Những Chuyện Tại VN Khó Tưởng Tượng Nổi
Tác giả : Đoàn Dự | Nguồn: Thời Báo Canada | Ngày đăng: 2024-03-05 |
H.1. Bị cáo Trần Năn Hà nghe tòa tuyên án 15 tháng tù, đằng suu là LS biện hộ miễn phí
Bị còng cả hai tay nhưng vẫn siết cổ công an
Ngày 21/12/2023, ông Trần Văn Hà, còn gọi là “Tám cùi”, bị TAND huyện Tư Nghĩa tỉnh Quảng Ngãi xét xử lưu động tại Nhà văn hóa xã Nghĩa Trung, tuyên phạt 15 tháng tù về tội Chống người thi hành công vụ.
Ông Hà từng có tiền án về tội Cố ý gây thương tích cho người khác .
Theo cáo trạng, đầu tháng 8, ông Hà uống rượu say, la lối gây mất trật tự và đánh một bé trai. Công an xã Nghĩa Trung đến mời về làm việc, ông Hà không chấp hành, chửi bới rồi vào nhà lấy dao đe dọa. Khi công an xã thuyết phục, ông ta vung dao chém trúng vai nhân viên này. Ông Hà bị công an khống chế, còng tay, đưa lên xe máy chở về trụ sở công an. Trên đường đi, ông ta bất ngờ choàng hai tay đã bị còng ra phía trước siết chăt cổ người công an cầm lái, khiến xe đổ nhào. Người công an bị thương nhưng không nặng lắm. Ông Hà bị kết án 15 tháng tù, nhiều người cho là nhẹ vì “già rồi (66 tuổi) mà còn hung dữ, ngỗ ngược”.
Tội ác trong cơn ảo giác của gã nghịch tử
Vũ Văn Tâm, 33 tuổi, bị TAND TP HCM xét xử về tội Giết người theo khoản 4 Điều 123 Bộ luật Hình sự, khung hình phạt cao nhất là tử hình, sau hai năm phải điều trị bắt buộc bệnh tâm thần. Nạn nhân là bà Kha – mẹ của Tâm.
H.2 Bị cáo ‘con sát hại mẹ' vì ảo giác ma túy Vũ Văn Tâm tại tòa
Ngồi một mình trong phòng xử hồi tháng 4, Tâm thỉnh thoảng nhìn ra cửa tìm người thân, vẻ nôn nóng. Có mặt sau đó, chị Hiếu (31 tuổi, vợ Tâm) mang theo tấm ảnh hai con gái sinh đôi để chồng biết mặt. Trong lúc chờ HĐXX làm việc, Tâm quay xuống dưới hỏi thăm vợ về các con.
Khai với tòa, Tâm cho biết sinh ra tại Campuchia và sống cùng mẹ, cha bỏ đi đâu không rõ từ khi bị cáo còn nhỏ. Sau này, Tâm cùng mẹ, chị gái và em trai về Việt Nam sống tại Trà Vinh. Đến năm 2012, Tâm lên TP HCM thuê phòng trọ ở huyện Bình Chánh để sinh sống và làm nghề sửa xe.
Cũng trong thời gian này Tâm sống như vợ chồng với chị Hiếu, đến năm 2018 mới đăng ký kết hôn. Phát giác chồng sử dụng ma túy, có biểu hiện bất thường, người vợ nhiều lần khuyên nhủ không được nên cuộc sống thường xảy ra cãi vã.
Tâm bỏ về quê sống với mẹ. Khi biết chị Hiếu có thai, anh ta quay lại Sài Gòn thuê nhà ở gần đó để mở tiệm sửa xe và qua lại chăm sóc vợ. Khoảng tháng 3/2019, vợ Tâm sinh đôi, bà Kha lên Sài Gòn phụ chăm sóc con dâu và các cháu.
Cáo trạng xác định, ngày 16/4/2019, biết Tâm tự dùng thanh sắt đâm vào mắt mình gây thương tích nên bà Kha qua tiệm đưa đi khám và ở lại chăm sóc con trai. Đêm hôm sau, thấy con trai không ngủ, liên tục đi lại trong nhà nên bà lại gần hỏi thăm. Bất ngờ, Tâm vớ con dao đâm nhiều nhát vào cổ và thân thể mẹ mình dẫn đến tử vong. Tâm tiếp tục tự đâm mình nhưng chỉ bị xây xát nhẹ. Tiếp đó, hắn cầm dao chạy ra đường, sang nhà hàng xóm đuổi chém nhiều người khiến họ hoảng loạn. Một nạn nhân bị Tâm đuổi chém đã tước được con dao, cùng người dân khống chế anh ta giao công an.
Nhà chức trách xác định, trước trong và sau khi gây án bị cáo mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, nguyên nhân gây bệnh tâm thần là do sử dụng ma tuý. Cơ quan giám định pháp y kết luận, sau thời gian điều trị bắt buộc, hiện bệnh của bị cáo đã ổn định, đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi để làm việc với các cơ quan pháp luật.
Ánh mắt vô hồn, Tâm nhiều lần tự ý ngồi xuống trong lúc đại diện VKS công bố cáo trạng buộc HĐXX phải nhắc nhở “tuân thủ đúng nội quy phiên tòa”. Bị cáo thừa nhận năm 2006 khi còn sống ở Campuchia từng sử dụng ma túy đá. Sau thời gian dài tự cai, năm 2017 bị cáo gặp lại người quen, bị rủ rê nên mỗi ngày mất 200.000-300.000 đồng chơi ma túy, có khi một tuần mới dùng một lần.
Anh ta cho biết, khi vợ biết và khuyên ngăn, cuộc sống lại thêm khó khăn nên đã ngưng một thời gian, nhưng vì đã nghiện nên không bỏ được. 5-7 ngày trước khi gây án với mẹ ruột, bị cáo có sử dụng ma tuý.
Trả lời về nguyên nhân sát hại mẹ, Tâm nói: “Lúc đó bị cáo cứ nghĩ hai mẹ con bị một thế lực nào đó bắt đi. Bị cáo không ngủ được vì có nhiều âm thanh trong đầu xúi giục 'giải thoát cho mẹ thì vợ con sẽ được bình yên'”. Anh ta cũng giải thích việc cầm dao chạy ra ngoài đường không phải để giết người khác mà là chém vào cửa kính “để thoát ra khỏi thế giới tâm linh ấy”.
Thẩm phán đặt thêm nhiều câu hỏi để kiểm tra khả năng nhận thức của Tâm tại thời điểm hiện tại, song Tâm nhiều lần trả lời với nội dung bất thường. Tâm khai rất thương mẹ, không có mâu thuẫn gì, chỉ hối hận về việc mình đã sử dụng ma túy, còn việc sát hại mẹ là “để cho bả được siêu thoát và vợ con được bình yên”.
“Bị cáo đứng đây là để cho hội đồng xét xử xem xét. Bị cáo xin được hưởng một bản án tốt nhất”, Tâm trình bày nguyện vọng. Nhưng ngay sau đó, anh ta lại nói rằng, hình phạt tử hình cũng là tốt nhất vì “bị cáo phải trả giá về hành vi của mình”.
Được gọi lên thẩm vấn, chị Hiếu cho biết khoảng giữa năm 2018 thì chồng “phát bệnh”. Anh ta thường đi lượm ảnh, đồ vật của nhiều người bỏ ngoài nghĩa trang mang về phòng riêng để thờ và không cho ai vào. “Có lúc mắt anh ấy lờ đờ, bỏ ăn. Hôm đầy tháng con, thấy chồng tự đâm vào mắt mình, người đầy máu nên tôi nói mẹ đưa ảnh đi khám. Tối hôm đó bà qua tiệm ngủ để chăm sóc ảnh thì xảy ra chuyện”, chị này nói, thêm rằng thường ngày Tâm là người rất có hiếu, thương mẹ và vợ con.
Từ Trà Vinh lên dự tòa, chị của Tâm cho biết, lúc nhận tin em sát hại mẹ đã nghĩ nguyên nhân là ma tuý. Chị đứng ra lo chi phí mai táng cho mẹ, không yêu cầu Tâm phải bồi thường.
Sau nhiều giờ thẩm vấn, HĐXX cho rằng còn nhiều vấn đề cần được làm rõ về khả năng nhận thức và tình trạng bệnh tâm thần của bị cáo nên quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Dùng búa, dao, sát hại chồng và cha chồng rồi tự tử
H.3 Bị cáo Nguyễn Thị Viên chém chồng và bố chồng rồi tự tử
Ngày 7/7, Công an tỉnh Bắc Ninh đã khởi tố, bắt tạm giam bị can Nguyễn Thị Viên (55 tuổi, cư trú tại xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) về tội “Giết người”.
Theo nhà chức trách, Viên nghi ngờ anh Hợi (là chồng Viên) giấu tiền đi chơi cờ bạc, hai vợ chồng thường xuyên cãi nhau. Sau đó, ông Mộc (93 tuổi, cha chồng Viên) can thiệp chuyện của hai vợ chồng, nên nghi phạm nảy sinh ý định trả thù.
Chiều 25/6, lúc anh Hợi và ông Mộc đang ngủ, Viên lấy búa đập 4 nhát trúng đầu anh Hợi. Người đàn ông này vùng dậy và bỏ chạy ra ngoài đường.
Sau đó, Viên khoá cổng, cầm búa đi vào trong nhà đập liên tiếp nhiều nhát vào đầu ông Mộc. Chưa dừng lại, Viên vứt búa xuống sàn nhà, xuống bếp lấy con dao chọc tiết lợn, đâm nhiều nhát vào đầu, vào mặt ông Mộc. Thấy nạn nhân không cử động nữa, Viên uống thuốc diệt cỏ và dùng dao đâm một nhát vào mạn sườn để tự tử.
Cả ba người sau đó được người dân đưa đi cấp cứu. Tuy nhiên, đến ngày 27/6, ông Mộc tử vong.
Cuộc mổ não không đánh thuốc mê đầu tiên tại Việt Nam
Vừa khoan sọ não, bóc khối u, bác sĩ Đồng Văn Hệ vừa hỏi chuyện vừa nghe bệnh nhân hát bài “Quảng Bình quê ta”, trong cuộc mổ não “tỉnh, thức” đầu tiên tại Việt Nam. Điều này cho thấy bác sĩ tự tin vào khả năng của mình như thế nào.
Để cuộc phẫu thuật thành công, vào ngày 22/3/2019, bác sĩ Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Não và Thần kinh, Phó giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức, cùng ê kíp mất hơn 10 năm chuẩn bị.
H.4 BS Đồng Văn Hệ, GĐ TT Phẫu thuật thần kkinh Hà Nội, Phó GĐ BV Việt Đức Hà Nội
Mổ não “thức, tỉnh” là phương pháp được thực hiện trên não khi người bệnh vẫn tỉnh táo và có nhận thức. Cách này nhằm loại bỏ các khối u ở vị trí khó, bảo toàn các chức năng quan trọng của cơ thể sau mổ. Từ năm 2009, bác sĩ Hệ đã mời các chuyên gia ở châu Âu sang Bệnh viện Việt Đức mổ thị phạm nhưng họ đều từ chối. Ông đành gác lại ước mơ, tiếp tục phẫu thuật nội soi gây mê như trước. Tuy nhiên, kỹ thuật này không thể can thiệp vùng u khó, trong khi chi phí giữa mổ nội soi và thức tỉnh không chênh lệnh gì mấy. Điều này khiến bác sĩ trăn trở khi chứng kiến bệnh nhân phải nhiều lần chịu đau đớn do bệnh viện không thể xử lý toàn bộ khối u trong một cuộc mổ.
Thay đổi hướng tiếp cận, bác sĩ Hệ mời chuyên gia Nhật Bản sang thăm bệnh viện và khảo sát trang thiết bị, chuẩn bị ca mổ thị phạm đầu tiên vào cuối năm 2018. Nam bệnh nhân 36 tuổi, từng được mổ não nhưng không thể lấy hết khối u do chúng nằm ở vị trí khó, hệ quả là bệnh nhân vẫn bị đau đầu và bị động kinh.
Sau nghiên cứu, bác sĩ Hệ quyết định mổ não “thức, tỉnh” với sự hỗ trợ của hai chuyên gia Nhật Bản. Bệnh nhân được gây tê để tránh đau khi rạch da, còn lại tâm trí tỉnh táo, nói chuyện và hát, cử động tay chân theo yêu cầu của bác sĩ. Sau mổ, người bệnh tỉnh táo, sức khỏe ổn định, không có di chứng.
“Đây là bước ngoặt của bác sĩ phẫu thuật não, giúp cắt được khối u nhiều nhất có thể mà vẫn bảo vệ được các chức năng nói và vận động của bệnh nhân”, ông Hệ chia sẻ.
Sau hai ca mổ thị phạm, bệnh nhân 55 tuổi, ở Quảng Bình, là người đầu tiên được các bác sĩ Việt Nam lấy trọn khối u não bằng phương pháp tỉnh thức. Hiện, người đàn ông khỏe mạnh, không có di chứng sau 4 năm.
H.5 BS Hệ (giữa) và ê kíp đang phẫu thuật u não cho một bệnh nhân
Trước đó, ông bị đau đầu, tê bì và yếu tay, đi khám phát giác u não. Nếu không phẫu thuật, bệnh nhân chịu di chứng đau đớn hoặc phải trải qua nhiều cuộc đại phẫu mới có thể lấy trọn khối u. Trường hợp cố gắng lấy hết khối u trong một lần, nguy cơ chạm vào dây thần kinh quan trọng hoặc di chứng, thậm chí đánh đổi tính mạng.
Sau hội chẩn, bác sĩ quyết định mổ thức tỉnh để bảo vệ chức năng não, giúp bệnh nhân làm việc và giao tiếp được sau mổ. Suốt một giờ, người bệnh tỉnh táo, nghe hiểu những điều kíp mổ nói, tiếng động của dụng cụ phẫu thuật, máy móc và thao tác của bác sĩ. Nhờ đó, bác sĩ xác định được dây thần kinh vận động, quan sát trực tiếp và xử lý khối u chính xác hơn, không gây ra tổn thương nghiêm trọng.
“Ca mổ diễn ra trong ba tiếng nhưng chúng tôi mất 10 năm chuẩn bị, điều tiến bộ nhất là có thể cắt trọn vẹn khối u ở vị trí khó”, bác sĩ Hệ nói. Ông cũng là người khai mở cho phẫu thuật thức tỉnh tại Việt Nam, sau hai ca mổ có sự hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài.
Đến nay, hơn 10 trường hợp được mổ não theo phương pháp thức tỉnh. Các bệnh nhân đều phục hồi tốt, không có di chứng. Chi phí ca mổ tương đương mổ truyền thống.
Bác sĩ Hệ đến với ngành y do mẹ mắc bệnh phổi mạn tính, ngược xuôi khắp các bệnh viện để chạy chữa. Được anh trai khuyến khích, ông thi ĐH Y Hà Nội, chắt chiu, thậm chí nhịn đói để theo học. Năm 1989-1990, chàng trai đỗ thủ khoa kỳ thi nội trú, sau đó được cử sang Pháp học. Trở về, ông công tác tại Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, đồng thời là giảng viên ĐH Y Hà Nội.
“Khi ấy là nghề chọn mình, chứ không vì lương bổng hay gia đình có người làm ngành y”, bác sĩ Hệ nói, cho rằng “hiện nghề đã thành nghiệp, 24 giờ mỗi ngày không đủ”.
Nhiều năm làm nghề, bác sĩ Hệ tự nhủ may mắn khi được học ở các nước có nền y tế phát triển, mang về nhiều kỹ thuật hiện đại, thực hiện đa dạng ca phẫu thuật u não, nền sọ, mạch máu não, dị dạng, phẫu thuật thần kinh chức năng, thần kinh nhi.
Đến nay, ca mổ dài nhất do ông phẫu thuật kéo dài 19 tiếng, trên bệnh nhân nữ ngoài 40 tuổi, bị u màng não ở xương nền sọ. “Khối u rắn chắc như cục đá, các dây thần kinh bao quanh như rễ cây tua tủa, mềm oặt, nếu nhấc bổng khối u lên sẽ khiến bệnh nhân tử vong hoặc di chứng suốt đời”. Bác sĩ phải dùng máy, tỉ mẩn mài sọ đồng thời bơm nước tránh để máy mài bị nóng, gây ảnh hưởng dây thần kinh và não.
Trong cuộc mổ dài, các bác sĩ thường thay phiên ra ngoài ăn uống nhẹ, thay quần áo mổ, riêng găng tay phải thay hai tiếng một lần để đảm bảo vô trùng. Sau phẫu thuật, bệnh nhân phục hồi hoàn toàn.
“Tất nhiên là mệt, nhưng đây là trách nhiệm và đứng mãi thành quen. Trong phòng mổ, thời gian dường như không còn tồn tại, đến khi kết thúc thì ai cũng mệt nhoài”, bác sĩ nói, cho biết “nếu không yêu nghề thì khó theo đuổi được lâu dài”.
Gần 40 năm gắn bó ngành y, bác sĩ Hệ không hối hận vì theo đuổi công việc này. Ông ví phòng mổ của mình là nơi “tái sinh” những bộ não và “nếu đã chọn thì phải trực tiếp xông pha trận mạc mới trưởng thành”.
Mỗi khi nói về sự nghiệp, bác sĩ Hệ đều tri ân những thầy lớn đã dìu dắt, nhận mình chỉ là học trò. Còn ông khuyên thế hệ bác sĩ trẻ phải xem bệnh nhân như người nhà để chữa trị, bởi mỗi một ca bệnh là một bài học, một trải nghiệm, một cơ hội trau dồi.
“Để đền đáp người bệnh, cách tốt nhất là trở thành bác sĩ tốt và điều trị bằng tất cả khả năng của mình”, ông chia sẻ.
Đoàn Dự
----------