Gia đình Mỹ đang rơi vào bẫy nợ
Tác giả : Michael Wilkerson
Biên dịch : Vân Du
Nguồn: Báo Mai Ngày đăng: 2024-02-23
Các gia đình Mỹ dường như có trí nhớ ngắn hạn về tài chính, hoặc là họ chưa học được hoặc là họ có lẽ chỉ đơn giản không nhớ các bài học về cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cấu năm 2008-2009.
Nhiều gia đình Mỹ đang lặp lại những sai lầm tương tự như đã mắc phải hơn 15 năm trước. Cụ thể, họ đang chi tiêu mạnh tay và khiến nợ chồng thêm nợ vào đúng thời điểm mà lẽ ra họ nên cắt giảm cả chi tiêu và nợ một cách thận trọng.
Chi tiêu tiêu dùng cá nhân dành cho hàng hóa đã tăng 3.8% trong quý 4/2023, vượt xa mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chung 3.3% của Hoa Kỳ. Việc chi tiêu nhiều hơn vốn dĩ sẽ chẳng có gì là sai nếu thu nhập tăng có thể đài thọ cho việc đó, nhưng đây không phải là những gì đang diễn ra. Theo dữ liệu từ Cục Phân tích Kinh tế (BEA), trong năm 2023, chi tiêu cá nhân đã tăng hơn gấp đôi tốc độ tăng thu nhập cá nhân.
Mức tăng trong chi tiêu này không được chi trả bằng thu nhập mà là bằng nợ. Theo báo cáo hàng quý gần đây nhất của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York về Nợ và Tín dụng Gia đình, đến cuối năm 2023, tổng nợ gia đình đã tăng lên mức cao kỷ lục 17.5 ngàn tỷ USD. Đây là một mức tăng 24% so với mức trước đại dịch vào cuối năm 2019, và cao hơn 3.6% so với chỉ một năm trước.
Hầu hết số tiền (12.3 ngàn tỷ USD) trong khoản nợ này phản ánh số dư nợ mua nhà, nhưng các khoản vay mua xe hơi và nợ sinh viên, mỗi khoản còn đóng góp thêm 1.6 ngàn tỷ USD, đồng thời số dư nợ thẻ tín dụng cũng đóng góp hơn 1.1 ngàn tỷ USD nữa vào khoản nợ tiêu dùng bổ sung. Đáng chú ý, số dư thẻ tín dụng tăng 4.6% trong quý 4/2023, trong khi chi tiêu của người tiêu dùng đã chỉ tăng 0.7% một dấu hiệu cảnh báo rằng người tiêu dùng đang căng thẳng và sử dụng nhiều nợ hơn để trang trải các khoản mua sắm thường nhật.
Điều khiến xu hướng này trở nên nguy hiểm không chỉ là tổng số nợ mà còn là thực tế rằng trong khi nợ gia đình tăng ở mức 5.5% mỗi năm (hơn 3 ngàn tỷ USD) kể từ năm 2019, thì thu nhập cá nhân thực chỉ tăng 1.9% mỗi năm trong cùng thời kỳ. Nói cách khác, các gia đình đang mắc nợ nhiều hơn cả về mặt tuyệt đối lẫn tương đối so với thu nhập của họ trước khi có cuộc suy thoái do phong tỏa vào năm 2020.
Các dấu hiệu khác cho thấy người Mỹ đang gặp khó khăn về tài chính bao gồm việc họ vừa dành ra ít tiền hơn trong thu nhập của mình để tiết kiệm vừa phải viện đến tiền tiết kiệm hiện có để trang trải cuộc sống. Tỷ lệ tiết kiệm cá nhân của các gia đình Hoa Kỳ đã giảm từ 5.3% trong tháng Năm xuống 3.9% trong tháng Mười Hai. So với mức trên 8% đạt được trong thời kỳ trước đại dịch, những số liệu gần đây thể hiện tỷ lệ tiết kiệm cá nhân thấp nhất kể từ trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khi các gia đình căng thẳng vì các khoản nợ mua nhà có lãi suất điều chỉnh tăng cao mà họ chỉ đơn giản là không đủ khả năng chi trả. Người Mỹ đang không chỉ tiết kiệm ít hơn mà còn đang làm cạn kiệt dần tài khoản tiết kiệm của mình. Tổng tiết kiệm cá nhân đã giảm hơn 27% kể từ tháng 12/2019. Tình trạng này không thể tiếp tục lâu hơn nữa.
Sự mất cân đối này này xảy ra vào thời điểm gánh nặng trả nợ đối với nhiều gia đình tăng lên do phải tiếp tục hoàn trả nợ sinh viên. Quy định tạm dừng trả nợ sinh viên liên bang được áp dụng vào năm 2020 đã kết thúc vào tháng 09/2023. Không có cách nào để biết liệu người tiêu dùng có thực hiện các khoản thanh toán này hay không vì theo báo cáo của Fed, “các khoản thanh toán nợ sinh viên liên bang bị bỏ lỡ sẽ không được báo cáo cho văn phòng tín dụng” cho đến quý 4/2024. Tuy nhiên, có lý do để tin rằng nhiều người mắc nợ sinh viên đã đang chậm thanh toán.
Với lãi suất tăng nhanh trong hai năm qua, chi phí dịch vụ nợ tiêu dùng cũng tăng theo. Vào tháng 02/2024, chi phí trung bình của nợ thẻ tín dụng hiện đã lên tới 28%, so với mức dưới 23% vào năm ngoái. Trong cả hai trường hợp, nợ thẻ tín dụng sẽ nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát nếu không được thanh toán. Các gia đình ở Hoa Kỳ đang ngày càng cảm thấy mắc kẹt trong một vòng nợ nần luẩn quẩn.
Chính sách kinh tế Biden (Bidenomics) đang có tác động tương tự đối với các gia đình cũng như đối với chính phủ Hoa Kỳ. Cả hai đối tượng này đều sống vượt quá khả năng trang trải của mình và đang tiêu những đồng tiền mà họ không sở hữu. Tình trạng này đồng nghĩa với việc từ bỏ tiêu dùng vào ngày mai để mua được nhiều hơn vào hôm nay. Đó là sự trả giá cho những thú vui phù du của ngày hôm nay bằng cái giá phải trả là sự thịnh vượng lâu dài của ngày mai.
Tiêu tiền của người khác tạo ra ảo tưởng về sự giàu có và thịnh vượng, nhưng sớm muộn gì thì thực tế cuộc sống (và các chủ nợ) đều sẽ can thiệp. Khả năng tiếp cận các hạn mức tín dụng với số dư ngày càng tăng với số tiền tiết kiệm ngày càng giảm sẽ dần không còn, và các gia đình không giống như chính phủ Hoa Kỳ, vốn có thể tự in tiền, chí ít là trong một thời gian sẽ không còn lối thoát.
Rốt cuộc, bữa tiệc rồi sẽ tàn, và cảm giác nôn nao sau đó sẽ rất khó chịu.
Michael Wilkerson _ Vân Du
----------