Ukraina muốn có tên lửa Taurus để tấn công cầu Kertch ?
Tác giả : Thu Hằng Nguồn: RFI Ngày đăng: 2024-03-03
Thủ tướng Đức Olaf Scholz vẫn từ chối giao tên lửa Taurus tối tân cho Kiev vì cần chuyên gia điều chỉnh trên lãnh thổ Ukraina và như vậy sẽ kéo Đức vào cuộc chiến. Tuy nhiên, đối với Kiev, tên lửa Taurus có tầm quan trọng chiến lược để tấn công các mục tiêu từ xa.
Hình ảnh tên lửa Taurus, Đức mà Hàn Quốc đặt mua trong cuộc tập trận ngày 13/09/2017 ngoài khơi bờ biển phía tây nước này. AP
So với Storm Shadow và Scalp (250 km) được Anh và Pháp chuyển cho Ukraina, tên lửa Taurus của Đức có tầm bắn gấp đôi (500 km), mang hai đầu đạn (giống Storm Shadow), có thể bắn trúng mục tiêu trên không. Được mệnh danh là tên lửa “ diệt hầm ” (bunker buster), Taurus được thiết kế bán tàng hình, có thể bay ở tầm thấp để tránh các hệ thống phòng không. Loại tên lửa hành trình không đối địa này có thể được bắn từ máy bay cho nên cần được điều chỉnh để thích ứng với không quân Ukraina.
Tướng Jérôme Pellistrandi, tổng biên tập Tạp chí Quốc Phòng Pháp, cho biết Taurus “ hoàn toàn thích hợp để phá các mục tiêu quan trọng, như kho bãi hoặc các vị trí chỉ huy ”. Giả thuyết Ukraina dùng Taurus để tấn công cầu Crimée đã được nhắc đến trong đoạn đối thoại bị rò rỉ giữa các quan chức Đức. Trả lời RFI ngày 03/03, giáo sư Hans Stark, chuyên gia nghiên cứu về văn minh Đức tại Đại học Sorbonne, kiêm cố vấn về quan hệ Pháp-Đức tại Viện Quan hệ Quốc tế IFRI, phân tích :
“ Cầu Crimée (cầu Kertch) là tuyến đường chính được Nga sử dụng để chuyển quân, vận tải vũ khí đạn dược, pháo binh, ... nói chung là toàn bộ chuỗi cung ứng cho chiến tranh. Ngoài ra, cầu Crimée còn là tài sản quý giá đối với ông Putin, đó là cây cầu của Putin, và cũng là điểm chiến lược để kiểm soát bán đảo Crimée. Không có cầu Kertch, Crimée có thể sẽ thất thủ.
Vì tất cả những lý do đó mà ông Scholz không muốn giao tên lửa Taurus cho Ukraina. Thủ tướng Đức cũng đưa ra một lập luận khác, nhưng không được Paris đồng ý, đó là để lập trình và điều chỉnh mục tiêu cho Taurus, cần phải có chuyên gia Đức. Quân đội Ukraina không làm được việc này. Việc điều chỉnh mục tiêu cho những tên lửa Taurus ở Ukraina cũng không thể làm được ở Đức. Điều đó có nghĩa là cần phải có quân Đức trên lãnh thổ Ukraina để lập trình cho Taurus tấn công cầu Kertch hay bất kỳ mục tiêu nào khác. Và như vậy lại quay trở lại tranh luận : có cần triển khai quân trên lãnh thổ Ukraina hay không. Dĩ nhiên là không phải để trực tiếp tham chiến nhưng dù sao cũng là để triển khai vũ khí sẽ được sử dụng trên chiến trường ”.
Cầu Kertch nối vùng Krasnodar của Nga với bán đảo Crimée đã bị đóng cửa sáng sớm Chủ Nhật 03/03. Chính quyền không nêu lý do nhưng trên mạng Telegram, một số kênh truyền thông địa phương cho biết người dân nghe thấy nhiều tiếng nổ gần một kho dầu ở Feodossia trên bán đảo Crimée. Ngay sau đó, Nga cho biết hệ thống phòng không đã bắn hạ 38 drone của Ukraina trên báo đảo.
Về tình hình chiến sự, trong vụ tấn công của Nga nhắm vào một tòa chung cư 9 tầng ở Odessa ngày 02/03 đã có 8 người thiệt mạng. Một lần nữa, tổng thống Zelensky kêu gọi đồng minh phương Tây cung cấp hệ thống phòng không để “ bảo vệ người dân tốt hơn ”
Thông tin “tuyệt mật” của Đức bàn về phương án cấp tên lửa Taurus cho Ukraina bị rò rỉ
Tác giả : Trọng Thành Nguồn: RFI Ngày đăng: 2024-03-03
Ngày 01/03/2024, kênh truyền hình Nga Russia Today, thân cận với điện Kremlin, công bố một băng âm dài 37 phút, ghi lại một trao đổi “tuyệt mật” giữa các sĩ quan Đức về các phương án cấp cho Ukraina loại tên lửa Taurus, có tầm bắn hơn 500 km, một trong các tên lửa tối tân nhất của nước Đức. Bộ Quốc Phòng Đức hôm qua, 02/03, đã xác nhận cuộc trao đổi mật của Không quân Đức đã bị nghe lén, nhưng không khẳng định tính xác thực của các nội dung được loan tải.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (P) và tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky (T) sau cuộc gặp ở Berlin hôm 16/02/2024. AP - Markus Schreiber
Theo nhiều chính trị gia Đức, việc Matxcơva tung ra các thông tin nói trên là nhằm gây áp lực với thủ tướng Đức Olaf Scholz nhằm chặn đứng khả năng chính phủ Đức đưa ra quyết định cấp cho Ukraina loại vũ khí chiến lược này.
Thông tín viên Nathalie Versieux tường trình từ Berlin :
Bốn sĩ quan không quân Đức, trong đó ít nhất một viên tướng, tham gia vào một cuộc họp trực tuyến. Nội dung liên quan đến tên lửa tầm xa quý giá Taurus, do Đức sản xuất, loại vũ khí mà Kiev liên tục yêu cầu từ nhiều tháng nay. Cho đến nay thủ tướng Đức vẫn từ chối cung cấp tên lửa Taurus vì lo ngại xung đột lan rộng.
Trong cuộc đàm thoại này, các sĩ quan đã bàn về số lượng tên lửa sẵn có, cách huấn luyện cho binh sĩ Ukraina, việc xác định các mục tiêu tấn công có thể tại Nga, số lượng tên lửa Taurus có thể được cung cấp để đạt được các mục tiêu quân sự, như phá hủy cây cầu nối liền bán đảo Crimée với Nga.
Đây rõ ràng là một hồ sơ cực kỳ nhạy cảm. Từ Vatican, thủ tướng Scholz đang trong chuyến công du nhận định: “Vụ việc này rất nghiêm trọng. Chính vì vậy cần phải điều tra rất kỹ lưỡng và rất nhanh chóng.”
Cuộc điều tra sẽ phải làm sáng tỏ nhiều vấn đề. Trước hết là mức độ an toàn của các liên lạc trong quân đội Đức. Hiện tại, các sĩ quan Đức dường như đang sử dụng phần mềm họp trực tuyến WebEx trong các cuộc họp kiểu này, theo tình báo Nga. Trong những ngày tới, có nguy cơ Nga sẽ công bố thêm một số nội dung đối thoại trong nội bộ. Vụ bê bối này cũng có thể gây nhiều tác động đến liên minh cầm quyền tại Đức. Theo suy đoán của đối lập Đức, Matxcơva đang tìm cách bóp chết từ trong trứng mọi thảo luận xung quanh việc cấp tên lửa tầm xa cho Ukraina.”
Một cách để Nga gây áp lực với thủ tướng Scholz
Không chỉ đối lập Đức, mà ngay trong nội bộ liên minh cầm quyền Đức cũng có nhiều lo ngại về việc điện Kremlin sử dụng các thông tin này để “gây áp lực” với thủ tướng Đức trong hồ sơ tên lửa Taurus, theo nhận định của chuyên gia quân sự Marie-Agnes Strack-Zimmermann, đảng Tự Do, thành viên liên minh cầm quyền.
Theo AFP, sau khi các thông tin nói trên được công bố, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova đã yêu cầu “Đức nhanh chóng giải thích” về vụ việc này. Theo phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nga, “tránh né trả lời đồng nghĩa với thú nhận”. Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov, đang công du Thổ Nhĩ Kỳ, coi vụ việc này là minh chứng “cho thấy phe chủ chiến tại châu Âu đang rất mạnh”. Còn nhân vật số hai của Hội đồng An ninh Nga, Dmitri Medvedev, thậm chí khẳng định, nước Đức giờ đây đã trở thành “kẻ thù” của nước Nga, khi “bàn đến các cuộc tấn công để gây tổn thất tối đa cho đất nước chúng ta.”
Theo một thăm dò dư luận Đức của INSA, công bố hôm 26/02, 49% người được hỏi phản đối việc cấp tên lửa tầm xa cho Ukraina, trong lúc có 35% ủng hộ.
----------