Năm nguyên tắc giúp Mỹ đối mặt với nhiều xung đột cùng lúc
Tác giả : Jakub Grygiel và A. Wess Mitchell Nguồn: Nghiên Cứu Quốc Tế Ngày đăng: 2024-02-20
Ukraine, Trung Đông, và Đài Loan là những vùng biên giới bất ổn, đòi hỏi Mỹ phải có một chiến lược có nguyên tắc hơn.
Năm 2017, chúng tôi đã viết một cuốn sách lập luận rằng Mỹ sẽ cùng lúc phải đối mặt với những thử thách từ Nga, Trung Quốc, và Iran. Chúng tôi cho rằng những thử thách, hay “cuộc thăm dò” này đang diễn ra ở vành đai bên ngoài của quyền lực Mỹ – còn gọi là “biên giới bất ổn” (unquiet frontier). Chúng tôi đã nói rằng các đồng minh tiền tuyến, chẳng hạn như Ba Lan, Israel, và Đài Loan, là những mục tiêu hấp dẫn đối với các đối thủ của Mỹ vì vị trí địa lý dễ bị tổn thương và khoảng cách quá xa giữa các nước này với Mỹ.
Bảy năm sau, biên giới còn bất ổn hơn nữa – nó đang chìm trong biển lửa. Ở biên giới châu Âu, cuộc chiến lớn nhất kể từ năm 1945 đang bước sang năm thứ ba. Ở biên giới Trung Đông, Iran đang sử dụng mạng lưới lực lượng ủy nhiệm của mình để tiến hành một cuộc chiến không được tuyên bố chống lại Mỹ và Israel. Ở biên giới châu Á – Thái Bình Dương, Trung Quốc đang tích lũy khí tài quân sự để vượt qua Eo biển Đài Loan.
Khi kết hợp lại, những động thái này cho thấy các đối thủ của Mỹ không chỉ đang thăm dò mức độ vững chắc của biên giới liền kề với họ, mà còn mong đợi một cơ hội kịch tính nhằm đảo lộn trật tự rộng lớn hơn, vốn đã bảo đảm an ninh và thịnh vượng của phương Tây suốt nhiều thập niên. Biên giới – và cùng với nó là toàn bộ trật tự thế giới– đang gặp khủng hoảng.
Tất cả những điều này có thể làm cho một thế hệ ở phương Tây, những người mong đợi thế giới trở thành một khu vực hòa bình không ngừng mở rộng, chợt tỉnh ngộ. Nhưng thật ra không có gì mới. Về mặt lịch sử, sức mạnh của một cường quốc và trật tự chính trị mà nó đại diện đã được định hình bởi các sự kiện ở biên giới nhiều hơn là các sự kiện trong phạm vi nội địa đế quốc, vốn tương đối an toàn hơn. Các cuộc khủng hoảng lớn của Rome bắt nguồn từ bờ sông Rhine, Danube, và Tigris; trong khi những khoảnh khắc sống còn của Đế quốc Anh là ở Natal, Hindu Kush và Sudetenland.
Khi đó, cũng như bây giờ, những giai đoạn biến động bạo lực sẽ thúc đẩy các cuộc tranh luận về bản chất của thay đổi địa chính trị và các chiến lược đúng đắn để ứng phó với nó. Làm thế nào một cường quốc có thể quản lý một biên giới dài và xa đang bị tấn công? Dù Mỹ hiện là siêu cường duy nhất của thế giới nếu xét về sức mạnh quân sự và kinh tế, nhưng câu hỏi vẫn không dễ trả lời hơn so với các đế chế trong quá khứ. Sức mạnh của Mỹ, giống như của các đế chế xưa, đều có giới hạn. Nó bị giới hạn bởi quy mô, bởi khoảng cách địa lý, bởi những mối quan tâm trong nước, và bởi ý chí chính trị thay đổi bất thường của chính người Mỹ. Nói cách khác, tình trạng khó khăn của nước Mỹ không phải là mới.
Giữa bối cảnh tranh luận nổ ra về cách xử lý tình hình Đông Âu, Trung Đông, và Đông Á, có lẽ cũng đáng để xét lại mọi thứ từ góc độ lịch sử. Thay vì từ bỏ các tiền đồn biên giới dưới áp lực của các “quốc gia săn mồi,” các cường quốc trong quá khứ có xu hướng tuân theo năm nguyên tắc cơ bản sau đây để quản lý một biên giới bất ổn.
Đầu tiên, biên giới là vùng đất của bạo lực, nơi luôn có thể xảy ra chiến tranh. Theo định nghĩa, biên giới là khu vực cạnh tranh giữa các đối thủ. Nó là một đối tượng được thèm muốn vì vị trí chiến lược của nó, nhưng cũng là nơi các chương trình nghị sự đối lập – của các cường quốc đang tìm cách duy trì hiện trạng địa chính trị và các cường quốc đang tìm cách thay đổi hiện trạng đó – chắc chắn sẽ xung đột với nhau. Dù có thể giảm thiểu xung đột thông qua đàm phán, thương mại, thậm chí hối lộ, nhưng biên giới luôn ngăn cách các cường quốc có xung đột lợi ích sâu sắc dựa trên lịch sử, sự tương phản về văn minh, hoặc sự khác biệt về ý thức hệ. Kết quả là, bạo lực luôn chực chờ bùng phát.
Điều này nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng cần phải nói thẳng ra bởi nó đi ngược lại với quan niệm tự phụ của phương Tây, vốn kéo dài cho đến tận đêm trước cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine: rằng chiến tranh xâm lược kiểu cũ giờ đây không còn xảy ra nữa, ngay cả ở những địa điểm có yếu tố lịch sử, lý do là vì tác động văn minh hóa của các thể chế tự do hoặc toàn cầu hóa – hoặc tác dụng răn đe của công nghệ quân sự mang tính hủy diệt. Quan điểm này là không đúng và có lẽ sẽ không bao giờ đúng. Bạo lực là đặc hữu ở biên giới, và các cuộc chiến cũng như các mối đe dọa hiện nay ở Ukraine, Trung Đông, và Đông Á đáng lẽ không nên khiến chúng ta ngạc nhiên. Một chiến lược thực tế để quản lý bạo lực dọc biên giới bắt đầu bằng việc thừa nhận sự thật này, cũng như hệ quả tất yếu của nó, rằng duy trì hiện trạng đòi hỏi phải cảnh giác không ngừng nghỉ ở những biên giới xa xôi này. Không có thể chế hoặc luật lệ quốc tế nào có thể ngăn cản các đối thủ của Mỹ tìm cách mở rộng quyền kiểm soát của họ đối với các khu vực trọng điểm ở Á-Âu, nơi Washington có các đối tác kinh tế và chính trị quan trọng.
Thứ hai, các quốc gia biên giới được trang bị vũ khí tốt và có động lực chính là lực lượng răn đe tốt nhất ở biên giới. Điểm chung của các cư dân ở quốc gia biên giới với cường quốc xa xôi là mong muốn không nhìn thấy biên giới rơi vào tay quốc gia săn mồi nằm gần đó. Động cơ của cường quốc là ngăn cản đối thủ tích lũy cơ sở quyền lực lớn hơn. Nhưng động cơ của quốc gia biên giới còn lớn hơn và mang tính cá nhân hơn nhiều: đảm bảo sự sống còn của chính mình. Họ chính là người sẽ mất nhiều nhất nếu biên giới bị phá vỡ và quân xâm lược tràn vào.
Động lực tự vệ này làm cho các quốc gia biên giới trở thành nguồn phản kháng hiệu quả nhất trước các mối đe dọa ở biên giới. Họ là những người phản ứng đầu tiên, và quyết tâm của họ là nền tảng cho một biên giới ổn định. Quyết tâm của cư dân địa phương vượt qua các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Từ quan điểm của cường quốc bảo trợ, động lực phản kháng của người dân địa phương cũng là một điều rất tốt – bất kể nó xuất hiện dưới hình thức nào, từ cuộc đấu tranh của Ukraine để không bị sáp nhập vào một đế chế Nga mới, đến thái độ thách thức của Israel đối với các kế hoạch của Iran nhằm thống trị khu vực, hay nỗ lực của Đài Loan để không bị khuất phục dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Các quốc gia biên giới là nguồn phản kháng mạnh mẽ, hiệu quả, và chính đáng để chống lại kẻ thù của họ. Nếu không có sự phản kháng đó, cường quốc bảo trợ sẽ phải mạo hiểm nhiều hơn bằng xương máu và của cải của chính mình. Tất nhiên, có thể có nhiều khác biệt giữa quốc gia biên giới và cường quốc bảo trợ xa xôi, nhưng khi nói về quan điểm chiến lược cốt lõi này – rằng biên giới không nên bị xâm phạm – lợi ích của hai bên sẽ hội tụ một cách tự nhiên.
Thứ ba, phòng thủ loại trừ là chiến lược được ưu tiên. Phòng thủ loại trừ (preclusive defense) chủ động bảo vệ biên giới bằng cách bố trí đủ lực lượng để đẩy lùi đợt xâm lược ban đầu và tiến hành các cuộc phản công cục bộ. Việc xem biên giới như một đường linh hoạt, có thể thay đổi nếu gặp áp lực, là lựa chọn hấp dẫn, đặc biệt khi các nguồn lực quân sự khan hiếm hoặc không có sẵn. Nhưng cái giá phải trả cho việc hy sinh không gian để lấy thời gian – tức là phòng thủ sâu (defense in depth) – cao hơn nhiều so với tưởng tượng, bởi vì các đồng minh ở tiền tuyến sẽ dần biến mất. Nếu đồng minh chấp nhận việc bị tiêu hao – rằng lãnh thổ và người dân của họ là không gian để nhường lại cho kẻ thù, trong một chiến thuật nhằm kéo dài thời gian để ngăn chặn cuộc tấn công ở nơi khác – thì đồng minh đó sẽ mất đi quyết tâm bảo vệ biên giới. Khi chỉ có một mình, không có sự trợ giúp từ bên ngoài, lựa chọn của một quốc gia biên giới chỉ là giữa việc chấp nhận thay đổi hiện trạng và việc phản kháng với giá đắt nhưng xác suất thành công thấp. Một số nước, chẳng hạn như Ukraine, có thể chọn con đường phản kháng, nhưng đó không phải là con đường phổ biến nhất. Trên thực tế, những tổn thất nặng nề mà Ukraine phải gánh chịu có thể khiến các nước khác, chẳng hạn như Đài Loan, không muốn theo gương nước này. Khi một đồng minh tiền tuyến lung lay và rơi vào tầm kiểm soát của đối thủ, cường quốc bảo trợ sẽ mất khả năng định hình động lực khu vực. Điều này đặc biệt nguy hiểm khi người bảo trợ là một cường quốc biển không có gì để hi sinh: Cường quốc đó chỉ còn cách giữ lại một cảng hoặc vùng ven biển nhỏ hẹp, hoặc bị trục xuất hoàn toàn khỏi khu vực và không có cơ hội quay trở lại mà không chịu tổn thất.
Giá trị của các đồng minh biên giới là họ có khả năng tấn công vượt ra ngoài biên giới, trên lãnh thổ của chính quốc gia săn mồi. Khả năng xảy ra các cuộc tấn công kiểu này sẽ tăng cường sự răn đe, vì động cơ tự vệ mạnh mẽ của quốc gia biên giới khiến lời đe dọa từ họ trở nên đáng tin cậy hơn. Điều đó đòi hỏi quốc gia biên giới phải có khả năng gây ra tổn thất nặng nề hoặc tiến hành các cuộc tấn công trừng phạt chống lại quốc gia săn mồi gần đó. Do đó, nghịch lý thay, sự ổn định của biên giới lại được hỗ trợ bởi khả năng leo thang của quốc gia biên giới. Khả năng leo thang như vậy được kiểm soát bởi thực tế là quốc gia biên giới là người đầu tiên phải chịu gánh nặng từ phản ứng của đối thủ, theo đó quốc gia biên giới sẽ chỉ tấn công nhằm mục đích giữ ổn định biên giới. Nói cách khác, một quốc gia biên giới nhỏ, ngay cả khi được trang bị tốt, cũng khó có khả năng tiến quân vào thủ đô của đối thủ.
Khả năng Ukraine tấn công các mục tiêu quân sự của Nga nằm sâu trong Crimea bị chiếm đóng hoặc ngay biên giới sẽ làm suy yếu các chiến dịch tấn công của Nga – và nếu lệnh ngừng bắn xảy ra, khả năng này sẽ củng cố sự răn đe. Tương tự, Đài Loan có thể ngăn chặn Trung Quốc hiệu quả hơn nếu nước này có khả năng và ý chí rõ ràng để tấn công không chỉ các lực lượng đổ bộ mà còn cả các cảng của Trung Quốc. Tóm lại, khả năng răn đe sẽ mạnh hơn nhiều khi quốc gia phòng thủ không chỉ giữ được biên giới mà còn có khả năng tấn công đồn lũy của kẻ xâm lược. Vì vậy, chuyển giao vũ khí, kể cả những vũ khí cực mạnh, cho quốc gia biên giới là một khoản đầu tư khôn ngoan.
Thứ tư, danh tiếng đạt được hay mất đi ở một quốc gia biên giới có ý nghĩa quan trọng đối với một quốc gia biên giới khác. Các quốc gia săn mồi luôn theo dõi cách cường quốc đối thủ của họ quản lý các biên giới xa xôi khác nhau, thường là để đánh giá sức mạnh và năng lực lãnh đạo của đối thủ đó. Danh tiếng đặc biệt quan trọng đối với một cường quốc biển, bởi thách thức cốt lõi là chiều dài biên giới mà cường quốc này phải quản lý, kết hợp với khoảng cách từ họ đến quốc gia biên giới. Bởi phương tiện là hữu hạn, nên thật khó để duy trì sự hiện diện lâu dài và đáng kể ở khắp mọi nơi. Chiến lược có mặt ở khắp nơi chỉ là một ảo tưởng, một sự tung hỏa mù có tính toán dựa trên danh tiếng.
Theo đó, việc ngăn chặn hành vi xâm lược ngay từ quốc gia biên giới, tại thời điểm và địa điểm nó xuất hiện là điều tối quan trọng. Cách xử lý “đám cháy ban đầu” sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc liệu nó có bùng phát thành một cuộc khủng hoảng hệ thống rộng hơn hay không. Việc bỏ qua bước ứng cứu ban đầu với hy vọng giữ lại bình cứu hoả cho những lần sau là rất nguy hiểm, và chiến lược tốt nhất là sắp xếp thứ tự các mặt trận biên giới. Ngày nay, điều đó có nghĩa là sử dụng cuộc tấn công của Tổng thống Nga Vladimir Putin như một cơ hội để buộc Nga, quốc gia yếu hơn trong hai đối thủ chính của Mỹ, phải thất bại, trước khi quốc gia mạnh hơn là Trung Quốc sẵn sàng hành động chống lại Đài Loan. Washington không nên cố gắng thay đổi các ưu tiên giữa chừng.
Thứ năm, một khi biên giới bị xâm phạm hoặc bị bỏ rơi, việc ổn định sẽ rất tốn kém. Vì phòng thủ rẻ hơn tấn công nên việc duy trì biên giới cũng rẻ hơn so với việc khôi phục hiện trạng trước đây. Trong trường hợp kịch tính nhất, khi cường quốc bị đẩy ra khỏi (hoặc rời khỏi) một quốc gia biên giới, việc quay trở lại là điều cực kỳ khó khăn vì cả lý do quân sự và chính trị. Về mặt quân sự, các chiến hào và công sự – và trong môi trường công nghệ cao ngày nay, là một loạt vũ khí chống tiếp cận – chống xâm nhập (anti-access and area denial) – thường gây thương vong cao cho bên tấn công. Về mặt chính trị, cư dân ở quốc gia biên giới bị bỏ rơi có thể sẽ có những tính toán khác: Phải đối mặt với láng giềng là kẻ thù, trong khi người bảo trợ an ninh của họ rời đi, họ có thể quyết định rằng lựa chọn ít tồi tệ nhất của mình là lấy lòng kẻ thù. Do đó, việc cường quốc bảo trợ quay trở lại sẽ trở thành một nỗ lực tốn kém và đơn độc, gần như không được quốc gia biên giới hỗ trợ. Nếu ngày nay Mỹ từ bỏ Ukraine, Israel, hoặc Đài Loan và những nơi này rơi vào phạm vi ảnh hưởng của đối thủ, thì sẽ khó mà đảo ngược tình trạng đó trong vòng vài chục năm nữa mà không phải trả giá đắt hơn nhiều về xương máu và của cải, so với việc Washington chỉ đơn giản giúp đỡ để họ tự bảo vệ mình một cách đầy đủ ngay từ đầu.
TRONG TẤT CẢ CÁC TRƯỜNG HỢP NÀY, nói tóm lại, củng cố quốc gia biên giới không phải là một hành động từ thiện đối với một siêu cường như nước Mỹ ngày nay. Thay vào đó, nó là một hành động vì lợi ích cá nhân, mà nếu được thực hiện một cách chủ động và có suy tính trước, sẽ là một cách tiết kiệm chi phí để bảo vệ quê hương. Người Mỹ có truyền thống lâu đời khi suy nghĩ rất thực tế về các biên giới bất ổn, trên cả lục địa của mình và các vùng vành đai Á-Âu. Đây đã và đang là những khu vực mà các công cụ cao quý và mang tính hòa bình của các thể chế và luật pháp, tính toán của các thương nhân, và sự công bằng của các thẩm phán chỉ có tác động không đáng kể. Sau cùng, cách thức các biên giới này được bảo vệ là sản phẩm của một bàn tay vững chắc, được thực hiện thông qua bạo lực hoặc đe dọa bạo lực. Thực tế đó không hề thay đổi, và các cuộc chiến ở Ukraine và Trung Đông là minh chứng cho bản chất bạo lực vĩnh viễn của biên giới.
Trong tình hình hiện tại, lịch sử cho thấy rằng lựa chọn tốt nhất của Mỹ là ngăn chặn các cuộc thăm dò biên giới của đối thủ trở thành một làn sóng bất ổn sâu rộng và toàn diện. Thành công hay thất bại của cuộc thăm dò đầu tiên có ý nghĩa lớn đối với việc quyết định xem liệu một chuỗi các cuộc thăm dò khác có xảy ra hay không. Dù châu Á có vai trò quan trọng nhất đối với Mỹ về mặt chiến lược, việc đánh bại các cuộc xâm lược đang diễn ra ở biên giới châu Âu và Trung Đông – nếu vẫn có thể thực hiện được – vẫn là chiến lược tối ưu. Cách tốt nhất để làm điều đó là cung cấp vũ khí cho Ukraine và Israel, bao gồm cả những loại vũ khí mà bình thường Washington có thể không cảm thấy thoải mái khi phân phối. Và để làm được điều đó sẽ đòi hỏi một nỗ lực nghiêm túc nhằm củng cố cơ sở công nghiệp quốc phòng của Mỹ, vốn cũng cần thiết trong cuộc đối đầu lâu dài với Trung Quốc.
Tất nhiên, những gì Mỹ làm ở các quốc gia biên giới xa xôi này chỉ có tầm quan trọng thứ yếu nếu biên giới gần – biên giới quốc gia của chính Mỹ – bị phá vỡ. Khi viết cuốn Biên giới Bất ổn (The Unquiet Frontier), chúng tôi không ngờ rằng biên giới phía nam nước Mỹ lại trở nên bất ổn đến vậy, chưa kể nó đã trở nên bất ổn trong lúc các đối thủ địa chính trị gia tăng mức độ bạo lực ở Á-Âu. Do đó, việc ổn định biên giới không chỉ là ưu tiên trong nước mà còn là điều kiện tiên quyết về chính sách đối ngoại: Biên giới xa xôi sớm hay muộn cũng sẽ bị bỏ rơi nếu biên giới quốc gia trở thành tâm điểm bất ổn.
Vẫn chưa quá muộn. Dù các đối thủ của Mỹ đã cải thiện vị thế của mình trong những năm gần đây, tăng cường kiểm soát và xây dựng các kho vũ khí, nhưng người Mỹ vẫn có cơ hội bảo tồn một phần nhỏ trật tự và an ninh quốc tế. Tốt hơn hết là nên ngăn chặn các quốc gia săn mồi ở biên giới xa xôi bằng cách ủng hộ nỗ lực của cư dân địa phương có động lực tự vệ, hơn là cố gắng làm như vậy sau khi những nơi này đã bị xâm chiếm. Giữ mọi thứ ổn định thì dễ hơn là lấy lại sự ổn định sau khi nó đã mất. Và điều đó bắt đầu và kết thúc ở chính biên giới.
Jakub Grygiel là giáo sư chính trị tại Đại học Công giáo Mỹ, cố vấn cấp cao tại Sáng kiến Marathon, giáo sư thỉnh giảng tại Viện Hoover của Đại học Stanford, và là cựu cố vấn cấp cao trong đội ngũ hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời chính quyền Trump.
A. Wess Mitchell là người đứng đầu Sáng kiến Marathon và là cựu trợ lý ngoại trưởng phụ trách Châu Âu và Á-Âu trong chính quyền Trump.
Nguồn: “5 Rules for Superpowers Facing Multiple Conflicts,” Foreign Policy, 12/02/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
----------