ĐÀI LOAN YẾU MÀ KHÔNG HÈN
Tác giả : Đại-Dương Nguồn: Tiếng Lòng Ta Ngày đăng: 2024-01-20
Đảo Đài Loan chỉ có 23 triệu dân với lợi tức bình quân 32,000 USD. Trung Cộng có 1.4 tỷ dân với lợi tức bình quân đầu người 13,000 USD.
Đài Loan tách biệt hẳn với Hoa Lục tới 180km từng nằm dưới sự cai trị của của nhiều quốc gia trên thế giới từ Hoà Lan tới Trung Quốc, Nhật Bản. Khi Tưởng Giới Thạch thất trận phải chạy tới Đài Loan và áp đặt thể chế chính trị cho đảo quốc này với hy vọng phục hồi quyền lực tại Trung Hoa Lục Địa.
Khi Hoa Kỳ thiết lập bang giao chính thức với Chính Phủ Mao Trạch Đông đã xác nhận hai nước Trung Hoa với hậu ý để Chính phủ Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan có yếu tố pháp lý mà thu hồi Trung Hoa Lục Địa. Đồng thời, ngăn cản Mao Trạch Đông tấn công Chính Phủ Trung Hoa Quốc Dân Đảng đang cai quản Đài Loan.
Sau khi làm chủ toàn bộ Hoa Lục năm 1949, Mao Trạch Đông lập tức xua 9,000 Giải Phóng Quân tấn công Đảo Kim Môn cách bờ biển Hạ Môn 2 km bị thất bại hoàn toàn. Năm 1958, Mao bố trí trọng pháo trên chiều dài 30 km của bãi biển Hạ Môn để bắn vào Kim Môn tạo ra cuộc pháo chiến tới năm 1979 mới chấm dứt sau khi Hoa Kỳ và Trung Cộng thiết lập bang giao với điều kiện “một nước Trung Hoa”.
Hậu ý của bang giao: (1) Bắc Kinh có thể thu hồi tỉnh Đài Loan. (2) Ngược lại, Mỹ tạo điều kiện pháp lý để Tưởng Giới Thạch tấn công Hoa Lục.
Năm 1960, Tưởng Giới Thạch đã hoàn tất kế hoạch tấn công mang tên Quốc Quang bao gồm 26 chiến dịch trong đó có phần đổ bộ và các đợt tập kích đằng sau phòng tuyến kẻ thù trong khi Hoa Lục rơi vào nạn đói vô cùng nghiêm trọng.
Hoa Kỳ không yểm trợ kế hoạch này, nhưng, Tưởng vẫn tiến hành. Năm 1965, sĩ quan và binh lính đã viết di chúc trong khi giới tướng lĩnh chọn ngày ra quân. Kế hoạch bị Bắc Kinh phát hiện nên 2 tàu chở điệp viên đã bị Bắc Kinh đánh chìm cùng với một tàu tiếp tế cho một đảo ngoài khơi Đài Loan.
Không được Mỹ ủng hộ, bị lộ ở giai đoạn đầu và khả năng Hải Lực của Trung Cộng đã được cải thiện buộc Tưởng Giới Thạch phải huỷ bỏ kế hoạch tấn công Hoa Lục. Sau đó, Đài Loan chuyển trọng tâm sang hiện đại hóa và bảo vệ Đài Loan thay vì chuẩn bị giành lại Trung Quốc. (Theo BBC).
Giai đoạn hoà hoãn đã giúp Đài Loan trở thành 1 trong 4 Tứ Hổ Á Châu (Đài Loan, Tân Gia Ba, Đại Hàn, Hồng Kông) trong khi Trung Cộng cũng bước vào giai đoạn canh tân.
Tổng Thống Đài Loan, Mã Anh Cửu lãnh đạo Trung Hoa Quốc Dân Đảng muốn dựa vào sức mạnh kinh tế, kỹ thuật để thỏa hiệp với Tập Cận Bình bị cử tri Đài Loan loại bỏ. Từ đó, Trung Hoa Quốc Dân Đảng không được dân chúng Đài Loan bầu vào chức lãnh đạo cao nhất nước. Tuy nhiên, nó vẫn giữ sức mạnh trong nền chính trị Đài Loan.
Cộng đồng nhân loại đổ xô vào khai thác thị trường 1.4 tỷ người tạo điều kiện cho Bắc Kinh phát triển kinh tế kéo theo xây dựng nền quốc phòng tiên tiến.
Bắc Kinh tiến hành các biện pháp chính trị, ngoại giao, quân sự để thu hồi Đài Loan, cửa ngỏ tiến ra Thái Bình Dương.
Tham vọng vô bờ của Tập Cận Bình đã bị Tổng Thống Donald Trump trên cương vị lãnh đạo Thế Giới đã tung ra các biện pháp hạn chế tham vọng của Tập Cận Bình. Bắc Kinh lúng túng trước những đòn chính trị, quốc phòng, kinh tế, ngoại do Trump tung ra.
Không may, giới tài phiệt quốc tế bị hạn chế điều kiện kiếm tiền nên tung tiền mua chuộc các kênh truyền thông phản đối các biện pháp do Trump ban hành. Giới chính trị gia, kinh tế gia, học giả tạo ra một mạng lưới truyền thông chống Tổng Thống Donald Trump bất chấp phải/trái.
Tổng Thống Joe Biden mang tư tưởng thiên tả nên coi Tập Cận Bình như một người cùng chí hướng xây dựng xã hội chủ nghĩa.
Vì thế, Tập Cận Bình đẩy mạnh biện pháp thu hồi Đài Loan bằng bất cứ phương tiện nào, kể cả biện pháp quân sự.
Dân chúng Đài Loan yêu chuộng môi trường tự do, dân chủ nên dùng lá phiếu xây dựng chính quyền hợp với nguyện vọng chính đáng của dân tộc.
Trong cuộc bầu cử Tổng Thống mới nhất tại Đài Loan, cử tri tiếp tục tin tưởng Đảng Dân Chủ Tiến Bộ (DPP) lần thứ ba. Phó Tổng Thống Lại Thanh Đức đã đắc cử chức Tổng Thống trong cuộc bầu cử ngày 10/01/2024, kế thừa Tổng Thống Thái Anh Văn đã hoàn tất suốt hai nhiệm kỳ với mục đích tìm kiếm cho Đài Loan vị thế độc lập đối với Trung Cộng.
Tổng Thống Thái Anh Văn luôn luôn chống đối mô hình “một đất nước hai chế độ” của Bắc Kinh nhằm sáp nhập Đài Loan vào Trung Cộng. Nền dân chủ và xã hội Đài Loan đang tự chủ, độc lập so với Bắc Kinh trên mọi phương diện.
Lại Thanh Đức sẽ kiên định lộ trình này vì quyết định của dân tộc Đài Loan không thay đổi kể từ năm 2016 đã bầu cho Thái Anh Văn thực hiện nguyện vọng này.
Tuy nhiên, Lại Thanh Đức sẽ chính thức cầm quyền vào ngày 20/05/2024 có thể hơi yếu thế hơn vị tiền nhiệm vì ngành Lập Pháp thì Quốc Dân Đảng chiếm 52 ghế so với 51 của đảng cầm quyền nên đòi hỏi một kỹ năng thỏa hiệp. Phó Tổng Thống Lại đã phục vụ hai nhiệm kỳ nên có đầy đủ khả năng đàm phán với các đối phương.
Quốc Dân Đảng không những lỗi thời mà còn bị Cựu Tổng Thống Mã Anh Cửu phát biểu trước ngày bầu cử “người Đài Loan phải tin tưởng Tập Cận Bình trong quan hệ xuyên eo biển” làm cho mất phiếu cử tri. Tuy nhiên, Ứng Viên Hầu Hữu Nghị đứng thứ hai thuộc Quốc Dân Đảng cho biết không đi theo lối mòn của Mã Anh Cửu, tuy nhiên, vẫn có vai trò đối trọng với Tân Chính Quyền Lại Thanh Đức.
Nền tự chủ Đài Loan sẽ ổn định vì đa số dân chúng đã thích ứng với sinh hoạt dân chủ văn minh qua lá phiếu và tự do ngôn luận đã vực một đảo quốc nhỏ bé chuyên làm thuê trở thành một cường quốc công nghệ.
Một hòn đảo chơi vơi trên Thái Bình Dương đang trở thành nơi cung ứng chất bán dẫn khắp thế giới công nghệ.
Những con chip bán dẫn của Đài Loan đang đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thế giới và văn minh của nhân loại.
Tập Cận Bình rất thèm thuồng kho báu “chất xám” này, nhưng, không thể sử dụng biện pháp quân sự:
Thứ nhất, dân tộc Đài Loan công khai tuyên bố sẵn sàng thiêu huỷ tất cả tài liệu, phương tiện sản xuất các chip điện tử tối tân nhất thế giới cần cho mọi sinh hoạt của loài người nếu bị Bắc Kinh tấn công.
Thứ hai, Cộng Đồng Quốc Tế không cho phép Bắc Kinh phá huỷ con đường tiến bộ của nhân loại nên phải bảo vệ Đài Loan bằng mọi giá.
Thứ ba, Đài Loan là một trung tâm sản xuất chất bán dẫn lớn. Hơn 60% chất bán dẫn được sản xuất trên thế giới và trên hết là 90% chất bán dẫn tiên tiến đến từ Đài Loan. Nếu Đài Loan trở thành một phần không thể thiếu của Trung Quốc thì đó sẽ là một nguy cơ thực sự đối với thế giới.
Mọi sinh hoạt văn minh ngày nay đều lệ thuộc vào những con chip li ti của Đài Loan.
Tổng Thống Donald Trump đã thiết lập Chiến Lược Châu Á-Thái Bình Dương để bảo vệ mọi quốc gia trong khu vực này, kể cả Đài Loan.
Bài xã luận mới đây của Libération ở Pháp viết nếu Bắc Kinh phát động một cuộc chiến để thống nhất Đài Loan, ngoài những rủi ro về con người, về địa chính trị thì thế giới sẽ tổn thất hơn 10 nghìn tỷ đô la trong năm đầu tiên, tức là 10% GDP của toàn cầu.
Đài Loan đã mở những nhà máy chip điện tử tối tân nhất tại Hoa Kỳ, Nhật Bản nhằm cung ứng cho nhu cầu tiến bộ của nhân loại, đồng thời bảo vệ những công nghệ tiến bộ nhất và hữu ích vô cùng cho nhân loại văn minh.
Đại-Dương
----------