Trung Quốc chọn thời điểm gây hấn với Philippines ở Biển Đông?
Tác giả : Thanh Hà Nguồn: RFI Ngày đăng: 2023-12-11
Tình hình đã đột ngột trở nên căng thẳng tại Biển Đông, đặc biệt là ở khu vực quần đảo Trường Sa trong hai ngày cuối tuần 9 và 10/12/2023. Tàu của Hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng, thậm chí « đâm vào » các tàu tiếp liệu của Philippines tại Bãi Cỏ Mây (Thomas Shoal) và bãi cạn Scarborough. Mỹ và nhiều nước phương Tây lên án hành động « bất hợp pháp » của Trung Quốc và kêu gọi « kiềm chế ».
Tàu BRP Jose Rizal của Philippines và tàu USS Gabrielle Giffords của Hoa Kỳ trong cuộc tập trận chiến thuật trên Biển Đông ngày 23/11/2023. © AP/Armed Forces of the Philippines
Bắc Kinh chọn thời điểm này để gây hấn với Manila ở Biển Đông phải chăng để thách thức Hoa Kỳ, trắc nghiệm mức độ quan tâm của Washington với châu Á -Thái Bình Dương ? Đây có phải là dấu hiệu báo trước một chu kỳ căng thẳng leo thang trong vùng biển mà Trung Quốc khẳng định chủ quyền gần như toàn bộ và muốn làm chủ tuyến hàng hải quan trọng nhất của thế giới ? Ngoài việc « phản đối » và lên án Bắc Kinh có thái độ « hung hăng, khiêu khích », Manila có biện pháp nào để ngăn chặn hải cảnh và dân quân biển Trung Quốc uy hiếp ngư dân trong các vùng biển của Philippines ?
Về câu hỏi cuối cùng này, nhiều quan điểm cho rằng, chỉ với những phản đối bằng lời nói, Manila sẽ không làm Bắc Kinh nao núng. Không phải lần đầu tiên hải cảnh và dân quân biển Trung Quốc sách nhiễu, uy hiếp tàu Philippines ở khu vực Trường Sa, nơi có tranh chấp chủ quyền. Nhưng những sự cố trong hai ngày vừa qua là những vụ « va chạm nghiêm trọng nhất » từ nhiều năm trở lại đây và tất cả đã diễn ra chưa đầy một tháng sau cuộc trao đổi giữa lãnh đạo Philippines Ferdinand Marcos Jr. và Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề diễn đàn APEC tại Los Angeles, Hoa Kỳ. Các giới chức quân sự tại Manila nói đến nước cờ « nguy hiểm » của Bắc Kinh và « chủ trương gia tăng căng thẳng đến mức đáng quan ngại » từ một quốc gia luôn khẳng định chủ quyền trên gần 90 % diện tích Biển Đông, có tranh chấp với nhiều nước khác ở Đông Nam Á như Việt Nam, Malaysia, Brunei…, chứ không riêng gì với Philippines.
Hãng tin Mỹ AP trích lời tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines, tướng Romeo Brawner, cho biết hơn 100 tàu của hải cảnh và dân quân biển Trung Quốc đã bao vây Bãi Cỏ Mây ngăn cản tàu của Philippines tiếp tế cho những người lính đồn trú tại đây.
Trong thông cáo sáng nay, bộ Ngoại Giao Philippines lên án Bắc Kinh « đe dọa hòa bình, trật tự và ổn định » trong khu vực, hành động « trái ngược với những cam kết trước đây » rằng Trung Quốc hành xử « trong khuôn khổ luật pháp quốc tế ». Tổng thống Philippines cảnh cáo Bắc Kinh là những hành vi hù dọa và uy hiếp của Trung Quốc càng « củng cố thêm quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và quyền tài phán » ở vùng biển mà Manila gọi là Biển Tây Philippines.
Tại Bắc Kinh, báo Quân Đội Nhân Dân của Trung Quốc ấn bản ngày 11/12/2023 lên án Philippines cho tàu bè « xâm nhập trái phép hải phận » Trung Quốc, đồng thời đòi Manila « ngừng ngay lập tức các hành vi khiêu khích ». Tờ báo này còn đi xa hơn khi cho rằng « một số lực lượng thù nghịch bên ngoài » mượn tay Philippines để « gây chia rẽ » và xúi giục các bên tranh chấp ở Biển Đông « đối đầu nhau ». Một nhà phân tích Trung Quốc từng phục vụ trong quân đội, được hãng tin Pháp AFP trích dẫn, nhận xét « nhờ được Mỹ hậu thuẫn, Manila tự tin hơn để khiêu khích Bắc Kinh (…) và trong chiều hướng này, sớm muộn gì xung đột cũng có thể xảy ra » ở Scarborough mà Trung Quốc gọi là Hoàng Nham Đảo.
Căng thẳng Bắc Kinh - Manila không phải ngẫu nhiên
Giới quan sát không ngạc nhiên khi thấy Trung Quốc chọn thời điểm này để khuấy động tình hình ở Biển Đông. Jay Batongbacal, giám đốc Viện Nghiên cứu về Luật Biển và quan hệ hàng hải thuộc đại học Philippines, chờ đợi là « những sự cố như vừa qua sẽ thường xuyên xảy ra hơn và càng lúc càng nghiêm trọng ». Do vậy theo ông, tổng thống Marcos Jr. cần « tăng cường quan hệ với các đồng minh và đối tác để chuẩn bị đối phó với kịch bản xấu nhất ».
Song không phải ngẫu nhiên mà căng thẳng Bắc Kinh – Manila dấy lên vào thời điểm này. Thứ nhất, khác với người tiền nhiệm Rodrigo Duterte, tổng thống Ferdinand Marcos Jr. lên cầm quyền tháng 6/2022 chủ trương « sưởi ấm và mở rộng quan hệ với đồng minh truyền thống Hoa Kỳ ». Philippines qua đó giúp cho chính quyền Biden « bắt rễ sâu hơn » vào khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc trong khu vực.
Lý do thứ nhì, được một số nhà phân tích nêu bật, là ông Tập Cận Bình lợi dụng thời cơ nước Mỹ sắp bầu lại tổng thống vào tháng 11/2024, Nhà Trắng « không dại gì » lao vào một cuộc đối đầu trực tiếp với Trung Quốc ở Biển Đông.
Hơn nữa, trong bối cảnh hiện tại, Washington đang vướng vào hai hồ sơ lớn là chiến tranh Ukraina và gần đây hơn là xung đột Israel – Hamas ở Cận Đông. Thêm một yếu tố khác, vô hình chung tạo thuận lợi cho Bắc Kinh, là chính trường Mỹ đang « rối bời ». Có thể là đảng Dân Chủ và Cộng Hòa vẫn « đồng lòng » xem Trung Quốc là « thách thức », là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh của Hoa Kỳ, nhưng trong « kịch bản xấu nhất », không chắc ngành lập pháp Mỹ cho phép tổng thống Biden can thiệp quân sự, dù là ở eo biển Đài Loan hay ở Biển Đông.
Các cuộc va chạm trên biển với Philippines vừa qua, « không phải là lần đầu và cũng không là lần cuối », chẳng qua là để Trung Quốc « dò xét phản ứng của Washington » và một số đồng minh của Hoa Kỳ. Bởi, như lời chuyên gia về an ninh châu Á, ông Eric Sayers, thuộc viện American Enterprise Institute, trụ sở tại Washington, được báo Nhật Japan Times trích dẫn, ông Tập Cận Bình không muốn « nổ ra xung đột », mà chỉ muốn biết « trong những vùng xám thì Bắc Kinh có thể lấn lướt được đến đâu ».
Trong hoàn cảnh đó, ông Sayers cho rằng có thể là Mỹ sẽ phải « dấn thân nhiều hơn » và hiện diện thường xuyên hơn bên các đồng minh, chẳng hạn như « hộ tống » các chuyến tàu tiếp liệu của Philippines đến bãi cạn Scarborough hay Second Thomas… Trong trường hợp đó thì tính toán của Bắc Kinh thâu tóm Biển Đông sẽ « khó khăn hơn, nếu không muốn nói là sẽ phản tác dụng ».
----------
Vụ va chạm tàu tại Biển Đông: Philippines có thể trục xuất đại sứ Trung Quốc
Tác giả : Thanh Hà Nguồn: RFI Ngày đăng: 2023-12-11
Sau những sự cố « nghiêm trọng nhất » trong những năm gần đây tại vùng biển có tranh chấp chủ quyền giữa Philippines và Trung Quốc hồi cuối tuần qua, hôm nay 11/12/2023 bộ Ngoại Giao Philippines thông báo triệu đại sứ Trung Quốc tại Manila Hoàng Khê Liên (Huang Xilian) lên để trao công hàm phản đối. Rất có thể đại sứ Trung Quốc sẽ bị trục xuất khỏi Philippines.
Tàu tuần duyên Trung Quốc sử dụng vòi rồng tấn công vào một tàu của Philippines gần bãi cạn Scarborough, khu vực tranh chấp ở Biển Đông, ngày 09/12/2023. © AP/Philippine Coast Guard
Hãng tin Pháp AFP trích lời phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Philippines Teresita Daza cho biết đã gửi công hàm triệu đại sứ Trung Quốc tại Manila lên để phản đối sau khi trong hai ngày liên tiếp (9 và 10/12/2023), đã xảy ra nhiều vụ va chạm giữa tàu của hai nước.
Hình ảnh tuần duyên Philippines thu được cho thấy tàu Trung Quốc đã dùng vòi rồng uy hiếp các tàu tiếp liệu của Philippines thi hành nhiệm vụ tại bãi cạn Scarborough (đảo Hoàng Nham, theo tên gọi của Trung Quốc) và Second Thomas (Bãi Cỏ Mây). Hai tàu chở hàng tiếp liệu của Philippines đã bị tàu hải cảnh Trung Quốc « đâm vào » ở Bãi Cỏ Mây trong khu vực quần đảo Trường Sa. Phó giám đốc Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Philippines Jonathan Malaya trong cuộc họp báo sáng nay (11/12) khẳng định những sự cố vừa qua thể hiện chiến thuật « làm căng thẳng leo thang nghiêm trọng nhất » trong những năm gần đây. Trước đó, tổng thống Ferdinand Marcos Jr. khẳng định « không một quốc gia nào khác ngoại trừ Philippines đủ tư cách chính đáng để hoạt động ở bất kỳ nơi nào trong vùng biển Tây Philippines », tên Manila gọi Biển Đông.
Phản ứng của Trung Quốc và Mỹ
Trong một thông cáo hôm 11/12, Bắc Kinh bác bỏ những cáo buộc nói trên của Manila, nhấn mạnh đến « tính chuyên nghiệp » và phản ứng « chừng mực » của lực lượng hải cảnh Trung Quốc. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mao Ninh khẳng định Trung Quốc đã hành xử « trong khuôn khổ luật pháp quốc tế ». Sự hiện diện cũng như cách ứng xử của hải cảnh Trung Quốc hoàn toàn « hợp pháp », bởi vì theo Bắc Kinh, tàu Philippines đã « xâm nhập trái phép hải phận của Trung Quốc ». Bắc Kinh sẽ « tiếp tục các hoạt động để bảo vệ trật tự » ở khu vực quần đảoTrường Sa.
Về phía Hoa Kỳ, bộ Ngoại Giao ngay hôm qua (10/12) đã kêu gọi Trung Quốc chấm dứt lối hành xử « nguy hiểm và gây bất ổn » tại Biển Đông. Việc tàu Trung Quốc dùng vòi rồng uy hiếp tàu Philippines và ngăn cản họ thi hành nhiệm vụ là điều « bất hợp pháp ». Washington cam kết sẽ bảo vệ đồng minh trong trường hợp Manila « phải đối mặt với một cuộc xung đột vũ trang ».
----------