Cách EU có thể chuyển lợi nhuận tài sản Nga cho Ukraine
Tác giả : Như Tâm Nguồn: VnExpress Ngày đăng: 2024-03-22
EU có thể dùng chính sách "hàng rào khoanh vùng" để tách lợi nhuận phát sinh từ tài sản bị đóng băng của Nga rồi chuyển cho Ukraine để tránh rắc rối pháp lý.
Các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ngày 21/3 đồng ý xúc tiến kế hoạch sử dụng lợi nhuận từ tài sản bị phong tỏa của ngân hàng trung ương Nga để viện trợ Ukraine. "Điều này sẽ tạo ra nguồn tài chính để cung cấp thiết bị quân sự cho Ukraine", Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết.
Sau khi Nga mở chiến dịch tại Ukraine hồi tháng 2/2022, phương Tây đã đáp trả bằng cách tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt, cũng như đóng băng hơn 330 tỷ USD tài sản của ngân hàng trung ương Nga ở nước ngoài. Trong số này, EU đang nắm giữ khoảng 210 tỷ euro (229 tỷ USD) trái phiếu cùng các chứng khoán khác của Nga, hầu hết nằm tại công ty dịch vụ tài chính Bỉ Euroclear.
Với các lệnh trừng phạt hiện tại từ phương Tây, Nga không thể tiếp cận, bán hay hưởng lãi từ những tài sản đó. Do đó, lợi nhuận của Nga vẫn kẹt lại ở nước ngoài. Khi các tài sản do Euroclear quản lý đáo hạn, chúng sẽ được chuyển sang tiền mặt và Euroclear sẽ thay mặt khách hàng để tái đầu tư.
Hồi đầu năm 2023, phương Tây đã tìm cách chuyển toàn bộ số tài sản bị đóng băng của Nga thành nguồn viện trợ cho Ukraine, giúp Kiev xây dựng lại cơ sở hạ tầng, nhà cửa và doanh nghiệp bị phá hủy trong chiến sự. Tuy nhiên, họ nhanh chóng nhận ra phương án này đối mặt với rất nhiều thách thức về mặt pháp lý.
Các tài sản nhà nước như dự trữ của ngân hàng trung ương Nga được bảo vệ bởi khái niệm "quyền miễn trừ chủ quyền", một nhận thức chung rằng quốc gia này sẽ không tịch thu tài sản của quốc gia khác.
"Luật quốc tế về quyền miễn trừ chủ quyền thường bảo vệ tài sản của nhà nước khỏi bị tịch thu", chuyên gia Paul B. Stephen viết trên Tạp chí Luật Thị trường Vốn hồi tháng 6/2022. "Có những trường hợp ngoại lệ, nhưng phạm vi của chúng không rõ ràng".
Một số nhà hoạch định chính sách và luật sư EU lập luận liên minh có thể tịch thu toàn bộ tài sản của Nga theo học thuyết luật quốc tế được biết đến là "biện pháp đáp trả". Theo học thuyết này, bên chịu thiệt hại bởi một hành động sai trái có thể thực hiện biện pháp trái luật nhằm vào bên gây ra thiệt hại để buộc họ phải tuân thủ nghĩa vụ pháp lý. Tài sản Nga sau đó có thể mang đi bán hoặc thế chấp rồi chuyển số tiền thu được cho Ukraine hoặc một quỹ vì mục đích tái thiết.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu tại Brussels, Bỉ ngày 21/3. Ảnh: AFP
Số khác, trong đó có Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), nói việc này đi ngược tiêu chuẩn thông thường. Ngoài ra, việc EU tịch thu toàn bộ khoản tiền bị đóng băng này để chi cho hoạt động tái thiết Ukraine cũng có nguy cơ gây chấn động thị trường quốc tế và làm suy yếu đồng EUR, cũng như làm tổn hại danh tiếng thượng tôn pháp luật của châu Âu.
Những quốc gia khác, như Trung Quốc hay các nước Vùng Vịnh, sẽ lo ngại chuyện tương tự có thể xảy ra với họ và rút tài sản khỏi châu Âu để đề phòng, nguy cơ tạo ra bất ổn.
Nga đã nhiều lần cảnh báo sẽ sử dụng biện pháp pháp lý và "các phương pháp trả đũa khác" nếu EU tịch thu tài sản bị đóng băng của họ và chuyển cho Ukraine.
Các luật sư EU cho biết tịch thu toàn bộ tài sản của Nga sẽ đi ngược các tiêu chuẩn quốc tế, bởi không có quy định cho phép làm như vậy với một quốc gia. Nhưng nếu họ chỉ lấy lợi nhuận từ phần tiền mặt tái đầu tư để chuyển cho Ukraine, hành động này hoàn toàn có thể được biện hộ một cách hợp pháp tại tòa trong trường hợp Nga khởi kiện.
Đó là lý do EC đề xuất giải pháp "hàng rào khoanh vùng" để tách phần lợi nhuận phát sinh từ tài sản Nga bị đóng băng với phần vốn. Theo kế hoạch, 97% lợi nhuận phát sinh từ tài sản bị đóng băng của Nga tính từ ngày 15/2 sẽ được chuyển cho Ukraine. Các công ty như Euroclear sẽ giữ lại 3% để tài trợ cho chi phí vận hành. EU khẳng định kế hoạch này hoàn toàn hợp lý về mặt pháp lý.
Khi EU phê duyệt phương án này trong vài tuần tới, Ukraine có thể nhận khoảng 3 tỷ euro (3,25 tỷ USD) một năm, lên tới 15 tỷ euro cho giai đoạn 2023-2027, tùy theo điều kiện thị trường. Kiev có thể nhận khoản thanh toán đầu tiên sớm nhất vào tháng 7, EC cho biết hôm 20/3.
Về lý thuyết, Bỉ sẽ đánh thuế với khoản lợi nhuận này, nhưng Brussels đã quyết định chuyển toàn bộ cho Kiev. Cụ thể, Bỉ dự kiến thu thuế 1,7 tỷ euro và sẽ chuyển 1,5 tỷ euro cho Ukraine ngay trong năm nay, 200 triệu euro trong năm 2025.
Sau khi đề xuất từ EC trở thành luật tại EU, lợi nhuận từ tài sản của Nga sẽ được chi trả hai năm một lần, bắt đầu từ tháng 7. Ngoài 3%, Euroclear cũng có thể tạm giữ lại thêm 10% để trang trải chi phí pháp lý phòng trường hợp Nga khởi kiện để đòi lại tài sản cũng như lợi nhuận.
Euroclear cũng không kỳ vọng thu hồi 33 tỷ euro của mình trong tài khoản lưu ký chứng khoán ở ngân hàng trung ương Nga, bởi đã có hơn 100 vụ kiện ở Nga để phản đối việc này. Euroclear cũng có thể tăng tỷ lệ tạm giữ lên hơn 10% nếu cần thiết.
Giới chức EU dự đoán Nga còn tìm cách tịch thu tiền mặt trong tài khoản lưu ký chứng khoán của Euroclear ở Hong Kong, Dubai và một số nơi khác thông qua các vụ kiện. Họ lo rằng động thái này sẽ làm cạn nguồn vốn của Euroclear, tổ chức đang quản lý khoảng 37.000 tỷ euro tài sản trên thế giới.
Tòa nhà Ủy ban châu Âu ở Brussels, Bỉ hồi tháng 10/2022. Ảnh: AFP
Giới quan sát cho rằng biện pháp lập "hàng rào khoanh vùng" là giải pháp hợp lý nhất hiện nay để đáp ứng nhu cầu tài chính cấp thiết của Ukraine, trong bối cảnh chiến sự kéo dài và nỗ lực tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga lâm vào bế tắc.
Các quốc gia G7 gồm Mỹ, Anh, Pháp, Canada, Đức, Italy và Nhật Bản vẫn bất đồng về ý tưởng tịch thu tài sản của Nga và sẽ mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm để khối đạt một thỏa thuận chính trị.
Biện pháp tịch thu tài sản của một quốc gia từng được thực hiện trong quá khứ, như áp dụng với Iraq sau khi nước này tấn công Kuwait năm 1990 và Đức sau Thế chiến II, nhưng chỉ sau khi chiến sự kết thúc. Trong khi đó, chiến sự Nga - Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu sắp chấm dứt.
Các chuyên gia về nợ chính phủ lưu ý ngay cả tại Mỹ, Đạo luật về quyền hạn kinh tế khẩn cấp quốc tế (IEEPA) cũng không cho phép tịch thu toàn bộ tài sản đóng băng của Nga trong trường hợp giữa hai nước không có xung đột vũ trang.
"Trái phiếu bồi thường" cũng là phương án giúp lách các vấn đề pháp lý. Theo đó, Ukraine sẽ bán các trái phiếu với giá trị tương đương tài sản đóng băng của Nga và chỉ thanh toán gốc, lãi khi Kiev nhận được tiền bồi thường từ Moskva. Tài sản của Nga vẫn sinh lãi nên có thể dùng số tiền này trả dần cho trái chủ. Tuy nhiên, hạn chế của phương án này là Ukraine cần phải tìm được bên mua thì mới có tiền.
Theo Daleep Singh, giám đốc kinh tế toàn cầu tại PGIM Fixed Income, Ukraine có thể chia trái phiếu bồi thường thành nhiều nhóm. Ví dụ, chính phủ các nước phương Tây sẽ mua nhóm rủi ro cao nhất, còn nhà đầu tư phổ thông mua nhóm rủi ro thấp hơn.
"Người Nga sẽ không vui chút nào", Josep Borrell, quan chức phụ trách đối ngoại của EU, cho biết. 3 tỷ USD "không phải con số quá lớn nhưng không phải không đáng kể".
Trong khi đó, Nga đã thể hiện sự phẫn nộ với kế hoạch của EU. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova gọi đây là hành động "ăn cướp trắng trợn".
"Đây là những hành động ghê tởm, chưa từng có tiền lệ, vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế cơ bản", bà Zakharova nói. "Chúng tôi sẽ có biện pháp đáp trả".
Như Tâm (Theo Reuters, Washington Post)
----------