Phán quyết lố bịch buộc tội Trump, sẽ gây thảm họa cho nền kinh tế Hoa Kỳ!
Tác giả : Michael Busler
Biên dịch : Nguyễn Thị Bé Bảy
Nguồn: Tiếng Lòng Ta Ngày đăng: 2024-02-19
Mới đây, trong phiên toà xét xử ông Trump và các công ty của ông về tội gian lận, Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện tiểu bang New York đã ra phán quyết buộc Donald Trump phải nộp 364 triệu mỹ kim tiền phạt cộng tiền lời và hạn chế việc thưong mãi của công ty Trump trong 3 năm.
Họ biện minh rằng phán quyết này là kết quả của việc Trump định giá quá cao tài sản của mình để đạt được những điều khoản có lợi hơn cho người đi vay.
Những lời buộc tội này đúng là chuyện giả tưởng, và bản án thậm chí nó càng giả tưởng hơn.
Mục đích của phán quyết là nhằm gây thiệt hại cho Trump, nhưng hậu quả của nó có thể gây thiệt hại cho toàn bộ nền kinh tế của nước Mỹ.
Tòa Án Tối Cao New York kết luận rằng Trump đã lừa gạt “ai đó” bằng cách phóng đại giá trị tài sản. Trong khi ngân hàng cho Trump vay nói rằng không có gian lận và cũng không hề bị thiệt hại gì cả, thì thẩm phán vẫn tuyên bố là Trump có tội.
Căn bản của lời buộc tội này, có nghĩa là từ nay các nhà phát triển bất động sản phải thay đổi phương thức kinh doanh của họ, mà kết quả là việc mở rộng kinh doanh sẽ ít hơn, gây thiệt hại cho tiểu bang New York và có thể cho cả nền kinh tế nước Mỹ.
Tác động đầy đủ của phán quyết lố bịch trên có thể còn tồi tệ hơn, vì hầu như mọi nhà đầu tư phát triển đều có thể phạm tội đánh giá quá cao các tài sản hiện có của họ.
Khi Trump tìm kiếm các khoản vay cho tài sản của mình, ông đã ước tính giá trị thị trường. Người cho vay tự thẩm định và sau đó các điều khoản của khoản vay sẽ được hai bên thương lượng.
Hãy lấy 1 ví dụ về những gì Trump và tất cả các nhà phát triển phải làm để dễ dàng nhận ra sự việc.
Giả sử một nhà phát triển đã xây dựng một tài sản tạo ra lợi tức. Mặc dù có một số phương pháp khác nhau để định giá về giá trị của một tài sản, nhưng hầu hết đều kết luận rằng giá trị của tài sản tạo ra lợi tức dựa trên thu nhập được tạo ra.
Bất kể chi phí xây dựng là bao nhiêu, nếu một tài sản tạo ra lợi tức 200.000 đô la hàng năm thì giá trị được đặt ở mức bội số của nó. Giả sử bội số là 5. Vì vậy, tài sản được định giá gấp năm lần thu nhập là 1.000.000 đô la. Người cho vay đồng ý với giá trị đó và đề nghị cho vay 70% của giá trị đó, tức là 700.000 đô la.
Các nhà phát triển bất động sản cần tiền mặt để đầu tư vào các dự án khác nhằm mở rộng nền kinh tế. Sau vài năm, chủ đầu tư có thể quản lý tài sản hiệu quả hơn và tăng thu nhập hàng năm từ 200.000 đô la lên 400.000 đô la. Điều đó có nghĩa là giá trị của tài sản đã tăng lên 2.000.000 đô la, gấp 5 lần thu nhập hàng năm.
Sau đó, nhà phát triển tiếp xúc với người cho vay để được cấp thêm khoản vay 70% theo giá trị mới của tài sản, tức là 1.400.000 đô la. Khoản vay 700.000 đô la ban đầu sẽ được hoàn trả và nhà phát triển giữ lại số 700.000 đô la mới vay để đầu tư vào các dự án trong tương lai nhằm phát triển nền kinh tế.
Nhưng nay, nếu dựa trên phán quyết buộc tội Trump, các nhà phát triển sẽ do dự trong việc xin cấp thêm tiền vay vào khoản nợ khi họ tin rằng giá trị tài sản đã tăng lên. Một nhà phát triển có thể nghĩ rằng nếu anh nộp giá trị tài sản là 2.000.000 đô la và sau đó một tòa án có động cơ chính trị tuyên bố rằng, tài sản đó vẫn có giá trị 1.000.000 đô la, thì nhà phát triển có thể phải đối mặt với số phận tương tự như Trump đã phải đối mặt. Đó là những khoản tiền phạt khổng lồ và những hạn chế nghiêm khắc đối với hoạt động kinh doanh của họ.
Sự do dự đó sẽ dẫn đến ít vốn dành cho các nhà phát triển và tăng trưởng kinh tế sẽ kém hơn.
Tác động đầy đủ của phán quyết lố bịch buộc tội Trump có thể còn tồi tệ hơn nữa, vì hầu như mọi nhà phát triển đều có thể phạm tội đánh giá quá cao các tài sản hiện có. Ngoài ra, nhiều chủ nhà cũng có thể phạm tội tương tự khi định giá quá cao căn nhà của họ để có được mức lãi suất ưu đãi hơn khi xin cấp thêm tiền vay cho khoản thế chấp hoặc khi tìm kiếm khoản vay thế chấp giá trị căn nhà.
Giả sử một chủ nhà tìm kiếm một khoản vay bằng giá trị căn nhà. Hiện tại họ đang thế chấp một căn nhà trị giá 300.000 đô la khi họ mua cách đây vài năm, với thời giá là 400.000 đô la Giá nhà đã tăng vọt trong những năm gần đây, vì vậy chủ nhà cho biết ngôi nhà hiện tại có giá trị 500.000 đô la. Chủ nhà tìm kiếm khoản vay 100.000 đô la từ giá trị của căn nhà với bất kỳ lý do gì.
Nếu ngân hàng đồng ý rằng ngôi nhà hiện tại có giá trị 500.000 đô la, họ sẽ cấp khoản vay cho sở hữu chủ ngôi nhà với số tiền vay là 100.000 đô la. Giả sử vì lý do nào đó, một năm sau ngân hàng quay lại và nói rằng ngôi nhà không còn trị giá 500.000 đô la mà chỉ có giá trị 425.000 đô la. Sau khi đã cấp khoản vay trị giá 100.000 đô la, tổng số nợ, bao gồm cả khoản thế chấp 300.000, là 400.000 đô la. Cơ quan quản lý ngân hàng sẽ không cho phép nợ 400.000 đô la đối với một ngôi nhà chỉ trị giá 425.000 đô la.
Vậy chủ nhà có lừa gạt người cho vay không? Chủ nhà có phải trả ngay khoản vay mua nhà không?
Dĩ nhiên là không. Nếu người đi vay và người cho vay đồng ý về một giá trị, tại sao một quan chức của chính phủ lại quyết định rằng chủ nhà phạm tội lừa đảo chỉ vì quan chức này cho rằng giá trị đó đã bị phóng đại?
Trump sẽ kháng cáo phán quyết này và ngay cả khi tòa phúc thẩm cấp tiến ở New York giữ nguyên phán quyết, tòa án khách quan cao hơn sẽ đảo ngược phán quyết đó. Và họ nên làm như vậy.
Bất kỳ giao dịch nào mà cả hai bên đồng ý với các điều khoản và không bên nào bị tổn hại, thì sẽ không bị kết tội gian lận.
Chấm hết!
----------