Văn hóa ăn uống phản ánh văn hóa sống
Tác giả : Nguyễn Ngọc Gia Nguồn: rfavietnam Ngày đăng: 2023-12-20
Miếng ăn là miếng tồi tàn
Không ăn một miếng lộn gan lên đầu
Hai câu ca dao không rõ có từ khi nào, chỉ biết từ rất lâu. Hoặc tục ngữ "Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp", "Ngồi mát ăn bát vàng" cũng vậy. Tất cả đều xuất xứ từ miền Bắc.
Báo Dân Trí ra ngày 19 tháng Mười Hai năm 2023 đăng liên tiếp 2 bài:
1. Bún ngan nổi tiếng Hà Nội: Chủ bán hàng lặng thinh, khách ăn thấp thỏm [1]
2. Hà Nội: Tranh cãi đi ăn phở, khách bị chủ quán làm tròn thêm 5.000 đồng [2]
Đọc hết hai bài theo link dưới đây, dễ cảm nhận "sự lạ lùng" trong cách mua bán về miếng ăn - cốc nước của "người Hà Nội ngày nay".
Báo Dân Trí làm cuộc thăm dò cho bài báo thứ nhứt, chỉ có 552 người tham gia, trong đó 95% "nói không" với cung cách mua và bán của "người Hà Nội ngày nay". Số liệu này quá nhỏ nhoi và không đáng tin cậy. Bởi sự đắt khách của quán bún đã bác bỏ thẳng thừng, vì họ vẫn bán đều đều, với lượng khách kéo đến kín quán và chấp nhận ăn trong tư thế rụt rè - khép nép và lặng thinh... ăn (!)
Tôi được sanh ra và lớn lên tại Sài Gòn với 3/4 quãng đời "lưu lạc" tại thành phố Hồ Chí Minh - được đặt tên vào ngày Hai tháng Bảy năm 1976. Với gần cả đời ở tại nơi đây, có lẽ đủ lâu, để chiêm nghiệm về chế độ độc đảng toàn trị thao túng và "đồng hóa" gần như toàn bộ dân xứ thiên đàng. Tại sao tôi dùng chữ "LƯU LẠC"? Thưa rằng, tôi - suốt gần nửa thế kỷ qua - ngày càng cảm nhận "sự lạc loài" của bản thân mình, trong tư cách một người vong quốc!
Xã hội xứ thiên đàng ngày một giàu lên về vật chất, khởi đầu bằng quyết định của Hoa Kỳ bỏ cấm vận, từ năm 1995 thế kỷ trước. Đó là sự thật không thể phủ nhận. Từ việc bỏ cấm vận này, các nguồn vốn vay ưu đãi - viện trợ cho đến vốn đầu tư từ nước ngoài đổ vô thị trường Việt Nam, ngày càng nhiều lên. Cuộc sống của tuyệt đại đa số dân chúng dễ thở hơn rất nhiều, so với 20 năm (1975 - 1995) sống trong lầm than - tăm tối - đói nghèo của một thời quá vãng bao cấp, mang đầy phong cách ngỗ nghịch của những đứa trẻ không được học hành tử tế, để rồi trở thành những chính trị gia và lãnh đạo cả một quốc gia gần trăm triệu người.
Rất nhiều người đồng ý với câu: Thiếu thứ gì hãy nói về thứ đó.
Thực tế chứng minh từ 1995 đến nay, sự giàu có về vật chất không thể làm dân xứ thiên đàng sống văn minh hơn. Đó cũng là sự thật nốt. Người dân xứ thiên đàng nghe quen tai và nhìn mòn mắt về các loại "đạo đức cách mạng" không ngừng nghỉ suốt gần 30 năm qua!
Luận bàn về văn hóa nói chung, cũng như văn hóa ẩm thực nói riêng của dân xứ thiên đàng là câu chuyện rất dài dòng và rối rắm. Chắc chắn là như vậy!
Nhà văn nữ Di Li chuẩn bị ra mắt cuốn "Tật Xấu Người Việt" trong tháng Mười Hai năm 2023, như báo Dân Trí cho biết [3]. Trong đó, cuốn sách này tạm liệt kê 48 câu chuyện về những thói xấu, như: tính tự ái, trọng tình hơn lý, sự phiến diện, thích đổ lỗi, lười cảm ơn, lười đọc sách, lười biểu hiện cảm xúc tích cực mà chỉ ưa nói thẳng những điều tiêu cực, chê vùi dập khen bốc giời, vô duyên hay xen vào chuyện cá nhân, trọng nam khinh nữ, hay cả nể, hay gây ồn ào, quan cách, ưa hối lộ, tham nhũng vặt, ưa thành tích, thích làm thầy không thích làm thợ, sính bằng cấp, học chỉ để thăng tiến, thiếu tính độc lập, sĩ diện, hay khoe khoang, tham lam chủ nghĩa, không bảo vệ tài sản công cộng, ích kỷ, nghĩ ngắn chỉ thấy lợi ích trước mắt, thói quen phạm luật, không bao giờ biết đủ, lãng phí…
Báo Dân Trí cho biết thêm: Nhà văn Di Li mất 15 năm để hoàn thành cuốn sách. Cô ta nói: "... cuốn sách sẽ gây nhiều tranh cãi, bởi quan điểm là thứ không thể 'định lượng', nên sẽ không bao giờ có đáp số chung nhất". "Hơn nữa, khi những quan điểm ít nhiều 'va chạm' đến một số người, rất có thể sẽ gây chạnh lòng. Nhưng tôi mong muốn độc giả tiếp nhận những câu chuyện này với thái độ thiện chí nhất, bởi cuốn sách là một kết quả nghiêm túc đã được nghiên cứu trong suốt thời gian dài về tính cách của dân tộc Việt, bao gồm cả tật xấu và tính tốt...".
Tôi cam đoan 100%, trước 1975 văn hóa ẩm thực như hai bài báo thượng dẫn - không hề có, dù người Bắc không hề ít, ngay tại Sài Gòn. Thậm chí, trước 1990, ngay tại thành phố mang tên "bác Hồ" cũng không có cách mua bán/ăn uống nhục nhã cho cả người mua - kẻ bán như vậy.
Khả năng rất cao, cuốn sách sẽ trôi tuột đi trong văn hóa "ăn không chừa thứ gì" - "ăn tất tần tật/ăn tuốt tuồn tuột" v.v... và vô số cách ăn (cả nghĩa bóng và nghĩa đen) của người dân xứ thiên đàng! Bởi vô số người giàu có còn đang mải miết "xuống đường" đòi tiền mà họ cho rằng "bị lừa đảo" từ trái phiếu các loại của ngân hàng SCB, Tân Hoàng Minh v.v...
Báo Người Lao Động ngày 18 tháng Mười Hai năm 2023 có bài " Bữa ăn 2 gói mì tôm chan cơm cho 11 học sinh là có thật" [4]. Quả nực cười với 3 chữ "là có thật". Tại sao như vậy? Có lẽ khẩu ngữ quen thuộc, dễ dàng gây khó cho những người hành nghề báo chuyên nghiệp, có thể bị mang tội "lợi dụng tự do dân chủ" hoặc giả "tội vu khống" chăng (?) Trong bài báo cho biết, trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Hoàng Thu Phố 1 - huyện Bắc Hà - tỉnh Lào Cai cắt xén bữa ăn cho các em bé vùng cao, một cách táng tận lương tâm, dù họ đều mang danh "thầy - cô" (!).
Một câu hỏi buồn thiu trong những ngày cuối năm 2023, cũng cần đặt ra: Tại sao gần nửa thế kỷ đã qua, "Bên Thắng Cuộc" thâu tóm hoàn toàn nguồn lực kinh tế, lẫn quyền lực chính trị nhưng họ không thể nào làm cho tuyệt đại đa số dân chúng sống văn minh và nhơn ái, dù nhan nhản những lời đạo đức ngập tràn mỗi ngày - từng giờ trên vô số trang báo và các trang mạng xã hội?
----------