng cáo giảm mạnh kể từ khi ông tiếp quản X.
Trong khi vị tỷ phú không thực hiện được lời đe dọa của mình đối với ADL, công ty đã kiện một nhóm nghiên cứu và chiến dịch khác, Trung tâm chống lại sự thù hận kỹ thuật số (CCDH).
Hôm 16/11, CCDH đã đệ đơn kiến nghị bác bỏ vụ kiện theo luật chống "các vụ kiện chiến lược chống lại sự tham gia của công chúng" - SLAPP của California, gọi vụ kiện X là "một nỗ lực nhằm kiểm duyệt, đe dọa và làm im lặng".
----------