Triều Tiên tuyên bố phóng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm, ông Trump bất ngờ lên tiếng
Tác giả : Viên Minh | Nguồn: NTD VN | Ngày đăng: 2024-01-14 |
Màn hình tivi cho thấy một tin tức được phát sóng với các cảnh quay của một vụ thử tên lửa Bắc Triều Tiên, tại một nhà ga đường sắt ở Seoul vào ngày 14/1/2024. (Ảnh: JUNG YEON-JE/AFP via Getty Images)
Ở vụ phóng đầu tiên trong năm 2024, Triều Tiên tuyên bố đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn mang theo đầu đạn siêu vượt âm.
Theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA, tên lửa được phóng vào chiều 14/1 và trang bị đầu đạn cơ động siêu vượt âm. Cuộc thử nghiệm nhằm xác minh "các đặc tính trượt và cơ động" của đầu đạn cũng như "độ tin cậy của động cơ nhiên liệu rắn lực đẩy mạnh đa tầng mới phát triển".
KCNA lưu ý rằng vụ phóng thử "không ảnh hưởng đến an ninh của bất kỳ quốc gia láng giềng nào và không liên quan gì đến tình hình khu vực".
Tuy nhiên, nó diễn ra chỉ vài ngày sau khi Triều Tiên tổ chức các cuộc tập trận bắn đạn thật gần biên giới trên biển với Hàn Quốc. Seoul đã phải tiến hành các cuộc tập trận phản công và ra lệnh sơ tán đối với một số đảo.
Trước đó, ngày 14/1, Đài NHK dẫn nguồn tin từ quan chức chính phủ Nhật Bản cho biết Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo đầu tiên của nước này trong năm 2024. Khả năng tên lửa đã rơi xuống biển. Quan chức quốc phòng Nhật Bản nói tên lửa đạn đạo tầm ngắn của Triều Tiên có vẻ đã rơi bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản.
Cùng ngày, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cũng xác nhận Triều Tiên đã phóng một tên lửa tầm trung về phía đông. JCS cho biết họ phát hiện vụ phóng từ một khu vực trong hoặc xung quanh Bình Nhưỡng vào khoảng 14h55 (giờ địa phương), tên lửa đã bay tầm 1.000km trước khi lao xuống biển.
Đây là vụ phóng tên lửa đầu tiên của Triều Tiên trong năm 2024. Vụ phóng tên lửa gần đây nhất của Triều Tiên là tên lửa đạn đạo liên lục địa nhiên liệu rắn Hwasong-18 vào ngày 18/12/2023.
Tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn được cho là khó bị phát hiện trước khi phóng hơn so với tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng, vốn cần nhiều sự chuẩn bị hơn.
Lên án mạnh mẽ vụ phóng, JSC gọi đây là "hành động khiêu khích rõ ràng", đồng thời cho biết dữ liệu về tên lửa của Triều Tiên sẽ được chia sẻ với Mỹ và Nhật Bản, các phân tích thông số kỹ thuật cũng đang được tiến hành.
"Dưới thế trận phòng thủ vững chắc giữa Hàn Quốc và Mỹ, quân đội của chúng tôi sẽ theo dõi sát sao các hoạt động khác nhau của Triều Tiên, đồng thời duy trì khả năng, cũng như sự sẵn sàng nhằm đáp trả áp đảo trước bất kỳ hành động khiêu khích nào", Hãng tin Yonhap dẫn tuyên bố từ JSC.
Tuần trước, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố ông không có ý định né tránh xung đột với Hàn Quốc, đồng thời cảnh báo sẽ đáp trả Hàn Quốc nếu nước này tìm cách sử dụng vũ lực chống lại Triều Tiên.
Các nhà phân tích đánh giá thay đổi trong ngôn ngữ của lãnh đạo Triều Tiên là đáng chú ý, cho thấy Bình Nhưỡng đang tiến đến một cách tiếp cận ngày càng cứng rắn hơn.
Bất chấp tình hình kinh tế khó khăn, Triều Tiên đã tiến hành số vụ thử vũ khí kỷ lục vào năm 2023, trong đó có cả tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn đầu tiên mà các chuyên gia gọi là một bước đột phá lớn về công nghệ.
Trong một diễn biến liên quan, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 14.1 ca ngợi mối quan hệ cá nhân của ông với nhà lãnh đạo Kim Jong-un của Triều Tiên, khẳng định nước Mỹ an toàn khi ông còn đương nhiệm, theo Yonhap.
Ông Trump, hiện tái tranh cử vào Nhà Trắng, đưa ra tuyên bố trong buổi vận động cử tri tại Indianola, bang Iowa một ngày ngay trước cuộc bỏ phiếu đầu tiên của đảng Cộng hòa tại bang này, và vài giờ sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.
"Kim Jong-un rất thông minh, rất cứng rắn nhưng ông ấy thích tôi và tôi rất thân với ông ấy và chúng ta đã được an toàn. Chúng ta từng sắp chiến tranh với họ. Họ có một kho hạt nhân cực lớn, có thể lớn như của bất kỳ ai, vậy nên chúng ta đã làm rất tốt", vị cựu tổng thống nói. Ông Trump và ông Kim Jong-un gặp nhau vài lần trong giai đoạn Triều Tiên theo đuổi cách tiếp cận đối thoại với Mỹ và Hàn Quốc.
Viên Minh (tổng hợp)
----------