Về đâu số phận bốn đứa trẻ của đôi vợ chồng “bán con” ở Trà Vinh?
Tác giả : Thái Hạo | Nguồn: Báo Tiếng Dân | Ngày đăng: 2024-01-20 |
Theo chia sẻ của một cán bộ nơi hai vợ chồng đã bị kết án 23 năm tù vì “bán con”: Ba đứa lớn đã được giao về cho ông bà nội của các bé, đứa con út (bị “bán”) thì đang được chính quyền địa phương chăm sóc.
Gia đình người vợ (cô Nhung) là người Khơ-me, ruộng vườn không đáng kể, chủ yếu sống bằng nghề làm thuê bấp bênh, ai kêu gì làm nấy.
Vị này còn cho biết, gia đình hai bên nội ngoại của vợ chồng này đều rất nghèo khó. Khi bố mẹ đã bị đi tù, ba đứa con lớn được giao về cho ông bà nội nhưng họ là những lao động đã già yếu, chỉ có thể làm thuê bằng những công việc giản đơn và không ổn định. Ngày công của họ (nếu là ngày có việc làm) thì cả hai người chỉ kiếm được tổng cộng trên dưới 100 nghìn.
Tuy nghèo khổ như vậy nhưng không thuộc diện hộ nghèo, vì xã “đang xây dựng nông thôn mới” nên tỉ lệ hộ nghèo bị khống chế.
Từ khi cha mẹ các bé bị bắt (năm 2022) thì cơ bản các cháu cũng chỉ được chính quyền hỗ trợ ít gạo và quần áo.
Hỏi về cách để liên hệ trực tiếp với ông bà các bé thì được biết rằng họ không có điện thoại, tất nhiên cũng không có tài khoản ngân hàng. Mọi sự giúp đỡ nếu không thể đến gặp trực tiếp thì phải thông qua chính quyền xã (Hội Chữ Thập đỏ hoặc Mặt trận Tổ quốc?).
P/S: Tôi nhớ không nhầm thì hiện 3 đứa lớn đang ở với Ông Bà là gia đình chị Kim Thị Chane Tha, cư trú tại ấp Hòa Lạc A, xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh.
***
Chu Mộng Long: Xưa bán con được ca tụng, nay bán con phải ở tù
Bi kịch của chị Dậu bán con để cứu chồng được ngợi ca trong tất cả các giáo trình, giáo khoa cho trẻ con học. Hiển nhiên, ca tụng chị Dậu là để tố cáo chế độ thực dân, phong kiến đã đẩy thân phận con người vào bước đường cùng.
Có học trò viết: “Chị Dậu bán chó để cứu chồng thì có thể chia sẻ, cảm thông, nhưng bán con để cứu chồng là nhẫn tâm”. Cô giáo cho ăn hột vịt lộn vì bình luận như vậy là xúc phạm tấm gương người mẹ Việt Nam. Học trò chua chát viết trên nhóm Zalo: “Đề yêu cầu trình bày 'suy nghĩ của em', nhưng lại chấm theo suy nghĩ của cô giáo!”
Báo nhà nước từng đăng về chuyện bà Võ Thị Cầm bán đứa con thứ 4 của mình cho nhà giàu để cứu đói cho gia đình. Chuyện mới xảy ra vào khoảng sau năm 1957, lại ở miền Bắc XHCN. Đứa con ấy có tên là Vương Đình Huệ, người thật, không phải tiểu thuyết.
Ảnh chụp màn hình bài trên báo GDVN
Không biết luật thời đó có cấm cha mẹ bán con không? Không thấy toà nào xử các bà mẹ trên.
Nay có ông cha bà mẹ sinh cả đàn con. Cũng nghèo túng, cơm không đủ sống, phải bán con để giải quyết khó khăn, đói nghèo. Toà xử đến 13 năm tù. Ở ngoài không đủ cơm ăn thì được ăn cơm tù?
Thôi thì coi như bố mẹ đi tù để được ăn cơm tù là hình phạt nhân đạo. Nhưng làm vậy có khác nào kết án tử hình đối với 3 đứa trẻ vô tội đang sống lây lất ngoài đời?
Toà hiện nay chí ít cũng đã từng học tấm gương chị Dậu từ lớp 9, và chí ít cũng đọc báo về tấm gương mẹ con Vương Đình Huệ. Chẳng lẽ khi kết án, toà không có chút liên tưởng nào đến những tấm gương đã học, đã đọc?
_____
– Bán con với giá 18 triệu đồng, hai vợ chồng lãnh án (CAND). Cùng một vụ án, nhưng thông tin từ báo Tiền Phong hơn một năm trước, ngày 20-12-2022, thì hơi khác:
----------
Nhân vụ án “bán con”…
Tác giả : Đặng Chương Ngạn | Nguồn: Báo Tiếng Dân | Ngày đăng: 2024-01-20 |
LGT: Nhân vụ án cho và nhận con nuôi của một cặp vợ chồng trẻ Thạch Thị Kim Nhung 22 tuổi và Nguyễn Vũ Hoàng Tuấn 29 tuổi, ở Trà Vinh, mà báo chí đưa tin là “bán con”, vừa bị tòa án tuyên tổng cộng 23 năm tù, chúng tôi xin được giới thiệu hai bài viết của nhà văn Đặng Chương Ngạn:
***
NHÀ VĂN ĐÀO NGỌC VINH, CON CỦA MỘT BÀ MẸ BỊ BÁN
Khi tôi đăng tut (status ?) về vụ tòa án Trà Vinh xử hai vợ chồng bán con với án tù 13 và 10 năm, nhà văn Đào Ngọc Vinh lên tiếng: “Ngoại ruột em xưa là dân thương hồ, sinh ra 5 người con, sống đời gạo chợ nước sông, đành bán mẹ em (lớn nhất trong mấy chị em), để lấy tiền nuôi những người còn lại. Cho tới em 18 tuổi, em mới đi tìm được ngoại ruột“.
Bà ngoại, người đã bán đi cô con gái mới 1,5 tuổi là mẹ của nhà văn Đào Ngọc Vinh khi cập bến ghe ở Bến Tre. Bán vì khánh kiệt. Và, bán cũng vì tương lai của đứa con, cần một nơi có thể nuôi con tốt hơn. Người mua là một phụ nữ goá chồng, đang cần có một đứa con.
Tiền bán hồi đó khoảng 2,8 đồng, tương đương 1 lượng vàng, theo thời giá vàng hiện tại là 76 triệu VND.
Lên 18 tuổi, nhà văn Đào Ngọc Vinh mới tìm lại được bà ngoại ruột của mình. Rất vui, con của bà mẹ bị bán ngày xưa, nay đã trở thành một nhà văn, anh viết khá nhiều phóng sự, ký về sông nước Nam Bộ.
Nhà văn đã in tập bút ký, truyện ngắn:
– Sóng vỗ từ miền ký ức;
– Ngọc Vinh và sông chiều;
– Trôi về hai phía;
– Xóm câu.
– Ngọc Vinh và sông chiều;
– Trôi về hai phía;
– Xóm câu.
Cũng đã được trao nhiều giải thưởng về truyện ngắn và phóng sự.
Người mẹ bán con đi, không phải vì hết yêu thương, nhiều khi vì tình yêu, vì tương lai của chính con mình…
Hình: Nhà văn Đào Ngọc Vinh và mẹ; cùng các tác phẩm của anh. Nguồn: Đặng Chương Ngạn
***
VÌ ĐÂU HỌ BÁN CON 50 NGÀY TUỔI?!
Toà tuyện phạt Nguyễn Vũ Hoàng Tuấn 13 năm tù, Thạch Thị Kim Nhung 10 năm tù về tội bán con 50 ngày tuổi. Hôm qua, đến giờ, tôi đọc không biết bao nhiêu tút: Chưa có thời nào nhân tâm con người khủng khiếp như vậy: cha mẹ bán con đẻ của mình!
Tôi tìm đọc nhưng chỉ biết ít dòng về hoàn cảnh của 2 vợ chồng này: Họ ở với nhau không có kết hôn, đã có 4 con, họ là nông dân hoàn cảnh khó khăn, bán đứa con 50 ngày tuổi đi để nuôi 3 đứa con còn lại.
Một vụ án, lẽ ra nhiều nhà báo có thể về tận địa phương tìm hiểu rõ để biết thêm về thân phận cặp vợ chồng này, thì dư luận sẽ nhìn nhận phiên toà một cách công bằng hơn.
Tôi nhìn vụ bán con của họ theo một hướng khác:
– Họ ở với nhau có đến 4 mặt con không kết hôn, chứng tỏ họ yêu nhau thật sự, yêu nhau thật sự mới gắn bó với nhau chừng đó năm. Như vậy, họ đã rất nghèo, nghèo đến nỗi không thể tổ chức đám cưới.
– Trong cuộc sống hàng ngày họ có yêu thương con họ không, nếu họ yêu thương, chăm sóc 3 đứa con, hy sinh vì con, thì việc họ bán đứa con thứ 4 không phải vì họ nhẫn tâm, [hay] vì họ vô lương tâm.
– Họ bán con vì nghèo, vì cùng kiệt. Họ là nông dân, rất dễ rơi vào cảnh đó khi mất mùa, khi vay nặng lãi… Bán đi đứa con mới sinh để có tiền nuôi 3 đứa con kia.
– Khi bán con không phải họ đẩy con vào một chỗ chết, mà có khi trong thâm tâm họ mong con sẽ có một chỗ tốt hơn, khi bên mua là những cặp vợ chồng hiếm muộn. Đứa con bán đi sẽ có tương lai, và họ có món tiền nhỏ để cứu ba đứa còn lại…
– Chúng ta đã ca ngợi và cảm thông cho một người mẹ: Chị Dậu bán con đó sao! Chị Dậu bán con vì hoàn cảnh bắt buộc và khi bán con đi chị vẫn mong đến nhà đó để thấy con chị được ăn no… Hoàn cảnh của họ có thể còn bi đát hơn cả chị Dậu thì sao…
Tôi không hiểu sao, các nhà báo có thể viết đủ chuyện về cái móng chân bị xước của hoa hậu, của người mẫu, mà trong sự việc khủng khiếp này không có lấy một phóng sự về cuộc đời của hai vợ chồng bán con này, chỉ có mấy bài viết về vụ án theo tin ở toà, tin từ cơ quan điều tra…
Nếu những điều tôi viết là đúng thì án tù 13 năm với người chồng, 10 năm với người vợ là quá nặng.
Á tù đó không những nặng mà toà đã quay mặt với tương lai 4 đứa trẻ. Khi cha mẹ đều đi tù, tương lai chúng sẽ về đâu…
Ảnh chụp cái tút vô cảm của báo Dân Trí
----------