Quân đội Trung Quốc chỉ trích gay gắt Mỹ
Nguồn: BBC Ngày đăng: 2023-12-31
Mới nối lại liên lạc gần đây sau những xung khắc, quân đội Trung Quốc lại chỉ trích Mỹ đã “kích động đối đầu”, theo Reuters.
Chỉ một tuần sau khi các quan chức quân sự hàng đầu của hai nước nối lại các cuộc đàm phán cấp cao, Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm thứ Năm (28/12) đã lên tiếng chỉ trích Hoa Kỳ việc nước này tiếp tục can thiệp vào hoạt động của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và nói rằng Mỹ vẫn đang duy trì tư duy “Chiến tranh Lạnh”.
Trước đó, cả hai bên đã cam kết sẽ nỗ lực khôi phục lại liên lạc để tránh những hiểu lầm và tính toán sai lệch với việc Mỹ nhấn mạnh cần "làm nhiều hơn" để đảm bảo việc liên lạc quân sự luôn cởi mở và đáng tin cậy.
Tuy nhiên, một người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc lại có giọng điệu cứng rắn tại cuộc họp báo thường kỳ vào cuối năm ngoái.
Người phát ngôn Ngô Khiêm cho biết hôm thứ Năm: “Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường triển khai nhiều hoạt động ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, điều này mang đậm tư duy Chiến tranh Lạnh.”
"Mục đích của hành động này là nhằm phục vụ những lợi ích ích kỷ của mình và duy trì quyền bá chủ. Bản chất của việc này là để kích động đối đầu."
Mỹ hy vọng hai nước có thể phục hồi rộng rãi hơn trong quan hệ quân sự qua hội nghị truyền hình lần đầu tiên sau hơn một năm giữa Đại tướng Charles Brown của Mỹ và người đồng cấp bên phía Trung Quốc, Thượng tướng Lưu Chấn Lập.
Những cuộc nói chuyện này diễn ra sau một thỏa thuận vào tháng 11 tại San Franciso nhằm nối lại các mối quan hệ giữa hai nước vốn đã bị Bắc Kinh cắt đứt sau khi bà Nancy Pelosi, khi đó là Chủ tịch Hạ viện Mỹ, đến thăm một Đài Loan tự trị vào năm 2022.
Cuộc trao đổi đã mang đến kết quả “có tính xây dựng và tích cực”, ông Ngô cho biết.
Tuy nhiên, Bắc Kinh trông đợi Washington sẽ "thực hiện các hành động cụ thể dựa trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng để thúc đẩy sự phát triển ổn định và lành mạnh của mối quan hệ quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ", ông này nói thêm, với chi tiết cụ thể sẽ được công bố sau.
Thao túng Đài Loan
Khi nói đến Đài Loan, Thượng tướng Ngô Khiêm cáo buộc chính quyền hòn đảo này cố tình "thổi phồng" mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc để trục lợi trước thềm bầu cử ngày 13 tháng 1 sắp tới.
Ông cảnh báo Mỹ không được can thiệp vào chuyện Đài Loan, bao gồm việc bán vũ khí cho hòn đảo dân chủ này.
"Chúng tôi kiên quyết phản đối bất kỳ quốc gia nào có tiếp xúc mang tính chính thức và quân sự với Đài Loan dưới bất kỳ hình thức nào. Mỹ hiện đang thao túng những vấn đề liên quan đến Đài Loan bằng nhiều cách khác nhau, và đây là một canh bạc rất nguy hiểm," ông Ngô Khiêm cảnh báo.
"Chúng tôi kêu gọi Mỹ ngừng cung cấp vũ khí cho Đài Loan dưới bất kỳ phương thức hay lý do nào," ông nói thêm.
Trong tuần, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết họ không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào về hoạt động quân sự quy mô lớn của Trung Quốc trước thềm bầu cử, nhưng vẫn đang theo dõi chặt chẽ tình hình.
Trung Quốc: Cuộc thanh trừng trong quân đội để lộ yếu điểm và sẽ tiếp tục lan rộng?
Nguồn: BBC Ngày đăng: 2023-12-31
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc duyệt binh vào ngày 3/9/2015
Một cuộc thanh trừng đang lan rộng nhằm vào các tướng lĩnh đã làm suy yếu Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA), để lộ nạn tham nhũng ăn sâu cắm rễ, vốn cần phải có thêm thời gian để giải quyết, đồng thời làm chậm tiến trình hiện đại hóa quân đội của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, giữa bối cảnh căng thẳng địa chính trị trên thế giới, các nhà phân tích bình luận với Reuters.
Hôm thứ Sáu 29/12, chín quan chức cao cấp trong Bộ Quốc phòng bị Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc tuyên bố bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội Trung Quốc, theo truyền thông nhà nước tường thuật.
Đây là một động thái được xem là tiền đề cho việc mở rộng lệnh trừng phạt nhằm vào những quan chức vi phạm.
Nhiều người trong số đó là quan chức từ Lực lượng Tên lửa - một bộ phận quan trọng trong Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa, phụ trách giám sát các tên lửa hạt nhân và chiến thuật.
Các cuộc thanh trừng được xem gây bất lợi cho ông Tập Cận Bình, người đã quyết định bơm hàng tỷ USD trong việc mua và phát triển trang thiết bị, thuộc các nỗ lực hiện đại hóa nhằm thiết lập một lực lượng quân đội "đẳng cấp" trước năm 2050, trong bối cảnh Bắc Kinh gia tăng ngân sách dành cho quốc phòng với tốc độ nhanh hơn tốc độ phát triển kinh tế trong một số năm.
Việc một số tướng lĩnh bị bãi nhiệm tư cách đại biểu quốc hội và một số lãnh đạo doanh nghiệp quốc phòng bị loại khỏi Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc gần đây, tuy nhiên, đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến nỗ lực này của ông Tập, và đặt ra các câu hỏi về liệu đã có sự giám sát đúng cách liên quan các khoản đầu tư khổng lồ cho quân đội trong bối cảnh Trung Quốc đang đối đầu với Mỹ tại một số khu vực chính, bao gồm Đài Loan và Biển Đông.
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bước vào một cuộc thanh trừng chống tham nhũng trên nhiều lĩnh vực, các quan chức chính phủ và của Đảng Cộng sản Trung Quốc, với Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa là một trong những mục tiêu chính.
Chín vị tướng từ PLA bị bãi nhiệm chức vụ trong Quốc hội Trung Quốc đã nắm quyền tại một số đơn vị quân đội: họ là các cựu tư lệnh hoặc phó tư lệnh của Lực lượng Tên lửa thuộc PLA, một người là cựu tư lệnh không quân, và một người là tư lệnh hải quân Chiến khu miền Nam, phụ trách Biển Đông. Bốn quan chức khác phụ trách về trang thiết bị quân sự.
"Đây là một dấu hiệu rõ ràng họ đang bị thanh trừng," Andrew Scobell, nhà nghiên cứu về Trung Quốc, từ Viện Hòa bình Hoa Kỳ (United States Institute for Peace) nói với Reuters.
Hai tháng sau khi Tướng Lý Thượng Phúc bị sa thải khỏi chức Bộ trưởng Quốc phòng, Trung Quốc có người kế nhiệm ông Lý là Đô đốc Đổng Quân, cựu Tư lệnh Hải quân Quân Giải phóng
'Sẽ còn thêm người bị thanh trừng'
Bắc Kinh đã không đưa ra lời giải thích vì sao bãi nhiệm các tướng lĩnh này. Một số nhà phân tích cho rằng, các bằng chứng đều hướng đến nạn tham nhũng trong khâu mua trang thiết bị quân sự do Lực lượng Tên lửa tiến hành.
"Sẽ còn thêm người bị trừng phạt. Cuộc thanh trừng tập trung tại Lực lượng Tên lửa chưa kết thúc," Alfred Wu, Phó Giáo sư từ Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu từ Singapore cho biết.
Ngụy Phượng Hòa, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, người từng nắm chức vụ lãnh đạo Lực lượng Tên lửa, cũng đã biến mất. Khi được hỏi về ông ta đang ở đâu, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc hồi tháng Tám cho biết, quân đội nước này không có sự dung thứ nào cho nạn tham nhũng.
Người kế nhiệm ông Ngụy, Tướng Lý Thượng Phúc, cũng đã đột ngột bị bãi nhiệm chức vụ bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc hồi tháng 10, mà không có lời giải thích nào, sau khi biến mất vài tháng trước đó.
Ông ấy cũng từng là người đứng đầu Bộ Phát triển Trang bị Quân ủy Trung ương Trung Quốc. Một trong những cấp phó khi đó của ông Lý cũng đã bị bãi nhiệm tư cách đại biểu quốc hội hôm thứ Sáu 29/12.
Trung Quốc đã chính thức bãi nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc (phải), hai tháng sau khi ông không xuất hiện trước công chúng vào tháng 10
Cùng ngày 29/12, Đô đốc Đổng Quân, cựu Tư lệnh Hải quân Quân Giải phóng, người có kinh nghiệm đặc trách khu vực Biển Đông, đã được bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng, thay thế ông Lý đã bị cách chức.
Giới phân tích cho rằng trong khi nạn tham nhũng đã từ lâu được biết đến tồn tại trong quân đội Trung Quốc, quy mô của đợt truy quét mới nhất và sự dính dáng của Lực lượng Tên lửa thuộc PLA thật sự gây sốc.
"Cơ quan này thuộc PLA đã có một quy trình chọn lọc nghiêm ngặt nhất đối với các quan chức cấp cao, xét về tầm quan trọng phải có đội ngũ nhân sự được tin cẩn cao, phụ trách các vũ khí hạt nhân của Trung Quốc," Dennis Wilder, nhà nghiên cứu cấp cao từ Ý tưởng Đối thoại Mỹ-Trung về Các vấn đề toàn cầu (Initiative for U.S.-China Dialogue on Global Issues), trực thuộc Đại học Georgetown cho biết.
"Hơn nữa, dường như đã có liên quan đến một số nhân vật cấp cao thay vì chỉ một 'quả táo hỏng'."
Các nhà phân tích cũng cho rằng việc thanh trừng những lãnh đạo quân sự cấp cao này có thể khiến Lực lượng Tên lửa tạm thời suy yếu cho đến khi Tập Cận Bình có thể chấn chỉnh trật tự nội bộ.
"Lực lượng hạt nhân mang tính chiến lược là điều mà Trung Quốc đã dựa theo, như nền tảng trong nền an ninh quốc gia, và là cứu cánh cuối cùng liên quan đến vấn đề Đài Loan," bà Tôn Vân, Giám đốc Chương trình Trung Quốc, từ Trung tâm Stimson, thủ đô Washington D.C cho biết.
"Trung Quốc sẽ phải mất thời gian để dọn dẹp mớ hỗn độn và phục hồi niềm tin về sức mạnh và uy tín đối với Lực lượng Tên lửa. Điều này đồng nghĩa trong thời gian hiện tại, Trung Quốc đang rơi vào thế yếu hơn."
Bà Tôn mô tả chiến dịch của ông Tập nhằm trừ khử nạn tham những trong quân đội là một nhiệm vụ 'của nhà vua Sisyphus', "không bao giờ có thể hoàn tất".
Chiến đấu và chiến thắng?
Nhìn về tương lai xa hơn, các nhà phân tích nói với Reuters rằng nạn tham nhũng mang tính kinh niên cứ mãi tồn tại trong quân đội Trung Quốc, là xuất phát những nguyên nhân sâu xa sau - bao gồm các sĩ quan hưởng lương thấp và tính không minh bạch trong ngân sách chi tiêu quân sự - và những vấn đề này đã không được giải quyết.
Trần Đạo Ấn, cựu phó giáo sư từ trường Khoa học Chính trị và Luật, Đại học Thượng Hải, nhân định cuộc truy quét hiện nay có thể khiến Chủ tịch Tập không muốn liều lĩnh có những xung đột nghiêm trọng với các quan chức khác trong giới quân đội trong khoảng từ năm đến mười năm tới đây.
"Trước khi nhận ra tình hình tham nhũng lan tràn như thế nào, ông ta [Chủ tịch Tập] đã mù quáng tuân theo hệ tư tưởng của mình, và nghĩ rằng quân đội có thể thật sự 'chiến đấu và chiến thắng' như mong đợi của mình," ông Trần, người hiện nay là nhà phê bình chính trị từ Chile đánh giá.
"Nhưng làm sao mà các tướng lĩnh có thể đặt tâm huyết vào việc chiến đấu, nếu họ bận rộn bỏ túi riêng? Ông Tập hiện biết rằng lời tuyên thệ về lòng trung thành với đảng và với quân đội là trống rỗng. Tôi hình dung, chuyện này sẽ tước đoạt niềm tin của ông ấy, theo một cách nào đó", ông bình luận với Reuters.
 
----------