Đức dẫn đầu EU kêu gọi trừng phạt thêm Nga về cái chết của ông Navalny
Nguồn: Reuters - VOA Ngày đăng: 2024-02-19
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đến cuộc họp của Hội đồng Ngoại giao (FAC) tại trụ sở EU ở Brussels, vào ngày 19 tháng 2 năm 2024.
Các nước Liên minh Châu Âu bao gồm Đức hôm thứ Hai kêu gọi áp thêm các lệnh trừng phạt mới đối với Moscow liên quan đến cái chết của thủ lĩnh đối lập bị giam tù Alexey Navalny, khi họ thảo luận về một loạt các lệnh trừng phạt mới để đánh dấu hai năm Nga xâm lược Ukraine.
Hungary là quốc gia EU duy nhất chưa phê chuẩn các chế tài được đề xuất đối với gần 200 công ty và những người được coi là có liên quan đến cuộc chiến trong loạt trừng phạt thứ 13 của EU đối với Nga kể từ khi Moscow xâm chiếm Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022.
Nhà ngoại giao hàng đầu của EU đề nghị liệt tên các quan chức nhà tù Nga liên quan đến cái chết của ông Navalny vào danh sách những người bị phong tỏa tài sản và cấm du hành.
Hiện chưa có thông tin về bất kỳ biện pháp cứng rắn nào hơn nhắm vào nền kinh tế rộng lớn hơn của Nga và một nhà ngoại giao EU cho biết cho đến nay dường như bất kỳ lệnh trừng phạt mới cụ thể nào liên quan đến cái chết của ông Navalny sẽ chỉ "mang tính biểu tượng" và sẽ được áp dụng sau.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết bà hy vọng 27 quốc gia EU sẽ sớm đồng ý về loạt trừng phạt thứ 13. Các quan chức EU nói rằng điều đó có thể xảy ra vào thứ Tư nếu Budapest bật đèn xanh.
Bà Baerbock nói: “Chúng ta đã chứng kiến Tổng thống Nga đã dùng vũ lực tàn bạo để đàn áp những công dân của mình xuống đường biểu tình đòi tự do hoặc viết về điều đó trên báo chí. Chúng tôi sẽ đề xuất các biện pháp trừng phạt mới sau cái chết của ông Alexey Navalny”.
Ông Navalny chết trong một nhà tù ở Bắc Cực một tuần trước khi đánh dấu hai năm cuộc xâm lược Ukraine của Nga.
Nhà ngoại giao hàng đầu của khối cho biết ông kỳ vọng các nước EU sẽ đặt ra các biện pháp trừng phạt có chủ đích đối với một số quan chức Nga liên quan đến cái chết của đối thủ của Điện Kremlin, một cựu luật sư 47 tuổi, người nổi tiếng với lòng can đảm chống nhà nước Nga tham nhũng.
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của khối, Josep Borrell, người chủ trì cuộc họp hôm thứ Hai của các bộ trưởng ngoại giao EU tại Brussels, nói: “Các quốc gia thành viên (EU) chắc chắn sẽ đề xuất các biện pháp trừng phạt đối với những người chịu trách nhiệm. Người chịu trách nhiệm lớn nhất chính là Putin".
Thụy Điển và Lithuania cũng nằm trong số những nước kêu gọi trừng phạt.
Vợ góa của ông Navalny, Yulia Navalnaya, đã tham dự cuộc họp ở Brussels. Bà nói hôm thứ Hai rằng bà sẽ tiếp tục cuộc chiến của người chồng quá cố của bà và kêu gọi những người ủng hộ hãy kiên quyết hơn bao giờ hết chiến đấu chống lại Tổng thống Vladimir Putin.
Hungary vẫn chưa ủng hộ các biện pháp trừng phạt mới đối với Moscow được đề xuất trước khi ông Navalny chết và không bình luận kể từ đó.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban, người từng nói rằng ông "tự hào" về các mối liên hệ với Nga, đã trì hoãn các đợt trừng phạt trước đó cũng như các thỏa thuận của EU về hỗ trợ tài chính cho Kyiv. Những động thái như vậy đòi hỏi sự ủng hộ nhất trí của tất cả các nước EU.
----------