Đài Loan đối mặt với áp lực từ Trung Quốc trước lễ nhậm chức của tổng thống
Nguồn: BBC | Ngày đăng: 2024-03-02 |
Ông Lại Thanh Đức, người mà Bắc Kinh coi là kẻ gây rối, đắc cử Tổng thống Đài Loan giữa những căng thẳng quan hệ Mỹ-Trung
Đài Loan đang phải đối mặt với áp lực liên tục của Trung Quốc trước lễ nhậm chức của Tổng thống Lại Thanh Đức vào tháng 5/2024. Giới chức Đài Bắc lo ngại Bắc Kinh có thể siết chặt thêm không gian hoạt động của hòn đảo mà không dùng đến xung đột trực tiếp.
Kể từ khi Phó Tổng thống hiện tại Lại Thanh Đức đắc cử tổng thống vào tháng 1 - Trung Quốc vốn coi ông Lại là một kẻ ly khai - Bắc Kinh đã cướp đi một đồng minh ngoại giao (của Đài Bắc), thay đổi đường bay trên eo biển Đài Loan và bắt đầu cho cảnh sát biển tuần tra thường xuyên quanh khu vực quần đảo Kim Môn do Đài Loan kiểm soát.
Quần đảo Kim Môn cách bờ biển gần nhất của Trung Quốc chỉ khoảng 2km.
Trung Quốc tuyên bố Đài Loan, vốn theo đường lối dân chủ, là lãnh thổ của mình trước sự phản đối mạnh mẽ của hòn đảo này.
Đến thăm Đài Bắc vào tuần trước, Dân biểu Mike Gallagher, chủ tịch ủy ban đặc trách về Trung Quốc của Hạ viện Mỹ, nói rằng các cuộc tuần tra của Bắc Kinh quanh Kim Môn, cách các thành phố Hạ Môn và Tuyền Châu của Trung Quốc một chuyến phà ngắn, là một phần trong kế hoạch gây sức ép liên tục lên Đài Loan.
Một quan chức nước ngoài theo dõi các vấn đề an ninh trong khu vực đã mô tả những gì đang xảy ra như một áp lực "nhỏ giọt", tiếp tục thông điệp rằng Bắc Kinh không thích ông Lại, nhưng không tổ chức tập trận - như họ đã hai lần thực hiện quanh hòn đảo trước đây - hoặc buộc phải trực tiếp đối đầu quân sự.
“Đó là một phần của kế hoạch thay đổi một cách từ từ hiện trạng ở eo biển Đài Loan, xem họ có thể làm được gì và chuyển sang trạng thái bình thường mới, hạn chế không gian di chuyển của Đài Loan,” nguồn tin giấu tên đánh giá.
Trung Quốc cho biết lực lượng tuần tra bờ biển có mục đích đảm bảo an toàn cho ngư dân nước này. Hai ngư dân Trung Quốc đã thiệt mạng vào tháng trước khi cố gắng chạy trốn lực lượng tuần duyên Đài Loan.
Tàu của hai ngư dân này trước đó đã tiếp cận quá gần một trong những đảo nhỏ thuộc quần đảo Kim Môn vốn được kiểm soát nghiêm ngặt.
Cảnh sát biển Đài Loan kiểm tra chiếc thuyền lật úp trong vụ truy đuổi
Hôm 29/2, khi được hỏi liệu căng thẳng quanh quần đảo Kim Môn có phải là một phần trong nỗ lực gây áp lực của Trung Quốc trước khi ông Lại nhậm chức, người phát ngôn của Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc đã không trả lời trực tiếp, đồng thời nhắc lại rằng nước này có quyền thực hiện hoạt động tuần tra bờ biển quanh Kim Môn.
“Cả hai bên eo biển Đài Loan đều là một phần của một Trung Quốc và Đài Loan là một phần của Trung Quốc,” người phát ngôn Chu Phượng Liên nói.
Trung Quốc nói rằng chỉ có nước này mới có chủ quyền đối với eo biển Đài Loan, đồng thời nói không có vùng biển "giới hạn" nào đối với ngư dân của họ xung quanh Kim Môn. Đài Loan bác bỏ mạnh mẽ yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc.
Ông Lý Chấn Quảng, một chuyên gia về Đài Loan tại Đại học Liên hiệp Bắc Kinh, nói với hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc trong tuần này rằng Trung Quốc cần chủ động “chớp lấy các sáng kiến” trong việc giải quyết vấn đề Đài Loan và việc khẳng định quyền tài phán xung quanh đảo Kim Môn là bước cần thiết để đi tới “thống nhất”.
'Vùng xám'
Trong suốt bốn năm qua, Đài Loan đã có các thông cáo về việc Trung Quốc tăng cường hoạt động quân sự, chẳng hạn thường xuyên đưa máy bay chiến đấu bay qua eo biển như một phần của chiến lược "vùng xám" nhằm khiến Đài Loan mệt mỏi bằng các hoạt động chưa đến mức xung đột toàn diện.
Một quan chức cấp cao của Đài Loan nói rằng Bắc Kinh đang gây áp lực "từ ngày này qua ngày khác" trước thời điểm ông Lại phát biểu nhậm chức vào ngày 20/5 và những gì diễn ra quanh quần đảo Kim Môn là một chiến thuật "vùng xám" khác.
“Chúng tôi sẽ không thuận theo các âm mưu chính trị của họ và không làm leo thang căng thẳng,” vị quan chức giấu tên này cho biết.
Bà Quản Bích Linh, Chủ tịch Ủy ban Hải dương Đài Loan, cơ quan quản lý cảnh sát biển thuộc chính phủ, trong tuần này đã chỉ ra sự tương đồng giữa những gì đang diễn ra xung quanh quần đảo Kim Môn và các cuộc tuần tra bờ biển thường xuyên của Trung Quốc quanh các đảo ở Biển Hoa Đông mà Bắc Kinh, Tokyo và Đài Bắc đều tuyên bố là của họ.
“Việc Trung Quốc đang cố gắng áp dụng chiến thuật mà họ áp dụng cho vấn đề Điếu Ngư Đài lên vùng biển Kim Môn-Hạ Môn là điều mà chúng tôi thực sự không thể chấp nhận,” bà nói, dùng tên Đài Loan đặt cho hòn đảo mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư và Nhật Bản gọi là Senkaku.
Tuy nhiên, căng thẳng xung quanh quần đảo dường như khó có thể sớm giảm bớt khi đại diện chính phủ của cả Đài Loan và Trung Quốc trong tuần này tiếp tục đàm phán về cách giải quyết vụ việc.
Gia đình những người thiệt mạng đã yêu cầu chính quyền Đài Loan bồi thường và xin lỗi.
Một quan chức cấp cao của Đài Loan phụ trách vụ việc ở Kim Môn cho biết Đài Loan sẽ không xin lỗi vì làm như vậy sẽ gây khó khăn cho việc thực thi pháp luật của Đài Loan ở đó trong tương lai.
Cho đến nay, các lực lượng vũ trang của Đài Loan đã giao quyền xử lý vụ việc cho lực lượng cảnh sát biển, đội tàu Kim Môn gồm 16 chiếc của họ tuần tra ở đó thay vì hải quân, một dấu hiệu cho thấy họ không muốn leo thang xung đột.
Khi được hỏi hôm 28/2 rằng Đài Loan sẽ phản ứng ra sao nếu Hải cảnh Trung Quốc “làm quá”, Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Khâu Quốc Chính cho biết họ không muốn xung đột.
Ông nói: "Tránh chiến tranh không phải là sự chạy trốn. Chúng tôi có những nguyên tắc để luôn sẵn sàng chiến đấu, nhưng chúng tôi không muốn điều đó xảy ra."
----------