Nhà báo được trả tự do: Đừng 'ngây thơ' trước những rủi ro khi tới Trung Quốc
Tác giả : Nick Spencer Biên dịch : Lam Giang |
Nguồn: NTD Vn | Ngày đăng: 2023-11-29 |
Cô Cheng Lei (áo trắng) xuất hiện trên sân khấu trong ngày khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Web 2019 tại Altice Arena ở Lisbon, Bồ Đào Nha, hôm 5/11/2019. (Ảnh: David Fitzgerald/Sportsfile/Sportsfile for Web Summit/Getty Images)
Nhà báo Cheng Lei đã cảnh báo người Úc hãy cảnh giác với những rủi ro khi đến Trung Quốc.
Phát biểu trong Chương trình Q+A của đài ABC hôm 27/11, cô Cheng cho biết những du khách tương lai phải tính đến bối cảnh chính trị và ngoại giao đang thay đổi nhanh chóng ở quốc gia châu Á này.
“Tôi nghĩ quý vị phải hiểu rõ xem điều gì cần lưu tâm. Phải nói rằng, hiện tại, tôi cực kỳ cảnh giác với bất cứ điều gì có mục đích bảo vệ lợi ích quốc gia và an ninh quốc gia”, cô nói.
Cô Cheng đặc biệt lo ngại về việc những du khách mạo hiểm đến Trung Quốc, những người không hiểu rõ mức độ nghiêm trọng của việc họ đang làm.
“Tôi không muốn những người ngây thơ đến đó. Nếu định đến đó, quý vị hãy trang bị đầy đủ kiến thức về những rủi ro. Đó là một câu hỏi phức tạp. Đó là một đất nước rộng lớn mà tôi có nhiều cảm xúc lẫn lộn”, cô nói.
“Nếu mọi người muốn cải thiện tiếng Quan thoại, hãy đến Đài Loan”.
Bị giam giữ 3 năm
Vào tháng 8/2020, cô Cheng đang làm việc tại CGTN, kênh tin tức tiếng Anh thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh, thì cô bị bắt giữ và sau đó bị bỏ tù theo lệnh của chính quyền Trung Quốc. Họ cho biết cô bị nghi ngờ thực hiện các hoạt động tội phạm gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.
Nhiều người phỏng đoán vụ bắt giữ cô Cheng là một ví dụ về ngoại giao con tin, tức là bắt con tin để làm đòn bẩy ngoại giao, vì sự việc này xảy ra trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Trung - Úc đang lên đến đỉnh điểm.
Sau khi chính phủ Canada bắt giữ Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu vào năm 2018, người ta đã rút ra những điểm tương đồng giữa vụ giam giữ cô Cheng và vụ giam giữ hai công dân Canada Michael Kovrig và Michael Spavor của chính phủ Trung Quốc.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Úc lúc bấy giờ là bà Marise Payne, cô Cheng chính thức bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt giữ vào tháng 2/2021 với cáo buộc chuyển trái phép bí mật nhà nước ra nước ngoài. Chính phủ Bắc Kinh không cung cấp thông tin chi tiết cụ thể về vụ việc.
Sau 19 tháng, vụ án của cô Cheng được Tòa án Bắc Kinh xem xét lần đầu tiên vào tháng 3/2022. Ông Graham Fletcher, Đại sứ Úc tại Trung Quốc, đã bị ngăn không cho tham dự phiên tòa vì “lý do an ninh quốc gia”.
Ba tháng sau, vào tháng 6/2022, Đại sứ Trung Quốc tại Úc Xiao Qian phủ nhận cô Cheng là tù nhân chính trị và vụ án của cô không nên can thiệp vào quan hệ Trung - Úc.
Sau hơn một năm ngồi tù, Thủ tướng Úc Anthony Albanese ngày 11/10 thông báo cô Cheng đã được trả tự do và trở về Úc. Cô được Bộ trưởng Ngoại giao Penny Wong chào đón tại sân bay Melbourne.
Cô Cheng tiết lộ rằng cô đã bị bắt vì vi phạm lệnh cấm vận truyền thông trong một cuộc họp ngắn của ĐCSTQ kéo dài vài phút. Lệnh cấm vận truyền thông là các quy định bắt buộc được thực thi về mặt pháp lý đối với một số thông tin hoặc tin tức nhất định, chúng không được công bố cho đến một ngày cụ thể.
Lệnh này thường được các chính phủ và tổ chức tư nhân trên khắp thế giới sử dụng rộng rãi như một chiến lược quan hệ công chúng phổ biến để đảm bảo rằng tin tức được công bố cùng một lúc.
Cô Cheng cho hay: “Những điều có vẻ vô hại đối với chúng tôi ở đây - và tôi chắc chắn rằng không chỉ giới hạn ở các lệnh cấm vận mà còn nhiều thứ khác - đều không có ở Trung Quốc”.
Cơ hội quay trở lại Trung Quốc?
Khi được người dẫn chương trình của đài ABC hỏi liệu cô có kế hoạch quay trở lại hay không, cô Cheng nói rằng mặc dù cô không loại trừ hoàn toàn khả năng này nhưng hiện cô bị cấm xin thị thực trong mười năm tới.
Trả lời một cuộc thăm dò xuất hiện trên Q+A vào cuối ấn bản tối 28/11 về việc liệu người xem có cảm thấy thoải mái khi đi du lịch Trung Quốc hay không, 55% trả lời không, 35% nói có và 10% chưa quyết định.
Các quan chức Úc đã nêu vấn đề trả tự do cho cô Cheng trong một số cuộc họp cấp bộ trưởng với các quan chức ĐCSTQ, đáng chú ý nhất là khi Thủ tướng Úc gặp lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình vào năm ngoái cũng như gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường vào tháng 9.
Bà Wong cũng nêu trường hợp của cô Cheng với người đồng cấp Trung Quốc, ông Vương Nghị, ngay sau khi chính phủ thủ tướng Albanese được bầu vào năm 2022.
Trong khi đó, ĐCSTQ đã giam giữ bất hợp pháp nhà văn người Úc Yang Hengjun ở Trung Quốc trong hơn 5 năm.
Sau khi thả cô Cheng, các con trai của ông Yang Hengjun đã viết một lá thư chân thành gửi thủ tướng Úc yêu cầu một “phép mà” khác - thả cha của họ.
“Chúng tôi kiến nghị ông làm mọi thứ trong khả năng của mình để cứu mạng cha chúng tôi và đưa ông ấy ngay lập tức trở về với gia đình và nền tự do ở Úc”, họ nói trong bức thư gửi ông Albanese trước chuyến đi đến Trung Quốc.
Theo The Epoch Times
Lam Giang biên dịch
Lam Giang biên dịch
----------