Việt Nam và 'ngoại giao cây tre' sau chuyến thăm của Chủ tịch Tập
Nguồn: BBC | Ngày đăng: 2023-12-20 |
Khái niệm ngoại giao 'cây tre' lần đầu tiên được Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng khởi xướng tại Hội nghị Ngoại giao vào ngày 22/8/2016
Thế giới đang bước vào thời kỳ cạnh tranh Đông-Tây mới, và Việt Nam phải có đối pháp khác, thay vì vẫn kiên định với chiến lược 'cây tre' của mình, một chuyên gia về an ninh từ Hoa Kỳ đánh giá với BBC.
"'Cây tre Việt Nam' hoàn toàn có thể bị 'con gấu trúc Trung Quốc' gặm nhấm dần dần," Giáo sư Alexander L. Vuving bình luận sau chuyến đi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Hà Nội.
Lý do, theo nhà nghiên cứu từ Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương Daniel K. Inouye ở Hoa Kỳ, là bởi chính sách ngoại giao 'cây tre' chỉ phát huy tác dụng thời hậu Chiến tranh Lạnh, "còn bây giờ chúng ta đã bước vào thời kỳ mới, thời kỳ hậu hậu Chiến tranh Lạnh, mà tôi tạm gọi là tranh chấp Đông-Tây mới với Mỹ và Phương Tây một bên, và Trung Quốc và Nga một bên kia."
Việt Nam cần chú ý đến vấn đề "lấy thực lực làm gốc" để "cây tre" đứng vững, theo Tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng từ Quỹ Taiwan NextGen Foundation, Đài Bắc.
Trong lúc đó, Giáo sư Zachary Abuza từ Đại học National War College (Mỹ) cho biết ông "không thấy ấn tượng" trước nền ngoại giao 'cây tre' của Việt Nam.
Khái niệm 'ngoại giao cây tre' lần đầu tiên được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra hồi năm 2016, và kể từ đó đã thường xuyên được sử dụng để gọi đường lối đối ngoại mà giới lãnh đạo nước này đánh giá là "rất đặc sắc và độc đáo".
Hà Nội từ trước tới nay thường tuyên bố muốn "làm bạn với tất cả các nước" và thực hiện chính sách quốc phòng "Bốn Không", với "đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa".
Nâng cấp quan hệ với cả Hoa Kỳ và Trung Quốc
Trong ba tháng cuối năm 2023, nền ngoại giao Việt Nam có những bước đi ngoại giao mang tính cột mốc với cả Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai siêu cường thế giới.
Tháng Chín, Việt Nam đón Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tới năm và nâng cấp vượt hai bậc trong mối quan hệ với Washington, từ "đối tác toàn diện" lên "đối tác chiến lược toàn diện".
Tháng Mười Hai, Hà Nội chào đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ký gia nhập "cộng đồng chia sẻ tương lai" với Trung Quốc sau nhiều năm từ chối. Giáo sư Vuving nói trong khi Việt Nam ra sức cân bằng mối quan hệ với các cường quốc, thì đã bị Trung Quốc chớp thời cơ.
"Tôi nghĩ một trong lý do lớn mà Việt Nam quyết định chấp nhận 'bài thuốc bắc' này ở chỗ là họ rất muốn cân bằng trong đường lối đối ngoại với các nước lớn."
"Sau khi họ nâng cấp hai bậc với Mỹ từ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược toàn diện rồi nâng cấp quan hệ với Nhật Bản vừa qua từ đối tác chiến lược sâu rộng lên đối tác chiến lược toàn diện, thì họ thấy mình đã ngã sang phía Mỹ, Nhật rồi thì nên ngã một tí sang Trung Quốc cho cân bằng."
"Do đó Trung Quốc đã chớp được thời cơ này và đã ép được Việt Nam nâng cấp quan hệ từ 'đối tác chiến lược toàn diện' lên 'cộng đồng chia sẻ tương lai, hay chung vận mệnh này'. Nhượng bộ nằm ở chỗ Việt Nam không được lợi gì trong cộng đồng này, cái lợi rất là nhỏ và rủi ro rất là lớn," ông nhận định.
Giáo sư Zachary Abuza cũng nhận định rằng rõ ràng Bắc Kinh "đã không hài lòng" trước việc Việt Nam mới đây đã có những bước nâng cấp quan hệ ngoại giao với Mỹ, Nhật và Úc, ba thành viên trong 'Bộ tứ' (Quad), được xem là một tổ chức được lập nên để chống lại sự bá quyền của Trung Quốc trên Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, hay Hàn Quốc, một đồng minh của Mỹ cũng đang có mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện với Việt Nam.
"Ông Tập, giống các lãnh đạo Trung Quốc khác, đã nhắc nhở các lãnh đạo Việt Nam về tầm quan trọng duy trì bản chất chủ nghĩa xã hội trong chính sách ngoại giao của mình."
"Tôi không hào hứng về cộng đồng chia sẻ chung tương lai của Trung Quốc, quá nhiều mỹ từ, trong khi chỉ phản ảnh một vài nguyên tắc. Và theo nhiều cách, Bắc Kinh đang ra sức kiềm chế các hành động của Hà Nội trên Biển Đông."
"Ranh giới giữa các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, và chống Đảng Cộng sản Việt Nam cũng rất mong manh," ông nói với BBC News Tiếng Việt.
'Ngoại giao cây tre'
Hình ảnh tre trúc tại lễ đón Chủ tịch Tập ở Hà Nội được chú ý nhiều
Truyền thông Việt Nam dẫn lời ông Nguyễn Phú Trọng nói hôm 19/12 là 'ngoại giao cây tre' Việt Nam ngày càng được quốc tế thừa nhận rộng rãi.
Tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng nhận định ngoại giao cây tre của Việt Nam nên được hiểu là cách tiếp cận thực dụng (pragmatism) dựa trên việc chú trọng vào thực tế (thay vì lý tưởng) và sự sáng tạo trong việc ứng phó với những tình huống cụ thể. Tuy nhiên, bên cạnh uyển chuyển về sách lược thì ngoại giao cây tre lại có thêm yếu tố kiên định về nguyên tắc.
Tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng đánh giá rằng thế giới đang trong bối cảnh của nền "Hòa bình Băng giá" (Cold Peace) - "nơi các siêu cường vẫn hợp tác với nhau và chưa cạnh tranh với tính chất sống còn thông qua hình thành các lực lượng đối chọi rõ rệt".
"Nền hoà bình này mong manh, luôn có thể bùng phát thành các các xung đột (như ở Đông Âu và Trung Đông hiện nay), đồng thời 'băng giá' vì các quốc gia hợp tác thận trọng, dè chừng lẫn nhau, và không phải lúc nào cũng thực tâm trong đối thoại."
Trong bối cảnh đó, "nền ngoại giao cây tre dễ bị hiểu là thiên về 'ứng phó' (bị động) thay vì hành động có tính chủ động -- nhất là thể hiện vai trò lãnh đạo trong các thể chế khu vực," ông bình luận.
Tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng nhận định: "Các đánh giá về ngoại giao cây tre của Việt Nam chủ yếu do các học giả Việt Nam trong và ngoài nước nghiên cứu và phổ biến qua các bài viết và phát biểu, không nhiều các học giả nước ngoài chú ý đến vấn đề này."
"Các học giả quốc tế, theo quan sát của tôi, ưa thích thuật ngữ 'hedging' (phòng bị nước đôi) hay 'balancing' (cân bằng) hơn."
"Việc 'đề cập' hay 'nói đến' (mention) và 'thừa nhận' (recognize) là hai chuyện khác nhau. Đề cập chưa hẳn là thừa nhận, và thừa nhận nhiều khả năng mang hàm ý rằng đã đề cập."
"Tôi nghĩ để nước ngoài thừa nhận thì Việt Nam, song song với phổ biến ngoại giao cây tre qua con đường báo chí, học thuật, truyền thông…, cần chú ý đến các hoạt động thực tiễn hơn. Làm được như vậy thì mới 'đúng và đủ', tránh ta vừa đề ra chính sách rồi lại tự… khen ta hay 'nghĩ' là quốc tế khen mình."
Giáo sư Vuving từ Hoa Kỳ nói rằng chính sách "ngoại giao cây tre" chỉ phát huy tác dụng thời hậu Chiến tranh Lạnh, "còn bây giờ chúng ta đã bước vào thời kỳ mới, thời kỳ hậu hậu Chiến tranh Lạnh, mà tôi tạm gọi là tranh chấp Đông-Tây mới với Mỹ và Phương Tây một bên, và Trung Quốc và Nga một bên kia."
Trong cuộc đối đầu này, những công thức được sử dụng trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh thì không được sử dụng nữa.
"Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn trở nên ghê gớm như thế này, cây tre không phải là giải pháp hữu hiệu, theo tôi. Gió to, gió lớn thế này, thì tre sẽ không chịu được, bật gốc, chắc phải dùng biện pháp khác. Nói một cách hình tượng là cây tre Việt Nam hoàn toàn có thể bị con gấu trúc Trung Quốc gặm nhấm dần dần. Việt Nam phải tìm phương cách khác," Giáo sư Vuving nói.
Giáo sư Zachary Abuza cho biết ông "không thấy ấn tượng" trước nền ngoại giao 'cây tre' của Việt Nam.
"Việt Nam đã nhận được nhiều lời tán dương cho nền ngoại giao 'cây tre'. Cá nhân tôi thì không thấy ấn tượng từ các cuộc họp thượng đỉnh và tầm quan trọng của hệ thống thứ bậc đối tác ngoại giao đơn phương của phía Việt Nam. Chúng chỉ mang tính biểu tượng, và tôi quan trọng về bản chất thực sự các mối quan hệ này hơn," ông nói.
Tăng cường hợp tác sẽ đem lại cơ hội cho Việt Nam hay Trung Quốc nhiều hơn?
Việt Nam và Trung Quốc cũng đã ký kết 36 văn bản thỏa thuận hợp tác cơ sở hạ tầng và đường sắt, an ninh - quốc phòng, dữ liệu, nền kinh tế số và viễn thông, thương mại và đầu tư
Trong dịp ông Tập tới thăm Hà Nội mới đây, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết 36 văn bản thỏa thuận hợp tác, ít hơn con số 45 văn bản được đề xuất trước đó, trên các lĩnh vực gồm, cơ sở hạ tầng và đường sắt, an ninh - quốc phòng, dữ liệu, nền kinh tế số và viễn thông, thương mại và đầu tư.
Về viễn cảnh hợp tác sắp tới, Giáo sư Zachary Abuza nói ông hy vọng phía Việt Nam "đủ sáng suốt" để tách biệt Trung Quốc ra khỏi ngành công nghiệp đất hiếm, trong bối cảnh Trung Quốc có sự kiểm soát đáng kể liên quan đến chuỗi sản xuất mặt hàng này trên toàn cầu.
Trong khi đó Giáo su Vuving không lạc quan về viễn cảnh hợp tác Việt-Trung, "Hợp tác thực chất mà hai bên đã ký là xây dựng đường sắt khổ tiêu chuẩn, của Trung Quốc, từ Hà Khẩu, ra đến Lào Cai, chạy qua Hà Nội, đến Hải Phòng, thúc đẩy bán hàng hoá Việt Nam sang Trung Quốc rẻ hơn, do đó có lợi hơn khi Việt Nam chuyển sang cho Trung Quốc hơn là để lại Việt Nam sản xuất.
"Tôi lấy ví dụ đất hiếm chẳng hạn. Trung Quốc nắm mọi công nghệ chế biến tốt hơn, còn Việt Nam thì chỉ có khai thác thôi. Đường vận chuyển dễ dàng như vậy thì giá thành vận chuyển quặng thô từ Việt Nam sang Trung Quốc rẻ hơn nhiều, cho nên càng khuyến khích người ta chuyển quặng thô sang Trung Quốc. Đường sắt này tạo thành độ trũng, khuyến khích chuyển quặng thô… Có thể có những hậu quả là Việt Nam thiệt thòi, phụ thuộc hơn vào Trung Quốc."
"Một số người nghĩ rằng đây là một dạng mua thời gian, có người nói 'phải giữ kẻ thù gần hơn', câu này chỉ đúng trong những hoàn cảnh nhất định, trong hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay thì tôi không thấy đúng," Giáo sư Vuving nói.
----------