Tập trận "Steadfast Defender 2024": NATO chuẩn bị một kịch bản tồi tệ nhất với Nga ?
Tác giả : Anh Vũ | Nguồn: RFI | Ngày đăng: 2024-01-23 |
Bắt đầu từ tuần này và trong vài tháng, NATO triển khai cuộc tập trận lớn nhất được tổ chức kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Các cuộc diễn tập quy mô này nhằm chuẩn bị cho Liên Minh sẵn sàng đối phó với một cuộc xung đột cường độ cao và răn đe Điện Kremlin có thể tấn công vào sườn phía đông của khối giữa lúc chiến tranh Ukraina đang diễn ra. RFI trình bày một số ý kiến của các chuyên gia về nh sự kiện này của NATO.
Ảnh tư liệu: Pháo binh khai hỏa trong cuộc tập trận mang tên Winter Camp 23, tại Estonia, do NATO điều hành ngày 07/02/2023. AP - Sergei Grits
Chín mươi nghìn binh sĩ được huy động, bao gồm cả quân Mỹ được tăng cường từ Bắc Mỹ, 50 tàu chiến, 80 máy bay và hơn 1.100 xe chiến đấu, trong đó có 133 xe tăng được triển khai trong vài tháng: NATO đã nhìn thấy chuyện lớn trong “ Người bảo vệ kiên định 2024 ” ( Steadfast Defender 2024 ), đợt diễn tập quân sự lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua được Liên Minh Bắc Đại Tây Dương tổ chức.
Để so sánh, cuộc tập trận gần đây nhất, được tổ chức vào năm 2021, chỉ huy động 9.000 binh sĩ. Trong quá khứ gần đây, duy nhất chiến dịch “Trident Juncture” năm 2018 có thể được cho là đạt quy mô tương đương, nhưng cũng chỉ với 50.000 quân tham gia
“ Đây sẽ là một biểu hiện rõ ràng về sự đoàn kết, sức mạnh và quyết tâm bảo vệ lẫn nhau của chúng ta”, Tư lệnh tối cao các lực lượng đồng minh ở Châu Âu (Saceur), tướng Mỹ Christopher Cavoli, đã phát biểu như vậy hôm 18/01, trong cuộc họp báo tại tổng hành dinh của Liên Minh ở Bruxelles.
Cũng tại cuộc họp báo này, đô đốc Hà Lan Rob Bauer, chủ tịch hội đồng quân sự NATO, cơ quan quy tụ tư lệnh các nước thành viên, nhấn mạnh : “ Đây là một kỷ lục về số quân tham gia tập trận ”.
Để tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn này, 31 quốc gia trong Liên Minh, cùng với Thụy Điển, quốc gia hy vọng sẽ sớm gia nhập NATO sau khi được Thổ Nhĩ Kỳ bật đèn xanh, sẽ gửi các đơn vị quân đội tham gia.
Bộ trưởng Quốc Phòng Grant Shapps tuyên bố hôm thứ Hai 22/01 riêng Vương quốc Anh, nước góp quân chủ yếu, sẽ triển khai 20.000 binh sĩ trong khuôn khổ đợt diễn tập này.
Thách thức của một cuộc xung đột 5 chiều kích
Để thấy lại một cuộc biểu dương lực lượng lớn như vậy của NATO, chúng ta phải ngược thời gian về với cuộc tập trận mang tên “Reforger” năm 1988. NATO đã triển khai 120.000 binh sĩ ở châu Âu giữa lúc Liên Xô và phương Tây đang trong Chiến trannh Lạnh
"Chúng ta đã mất thói quen. Trong Chiến tranh Lạnh, loại hình tập trận này là việc thường lệ của NATO, vẫn diễn ra hai năm một lần. Sau đó, từ những năm 1990, giai đoạn được gọi là hòa bình trở lại, người ta cho rằng chiến tranh không còn có thể xảy ra ở châu Âu. Chúng ta giờ đang quay trở lại những nguyên tắc cơ bản của một cuộc xung đột cường độ cao”, tướng Dominique Trinquand, nguyên lãnh đạo Phái bộ Quân sự Pháp tại Liên Hiệp Quốc ở New York, phân tích.
Dù Nga không hề được NATO nhắc đến, nhưng rõ ràng kịch bản một cuộc xâm lược phải đến từ một “đối thủ có quy mô tương đương” với Liên Minh, với giả định sẽ xảy ra ở sườn phía đông của NATO. Nói cách khác, tức là kích hoạt điều 5 quy định sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các quốc gia thành viên trong trường hợp bị tấn công.
Olivier Kempf, giám đốc văn phòng tư vấn La Vigie và chuyên gia thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược, đánh giá: “Đây chắc chắn là cuộc tập trận đã được chuẩn bị trong ít nhất từ hai năm nay”. Ông cho biết thêm: “Có thể trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraina, quân Đồng Minh muốn tăng quy mô cuộc tập trận để có kinh nghiệm tốt nhất”.
Nếu NATO tổ chức các “ trò chơi chiến tranh ” thế này suốt cả năm, thì Steadfast Defender còn đặc biệt có tham vọng muốn tất cả thành phần của các quân đội đồng minh cùng phối hợp hành động với nhau.
Chuyên gia Olivier Kempf nhận xét : “ Trong cuộc tập trận này, người ta thấy sẽ có nhiều sư đoàn, thậm chí cả quân đoàn. Đây là quy mô bất thường có thể kéo theo những khó khăn về hậu cần, điều phối và liên lạc vì phải thiết lập toàn bộ hệ thống truyền tin vô tuyến trên một khu vực khá hạn chế. Sẽ cực kỳ phức tạp khi bổ sung phối hợp tác chiến giữa hải quân và không quân"
Tướng Dominique Trinquand giải thích : "Nhất là vì không còn chỉ có sự điều phối giữa trên không, trên bộ và trên biển mà còn có mạng internet và không gian. Từ giờ các cuộc xung đột của chúng ta ở cả năm chiều". Theo chuyên gia quân sự này, một phần của Steadfast Defender 2024 sẽ diễn ra ở các nước vùng Baltic, "điểm nhạy cảm của NATO" có mặt tiền là biển và là nơi binh sĩ của Liên Minh đã được triển khai kể từ năm 2014, sau khi Nga sáp nhập Crimée.
Theo hãng tin Reuters, trong phần thứ hai của cuộc tập trận Steadfast Defender, trọng tâm sẽ là triển khai lực lượng phản ứng nhanh của NATO tại Ba Lan.
“ Nếu muốn hòa bình hãy chuẩn bị chiến tranh ”
Kể từ khi Nga xâm lược Ukraina vào tháng 2/2022, Liên Minh Bắc Đại Tây Dương đã tiếp tục tăng cường “hiện diện sâu rộng ” ở sườn phía đông, gửi hàng nghìn quân đến đó. Đáng chú ý, quân Đồng Minh đã thành lập thêm bốn nhóm quân chiến thuật đa quốc gia ở Bulgaria, Hungary, Rumani và Slovakia, nâng thành 8 đơn vị NATO hoạt động chung với lực lượng của mỗi quốc gia.
Viễn cảnh NATO huy động đặc biệt các lực lượng như vậy ngay lập tức đã gây ra phản ứng ở Matxcơva, vốn từ nhiều năm qua vẫn coi việc Liên Minh Bắc Đại Tây Dương mở rộng về phía đông là mối đe dọa đối với sự sinh tồn của nước Nga. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexandre Groushko tuyên bố với hãng thông tấn Nhà nước RIA hôm Chủ nhật vừa rồi: “ Những cuộc tập trận này là một thành tố khác trong cuộc chiến hỗn hợp do phương Tây phát động chống Nga”.
Quan chức ngoại giao Nga nói thêm: “ Cuộc tập trận quy mô lớn này (...) đánh dấu việc NATO dứt khoát quay trở lại với sơ đồ Chiến tranh Lạnh. Trong tiến trình lập kế hoạch quân sự, nguồn lực và cơ sở hạ tầng đã được chuẩn bị cho cuộc đối đầu với Nga ”.
Tướng Dominique Trinquand lưu ý, dù luận điệu của Nga là tìm cách cho thấy cuộc tập trận này của NATO là bước leo thang được phương Tây xúi giục, nhưng mục đích mà NATO theo đuổi rõ ràng chỉ là răn đe.
Cựu lãnh đạo phái bộ quân sự Pháp tại Liên Hiệp Quốc giải thích : “ Các quân đội được xây dựng là để chuẩn bị cho một kịch bản tồi tệ, nhưng đồng thời hy vọng kịch bản đó không xảy ra. Ở trường hợp này là để nói với Nga rằng đừng có đi quá xa và chỉ cho họ thấy chứng ta đã chuẩn bị, nếu họ đã không hiểu thông điệp ”.
Chuyên gia Olivier Kempf nhận định thêm : “ Trái lại, cần phải xem việc này như là hành động nào đó để trấn an nhiều hơn. Nói cho rõ, đó không phải là tín hiệu leo thang căng thẳng, mà là dấu hiệu răn đe mang tính quy ước để duy trì hòa bình ”.
-------------
Phương Tây đối mặt với vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga
Tác giả : Minh Anh | Nguồn: RFI | Ngày đăng: 2024-01-23 |
Học thuyết hạt nhân và tư tưởng quân sự Nga, đặc biệt về vũ khí hạt nhân phi chiến lược, đã trở thành một trong những vấn đề cấp bách nhất đối với an ninh Châu Âu – Đại Tây Dương. Nghiên cứu gần đây do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) thực hiện cho thấy NATO càng hiểu rõ về vấn đề này thì năng lực răn đe với Nga càng có khả năng được duy trì.
Hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander của Nga, có thể gắn đầu đạn quy ước hoặc hạt nhân, đang được lắp đặt tại Kubinka, gần Matxcơva, Nga, ngày 17/06/2015. REUTERS - Sergei Karpukhin
Ngày 16/01/2024, bộ trưởng Quốc Phòng Belarus cho biết nước này có thể có những sửa đổi về học thuyết quân sự chính thức, theo đó, các loại vũ khí “ chiến thuật ”, có thể được sử dụng trên một mặt trận quân sự, khác với các loại vũ khí chiến lược liên lục địa, kể từ giờ nằm trong số các giải pháp quân sự của Belarus.
Theo Le Figaro, thông báo nói trên đánh dấu một bước mới trong việc Matxcơva thực thi quyền kiểm soát đối với Belarus, quốc gia mà Nga khẳng định là đã chuyển đến nhiều đầu đạn hạt nhân hồi tháng 6/2023, dù chưa có một thông tin chính thức nào xác nhận điều đó.
Nếu như một cuộc chiến tranh hạt nhân do Nga tiến hành vẫn chưa xảy ra, nguy cơ nước này sử dụng các loại vũ khí hạt nhân phi chiến lược (NSNW) đang trở thành một vấn đề cấp bách, buộc phương Tây, đứng đầu là Mỹ, phải suy tính một học thuyết răn đe.
Gregory Weaver, cựu cố vấn bộ chỉ huy chiến lược Mỹ, trong một bài nhận định viết cho NATO được đăng hồi tháng 9/2023, từng cho rằng để ngăn chặn Nga sử dụng vũ khí hạt nhân, cần phải hiểu rõ “ chiến lược, học thuyết và năng lực hạt nhân của Nga ”.
Theo phân tích của ông, “ vai trò của lực lượng hạt nhân Nga vừa là để ngăn chặn các cuộc tấn công hạt nhân trên quy mô lớn nhằm vào lãnh thổ Nga vừa để bù đắp thế ưu việt về vũ khí quy ước của khối NATO. Chiến lược của Nga dựa trên giả định rằng việc sử dụng hạn chế vũ khí hạt nhân trên chiến trường ít có cơ may dẫn đến một hành động trả đũa diện rộng giữa Mỹ và Nga ”.
Nghiên cứu về tiến triển học thuyết hạt nhân Nga về vũ khí chiến thuật, do IISS thực hiện theo đề nghị của Bộ chỉ huy lực lượng Mỹ ở châu Âu (Eucom) năm 2022, tổng kết là Nga dường như có đến ít nhất “ 1900 vũ khí hạt nhân chiến thuật - NSNW ”.
Theo William Alberque, tác giả bài nghiên cứu, khi phối hợp với toàn bộ các loại trang thiết bị quân sự và phi quân sự, Matxcơva xem NSNW có một vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn các cuộc xung đột không mong muốn, định hình chiến trường cho các xung đột được lập kế hoạch, hạn chế leo thang trong bất kỳ xung đột nào.
Cũng theo ông William Alberque, đối với Nga, “ NSNW còn mang lại nhiều lợi thế so sánh và bất cân xứng so với các nước láng giềng lân cận, với Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ. Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định vũ khí hạt nhân của Nga là công cụ bảo đảm cho chủ quyền và vị thế cường quốc của Nga, cũng như ngăn chặn mọi nỗ lực không tránh được của Mỹ nhằm thay thế sự cai trị của ông ”.
Kết quả kém của các cuộc tấn công bằng tên lửa chống Ukraina buộc Mỹ và các nước đồng minh phải suy nghĩ lại khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Chỉ có điều không ai biết chính xác là “ học thuyết sử dụng NSNW được đặt ở đâu ” trong kho vũ khí của Nga. Cũng theo nhà nghiên cứu này, “ cảm nhận của Nga về sự thiếu ý chí của phương Tây về việc sử dụng vũ khí hạt nhân hay chấp nhận những thiệt hại trong một xung đột càng củng cố hơn nữa lối tư duy và học thuyết hung hăng của Nga trên phương diện vũ khí hạt nhân chiến thuật ”.
Cuối cùng, theo William Alberque, Nga xem xét việc sử dụng vũ khí chiến thuật dựa trên hai khái niệm : “ Liều lượng ”, tức là mức độ rủi ro và tổn thất mà mỗi bên chấp nhận và “ sự tỉnh táo ”, “ buộc Mỹ phải suy nghĩ ” trước khi leo thang xung đột. Để thắng trong ván bài, Matxcơva sẽ sẵn sàng đi đến cùng của rủi ro hạt nhân. Đối với các chuyên gia, phương Tây nhất thiết phải suy nghĩ về cách quản lý leo thang trong trường hợp xảy ra xung đột hạt nhân, để ngăn chặn Matxcơva rơi vào “ sự cám dỗ của ma quỷ ”.
----------