Mỹ, Anh đồng loạt tấn công Houthi tại Yemen
Nguồn: BBC Ngày đăng: 2024-02-04
Mỹ và Anh cùng các đồng minh đã tấn công 36 mục tiêu của Houthi
Mỹ và Anh mở đợt tấn công dồn dập vào các căn cứ của Houthi, ngay sau khi Mỹ tấn công 85 mục tiêu của các nhóm vũ trang khác ở Iraq và Syria.
Mỹ và Anh đã mở đợt oanh kích hỗn hợp thứ ba nhằm vào lực lượng Houthi bên trong lãnh thổ Yemen.
Đây được coi là đòn đáp trả lại hoạt động tấn công tàu thương mại trên Biển Đỏ do Houthi thực hiện trong thời gian qua.
Oanh kích dồn dập
Đợt oanh kích của Mỹ và Anh vào đêm ngày 3 rạng ngày 4/2 có sự hỗ trợ của quân Úc, Bahrain, Canada, Đan Mạch, Hà Lan và New Zealand.
Các loạt tấn công lần này nhằm vào 36 mục tiêu tại 13 địa điểm nằm bên trong lãnh thổ Yemen và “đặc biệt nhằm vào các kho vũ khí, hệ thống tên lửa và bệ phóng, hệ thống phòng không và radar”, một thông cáo chung của lực lượng Anh-Mỹ cho biết.
Trong số các mục tiêu của đợt oanh kích lần này có các trung tâm điều khiển thiết bị bay không người lái ở vùng duyên hải, liên minh chống Houthi cho hay.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh nói rằng đợt oanh kích mới nhất “không phải là một sự leo thang xung đột” mà là một phần của sứ mệnh hiện tại nhằm làm giảm hơn nữa năng lực của Houthi.
Đợt tấn công phối hợp này được thực hiện ngay sau các đòn oanh kích của Mỹ nhằm vào 85 mục tiêu tại Syria và Iraq vào hôm thứ Sáu (ngày 2/2) để đáp trả vụ đột kích bằng thiết bị bay không người lái vào một căn cứ Mỹ tại Jordan hồi Chủ nhật tuần trước khiến 3 lính Mỹ thiệt mạng.
Mỹ và các đồng minh phương Tây cáo buộc Iran hậu thuẫn cho Houthi cũng như các nhóm vũ trang khác trong khu vực, với mục tiêu là tấn công các lợi ích của Mỹ, phương Tây và Israel.
Houthi mạnh cỡ nào?
Houthi là một nhóm thiểu số người Yemen từ vùng núi miền tây bắc nước này.
Tên của nhóm được đặt theo tên người sáng lập, Hussein Al-Houthi.
Lực lượng Houthi đã thực hiện một số cuộc chiến chống lại Ali Abdullah Saleh, nhà lãnh đạo quyền lực của Yemen, vào đầu những năm 2000 và sau khi ông này bị lật đổ trong làn sóng phản kháng mang tên Mùa Xuân Ả Rập, họ tiến về thủ đô Sana'a và chiếm quyền lãnh đạo vào năm 2014.
Các tay súng Houthi tại Sana'a bày tỏ sự đoàn kết với người dân Palestine
Lực lượng Vệ binh Cộng hòa trung thành với tổng thống bị lật đổ Saleh bị Houthi thu nạp, từ đó nhóm này tiến tới kiểm soát 80% dân số.
Sau đó, Houthi nhanh chóng ám sát tổng thống bị lật đổ Saleh.
Kể từ khi Houthi chiếm quyền, Yemen, vốn là quốc gia Ả Rập nghèo nhất, đã bị chia năm xẻ bảy trong một cuộc nội chiến tàn khốc.
Ước tính khoảng 150.000 người đã thiệt mạng, cùng với hàng triệu người phải phụ thuộc vào viện trợ lương thực.
Houthi - hầu hết theo nhánh Zaidi của Hồi giáo Shia trong một đất nước Yemen với đa số là Hồi giáo Sunni - chỉ đại diện cho khoảng 15% dân số nước này nhưng lại tự coi mình là những người cai trị chính đáng.
Vậy họ khác biệt như thế nào với phần còn lại của dân chúng?
“Chúng ta có thể nói rằng nhìn chung họ là những người thích chiến tranh, bạo lực và tàn ác hơn,” Edmund Fitton-Brown, Đại sứ Anh tại Yemen từ năm 2015-2017, nhận xét.
Houthi kiểm soát khu vực đông dân cư của Yemen
Phản ứng của Iran
Các nước phương Tây, dẫn đầu là Mỹ, cáo buộc Iran hậu thuẫn Houthi. Theo đó, Iran muốn sử dụng Houthi để chống lại Ả Rập Saudi, một đối thủ của Iran trong khu vực, cũng như các quốc gia phương Tây.
Cuộc oanh kích mới nhất của Mỹ và Anh cùng các đồng minh vào các mục tiêu của Houthi bên trong lãnh thổ Yemen vì thế cũng được coi là tấn công vào lợi ích của Iran.
Những căng thẳng ở vùng Biển Đỏ liên quan đến Houthi nằm trong một bức tranh toàn cảnh lớn hơn của các xung đột trong khu vực, trong đó có việc các nhóm vũ trang đã thực hiện hàng loạt vụ tấn công vào căn cứ Mỹ tại Iraq, Syria và Jordan.
Mỹ đã tấn công một số mục tiêu bên trong lãnh thổ Iraq vào hôm 2/2
Tương tự Houthi, hầu hết các nhóm vũ trang này đều bị Mỹ coi là vệ tinh của Iran.
Bên cạnh cuộc tấn công để triệt hạ Houthi, Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây đã ra lệnh mở các cuộc oanh kích nhằm vào mục tiêu của các nhóm vũ trang bên trong lãnh thổ Iraq và Syria.
Sau lệnh của Tổng thống Biden, Mỹ đã oanh kích 85 mục tiêu bên trong lãnh thổ Iraq và Syria vào ngày 2/2.
Mỹ nói rằng các mục tiêu này là căn cứ của các tổ chức vũ trang do lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) hậu thuẫn thông qua công tác huấn luyện, cung cấp vũ khí và tài trợ tiền bạc.
Màn tấn công của Mỹ vào bên trong lãnh thổ Syria và Iraq đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ nhiều phía.
Phát ngôn viên của thủ tướng Iraq nói Mỹ đã xâm phạm lãnh thổ của Iraq và hành động của Mỹ sẽ dẫn đến “những hậu quả khủng khiếp” cho khu vực.
Tiếp đó, phía Syria nói sự chiếm đóng của Mỹ đối với lãnh thổ Syria là “không thể tiếp diễn”.
Trong phản ứng đáng chú ý nhất, Bộ ngoại Giao Iran, nước bị cáo buộc hậu thuẫn các nhóm vũ trang chống Mỹ và Israel, cảnh báo các cuộc tấn công của Mỹ vào Iraq và Syria “sẽ không thu được gì ngoài việc làm gia tăng căng thẳng và bất ổn trong khu vực”.
Iran luôn phủ nhận mối quan hệ với các nhóm vũ trang khi nói rằng họ “không liên quan đến việc ra quyết định của các nhóm kháng chiến”.
Theo giới phân tích, Mỹ đã không đáp trả ngay sau khi căn cứ của họ ở Jordan bị du kích quân tấn công là nhằm tránh một cuộc đối đầu trực diện với Iran.
Cụ thể là gần một tuần sau sự kiện căn cứ Mỹ tại Jordan bị tập kích, các cuộc tấn công trả đũa của Mỹ nhằm vào lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn mới bắt đầu.
Các chuyên gia đối ngoại tin rằng cách tiếp cận này cho phép Iran rút về, qua đó tránh được xung đột rộng hơn giữa Mỹ và Iran.
“Điều này (việc trả đũa chậm) cho phép Mỹ làm giảm khả năng tấn công vào quân đội Mỹ của lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn, nhưng không làm leo thang căng thẳng,” Mick Mulroy, cựu Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách Trung Đông, nói với BBC.
Theo ông, lợi ích cuối cùng sẽ là “tránh một cuộc chiến tranh trực tiếp” giữa Mỹ và Iran.
----------