Kịch bản 'không bên nào thua' sau sự kiện Avdiivka
Tác giả : Lục Minh Tuấn | Nguồn: Tuổi Trẻ | Ngày đăng: 2024-02-22 |
Thắng lợi của Nga ở mặt trận trọng điểm Avdiivka vào ngày 17-2 vừa qua đã thúc đẩy hội chứng về "sự mệt mỏi của Ukraine" lan tỏa mạnh mẽ khắp các nước phương Tây.
Một chiếc xe quân sự của Nga đi qua khu vực có các tòa nhà đã bị phá hủy trong xung đột tại thị trấn Avdiivka vào ngày 20-2 - Ảnh: REUTERS
Hội chứng này xuất phát từ niềm tin của dư luận về xu hướng giảm dần các. chính sách hỗ trợ từ phương Tây theo thời gian sẽ dẫn đến hệ quả tổn thất ngày càng nặng nề cho quân đội Ukraine.
Ba lợi thế đột phá của Nga
Đầu tiên là lợi thế về thực địa khi việc quân đội Ukraine (AFU) rút quân khỏi thành trì Avdviika đã góp phần đẩy tiền tuyến chiến sự Nga - Ukraine ra khỏi khu vực Donetsk vốn đã tuyên bố sáp nhập Nga từ tháng 9-2022. Việc kiểm soát Avdviika không chỉ giúp Nga tiếp cận được một trung tâm công nghiệp có nhà máy hóa chất và than cốc lớn nhất Ukraine, mà còn tăng cường khả năng cơ động của các mũi tiến công trên bộ của quân đội Nga.
Trung tâm điều phối đường sắt ở đây kết nối sẵn với các tuyến dẫn đến Vulehdar ở phía nam - nơi từng diễn ra "trận đấu tăng khốc liệt nhất" vào tháng 3-2023 với phần thắng thuộc về Ukraine, đến làng Robotyne ở phía tây thuộc Zaporizhia - một trong những cứ điểm hiếm hoi trở thành chiến quả biểu tượng mà AFU đã chiếm được trong đợt tổng phản công kém hiệu quả vừa qua.
Các kết nối hạ tầng đường sắt này vì vậy sẽ giúp Nga chuyển sang thế chủ động tiến công, đồng thời đẩy phía Ukraine từ vị trí tổng phản công sang thế phòng thủ chiến lược.
Điều này được chính tân tổng tư lệnh AFU Oleksandr Syrskyi xác nhận ngay trước thời điểm ra quyết định rút khỏi Avdiivka nhằm "tránh trạng thái bị bao vây và bảo đảm tính mạng cho các quân nhân" vào ngày 17-2.
Tiếp đến là lợi thế về dư luận giúp Nga dập tắt được phần nào sự lạc quan của dư luận phương Tây ngay trước thềm Hội nghị an ninh Munich. Bối cảnh gói viện trợ Cơ sở Ukraine trị giá 54 tỉ USD vừa được Liên minh châu Âu (EU) thông qua vào đầu tháng 2, và việc Ukraine ký kết thành công hiệp định an ninh song phương cùng lúc với cả Pháp và Đức vào ngày 16-2, đã không đủ sức khỏa lấp "khoảng trống" về niềm tin cần thiết để Tổng thống Ukraine V. Zelensky thuyết phục các đối tác phương Tây tăng viện trợ.
Cuối cùng là lợi thế về cuộc vận động đàm phán đình chiến khi cả ba bên Nga - Ukraine - phương Tây (bao gồm khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương - NATO và EU) đều có xu hướng đẩy mạnh các đối thoại dẫn đến cuộc đàm phán đình chiến.
Dẫn đầu trong đó vẫn là Ukraine với cuộc vận động sự ủng hộ từ tây sang đông đối với "Công thức Hòa bình 10 điểm của Ukraine" trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh hòa bình cho Ukraine ở Thụy Sĩ sắp tới. Tiếp theo là những nỗ lực gián tiếp của EU khi chính thức khởi động quá trình đàm phán gia nhập khối cho Ukraine (và Moldova) từ giữa tháng 12-2023 với sự ủng hộ tuyệt đối của 27 nước thành viên với yêu cầu "chấm dứt xung đột" như một điều kiện tiên quyết.
Sự thừa nhận từ đích thân Tổng thống Nga Putin về việc "luôn để ngỏ" khả năng đàm phán với Mỹ về vấn đề Ukraine trong cuộc phỏng vấn với Hãng tin Fox News vào ngày 8-2 cũng là một chỉ dấu quan trọng phát huy được lợi thế của Nga lúc này.
Quốc kỳ Ukraine và cờ Liên minh châu Âu tung bay tại một ngôi trường bị phá hủy bởi pháo kích của Nga ở Avdiivka, vùng Donetsk - Ảnh: REUTERS
Liệu có tồn tại "bộ ba bất khả thi"?
Có thể thấy kịch bản được tìm kiếm hiện nay chính là một viễn cảnh "không bên nào thua". Do đó, điều quan trọng lúc này không phải bên nào giành thắng lợi tuyệt đối trên chiến trường, mà cần thiết phải có một giải pháp mà mỗi bên liên quan đều đạt mục tiêu mong muốn với sự trao đổi lợi ích trong giới hạn chấp nhận được nếu không muốn tiếp tục sa lầy vào một "cuộc chiến không có hồi kết".
Kịch bản "không bên nào thua" này chỉ có thể được xác định dựa trên tiền đề diễn ra đàm phán đình chiến từng phần giữa Nga và Ukraine.
Từ tiền đề tạm ngừng chiến sự như vậy, một kịch bản giới tuyến phân định tạm thời giữa các khu vực phía đông và tây Ukraine được thiết lập sẽ giúp Ukraine thỏa mãn được yêu cầu "chấm dứt xung đột" tiên quyết cho quá trình gia nhập cả hai khối EU và NATO.
Và cũng từ tiền đề Ukraine gia nhập hai khối này sẽ mở đường cho EU nới lỏng cấm vận từng phần với Nga, hàn gắn quan hệ thương mại, năng lượng, lương thực và chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, kịch bản này lại cần đến một thỏa thuận đình chiến mà cả Nga và Ukraine đều chấp thuận. Đây có lẽ chính là khó khăn lớn nhất lúc này cho Nga vì yêu cầu của hai bên hoàn toàn trái ngược. Công thức Hòa bình 10 điểm của ông Zelensky vẫn yêu cầu Nga rút toàn bộ quân đội khỏi lãnh thổ, trong khi Nga buộc Ukraine từ bỏ các vùng đất phía đông đã sáp nhập vào Nga.
Liệu sẽ có bước ngoặt?
Dù đạt được nhiều lợi thế đột phá sau hai năm chiến sự nhưng phía Nga lại gặp khó khăn lớn trên mặt trận ngoại giao. Thế trận vận động đa phương của chính quyền Tổng thống Zelensky vẫn đang nắm giữ lợi thế chênh lệch.
Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình cho Ukraine sắp tới vì vậy sẽ trở thành sự kiện có tính bước ngoặc khi có thể chính thức kiến tạo "sự bất khả thi" cho kịch bản đàm phán đình chiến với Nga nếu Ukraine vẫn giữ toàn bộ yêu cầu, đồng thời cũng có thể dẫn đến kịch bản "không bên nào thua" để định hình cục diện hậu chiến nếu ông Zelensky chấp nhận nhân nhượng dưới sự vận động của các quốc gia Nam bán cầu trong hội nghị.
----------