Máy bay ném bom siêu thanh B-1B Lancer của Mỹ rơi trong lúc diễn tập
Tác giả : Huyền Anh Nguồn: NTD VN Ngày đăng: 2024-01-05
Một máy bay ném bom hạng nặng siêu thanh Rockwell B-1B Lancer của Không quân Hoa Kỳ bay trong cuộc trình diễn tại Triển lãm hàng không ILA Berlin ở Berlin, Đức vào ngày 28/5/2008. (Ảnh: Sean Gallup/Getty Images)
Hôm 4/1, một máy bay ném bom chiến lược siêu thanh B-1B Lancer của Mỹ đã bị rơi bên ngoài Căn cứ Không quân Ellsworth ở Nam Dakota. Vụ tai nạn xảy ra khi máy bay đang thực hiện nhiệm vụ huấn luyện.
Máy bay ném bom B-1 Lancer gặp nạn vào khoảng 18h cùng ngày, khi đang cố gắng hạ cánh xuống căn cứ, Căn cứ không quân Ellsworth xác nhận vụ tai nạn trong một tuyên bố vào tối ngày 4/1 (giờ địa phương).
“Vào thời điểm xảy ra tai nạn, máy bay đang thực hiện nhiệm vụ huấn luyện. Trên máy bay có 4 thành viên phi hành đoàn. Cả 4 người đều thoát ra ngoài an toàn”, tuyên bố cho biết.
Hiện các quan chức quân đội đã mở một cuộc điều tra để làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.
Theo hãng tin AP, thời tiết vào thời điểm xảy ra vụ tai nạn khá xấu với sương mù dày đặc, khiến tầm nhìn bị giảm sút.
Theo tờ The New York Post, nhiều sở cứu hỏa địa phương đã có mặt tại hiện trường vụ tai nạn sau khi có báo cáo về một vụ hỏa hoạn xảy ra bên ngoài căn cứ quân sự.
Theo các nguồn trích dẫn Điện văn thông báo hàng không (Notice to Airmen - NOTAM), sau khi tai nạn xảy ra, căn cứ không quân Ellsworth đã dừng các hoạt động bay.
Đội ném bom số 28 đóng ở Căn cứ Không quân Ellsworth, tọa lạc tại Black Hills, Nam Dakota. Đây là một trong hai căn cứ chịu trách nhiệm vận hành và bảo trì máy bay B-1B Lancer.
Một máy bay ném bom B-1 thường có 2 phi công, 2 sĩ quan phụ trách hệ thống vũ khí, tất cả các ghế của máy bay này đều có thể phóng ra ngoài trong trường hợp tai nạn xảy ra.
Đội ném bom số 28 nằm dưới sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh Tấn công Toàn cầu của lực lượng không quân Mỹ (Air Force Global Strike Command - AFGSC)
B-1 là máy bay ném bom siêu thanh rất linh hoạt, đóng vai trò là “xương sống của lực lượng máy bay ném bom tầm xa của Mỹ” và có thể “nhanh chóng cung cấp số lượng lớn vũ khí chính xác và không chính xác chống lại bất kỳ kẻ thù nào, ở bất kỳ đâu trên thế giới, vào bất kỳ thời điểm nào”, theo Lực lượng Không quân Hoa Kỳ.
Máy bay B-1B Lancer là phiên bản nâng cấp của dòng máy bay ném bom tầm xa B-1 do hãng Rockwell của Mỹ chế tạo. B-1B Lancer được đưa vào sử dụng lần đầu tiên vào những năm 1980, dưới thời chính quyền Tổng thống Ronald Reagan và được sử dụng để hỗ trợ sự hiện diện của máy bay ném bom Mỹ ở Iraq và Afghanistan. Máy bay này từng nằm trong số những máy bay chiến đấu có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Washington.
Tuy nhiên, theo thỏa thuận của Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí chiến lược (START) giữa Mỹ và Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh, máy bay B-1B đã bị tước bỏ sứ mệnh hạt nhân.
Trong số khoảng 100 chiếc B-1B được sản xuất ban đầu, khoảng 60 chiếc đang được biên chế trong Không quân Mỹ. Phi đội máy bay ném bom B-1B hiện đóng quân tại Căn cứ Không quân Dyess ở Texas và Căn cứ Ellsworth ở Nam Dakota.
Vụ ‘Chim ưng biển’ gặp nạn
Vụ việc mới nhất xảy ra ngay sau khi Lực lượng quân Mỹ thu hồi được hộp đen từ vụ tai nạn CV-22B Osprey ngoài khơi Nhật Bản hồi tháng 11/2022 khiến 8 phi công thiệt mạng.
Hôm 4/1, các quan chức cho biết hộp đen sẽ được chuyển đến các phòng thí nghiệm để lấy dữ liệu và việc phân tích dữ liệu có thể sẽ mất vài tuần.
Theo đó, trong chuyến bay huấn luyện hôm 29/11/2022, một chiếc Osprey của Không quân Mỹ có trụ sở tại Nhật Bản đã rơi xuống vùng biển ngoài khơi bờ biển phía nam đất nước, khiến 8 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.
Theo các quan chức, chiếc máy bay đã rời Trạm Không quân Thủy quân lục chiến Iwakuni, ở quận Yamaguchi. Tuy nhiên, ngay sau khi cất cánh, lực lượng bảo vệ bờ biển nhận được cuộc gọi khẩn cấp về việc phi hành đoàn của Osprey yêu cầu hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Yakushima. Sau đó chiếc máy bay được cho là đã biến mất khỏi màn hình radar.
Vào thời điểm đó, các hãng tin địa phương đã dẫn lời một người dân Yakushima cho biết ông nhìn thấy chiếc máy bay bị lật ngược, lửa bốc ra từ một trong các động cơ và sau đó là một vụ nổ trước khi lao xuống biển. Lực lượng bảo vệ bờ biển cũng như quân đội Nhật Bản đang tìm kiếm chiếc máy bay mất tích cùng phi hành đoàn.
Tất cả 8 thành viên trên máy bay sau đó được xác nhận đã thiệt mạng, mặc dù các quan chức của Lực lượng Không quân Mỹ cho đến nay chỉ có thể tìm thấy hài cốt của 7 phi công.
Vụ việc đã khiến Nhật Bản yêu cầu quân đội Mỹ dừng bay toàn bộ phi đội Osprey ở nước này.
Các quan chức tuyên bố vào tháng trước rằng bằng chứng sơ bộ chỉ ra "sự cố về trang thiết bị" là nguyên nhân dẫn đến thảm họa, nhưng "nguyên nhân cơ bản của sự cố này vẫn chưa được xác định vào thời điểm này".
Chỉ cách đây vài tháng, một chiếc máy bay Osprey đã gặp sự cố trên đảo Melville của Úc khi đang vận chuyển quân nhân trong một cuộc tập trận quân sự thường kỳ, khiến 3 lính thủy đánh bộ Mỹ thiệt mạng.
Một vụ tai nạn khác xảy ra ở vùng biển ngoài khơi đảo Okinawa phía nam Nhật Bản vào tháng 12/2016, khiến quân đội Mỹ tạm thời cấm vận hành máy bay này.
Huyền Anh tổng hợp
----------