Sức khỏe Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được quan tâm, công an địa phương bất ngờ bác bỏ
Nguồn: BBC | Ngày đăng: 2024-01-14 |
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong cuộc họp báo sau khi Đại hội Đảng lần thứ 13 bế mạc vào ngày 1/2/2021 ở Hà Nội
Những ngày qua, thông tin sức khỏe của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vẫn đang thu hút nhiều đồn đoán trong dư luận dù chưa có bất kỳ thông tin chính thức nào từ nhà nước Việt Nam.
Trong bài viết hôm thứ Sáu 12/1, Bloomberg dẫn lời hai quan chức giấu tên của Việt Nam, nắm vấn đề về sức khỏe Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam cho biết ông Trọng, 79 tuổi, đã nhập viện “hồi đầu tuần này liên quan đến một loại bệnh chưa được xác định.”
Bloomberg cũng không có thông tin về mức độ nghiêm trọng của bệnh tình ông Trọng và cho biết Bộ Ngoại giao Việt Nam đã không ngay lập tức phản hồi yêu cầu bình luận của hãng tin này.
Lần xuất hiện gần nhất của ông Trọng là vào ngày 26/12/2023, khi ông tiếp ông Shii Kazuo, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Nhật Bản.
Từ sau sự kiện đó, ông Trọng đã hoàn toàn vắng mặt trên các phương tiện truyền thông, ngay cả khi có những vị 'khách quý' đến thăm.
Trong chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam từ ngày 11 -13/1, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã có cuộc gặp với ba lãnh đạo cấp cao khác trong 'tứ trụ', nhưng không có ông Trọng.
Indonesia là quốc gia có quan hệ chiến lược với Việt Nam từ năm 2011.
Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đến thăm chính thức Việt Nam trong hai ngày 6 và 7/1 cũng không có cuộc gặp nào với người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đồn đoán tiếp tục gia tăng
Nhiều đồn đoán trên mạng xã hội nêu rằng ông Trọng đang được chữa trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, tất cả các lối đi đều bị phong tỏa và tình hình 'nội bất xuất, ngoại bất nhập'.
BBC cho đến nay chưa thể kiểm chứng độc lập những đồn đoán này lẫn các video trực thăng đáp trên sân thượng bệnh viện, được một số blogger cho rằng là trực thăng chuyên chở ông Trọng.
Một nguồn tin riêng của BBC từ nội bộ Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cho biết quan chức này thậm chí vẫn phải đang chờ thông tin chính thức về sức khỏe ông Trọng và không có thông tin gì khác.
Giáo sư Alexander L. Vuving, từ Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye, đánh giá trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) vào hôm 12/1 như sau: “Các ứng viên có khả năng nhất kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng trong vai trò Tổng Bí thư là: Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội; Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.”
Trong khi đó, cũng nhận định trên mạng xã hội X vào ngày 14/1, Phó Giáo sư Jonathan London, hiện giảng dạy tại Đại học Leiden, Hà Lan, viết: “Chưa có tin chính thức mà vẫn rõ: Không ai ảnh hưởng chính trị trong thập kỷ qua hơn NPT [Nguyễn Phú Trọng]. Bây giờ VN [Việt Nam] đang vào giai đoạn mà A. Gramsci gọi là interregnum: Quá khứ đang hấp hối, mà lại tương lai vẫn chưa sinh ra. Một giai đoạn có tính quyết định đã đến.”
Một số đồn đoán khác cho rằng thông tin sức khỏe của ông Trọng hoặc nhân sự thay thế có thể được đề cập trong kỳ họp bất thường lần thứ tư của Quốc hội khóa 15, dự kiến khai mạc vào thứ Hai 15/1 và kết thúc vào ngày 18/1.
Tuy nhiên, đề xuất Quốc hội họp kỳ bất thường lần thứ 5 này đã được lần đầu tiên đưa ra vào ngày 18/12, xoay quanh bốn nội dung chính: dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Các tổ chức Tín dụng (sửa đổi), Chương trình Mục tiêu Quốc gia và Kế hoạch Đầu tư công Trung hạn vốn Ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cho đến nay chưa đưa ra thông tin chính thức nào về sức khỏe của người thực chất nắm quyền lực cao nhất tại Việt Nam.
Trong một động thái hiếm hoi, vào ngày 13/1, trang Facebook chính thức của Công an tỉnh Vĩnh Phúc viết:
“MXH Tiktok, các trang báo phản động đang xuất hiện các thông tin sai sự thật về TBT Nguyễn Phú Trọng như "TBT Nguyễn Phú Trọng qua đời, TBT Nguyễn Phú Trọng vắng mặt đi chữa bệnh..."
“Đây là các thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận, quý bạn đọc và nhân dân lưu ý”.
Tuy nhiên, nội dung này vừa đã bị gỡ bỏ vào chiều ngày 14/1.
BBC News Tiếng Việt đã kiếm chứng và xác định đây là trang Facebook chính thức của Công an tỉnh Vĩnh Phúc: website chính thức của cơ quan này có để đường dẫn tới trang Facebook nói trên.
Đây không phải là lần đầu tiên chính quyền Việt Nam bác bỏ thông tin đồn đoán về sức khỏe của ông Trọng hoặc các quan chức cấp cao.
'Bây giờ tôi không được khỏe lắm'
Vấn đề sức khỏe của ông Trọng là chủ đề được bàn tán nhiều trong những năm vừa qua.
Tuy nhiên, tình hình thật sự không bao giờ được công bố chi tiết. Căn cứ Khoản 11 Điều 7 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018 thì hồ sơ bệnh án, thông tin, kết quả khám bệnh, chữa bệnh, kiểm tra sức khỏe của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư thuộc danh mục bí mật nhà nước mức độ tối mật và được bảo vệ bí mật trong 20 năm kể từ ngày xác định độ mật của bí mật.
Trong nền chính trị Việt Nam, dù có luật trên hay không, thường là bộ máy chỉ tiết lộ thông tin về sức khỏe lãnh đạo sau một thời gian.
Vào ngày 14/4/2019, ông Trọng - khi đó là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước - được cho là bị đột quỵ trong chuyến công tác tại Kiên Giang.
Sau 10 ngày từ khi có tin đồn, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết “cường độ làm việc và thay đổi thời tiết đã ảnh hưởng tới sức khỏe của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng."
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 12/12 tại trụ sở Văn phòng Trung ương Đảng tại Hà Nội
Về phần mình, chỉ có vài lần hiếm hoi ông Trọng công khai nói mình “không khỏe lắm” trong những năm qua.
Khi tái đắc cử nhiệm kỳ ba của tổng bí thư vào tháng 2/2021, ông Trọng nói trong cuộc họp báo sau khi bế mạc Đại hội Đảng lần thứ 13
"Bây giờ tôi không được khỏe lắm, tuổi cũng đã cao, cũng xin nghỉ rồi, thế nhưng Đại hội bầu phải làm, Đảng viên thì phải chấp hành.”
Tháng 10/2019, ông Trọng chia sẻ với các cử tri tại các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ trước kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 14 như sau: “Tôi sẽ cố gắng giữ gìn sức khỏe, năm nay 75 rồi, cũng đang là bệnh nhân.”
Hồi năm 2018, khi đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch nước, ông Trọng nói: “Trình độ, năng lực, sự hiểu biết của tôi có hạn, tuổi tác lại đã lớn. Bác Hồ đã từng nói, khi người ta tuổi tác càng cao thì sức khỏe càng thấp; điều đó cũng không có gì lạ trong khi năng lực, hạn chế của tôi là rất rõ mà tuổi tác lại lớn rồi. Tôi luôn chuẩn bị tinh thần như vậy.”
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sinh năm 1944 và đã đảm nhiệm cương vị người đứng đầu Đảng Cộng sản trong ba nhiệm kỳ, từ năm 2011 đến nay.
Vào tháng 10/2018, ông Trọng giữ chức Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước sau khi ông Trần Đại Quang qua đời.
Ông Trọng giữ chức vụ này cho đến khi ông Nguyễn Xuân Phúc đắc cử chức Chủ tịch nước vào tháng 4/2021.
Thông tin về sức khỏe của ông Trọng xuất hiện vào thời điểm 'chiếc lò' của ông đang 'đỏ lửa' với phiên xét xử đại án Việt Á, liên quan đến hai cựu bộ trưởng của Việt Nam và đại án Vạn Thịnh Phát sẽ được đưa ra xét xử vào tháng 3 tới đây, với hồ sơ được miêu tả là “nặng đến 6 tấn” và có tới 86 bị cáo.
Gần đây cũng có một số quan chức đầu tỉnh bị bắt tạm giam liên quan đến các cáo buộc tham nhũng như Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa…
'Chiếc lò' của ông Trọng trước đó được cho sẽ ngày càng 'nóng' hơn, từ nay đến Đại hội Đảng lần thứ 14 dự kiến diễn ra vào đầu năm 2026.
----------