Nga đã nghe lén cuộc họp trực tuyến của tướng Không quân Đức như thế nào?
Tác giả : Jessica Parker Nguồn: BBC Ngày đăng: 2024-03-08
Dường như Chuẩn tướng Frank Gräfe đã sử dụng một đường dây không an toàn để đàm thoại với các quan chức Không quân Đức
Lúc bấy giờ đã gần nửa đêm ở Singapore.
Một sĩ quan cấp cao của Không quân Đức (Luftwaffe) đang ở trong phòng khách sạn của mình.
Ông đến đây để gặp gỡ các nhà sản xuất trong ngành quốc phòng tại triển lãm hàng không lớn nhất châu Á.
Ông vừa trải qua một ngày dài, nhưng vẫn chưa thể đi ngủ ngay được.
Chuẩn tướng Frank Gräfe phải thực hiện một cuộc gọi để bàn công việc với cấp trên của mình – tư lệnh Không quân Đức.
Đấy không phải là điều gì to tát với người đứng đầu Ban tác chiến Không quân. Giọng ông có vẻ thoải mái khi kể cho hai đồng nghiệp nghe về căn phòng có “view” siêu đẹp, về việc ông mới đi uống tí chất cồn ở khách sạn kế bên, nơi có bể bơi tuyệt vời.
“Cũng không nhọc nhằn lắm nhỉ,” một người bình phẩm.
Sau rốt, viên tư lệnh là Trung tướng Ingo Gerhartz tham gia cuộc gọi (một hình thức họp trực tuyến) – và họ bắt đầu. Trong vòng 40 phút tiếp theo, nhóm dường như đề cập đến các vấn đề quân sự nhạy cảm, bao gồm cuộc tranh luận đang diễn ra về việc liệu Đức có nên chuyển tên lửa hành trình Taurus đến Ukraine hay không.
Điều mà những người tham gia cuộc họp trực tuyến không hề hay biết là họ đang bị nghe lén – và cuộc trò chuyện của họ đang được ghi âm.
Hai tuần sau khi cuộc gọi diễn ra, băng ghi âm đã bị kênh truyền hình RT của nhà nước Nga tiết lộ.
Các thành viên của lực lượng Không quân Đức trước một máy bay vận tải quân sự Airbus SE A400M Atlas tại Triển lãm Hàng không Singapore 2024
Phía Đức chưa bình luận về việc liệu đã có sự can thiệp, chỉnh sửa đối với băng ghi âm hay chưa – nhưng họ xác nhận cuộc gọi đã diễn ra và họ cho rằng gián điệp Nga đã nghe trộm.
Theo chính phủ Đức thì người của họ ở Singapore đã gây ra “một vụ rò rỉ dữ liệu”.
Phía Đức không nêu tên một cách chính thức, nhưng ngụ ý rằng chính Frank Gräfe đã vô tình để gián điệp xâm nhập cuộc gọi.
Chẳng bao lâu sau, cuộc thảo luận lẽ ra là rất bí mật của họ đã được loan đi trên phương tiện truyền thông của nhà nước Nga và lan tỏa khắp thế giới.
Giờ thì ai cũng biết nội dung chi tiết của cuộc họp trực tuyến ấy.
Bốn người đã thảo luận về những mục tiêu mà tên lửa Taurus của Đức lẽ ra đã có thể tiêu diệt nếu Thủ tướng Olaf Scholz đồng ý chuyển cho Kyiv – một vấn đề gây tranh cãi tại Đức.
Rồi họ đề cập đến chuyện chuyển giao vũ khí của Pháp và Anh, trong đó có chi tiết vô cùng nhạy cảm rằng “một vài” nhân viên người Anh được cho là đã có mặt tại Ukraine.
Nhưng làm sao điệp viên có thể nghe trộm được?
Đến nay, câu trả lời mà chúng ta nhận được là do lỗi của con người, một kiểu nói giảm nói tránh.
Theo giới chức Đức, vụ “rò rỉ dữ liệu” chỉ là do một người tham gia cuộc gọi đã sử dụng một đường truyền không an toàn, có thể là qua điện thoại di động hoặc kết nối internet không dây của khách sạn.
Cơ quan chức năng Đức nói rằng cụ thể cách thức gọi như thế nào hiện vẫn “đang được làm rõ”.
“Tôi nghĩ đây là một bài học lớn cho mọi người: không bao giờ sử dụng internet của khách sạn nếu muốn thực hiện một cuộc gọi an toàn,” Đại sứ Đức tại Vương quốc Anh Miguel Berger nói với BBC tuần này. Một số người có thể cảm thấy lời khuyên trên đã đến quá muộn.
Thật ngạc nhiên khi biết cuộc gọi được thực hiện thông qua nền tảng WebEx thông dụng – nhưng Berlin khẳng định rằng các quan chức này đã dùng một phiên bản có giấy phép, đặc biệt an toàn.
Tên lửa Taurus do Đức và Thụy Điển sản xuất là một chủ đề trong cuộc đàm thoại bị nghe lén
Giáo sư Alan Woodward từ Trung tâm An ninh mạng Surrey nói rằng WebEx thực sự cung cấp mã hóa đầu cuối “nếu người ta dùng chính ứng dụng đó”.
Nhưng việc sử dụng đường điện thoại hoặc mạng wifi mở của khách sạn có thể khiến bảo mật không được đảm bảo nữa – và giờ có thể thấy là các điệp viên Nga đã chờ sẵn để đột nhập rồi.
Giáo sư Woodward nói rằng gián điệp “có lẽ đã lảng vảng quanh Triển lãm Hàng không Singapore”.
Sự kiện hai năm một lần, năm nay diễn ra từ ngày 20 đến 25 tháng 2, thường thu hút các nhân vật cấp cao từ chính phủ, quân đội và ngành công nghiệp hàng không.
Với các điệp viên, “khi có sự kiện như vậy, hẳn sẽ rất hữu dụng nếu họ ngồi đâu đó trong bãi đậu xe hoặc thuê một phòng khách sạn,” giáo sư Woodward nói.
Về mặt lý thuyết, Nga có thể đã sử dụng ăng ten tầm xa kết hợp với chương trình máy tính để tiếp cận dữ liệu được truyền trong mạng cục bộ.
“Nghe lén kiểu này cơ bản cũng giống như vặn một loạt tay nắm cửa thử xem thế nào,” giáo sư Woodward ví von. “Cuối cùng bạn sẽ tìm thấy một cánh cửa nào đó không khóa.”
Giới chức Đức đang tìm hiểu cách thức mà thủ phạm đã sử dụng để nghe lén
Henning Seidler, một nhà nghiên cứu về mã hóa tại Berlin, nói rằng khả năng cao nhất là vị sĩ quan đã gọi qua điện thoại di động và cuộc gọi đã bị ăng ten của điệp viên bắt sóng được, từ đó “chuyển tiếp” dữ liệu lên ăng ten chính thức.
Nhưng làm như vậy thì “họ sẽ nghe và ghi lại mọi thứ được truyền đi”.
“Kiểu này cũng giống như đánh cá bằng thuốc nổ. Người ta cứ ném thuốc nổ vào hồ rồi xem sau đó cá nào sẽ trồi lên.”
“Và đây có lẽ là mẻ cá ngon nhất mà họ đánh được.”
Phía Berlin đang tìm cách loại bỏ một giả thuyết đang được lan truyền – rằng một điệp viên Nga đã gọi vào và có mặt trong cuộc họp trực tuyến mà không ai nhận ra.
Và trong khi điều tra xem điều gì đã xảy ra, chính phủ Đức đang tìm cách nhấn mạnh rằng về cơ bản đây là lỗi của một người.
Họ lập luận rằng màn bủa lưới trên diện rộng đã tình cờ bắt được cuộc gọi. Các điệp viên đã gặp may, còn người Đức thì không.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã bác bỏ khả năng có một điệp viên Nga lọt vào cuộc họp trực tuyến nói trên
Roderich Kiesewetter, cựu sĩ quan cấp cao của quân đội và là dân biểu Bundestag (Hạ viện), là một trong những người không hoàn toàn tin vào lời biện hộ “điều này có thể xảy ra với bất kỳ ai”.
“Người ta tìm cách biện bạch cho thảm họa này,” ông Kiesewetter, người cũng đã làm việc tại liên minh quân sự NATO và là thành viên của đảng đối lập bảo thủ CDU của Đức, nói.
Ông cho rằng tâm lý “thời bình” đã tạo điều kiện cho tâm lý chủ quan nảy mầm.
“Đó có thể là một lỗi cá nhân,” ông Kiesewetter nói. “Tuy nhiên, đó là tín hiệu của một thất bại mang tính hệ thống.”
Ông cũng cho rằng Đức là một “mục tiêu dễ bị tấn công”, một phần do “mối tình với Nga” từ Thế chiến II.
Có những lo ngại rằng Đức có lỗ hổng an ninh mang tính hệ thống
Nhưng các nhân vật trong chính phủ Đức cảm thấy ngày càng khó chịu với những ý kiến cho rằng họ hơi mềm mỏng với Nga, nhất là sau khi Đức đã tặng nhiều vũ khí cho Ukraine hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở châu Âu.
Các bộ trưởng cũng cho rằng Moscow đã cố ý phát băng ghi âm vào đúng ngày tang lễ của nhà lãnh đạo đối lập Alexei Navalny để phân tán dư luận trong nước và gây chia rẽ ở nước ngoài.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius trong tuần này đã nói rằng “chúng ta không được phép sa vào” cái trò chơi “xảo trá” mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đang bày ra.
Nga không xác nhận hoặc phủ nhận việc cơ quan tình báo của nước này đứng sau vụ nghe lén.
Nhưng bất kể là ai đã đột nhập vào một đường truyền không an toàn trong một phòng khách sạn ở Singapore vào một đêm cuối tháng Hai, vụ rò rỉ này đã gây tổn hại cho nước Đức.
Sự vụ này tiếp tục làm phơi lộ các bất đồng nội bộ về việc có nên chuyển tên lửa Taurus đến Ukraine hay không. Nó cũng kích thích một cuộc thảo luận rộng hơn về những điểm yếu quốc phòng và an ninh của đất nước.
Ở Berlin, người ta đang mong rằng vụ rò rỉ này là một sự cố cá biệt – chứ không phải là phần chóp nổi của một tảng băng lớn.
----------