Đợt tấn công bất ngờ của Iran cho thấy Trung Đông đang trở nên nguy hiểm như thế nào
Tác giả : Lyse Doucet Nguồn: BBC Ngày đăng: 2024-01-22
Tên lửa của Iran vào ngày 20/1/2023
Đây là những thời khắc mang tính định hình tại Trung Đông.
Trong tuần này, Iran bất ngờ tiến hành tấn công nhằm 'nước bạn' Pakistan, làm bùng phát màn trả đũa giữa hai phía biên giới vốn đã dễ xảy ra xung đột và làm leo thang căng thẳng đột ngột ở khu vực rìa phía xa của cuộc chiến tranh Israel-Gaza.
Iran muốn phát đi một thông điệp mạnh mẽ và được lắng nghe rõ ràng - ngay trong nước và xa hơn thế nữa.
"Iran đã phô trương kho tên lửa và sẵn sàng sử dụng nó," Giáo sư Vali Nasr, ngành quan hệ quốc tế và nghiên cứu Trung Đông từ Đại học Johns Hopkins, nhận định.
"Đây là một thông điệp có thể mang dụng ý dành cho Israel và Mỹ ngay khi cuộc chiến tranh Gaza vẫn đang diễn ra, đặc biệt với sự leo thang căng thẳng tiềm tàng tại Lebanon và Yemen."
Giống như đa số nhà quan sát, ông tin rằng "hiện nay Iran không muốn leo thang".
Kể từ khi cuộc chiến tranh tại Gaza nổ ra sau khi Hamas tiến hành cuộc tấn công chết chóc ngày 7/10 nhằm vào miền nam Israel, đã xuất hiện mối lo sợ về khả năng cuộc chiến lan rộng một cách nguy hiểm hơn. Không ai, bao gồm Iran và đối tác chính là Hezbollah, cũng như Mỹ, muốn thấy đám cháy này lan rộng.
Cuộc chiến tranh của Iran là một mạng lưới các cuộc chiến trong bóng tối. Iran dựa vào một điểm tựa mà quốc gia này gọi là "trục phản kháng", một liên minh gồm các nhóm do Tehran hậu thuẫn trên khắp khu vực, từ Hamas ở Gaza, Hezbollah ở Lebanon, cho đến lực lượng Houthi ở Yemen và các nhóm có trang bị vũ trang mạnh ở cả Iraq và Syria. Đa số các lực lượng này đều bị một số quốc gia Phương Tây gọi là tổ chức khủng bố.
Sức mạnh quân sự của các lực lượng này bắt nguồn từ việc Iran tăng cường cung cấp vũ khí và huấn luyện; mỗi bên có một chương trình hành động và tham vọng riêng của mình.
Lửa đã và đang bùng cháy trên tất cả các mặt trận, và đôi khi cháy lan, cùng với các nỗ lực dập lửa để phòng khả năng khiến Israel và Mỹ đáp trả.
Khi Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo của Iran (IRGC) tiến hành các cuộc tấn công trực tiếp đầu tiên kể từ khi cuộc khủng hoảng này bùng phát, họ đã xác định mục tiêu tại Pakistan và hai 'nước bạn' khác. Họ có thể đã xem các quốc gia này là những khu vực ít phản kháng nhất, nằm bên ngoài "trục phản kháng" vốn có khả năng cao dễ bùng phát bạo lực.
Lực lượng tinh nhuệ của Iran đã tiến hành một loạt các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo và drone cảm tử nhằm vào nơi mà Iran gọi là trung tâm tình báo phục vụ cho cơ quan tình báo Mossad của Israel ở vùng Kurdistan, miền bắc Iraq, và nhằm vào "các nhóm khủng bố chống Iran" bao gồm Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở các vùng do phe phiến quân kiểm soát tại Syria.
Một địa điểm bị Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran tấn công bằng tên lửa tại Irbil, Iraq vào ngày 17/1
Theo nhận định thì mỗi chiến dịch đều được giải thích về động cơ trả đũa khác nhau.
Iran nói họ nhằm vào tổ chức ly khai người Baloch Iran theo đường lối cứng rắn hoạt động ở miền tây nam Pakistan.
"Một cuộc tấn công đang cận kề. Họ đã tập hợp và đang rời khỏi căn cứ," Giáo sư Seyed Mohammad Marandi từ Đại học Tehran nói. Ông cũng đề cập đến việc 11 viên cảnh sát của Iran bị giết hồi tháng rồi tại tỉnh Sistan và Balochistan, nơi đã chứng kiến căng thẳng dâng cao.
Pakistan cũng nói về một "cuộc tấn công sắp xảy đến" khi tiến hành pháo kích hai ngày sau đó nhằm vào miền nam Iran, nơi mà Pakistan gọi là các căn cứ của những người Baloch theo chủ nghĩa dân tộc, vốn bị quốc gia này gọi là "khủng bố". Căng thẳng xuyên biên giới này đã âm ỉ trong hàng thập kỷ và đây là thời khắc tồi tệ nhất.
Bắc Iraq và Syria, gần tâm điểm cuộc chiến là Gaza, cũng sắp tiến hành những cuộc trả đũa riêng.
"Những cuộc tấn công vào Iraq và Syria là nhằm trả thù cho vị tướng cũng như tội ác ở Kerman," Giáo sư Marandi giải thích. Ông đề cập đến cuộc ám sát hồi tháng rồi, bên ngoài thủ đô Damascus của Syria, nhằm vào một trong những nhân vật cấp cao nhất của IRGC, Sayyed Razi Mousavi, một sự kiện được đưa tin rộng rãi là kết quả của một cuộc không kích từ Israel.
Sau đó, hồi đầu tháng này, một cuộc đánh bom tự sát kép đã xảy ra tại lễ tưởng niệm tướng Qasem Soleimani, một tư lệnh bị ám sát bằng drone của Mỹ cách đây bốn năm. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã nhận trách nhiệm đối với vụ tấn công chết chóc nhất tại Iran kể từ cuộc cách mạng năm 1979.
"Iran đã chịu áp lực phải đưa ra phản ứng sau các vụ việc này, bao gồm việc giết các chỉ huy cấp cao của Hamas và Hezbollah ở Lebanon, nhưng không muốn bị lôi kéo trực tiếp vào bất kỳ sự leo thang nào khi tấn công nhằm Israel và Mỹ," Mohammad Ali Shabani, biên tập viên trang tin Amwaj chuyên phân tích về khu vực, nhận định.
"Chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến nước sôi dần lên," ông nói.
Tên lửa Iran trong một cuộc huấn luyện quân sự gần đây
Cũng có những quãng thời gian khó khăn cho giới giáo sĩ nắm quyền lãnh đạo tại Iran. Họ đã phải đối mặt với các cuộc biểu tình do phụ nữ lãnh đạo, vốn chưa từng xảy ra trước đây, đòi tự do xã hội và hơn thế nữa, cũng như những khó khăn về tài chính bắt nguồn từ các lệnh trừng phạt quốc tế, tệ tham nhũng và quản lý kém cỏi.
Và đã có những sự phản đòn sau các chiến dịch mới nhất này, với sự tố cáo giận dữ từ Iraq, cũng như Liên đoàn Ả Rập, và thậm chí là sự đáp trả mạnh mẽ hơn từ Pakistan.
"Họ cho rằng tấn công vào lãnh thổ Pakistan thì sẽ không phải lãnh chịu hậu quả chăng," cựu Ngoại trưởng Pakistan Hina Rabbani Khar bình luận. "Hành động của họ đã tạo nên một hố sâu khi niềm tin bị đánh mất. Phải tốn nhiều công sức và sự kiên nhẫn mới lấp đầy được."
Có những cuộc chiến trong lòng những cuộc chiến tại mọi ngóc ngách của cuộc xung đột này. Pakistan cũng phải được nhìn nhận đang thiết lập các lằn ranh đỏ tại khu vực các quốc gia láng giềng, nơi đối thủ 'truyền kiếp' là Ấn Độ, cũng như Afghanistan do Taliban lãnh đạo, đang theo dõi chặt chẽ. Đã có các cáo buộc cũng như các lực lượng thù địch bị ném qua ném lại giữa các đường biên này.
Tuần vừa rồi là một lời nhắc nhở về tính không thể dự đoán được và mức độ nguy hiểm trong thời khắc này nếu một cuộc chiến tranh Israel tại Gaza lan rộng và có thể diễn tiến trầm trọng hơn.
Bất kỳ ngày nào cũng có thể xảy ra bùng phát bạo lực trên một hoặc nhiều mặt trận - và cũng có các rủi ro lâu dài hơn, được định hình trong khu vực, nơi các vết đứt gãy ngày càng bị khắc sâu và trở nên đen tối từ lâu trước cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10 vừa qua.
Việc Israel chịu tổn thất nhân mạng lớn nhất tính trong một ngày kể từ thời lập quốc, cũng như việc hơn 250 con tin bị bắt giữ, đã làm bùng phát một chiến dịch quân sự khiến dân thường tử vong tăng cao, và biến phần lớn của Gaza thành vùng đất chết.
Điều này đã khiến liên minh quân sự do Iran hậu thuẫn, gồm các thành phần phi nhà nước, trở nên giận dữ và càng quyết tâm hơn. Các lực lượng này đã xích lại gần nhau trong những năm qua. Và hiện nay họ đã hình thành một liên đoàn mạnh miệng và có hình hài rõ rệt hơn.
Đối với các kẻ thù của Iran, câu nói quen thuộc "chúng ta phải làm gì đó đối với Iran" hiện nay dường như đầy rủi ro hơn. Điều này có thể đồng nghĩa với việc đối phó với các đồng minh mạnh mẽ nhất của Tehran trong khu vực.
"Tehran đã đạt được điều mà Lầu Năm Góc gọi là 'sự vượt bậc' về quân sự - khái niệm chỉ mức độ sở hữu vũ khí của quốc gia này khiến việc khống chế hoặc đánh bại trở nên cực kỳ khó khăn," Robin Wright, tác giả một số sách về Iran và là học giả từ Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Woodrow Wilson, nói.
Tình hình leo thang hiện tại không phải trả giá. Các đợt pháo kích của Mỹ nhằm vào các tay súng do Iran hậu thuẫn ở Iraq được cho đã gây thiệt hại đáng kể đối với cơ sở hạ tầng của họ.
Lầu Năm Góc nói các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu của Houthi ở Yemen nằm trong nỗ lực ngăn chặn các cuộc tấn công của lực lượng này nhằm vào tàu bè trên tuyến vận tải biển huyết mạch ở Biển Đỏ, đã phá hủy 25% kho đạn được của Houthi.
Nhưng xét hai mặt lợi và hại, một số đồng minh của Iran cho rằng bản thân đang chiến thắng hơn là bị thua cuộc. Việc đứng lên ủng hộ người dân ở Gaza mang tới tiếng thơm cho họ trên đường phố Ả Rập. Các tay súng Houthi ở Yeman thì đang có ưu thế khi trở thành tâm điểm chú ý của thế giới.
Hiện tại người ta đã nghĩ tới "ngày sau", khi cuộc chiến tranh của Israel tại Gaza kết thúc, bao gồm tại Tehran, vốn từ lâu đã vỗ ngực tự hào về "sự kiên nhẫn chiến lược" của mình.
"Iran đang chơi một trận chiến dài và với quy mô rộng hơn," ông Sanam Vakil, Giám đốc chương trình Trung Đông và Bắc Phi từ Viện Chatham House, nói. "Iran có lẽ đã dự đoán được rằng sau khi tình hình Gaza lắng dịu thì Israrel sẽ có thái độ khiêu khích hơn nhằm vào Iran, vì vậy quốc gia này đã chuẩn bị tâm thế cho một cuộc chiến tranh dài hơn."
Mục tiêu lâu dài của Iran bao gồm không cho Mỹ bước vào sân sau của mình và tránh sự đối đầu trực tiếp với Israel và Mỹ.
Điều này đồng nghĩa với sự toan tính kỹ lưỡng và tấn công vào khu vực nguy hiểm, nơi các rủi ro về tính toán sai lầm không hề thấp.
----------