Một Ukraine kiệt sức đang chật vật tìm lính mới cho tiền tuyến
Tác giả : Sarah Rainsford | Nguồn: BBC | Ngày đăng: 2024-02-12 |
Sĩ quan phụ trách công tác tuyển quân đang loay hoay tìm tân binh
Khi Pavlo Zhilin và đội tuần tra của ông tiến vào đường phố ở Cherkasy, đàn ông con trai ở đây thường đổi hướng để tránh mặt họ.
Pavlo là một sĩ quan phụ trách tuyển quân đang tìm kiếm lính mới cho quân đội Ukraine.
Nhưng gần hai năm sau khi Nga phát động của xâm lược toàn diện vào Ukraine, không còn dòng thác quân tình nguyện cho tiền tuyến nữa.
Hầu hết những người sẵn sàng chiến đấu đều đã chết, bị thương hoặc vẫn còn kẹt ở tiền tuyến đợi lính mới vào thay.
Ở thị trấn miền trung Cherkasy, tương tự những nơi khác, tìm kiếm tân binh giờ đây không dễ chút nào, khi mà những nhiệt huyết và năng lượng ban đầu đang cạn dần.
Ukraine đang kiệt sức.
Câu chuyện của Pavlo
“Tôi không hiểu. Mọi người cứ dửng dưng, như thể chiến tranh đang ở đâu rất xa. Nhưng đây là một cuộc xâm lược toàn diện, thế mà người ta có vẻ không quan tâm,” Pavlo nói.
Ông thất vọng bởi cái mà ông cho là sự thờ ơ.
“Chúng tôi cần tất cả mọi người sát cánh bên nhau như họ đã từng vào ngày đầu tiên. Mọi người đoàn kết lại, như thể anh em.”
Thay vào đó, cơ quan an ninh ở Cherkasy thường phải đánh sập các kênh mạng xã hội địa phương chuyên cảnh báo thời điểm đội tuyển quân đến thị trấn và báo động để họ chạy tới các khu vực khác để tránh.
Ở tuổi 24, Pavlo đã hy sinh rất nhiều cho đất nước.
Pavlo bị mất cánh tay khi chiến đấu ở Bakhmut
Anh lớn lên với ước mơ trở thành một người lính – mắt anh sáng bừng khi nhớ lại điều này – và anh đang phục vụ trong quân ngũ vào tháng 2/2022 thì quân Nga tràn qua biên giới.
Anh chiến đấu gần Kyiv, rồi Soledar ở vùng Donbas miền đông, nơi chiến trận trở nên tàn khốc. Vào mùa hè đầu tiên ấy, anh được điều tới Bakhmut.
“Chúng tôi hứng hỏa lực nặng nề. Một quả đạn pháo rơi ngay gần chỗ tôi. Tôi mất toàn bộ khuỷu tay. Chẳng còn lại gì,” anh kể, mô tả lại một đợt tấn công khiến anh bị thương nặng.
Anh tìm cách trườn tới nằm dưới một bụi cây và bắt đầu cầu nguyện.
Người lính trẻ thừa nhận rằng được vào bệnh viện cho anh một cảm giác vô cùng nhẹ nhõm: không chỉ bởi anh còn sống mà bởi cuối cùng anh đã thoát khỏi tiền tuyến. “Ở đó quá khắc nghiệt. Tôi thậm chí không thể diễn tả thành lời.”
Anh nhìn xuống và rơi vào im lặng.
Các vết thương của Pavlo rất nặng. Cánh tay phải của anh bị cắt cụt tới dưới vai, anh vẫn còn thấy đau ở phần chi đã mất, và anh bị một mảnh đạn găm vào chân. Chiếc tay giả chỉ giúp anh cử động được chút ít.
Sau tất cả những mất mát mà anh đã trải qua, tôi tự hỏi liệu anh có hiểu được vì sao những thanh niên khác trốn tránh quân dịch hay không.
“Một ngày nào đó, con cái họ sẽ hỏi họ đã làm gì thời chiến tranh, trong lúc những người khác ra trận. Khi họ trả lời, 'Ba đã lẩn trốn', thì hình ảnh của họ sẽ hết sức thảm hại trong mắt con cái,” Pavlo nói chắc nịch.
Dù vậy, cái giá mà Ukraine phải trả để tự vệ đã quá cao.
Khi tôi hỏi Pavlo có phải anh đã mất bạn bè trong chiến trận, anh thừa nhận rằng trong đại đội của anh, 'hầu như chẳng còn ai còn sống'.
“Những người còn sống sót đều bị thương như tôi. Những người khác đã chết cả rồi.”
Câu chuyện của Serhiy
Cách xa tiền tuyến miền đông, đang có những dấu hiệu hồi phục trong đổ nát.
Irpin, gần Kyiv, bị quân Nga chiếm đóng ngay từ đầu cuộc chiến. Những tòa nhà bị bom đạn tàn phá hiện diện khắp nơi, nhưng cũng có những âm thanh của công trình xây dựng.
Đối với những người đã mất tất cả, nay đã có những "thị trấn" nhỏ với những căn nhà lắp ghép, mỗi căn có hai phòng và một phòng tắm. Khoảng một nửa dân số của "thị trấn" đến từ chính thành phố Irpin này. Những người khác đến từ những nơi gần tiền tuyến hơn.
Lilia Saviuk cùng chồng vừa chuyển tới từ thành phố Kakhovka ở miền đông, nơi còn nằm dưới sự kiểm soát của quân Nga.
Vào đầu cuộc chiến, con trai họ đã bị bắt tại đó và bị nhốt trong một tầng hầm. Lilia kể rằng con bà đã bị tra tấn do hô khẩu hiệu ủng hộ Ukraine.
Khi Serhiy được thả ra, anh rời khu vực này và lập tức đăng ký chiến đấu cho Ukraine.
Serhiy bị thương khi chiến đấu cho Ukraine
Khi Lilia cho tôi xem các bức ảnh trên điện thoại của bà, một số bức cho thấy các vết thương kinh khủng.
Phần lớn thịt ở một bên chân của con trai bà đã bị lột sạch và bàn chân cậu rách tả tơi.
Serhiy bị thương vào mùa thu năm ngoái tại Avdiivka, nơi chiến sự diễn ra khốc liệt và thậm chí các quan chức Ukraine cũng thừa nhận quân đội của họ yếu hơn về vũ khí và quân số.
Một nguồn tin nói rằng sự chêch lệch là 8-1 nghiêng về phía quân Nga.
Lilia và chồng đã không thể rời Kakhovka cùng Serhiy, bởi cha mẹ họ không chịu đi. Vì thế họ phải ở lại dưới sự chiếm đóng và lo sợ việc quân Nga có thể phát hiện ra con trai họ là một người lính.
Cuối cùng, họ rời đi khi Serhiy bị thương, để được ở cùng con trai trong bệnh viện, nhưng bà Lilia khóc trong buồn đau khi bà phải bỏ lại phía sau họ hàng của mình.
“Chúng tôi gọi và hỏi họ, 'ở đó vẫn yên ắng chứ?', bà nói, có nghĩa là 'có bị bắn phá không'.
“Ở đó ai cũng chờ đợi ngày giải phóng. Có nghĩa là phải có cảnh đì đùng. Nhưng chỉ có sự yên lặng.”
“Người dân đã khóc suốt nhiều tháng ròng và chẳng có gì khá lên cả.”
Nhưng vẫn còn những nỗi lo sợ khác khiến bà Lilia rơi nước mắt.
Mẹ của Serhiy nói rằng các bác sĩ đã thực hiện một 'phép lạ'
Bà cho tôi xem những video bà đẩy xe lăn của con trai đi loanh quanh. Hai mẹ con cười vang trong tuyết rơi. Rồi lại có những bức ảnh về các ca ghép da của con trai mà bà nói là các bác sĩ đã "thực hiện một phép lạ".
Nhưng ngay khi Serhiy hoàn toàn bình phục, anh nói với mẹ rằng anh muốn trở lại tiền tuyến. Anh nói rằng không có đủ binh lính ở đó. Rằng bạn bè cần anh.
Bà Lilia, vì thế, cầu nguyện chiến tranh kết thúc.
“Tôi nghĩ con trai tôi đã hoàn thành nghĩa vụ,” bà nói, nước mắt đầm đìa. “Là một người mẹ, thật tội lỗi khi nói điều này, nhưng lúc con trai ở trong bệnh viện, tôi có thể ngủ yên. Tôi không thể ngủ được khi con tôi còn ở tiền tuyến.”
“Tôi rất mừng vì con tôi hiện đang ở bệnh viện, dù tôi thực sự không nên nói điều đó. Tôi mừng là con tôi không còn ở tiền tuyến nữa.”
Câu chuyện của Vladislav
Ở rìa Cherkasy, có một nghĩa trang với một hàng dài những ngôi mộ mới. Đây là mộ của những người lính thuộc mọi lứa tuổi ở thị trấn chết trong chiến trận kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh phát động cuộc chiến tranh xâm lược.
Ukraine vinh danh những người nằm xuống như những anh hùng, nhưng với gia đình họ thì chỉ có buồn đau ở lại mãi.
Mỗi nấm mộ đều được trang trí cờ tổ quốc và chất đầy các vòng hoa và cành hoa. Ảnh chân dung những người lính trong quân phục được gắn trên thánh giá hoặc khắc trên bia mộ bằng đá cẩm thạch.
Con trai của bà Inna thiệt mạng khi một quả mìn phát nổ
Bà Inna chưa đủ can đảm để đưa ảnh con trai lên bia mộ. Bức ảnh mà bà dùng cho đám tang của con trai hiện vẫn ở nhà. Bà chưa sẵn lòng rời xa bức ảnh này.
Vladislav Bykanov hy sinh hồi tháng Sáu năm ngoái trong một vụ nổ mìn gần Bakhmut. Anh sắp bước sang tuổi 23 và đã là phó chỉ huy.
“Tôi tin rằng con trai mình đã hy sinh vì đại nghĩa,” bà Inna khẳng định chắc nịch, trong khi con gái bà khóc trong lặng lẽ bên cạnh bà.
“Tôi là một giáo viên và tôi luôn nói với các con mình điều này: Chúng ta vì chính nghĩa, chúng ta bảo vệ đất nước và con cái mình. Con trai tôi bảo vệ chúng tôi. Cháu nó hy sinh vì mục đích này. Và tôi tin điều đó,” bà Inna nói trước khi lặng yên nhìn những lá cờ và những gương mặt xung quanh.
Bà đã không đến nghĩa trang này một thời gian và bây giờ đã có thêm nhiều các ngôi mộ mới.
“Anh có nghĩ là con trai tôi cũng sợ hãi không? Tôi cũng sợ chứ, khi con trai tôi ra trận. Ai mà chẳng sợ chết chứ," bà hỏi, rồi tự trả lời, và tôi phân vân không biết bà nghĩ thế nào về những người trốn lính.
"Nhưng có lẽ làm nô lệ cho quân Nga còn đáng sợ hơn? Và giờ chúng tôi thấy cái chết. Điều đó rất khó khăn. Rất khó khăn. Nhưng không có con đường nào khác. Chúng tôi không thể gục ngã.”
----------