Nhiều lực lượng phương Tây “không trực tiếp tham chiến” đã có mặt ở Ukraina
Tác giả : Trọng Thành | Nguồn: RFI | Ngày đăng: 2024-03-07 |
Tuyên bố của tổng thống Pháp ngày 26/02/2024 không loại trừ các đồng minh “chính thức” gửi lực lượng quân sự đến Ukraina để hỗ trợ Kiev chống xâm lược Nga, đã gây bất đồng sâu sắc tại nhiều nước phương Tây, đặc biệt là tại Đức, do lo ngại căng thẳng với Nga bùng phát thành xung đột giữa NATO và Nga. Tuy nhiên, theo giới quan sát, tuyên bố gây sốc của tổng thống Pháp làm nổi bật lên thực tế là đã có nhiều lực lượng quân sự phương Tây có mặt tại Ukraina.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (P) và đồng nhiệm Ukraina Volodymyr Zelensky (T) tại điện Elysée, Paris, ngày 16/02/2024. via REUTERS - POOL
Trước hết về phía nước Pháp, trả lời đài France Info, tướng Jérôme Pellistrandi, giám đốc tạp chí Quốc phòng (Revue Défense Nationale), nhận định : “Hiện tại, nước Pháp không có các đơn vị trực tiếp tham chiến, hay tham gia vào các hoạt động tác chiến tại Ukraina. Nhưng ngược lại, khi Paris cung cấp vũ khí cho Ukraina, chúng ta cần hình dung là người Pháp phải có mặt tại chỗ để hỗ trợ sử dụng các thiết bị quân sự này, để giúp bảo dưỡng, để cung cấp thông tin”. Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Pháp giải thích : “Hiện tại bộ Quân Lực Pháp không thể chính thức khẳng định điều này, cũng như không thể nói gì về các nhân viên thuộc lực lượng tình báo đối ngoại DGSE (trực thuộc bộ Quân Lực) hiện diện tại Ukraina.”
Theo tướng Pháp Jérôme Pellistrandi, không chỉ có Pháp, mà Mỹ và Anh cũng cử các nhân viên tình báo đến Ukraina. Trả lời báo Le Monde, một nguồn tin ngoại giao Ukraina khẳng định “tất cả các quốc gia đồng minh” đều có lực lượng quân sự tại Ukraina, tuy không phải “các đơn vị trực tiếp tham chiến”.
Tình báo và đặc nhiệm phương Tây đã hiện diện
Thông tin mật rò rỉ từ nội bộ giới quân sự Đức, mà Nga công bố hôm 01/03/2024, cho thấy, ngoài phương án chuyển giao tên lửa tầm xa Taurus cho Ukraina, trao đổi giữa các sĩ quan Đức còn để lộ ra nhiều chi tiết về sự hiện quân sự Pháp và Anh trên đất Ukraina, “gây phản ứng dữ dội hiếm thấy tại Luân Đôn”. Trên thực tế, Anh là quốc gia được coi là công khai nhất trong việc khẳng định sự hiện diện của các lực lượng nước này. Cuối tháng 2022, một cựu chỉ huy Thủy Quân Lục Chiến Hoàng gia Anh, ông Robert Magowan, thừa nhận, “một số lực lượng đặc nhiệm Anh đã tiến hành các hoạt động bí mật trong một môi trường cực kỳ nhạy cảm.” Đây là lần đầu tiên một quan chức quân sự Anh thừa nhận điều này. Ngày 27/02/2024, tức một ngày sau tuyên bố gây sốc của tổng thống Pháp, phát ngôn viên của thủ tướng Anh thừa nhận “có một số lượng nhỏ” người Anh có mặt tại chỗ “để hỗ trợ các lực lượng vũ trang Ukraina”.
Cuối tháng 2/2024 vừa qua, báo Mỹ New York Times công bố nhiều thông tin hiếm có về các hoạt động của cơ quan tình báo Mỹ CIA tại Ukraina, trong một bài viết dài mười trang khổ A4, với tiêu đề “CIA bí mật giúp Ukraina chiến đấu chống Putin như thế nào.” Nhiều thông tin được coi là lần đầu tiên được giải mật. New York Times cho biết, kể từ sau cuộc cách mạng Maidan 2014, CIA bắt đầu hợp tác với chính quyền Kiev để đối phó với các tham vọng của Nga.
12 căn cứ của CIA
Các hợp tác trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm do các biến động chính trị rất lớn tại Ukraina. Trước thời điểm Nga tấn công Ukraina, cơ quan tình báo Mỹ có tổng cộng 12 căn cứ, được bố trí dọc theo biên giới với Nga, giúp Washington dự báo trước được cuộc xâm lăng ngày 24/02/2022 của Nga. Phóng viên New York Times đã trực tiếp đến thăm một trong các căn cứ nói trên.
Theo New York Times, trong cuộc chiến tranh chống xâm lược Nga hai năm vừa qua, các lực lượng tình báo Mỹ đã cung cấp cho phía Ukraina nhiều thông tin quý giá “về các địa điểm Nga chuẩn bị tấn công, các vũ khí có thể được sử dụng”, “một số sĩ quan CIA cũng được cử đến các căn cứ của quân đội Ukraina, để phối hợp xem xét các mục tiêu của Nga mà Ukraina chuẩn bị tấn công, đối chiếu các thông tin tình báo hai bên có được để bảo đảm xác định chính xác mục tiêu”.
Hướng dẫn sử dụng vũ khí tại chỗ
Việc sử dụng các phương tiện vũ khí hiện đại, đặc biệt là tên lửa tầm xa, mà các nước phương Tây viện trợ cho Ukraina, cũng đòi hỏi sự có mặt tại chỗ của các nhân viên quân sự các nước cung cấp phương tiện, để giúp cho việc hiệu chỉnh mục tiêu. Đây là điều mà thủ tướng Đức Olaf Scholz đưa ra để giải thích vì sao Đức không muốn viện trợ cho Ukraina tên lửa Taurus, có tầm bắn hơn 500 km. Phát biểu ngụ ý khẳng định các nước như Anh và Pháp đã cử người đến hỗ trợ Ukraina sử dụng các tên lửa tầm xa do Luân Đôn và Paris cung cấp. Đây là điều mà Anh đã bác bỏ, nhưng Pháp thì không, theo Le Monde.
Về sự hiện diện của các lực lượng quân sự phương Tây tại Ukraina, báo mạng Mediapart có một bài viết đáng chú ý, đăng tải hôm 29/02/2024, cho biết thêm về hoạt động của các đơn vị vũ trang, chịu trách nhiệm bảo vệ các sứ quán. Cuối năm 2022, Lầu Năm Góc xác nhận đã cử một số đơn vị nhỏ, thuộc lực lượng Thủy Quân Lục Chiến, ngoài việc bảo vệ sứ quán, còn có nhiệm vụ “giám sát” các vũ khí phương Tây viện trợ cho Kiev. Mediapart nhắc lại là, ngay từ tháng 4/2022, báo chí Anh đã tiết lộ việc Luân Đôn cử các sĩ quan huấn luyện Anh đến đào tạo các lực lượng Ukraina tại khu vực gần thủ đô Kiev.
Macron chuẩn bị cho lực lượng phương Tây chính thức hiện diện ?
Trong bối cảnh nhiều nước phương Tây đã có lực lượng “không trực tiếp tham chiến” tại Ukraina để hỗ trợ Kiev chống xâm lược Nga, tuyên bố không loại trừ khả năng cử các lực lượng phương Tây đến Ukraina của tổng thống Pháp có ý nghĩa gì ? Trả lời RFI, nhà nghiên cứu Vincent Tourret, Viện Nghiên cứu Chiến lược (Fondation de recherche stratégique), Đại học Montréal, Canada, nhấn mạnh đến một thông điệp ít được công chúng chú ý trong tuyên bố của tổng thống Pháp, nhưng có thể là “rất rõ ràng” đối với Nga.
Ngoài việc mở đường cho việc chính thức hóa sự hiện diện của các lực lượng quân sự phương Tây không trực tiếp tham chiến, tuyên bố của tổng thống Pháp cũng nhấn mạnh đến vấn đề “an toàn của các lực lượng phương Tây”. Theo chuyên gia Vincent Tourret, điện Elysée muốn khẳng định với Matxcơva rằng tính mạng của các binh sĩ phương Tây được cử đến Ukraina là “lằn ranh đỏ”, cho thấy quyết tâm của đồng minh Ukraina sẵn sàng đối mặt với chế độ Putin.
Theo chuyên gia quân sự Olivier Schmitt, Đại học Nam Đan Mạch, được Mediapart trích dẫn, vấn đề cử công binh cũng như nhân viên quân sự phụ trách khâu hậu cần, nhân viên chiến tranh điện tử… đã được các nước châu Âu bắt đầu bàn đến từ tháng 11/2023. Ngày 05/03, tổng thống CH Séc Petr Pavel là lãnh đạo châu Âu đầu tiên chính thức ủng hộ quan điểm của tổng thống Pháp, khẳng định “đồng tình với việc tìm kiếm các biện pháp mới, bao gồm thảo luận về việc đưa lực lượng đến Ukraina” cho dù không phải là “các lực lượng tác chiến”, vốn vẫn được coi là “lằn ranh đỏ” giữa NATO và Nga.
Khối NATO, mà Pháp là một thành viên, không đối đầu quân sự trực tiếp với Nga, không cử quân đội tham chiến trực tiếp chống Nga tại Ukraina, nhưng “các lực lượng quân sự không trực tiếp tham chiến” thì có thể được triển khai, để không cho Nga chiến thắng tại Ukraina. Đó là cảnh cáo mạnh mẽ của tổng thống Pháp gửi đến Matxcơva, và cũng là lời hiệu triệu của Paris gửi đến các đồng minh, đối tác của Kiev.
----------