Bầu cử Mỹ không chỉ có Trump và Biden
Tác giả : Joaquin Nguyễn Hòa Nguồn: BBC Ngày đăng: 2024-03-09
Một ứng cử viên Thượng viện Hoa Kỳ cũng từ Đảng Dân chủ, bà Katie Porter
Joe Biden và Donald Trump là hai cái tên đang “chiếm sóng” trong năm bầu cử 2024, nhưng thực ra lá phiếu của cử tri Mỹ không chỉ là chuyện ai sẽ làm chủ Nhà Trắng.
Có bao nhiêu người Mỹ biết rằng tháng 11 tới đây hai ông Joseph Biden, đương kim tổng thống, và Donald Trump, cựu tổng thống, sẽ tranh chức tổng thống nhiệm kỳ 2025-2029? Chắc chắn là rất nhiều!
Bao nhiêu người trong số họ không biết tên ông, hay bà thị trưởng của thành phố mà họ đang sống? Chắc cũng không ít. Biết về các chức vụ dân cử nho nhỏ khác có lẽ còn ít hơn.
Người thiểu số di dân mới đến Mỹ, như người Việt chẳng hạn, chắc còn ít để ý hơn nữa, trừ những ngoại lệ như khu vực Orange County (Quận Cam), hay San Jose của California, nơi có các ứng cử viên người Việt tranh chức với nhau, và các tờ báo tiếng Việt liên tục đề cập đến họ.
Và ngoài ra, trong lá phiếu bầu cử còn có những điều luật mới, những chính sách mới, rất ít được nói đến trên truyền thông.
Trước cuộc bầu cử lớn nhất vào tháng 11, bốn năm một lần, là bầu cử sơ bộ để hai đảng chính là Cộng hòa và Dân chủ chọn ứng cử viên của mình, được các tiểu bang tổ chức riêng. Nhưng trong cuộc bầu cử này cũng có những điều luật, chính sách mới được đưa ra hỏi ý cử tri.
Cuộc bầu cử sơ bộ tại California diễn ra vào thứ Ba, ngày 5/3/2024. Hai cái tên Biden Trump được nhắc đến liên tục, thú vị ở chỗ người ta bàn nhiều mặc dù biết chắc chắn hai ông đều thắng.
Hai tên tuổi khác cũng được nhắc nhiều là ông Adam Schiff và bà Katie Porter, đều là đương chức dân biểu liên bang, đều thuộc Đảng Dân chủ, tranh giành nhau vị trí ứng cử viên cho chức vụ thượng nghị sĩ liên bang đang để trống sau cái chết của bà Dianne Feinstein. Kết quả là ông Schiff thắng, bà Porter bị đẩy xuống vị trí thứ ba, không được tranh cử vào tháng 11.
Cả hai, ông Schiff và bà Porter, đều rất nổi tiếng trên truyền thông.
Những điều ‘nhỏ nhặt’
Ứng cử viên Thượng viện Hoa Kỳ Dân từ Đảng Dân chủ, ông Adam Schiff
Trong phiếu bầu cử có đề nghị số 1 (Proposition 1, viết tắt là Prop 1), ít ai để ý, hoàn toàn không nổi tiếng như hai ngôi sao Schiff và Porter.
Nếu Prop 1 được thông qua thì tiểu bang California sẽ dùng số tiền hơn 6 tỷ đô la để xây nhà cho người vô gia cư, cũng như để có phương tiện điều trị người bị tâm thần. Số tiền này lấy từ thuế thu nhập của những công dân California thu nhập hơn 1 triệu đô la mỗi năm.
Trong hơn 10 người Việt ở vùng Bắc California mà tôi có hỏi chuyện về Prop 1 này thì chỉ có một bác lớn tuổi biết đến và bác bầu “Yes”, đồng ý thông qua dự luật.
Thế nhưng khi hỏi bác ấy là bác có biết tiền lấy từ đâu không, bác trả lời đơn giản là tiền thuế.
Thì tiền chi tiêu nào mà chẳng từ thuế, nhưng số tiền lấy từ thuế của những người giàu kể trên đã được chi tiêu cho các chương trình sức khỏe tâm thần từ mấy năm nay. Cái khác là cho đến hiện nay, nó được thực hiện ở cấp quận hạt, trong nhiều chương trình do các tổ chức bất vụ lợi, hay phi chính phủ thực hiện, theo một Prop khác gọi là Prop 63 được thông qua hồi năm 2004.
Nếu Prop 1 được thông qua thì số tiền hơn 6 tỷ đô la đó sẽ được lấy từ các chương trình cũ của quận hạt để đưa lên tiểu bang, các chương trình ở cấp quận hạt có nguy cơ bị đóng cửa. Bác cử tri gốc Việt mà tôi hỏi chuyện hiện đang nằm trong một chương trình sức khỏe do Prop 63 cung cấp.
Bác bỏ phiếu “Yes” tức là bỏ phiếu kết thúc phúc lợi mình đang hưởng.
Điều đáng nói ở đây là cử tri không để ý đến những điều tưởng như nhỏ nhặt như thế, và thứ hai là họ thiếu thông tin.
Thiếu thông tin ở Mỹ? Nghe vô lý quá, nhưng có thật.
Ông thống đốc Gavin Newsom của California ủng hộ Prop 1, được các bệnh viện lớn, các nhà thầu xây dựng, bỏ tiền ủng hộ chiến dịch vận động cho Prop 1.
Phía chống đối, là các tổ chức đang chăm sóc sức khỏe tâm thần tại quận hạt, không có đồng nào cả.
Đảng phái? Chưa chắc!
Người ta hay nói tới tính lưỡng đảng trong chính trị Hoa Kỳ. Đảng Dân chủ thì chủ trương chi tiêu của chính phủ lớn hơn Đảng Cộng hòa. Rồi những vấn đề xã hội thì Đảng Dân chủ cởi mở hơn,… Điều đó đúng, và có lẽ sự phân cực đi đến cực đoan, khi mà hễ đảng này chủ trương cái gì thì đảng kia chống lại.
Nhưng nhìn vào chi tiết thì chưa chắc.
Các số liệu được thu thập về việc bỏ phiếu cho Prop 1 cho thấy cử tri ủng hộ lẫn chống đối đều có đầy đủ cả hai phe.
Tại San Francisco, thành phố được cho là thống trị bởi chính trị của Đảng Dân chủ, không những Dân chủ mà còn là cấp tiến, đôi khi đi đến cực đoan.
Một dự luật mang tên là Measure F được thông qua. Dự luật này bắt buộc những người nhận tiền mặt trợ cấp của chính phủ phải được kiểm soát có sử dụng ma túy hay không. Nhóm cấp tiến của Đảng Dân chủ thường chống lại những biện pháp kiểu này. Bà London Breed, thị trưởng San Francisco, thuộc Đảng Dân chủ lại ủng hộ Measure F.
Cũng tại San Francisco, Measure E, gia tăng quyền lực cảnh sát, được thông qua. Bà Breed ủng hộ điều này. Mà quyền lực cảnh sát rất hay bị các nhóm cấp tiến, thường có liên quan đến Đảng Dân chủ, chống đối.
Đến sáng sớm ngày 7/3/2024, vẫn chưa có kết quả về Prop 1. Phe đồng ý thông qua đang dẫn điểm, nhưng chỉ có 0,6%. Bác cử tri gốc Việt của tôi vẫn còn hy vọng hưởng được phúc lợi từ địa phương, dù bác “lỡ tay” bỏ “Yes”.
Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một nhà báo từ San Jose, California, Hoa Kỳ.
----------