'Định luận' thế nào về nhân vật Hoàng Văn Hoan?
Nguồn: BBC Ngày đăng: 2024-02-19
Ông Hoàng Văn Hoan (bìa phải) trong cuộc gặp giữa ông Hồ Chí Minh và Mao Trạch Đông vào ngày 3/12/1960
Hoàng Văn Hoan là lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam bị kết án tử hình vắng mặt sau khi “trốn sang hàng ngũ kẻ xâm lược”. Trong dịp 45 năm Chiến tranh biên giới Việt – Trung, câu chuyện về nhân vật gây này lại trở thành đề tài tranh luận.
Trên trang Facebook cá nhân, ông Trương Huy San (tức nhà báo Huy Đức) vào ngày 17/2 có một bài viết dài về nhân vật Hoàng Văn Hoan.
Bài viết được đăng tải vào đúng dịp kỷ niệm 45 năm Chiến tranh biên giới Việt – Trung, mà báo chí Việt Nam gọi là Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc nhằm tránh nhấn mạnh sự đối đầu Việt Nam – Trung Quốc trong bối cảnh hai nước đã bình thường hóa quan hệ và mới đây lại gắn bó nhau vào một “tương lai chung”.
Hoàng Văn Hoan là ai?
Ông Hoàng Văn Hoan sinh năm 1905, thuộc vào hàng cách mạng tiền bối. Ông từng hoạt động cách mạng rất sớm bên cạnh Hồ Chí Minh trong giai đoạn ở Trung Quốc và Thái Lan (thập niên 1920), sau đó là Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp.
Ông Hoàng Văn Hoan đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn hình thành các chính đảng mà về sau trở thành Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng như các lực lượng chống Pháp dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh, như Việt Minh.
Trong thời kỳ chống Pháp, ông từng làm Cục trưởng Cục Chính trị Bộ Quốc phòng. Ông cũng là đại sứ đầu tiên của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Bắc Kinh, phụ trách cả Trung Quốc, Mông Cổ và Triều Tiên.
Trong một bài báo mà BBC News Tiếng Việt đã đăng tải trước đây, tiến sĩ Balazs Szalontai viết: “Mặc dù là thành viên thứ 13 trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng năm 1956, và sau này vào Bộ Chính trị, nhưng Hoan không thuộc vào nhóm lãnh đạo chủ chốt nhất.”
Vị trí cao nhất ông từng giữ là Phó chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc hội và không nằm trong Ban Bí thư đầy quyền lực.
Có quan điểm gần gũi với Trung Quốc, ông Hoàng Văn Hoan được trọng dụng và phát huy vai trò lớn trong thời kỳ Việt Nam và Trung Quốc có quan hệ thân thiết, đặc biệt là giai đoạn Trung Quốc là đồng minh của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong Chiến tranh Việt Nam.
Tuy nhiên, vào giai đoạn cuối Chiến tranh Việt Nam, khi Trung Quốc quay sang hòa hoãn với Mỹ, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã xấu đi. Lúc này, Hoàng Văn Hoan và những người “thân Trung Quốc” liền bị thất sủng.
Về sau, khi ông chạy sang Trung Quốc trong giai đoạn khủng hoảng chính trị của hệ thống xã hội chủ nghĩa, vai trò của Hoàng Văn Hoan trong cách mạng Việt Nam thường bị làm nhạt đi để phục vụ cho luận điệu kết tội ông.
Ông Hoàng Văn Hoan (trái) và Đặng Tiểu Bình tại Trung Quốc
Tử hình vắng mặt
Đỉnh điểm của mối xung khắc Việt Nam – Trung Quốc là cuối thập niên 1970, khi Việt Nam, lúc này đã thống nhất, tấn công Campuchia để lật đổ chính thể Khmer Đỏ mà một thời Việt Nam từng góp phần dựng lên và lúc bấy giờ đang được Trung Quốc hậu thuẫn.
Trung Quốc nhận thấy Việt Nam là một “tiểu bá” và Đặng Tiểu Bình muốn “dạy cho Việt Nam một bài học”. Chiến tranh biên giới Việt-Trung nổ ra vào tháng 2 năm 1979 là hệ quả của một quá trình đổi thay trong bức tranh chính trị toàn cầu, khu vực và những xung đột nội tại trong lòng Việt Nam cũng như Trung Quốc.
Vào giai đoạn này, Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Lê Duẩn đang thực hiện một loạt biện pháp mạnh tay, một mặt thanh trừng các thành phần thân Trung Quốc trong đảng, mặt khác thực hiện việc xua đuổi người Hoa.
Trong không khí chính trị đó, Hoàng Văn Hoan, với lập trường thân Trung Quốc, trở thành mục tiêu thanh trừng.
Sự kiện ông Hoan đào thoát sang Trung Quốc được tác giả Trương Huy San viết như sau: “Ngày 3/7/1979, Phó Chủ tịch Quốc hội Hoàng Văn Hoan trên đường sang Đức chữa bệnh, khi máy bay của hãng Interflug quá cảnh ở Karachi, Pakistan, ông đã cáo bệnh ở lại, rồi hôm sau đánh lừa người bác sĩ đi cùng, đi taxi đến lãnh sự quán Trung Quốc. Ngày 5/7/1979, ông được đưa tới Bắc Kinh.”
Trong hồi ký “Giọt nước trong biển cả”, ông Hoàng Văn Hoan cho biết Bộ Chính trị đã quyết rằng ông bị ung thư phổi và phải bay đi Đức để chữa bệnh nhưng ông không nghe theo quyết định này.
Vào năm 2009, một người cháu (giấu tên) của ông Hoan chia sẻ với BBC rằng ông Hoan tin là “nếu bay đi Đức thì chắc rằng chỉ một liều thuốc là xong”.
Khi đã chạy sang Trung Quốc, ông Hoan đã liên tục tố cáo chính sách của Lê Duẩn, cáo buộc rằng Lê Duẩn đã đưa cả đất nước vào con đường chiến tranh.
Tại Việt Nam, giữa bối cảnh tinh thần chống Trung Quốc dâng cao lúc bấy giờ, ông Hoan bị tuyên tử hình vắng mặt về tội phản quốc vào ngày 26/6/1980, mà theo lời của tòa án là ông đã “trốn sang hàng ngũ kẻ xâm lược”. Báo chí và dư luận Việt Nam cũng xử tử ông Hoan theo cách ấy.
Trong thời gian ở Trung Quốc, ông Hoan được hưởng một chế độ đãi ngộ rất trọng thị cho tới khi qua đời vào năm 1991. Sau khi ông qua đời, theo lời người cháu nói trên, Trung Quốc đã cho xây một cái mộ, hàng năm cho tiền gia đình, ít nhất hai người, sang đó để viếng thăm. Một phần tro cốt của ông được đưa đi Côn Minh để rắc trên đầu nguồn sông Hồng. Vì ông Hoan muốn về nước bằng con đường sông Hồng.
Vẫn theo lời kể của người cháu, một hộp tro nữa sau khi mang về nhà thờ mấy năm, đã được đưa về quê ở tỉnh Nghệ An.
Bia mộ ông Hoàng Văn Hoan tại Bắc Kinh
'Định luận' mới về Hoàng Văn Hoan?
Theo tác giả Trương Huy San, bia mộ của ông Hoan ở quê nhà có ba chữ, 'Trung Chính Công' (bậc trung chính). Hai bên có đôi câu đối: 'Công danh kí sơn hà, thiên thu định luận/Nhân cách tồn chính sử, lưỡng quốc lưu hương'. Trên đầu bia có dòng chữ 'Cao chiêm viễn chúc'(nhìn xa trông rộng). Dưới ghi 'Kính tùng ngạo băng tuyết'(Cây tùng [cứng cỏi] coi thường băng tuyết).
Điều đáng chú ý là trong bài viết của mình, tác giả Trương Huy San chia sẻ các thông tin dẫn đến cách hiểu là ông Hoàng Văn Hoan đã có một vai trò nhất định dẫn đến quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc vào năm 1990.
Ông Trương Huy San cho biết vào tháng 3/1990, “Trung ương” đã chấp thuận cho vợ, con trai và cháu nội của ông Hoan đi Trung Quốc thăm ông.
“Họ được đón tiếp nồng hậu tại Cửa khẩu. Ngày 17/4/1990, đích thân Bí thư Khu Tự trị Quảng Tây tiễn 3 mẹ con lên một khoang tàu sang trọng chạy đến Bắc Kinh,” tác giả Trương Huy San viết.
Vẫn theo tác giả, chiều 4/7/1990, Giang Trạch Dân tới Ngọc Tuyền Sơn thăm Hoàng Văn Hoan và gia đình. Ngày 7/7/1990, “Hoàng Lão” (tức ông Hoan) được mời vào Trung Nam Hải hội kiến với “đồng chí Giang Trạch Dân”, ông Hoàng Nhật Tân (con trai ông Hoan) và Hoàng Thái (cháu trai) cũng được đưa vào để tối ấy Giang Trạch Dân đãi tiệc.
Ngày 12/8/1990, hai ngày sau khi về tới Hà Nội, ông Hoàng Nhật Tân viết thư cho Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Hôm sau, ông Nguyễn Văn Linh cho xe Lada tới tận nhà đón ông lên Văn phòng gặp. Tinh thần “cuộc hội đàm” giữa Giang Trạch Dân và Hoàng Văn Hoan đã được Hoàng Nhật Tân chuyển về Hà Nội. Ông Tân sau đó còn tiếp xúc với Nguyễn Cơ Thạch, Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng, vẫn theo tác giả Trương Huy San.
Vào tháng 9/1990, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đi Trung Quốc dự một cuộc họp cấp cao bí mật, về sau được biết với tên gọi “Hội nghị Thành Đô”
Tới đây, tác giả Trương Huy San kết luận: “Chúng ta không biết hết những con đường dẫn đến bình thường hóa quan hệ Việt - Trung, nhưng, con đường Hoàng Văn Hoan là rất trực tiếp.”
Trong khi ông Hoan mong rằng “thiên thu định luận”, thì đến đây dường như đang có một chiều hướng "định luận" khác với cách hiểu “phản quốc” lâu nay.
Đánh giá về nhân vật Hoàng Văn Hoan, kiến trúc sư Dương Quốc Chính viết trên Facebook cá nhân rằng cách tuyên truyền Hoàng Văn Hoan phản quốc và gom vào một dạng với Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc là không đúng. Hoàn Văn Hoan đã chạy ra nước ngoài để tránh cuộc thanh trừng của Lê Duẩn, cũng như có quan điểm khác với Lê Duẩn trong mối quan hệ với Bắc Kinh.
Một điều dễ nhận thấy là trước đây, dưới thời Lê Duẩn, Hoàng Văn Hoan đã nhận bản án tử hình của tòa án và của báo chí, dư luận. Về sau, phía Việt Nam ít nhắc tới chuyện này. Các chuyên gia trước đây nhận định rằng Đảng Cộng sản không muốn phơi bày những xung khắc ở ban lãnh đạo theo kiểu “vạch áo cho người xem lưng”. Cũng có ý kiến cho rằng “định luận” về Hoàng Văn Hoan trong giới lãnh đạo Việt Nam đã khác, dù đấy là một quá trình âm thầm.
Website Quốc hội Việt Nam, vào thời điểm ngày 19/2/2024, vẫn có một mục dành cho ông Hoàng Văn Hoan (tương tự, cũng có một mục dành cho ông Nguyễn Hà Phan, một nhân vật “phản bội” trong một vụ khác). Trước đây, mục này có kèm hình ông nhưng hiện nay hiển thị hình ảnh đã bị lỗi.
Dưới cùng của mục hồ sơ ông Hoan là “phụ chú”: Bị tử hình vắng mặt ngày 12/5/1978. (thông tin về ngày tháng ở đây không hợp lý, do thời điểm năm 1978 ông Hoan chưa chạy trốn).
----------